Tin Tức và Thời Sự
ngày 15 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Hội nghị về đạo lý tại Nhật Bản

Hội nghị về đạo lý tại Nhật Bản.

(UCAN JA9047-0958 15/01/98) - Nhật Bản - Dạo cuối năm ngoái (1997), Hội Nghị Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình, phân bộ Nhật Bản, đã tổ chức các khóa hội thảo về đề tài "Ðạo Lý trong thế kỷ 21" nhắm mục đích để ra một viễn tượng xã hội Nhật, đang ngày một ý thức hơn về sự chung sống hòa hợp giữa mọi người.

Khóa hội thảo diễn ra tại Tokyo vào ngày 29/11/97 là một trong số 3 khóa hội thảo gọi là "Thượng Ðỉnh 21" (Summit 21). Các tham dự viên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Lên tiếng trong khóa hội thảo này, cựu thủ tướng Nhật, ông Kiichi Miyazawa cảnh cáo rằng, dù rằng khái niệm về nhân quyền đã được nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay chấp nhận, tuy nhiên cũng không tránh khỏi trường hợp "quyền lợi cá nhân của một người luôn được dành ưu tiên mà làm phương hại hay dẫn đến sự bỏ rơi người khác". Ông Masara Hayami, một nhà doanh nghiệp và là người Kitô giáo đã đề cập tới nhu cầu phát triển một nền giáo dục hướng tới việc huấn luyện nhân bản, ý thức luân lý và biết nghĩ cho kẻ khác.

Trong khi đó, sự cô (Venerable) Jakucho Setouchi của Phật Giáo và là một văn sĩ, bày tỏ cảm nghĩ của riêng cá nhân mình như sau: "Sự yêu thích tiền của đang hủy hoại nước Nhật. Tôi cho rằng tất cả các tu sĩ cần phải bắt chước gương phục vụ của Mẹ Têrêsa thành Calcutta, mà không nghĩ đến chuyện sỡ hữu bất cứ một thứ gì cả. Tình yêu là biết nghĩ đến người khác và nghĩ đến người khác đòi hỏi một sự tưởng tượng (imagination). Nếu trí tưởng tượng của chúng ta không được xử dụng nó sẽ bị yếu đi, không thể đem lại kết quả mong muốn. Một nhà khoa học người Nhật khác đưa ra nhận xét như sau: "Sự lo lắng và bất an của con người phát sinh từ sự nghèo đói về tinh thần. Họ mong đạt được cả những gì không thuộc về họ."

Trong khóa hội thảo trước đó tổ chức vào ngày 4/11/97, Ðức Hồng Y Peter Seilehi Shirayanagi, Tổng Giám Mục Tokyo và cũng là chủ tịch của phân bộ tại Nhật, đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải xây dựng một nền văn minh dựa trên tình yêu và dành cho phụ nữ một vai trò lớn hơn trong xã hội.


Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ tại Ấn Ðộ cứu vớt trẻ em đường phố

Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ tại Ấn Ðộ cứu vớt trẻ em đường phố.

(UCAN IC9151-0958 15/01/98) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Khoảng 20 tổ chức phi chính phủ tại Ấn Ðộ vừa đề ra một chương trình nhằm cứu vớt và giáo dục các trẻ em đường phố cũng như các trẻ em bị bắt làm việc tại thủ đô New Delhi.

Với sự tài trợ từ Quỹ Nhi Ðồng Quốc Tế, gọi tắt là Unicef, các tổ chức nói trên thành lập nhóm gọi là "Diễn Ðàn cho Trẻ Em Ðường Phố và bị bắt Lao Ðộng", đồng thời thảo kế hoạch để đối phó với tình trạng đang lan tràn này ở thủ đô. Trong buổi lễ khai mạc hôm mùng 6 tháng Giêng năm 1998 vừa qua, ông Gerry Pinto, đặc trách các chương trình hoạt động của Unicef tại Ấn Ðộ, nói rằng: "Thay vì theo đuổi chương trình riêng của mình, các tổ chức phi chính phủ có thể đối phó với tệ nạn trẻ em đường phố cách hữu hiệu hơn bằng một nỗ lực chung. Chúng ta cần phải giáo dục chính mình trước khi dạy dỗ cho các em. Lời nói này ngụ ý là các nhân viên xã hội của chương trình cần phải được huấn luyện một các kỹ càng trước khi ra tiếp xúc với các trẻ em ngoài đường phố."

Diễn đàn tuy mới được thành lập nhưng cũng chỉ trích chính quyền tại New Delhi đã không ngó ngàng gì tới tình trạng trẻ em đường phố và bị bắt lao động. Ngoài ra chính phủ cũng không thu thập được các dữ kiện liên quan tới vấn đề này. Một cuộc thăm dò Hiệp Hội Rajiv Gandhi, lấy theo tên cựu thủ tướng Ấn Ðộ, cho thấy thủ đô New Delhi có khoảng 200 ngàn trẻ em đường phố và 600 ngàn trẻ em bị buộc làm lao động.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối những tin tức về Giáo Hội Việt Nam do Hãng Fides loan đi

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối những tin tức về Giáo Hội Việt Nam do Hãng Fides loan đi.

Hà-nội - 15.01.98 - Bản tin của AFP từ Hà-nội loan đi thứ Năm 15.01.98 viết như sau: "Việt Nam đã khiển trách Vatican, vì đã hiểu ít về tình hình đích thực các người Công Giáo tại Nước này". Việc khiển trách nhằêm trả lời cho việc tố cáo của Tòa Thánh cho rằng Hà Nội đã không cấp chiếu khán cho hai vị Giám Mục Việt Nam đi tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu sẽ họp tại Vatican vào tháng tư tới đây.

Bản tin trích lại lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam rằng: "Các bình luận của Fides về đường lối chính trị của Việt Nam đối với các người Công Giáo, có ý xấu và tỏ ra rằng Hãng Thông Tấn này biết ít về tình hình đích thực tại Việt Nam".

Fides là một cơ quan thông tin quốc tế lệ thuộc Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc; nhưng Fides cũng như các hãng thông tấn khác tại các nước tự do dân chủ, được hưởng dùng hoàn toàn quyền tự do của mình. Thật ra, không có việc hảng tin Fides "bỏ vạ cáo gian" Nhà Nước Việt Nam. Sự việc như thế này: Hai vị Giám Mục Việt Nam mà hảng tin Fides muốn nói đến, không có tên trong danh sách, vì các ngài đã được cho biết trước: nếu Hội Ðồng Giám Mục ghi trong danh sách, thì nhà nước cũng không cho phép đi. Vì thế các ngài đã xin Hội Ðồng Giám Mục đừng ghi tên vào danh sách. Thà rằng rút lui trước, để Hội Ðồng cử vị khác thay thế, khỏi gây chuyện rắc rối. Hơn nữa Bài nói chuyện của Ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ ngày mồng 8.10.1997 trước các Giám Mục Việt Nam họp tại Hà Nội, là một trong các tài liệu cho biết Giáo Hội tại Việt nam như thế nào.

(Lời bàn thêm của người đánh máy: Nhà nước Việt Nam chỉ ra lệnh cấm: trong danh sách xin cấp chiếu khán đi tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu không được có tên của Hai Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Giám Quản Tổng Giáo Phận Saigon, và Ðức Cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Giám Mục Phó Mỹ Tho; chứ đâu phải là "đã từ chối cấp chiếu khán" cho hai Giám Mục nầy theo như bản tin của Fides. Cả tờ đơn mà cũng bị cấm không được điền để mà nạp, thì làm sao mà có cơ hội nghe được câu từ chối????)


Tường thuật chuyến viếng thăm Tòa Thị Sảnh Roma của ÐTC

Tường thuật chuyến viếng thăm Tòa Thị Sảnh Roma của ÐTC.

Sáng thứ Năm 15/01/98, lúc 11 giờ 30, ÐTC đến viếng thăm chính thức Tòa Thị Chính Roma, do lời mời của Ông Francesco Rutelli, Thị Trưởng và Ủy Ban Hành Chánh. Chờ đợi đón tiếp ÐTC nơi cửa vào, có Ông Thị Trưởng, Ðức Hồng Y Camillo Ruini, Tổng Ðại Diện giáo phận Roma. Trong buổi gặp gỡ các thành viên của Hội Ðồng Thị Xã, ÐTC trao tặng mỗi vị Cuốn Sách Công Vụ Các Tông Ðồ, cuốn sách mà ngài trao tặng cho các gia đình Roma trong năm thứ hai của Tam Niên chuẩn bị Năm Toàn Xá 2000. Sau khi đã ký vào sổ vàng của Thị Xã, ÐTC tiến vào Phòng họp của Hội Ðồng Thành Phố. Tại đây Ông Thị Trưởng đọc diễn văn chào mừng. Tiếp theo là diễn văn đáp từ của ÐTC.

Sau khi cảm ơn Ông Thị Trưởng, Ban Hành Chánh và tất cả Hội Ðồng Thành Phố, ÐTC nói đến hai vị Giáo Hoàng trước ngài đã viếng thăm Tòa Thị Chính; trước hết là vào năm 1870, Ðức Pio IX, trong lúc tình hình chính trị tại Ý và Roma đang bước vào thời kỳ khó khăn. Sau đó, tháng 4 năm 1966, Ðức Phaolô VI đến viếng thăm Tòa Thị Chính để cảm ơn người dân Roma đã dành cho các Giám Mục khắp thế giới đến tham dự Công Ðồng chung Vatican II một sự đón tiếp lịch sự và quảng đại. ÐTC cũng đã giải thích Roma là gì? Theo một thi sĩ người Ba lan, ROMA đọc ngược lại là AMOR (Tình yêu thương). Xưng danh này là một lời kêu gọi ý nghĩa cho tất cả mọi người tiến về Năm Ðại Toàn Xá 2000, lời kêu gọi về Tình Yêu Thương. Ngài nói: "Tại nơi này, nơi gợi lại cách mạnh mẽ lịch sử và những huy hoàng của Thành Roma, sáng nay đây những người đại diện hiện nay của truyền thống ngàn năm gặp nhau. Tại đây Roma dân sự và Roma Kitô gặp lại nhau, không chống đối nhau, cũng không thay thế cho nhau, nhưng hiệp nhất với nhau, trong sự tôn trọng các sở trường khác nhau, và với lòng yêu mến tha thiết đối với Thành Roma này và với ý muốn làm cho nó trở nên khuôn mặt gương mẫu cho tất cả thế giới".

ÐTC nhắc đến những thay đổi, những biến chuyển sâu xa trong các thế kỷ tại Roma này. Bên cạnh những biến đổi này có những ánh sáng hy vọng, nhưng không thiếu những bóng tối. Rồi ngài cầu chúc như sau: "Lời cầu chúc của tôi là, cũng nhờ vào những năm đại phúc chuẩn bị Toàn Xá, Thành Roma hướng về nội tâm và được canh tân một cách cụ thể để tiến về Năm Ðại Toàn Xá, ngõ hầu có thể cống hiến cho các khách hành hương bộ mặt Kitô của mình, như việc loan báo về một thời kỳ hòa bình và hy vọng cho tất cả nhân loại".

"Roma và Năm Ðại Toàn Xá là hai thực tại nhắc nhở nhau và làm vẻ vang cho nhau". Vì thế ÐTC nhắn nhủ rõ ràng rằng: "Roma hãy xứng đáng với quá khứ huy hoàng của ngươi, xứng đáng với Phúc Âm đã được rao giảng cho ngươi, xứng đáng với các Vị Tử Ðạo và Các Vị Thánh đã làm lừng danh ngươi. Hãy mở các kho tàng của tâm hồn ngươi và lịch sử ngàn năm của ngươi cho Chúa Kitô. Ðừng sợ, Người không hạ giá tự do và sự cao cả của ngươi. Người yêu thương ngươi và ước muốn làm cho ngươi xứng đáng ơn gọi dân sự và tôn giáo của ngươi, để ngươi tiếp tục ban phát kho tàng quí báu đức tin, văn hóa và tình nhân đạo cho các con cái ngươi và cho người của thời đại ta".

Và để biểu lộ lòng biết ơn đối vị Giám Mục Roma về giáo huấn và các hoạt động của ngài và đồng thời để ghi nhớ muôn đời chuyến viếng thăm lịch sử ngày 15 tháng Giêng năm 1998, Ban Hành Chính đã đựng một bia ghi kỷ niệm trong Phòng Hội Thị Xã.

Ngoài ra, Thị Xã còn tặng ÐTC một tảng đá lấy từ Hí Trường Coliseum, và từ Hí trường Flavio, hai nơi lịch sử vẫn còn ở trong trí tưởng tượng của mọi người và cũng là nơi truyền thống của "Via Crucis" (Ðường Thánh Giá) do ÐTC hướng dẫn vào Ngày Thứ sáu Tuần Thánh, để kính nhớ cuộc Tử Nạn Chúa Giêsu . Ðây còn là di tích lịch sử nhắc lại cuộc Tử Ðạo của các tín hữu Kitô những thế kỷ đầu Giáo Hội.

Sau các lễ nghi tiếp đón tại Phòng Hội Ðồng Thị Xã, ÐTC tiến sang phòng bên cạnh để chào thăm đại diện anh em thợ thuyền, đại diện các đoàn thể Thành Phố và một nhóm trẻ em, con cái của các người di dân, khách trọ tại các trung tâm tiếp đón của Thị Xã.

Trước khi trở về Vatican, ÐTC ra bao lơn mặt tiền Tòa Thị Chính đề chào dân chúng tụ họp tại quảng trường. ÐTC nói: ngài thông phần với các niềm vui, các đau khổ, các chờ đợi và các thực hiện của Thành Phố huy hoàng này. Ngài chào thăm cách riêng thanh niên nam, nữ, vì họ là tương lai của Roma. Ngài khuyên họ hãy hãnh diện về lịch sử và về ơn gọi thiêng liêng của Roma và hãy sẵn sàng xây dựng một tương lai xứng đáng quá khứ vinh quang của Thành Phố này. Ngài không quên chào thăm tất cả những ai đau khổ thể xác và tinh thần. Ngài ước mong tình liên đới về phía toàn dân, nhất là đối với người dân Roma thuộc các truyền thống tôn giáo khác: Do Thái, các anh chị em thuộc các giáo hội Kitô khác, các tín hữu Hồi Giáo và tất cả những ai xác nhận có một cái nhìn tôn giáo về đời sống và những ai đang đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. ÐTC nói: "Lòng yêu mến đối với chân lý, kỷ luật luân lý và việc đối chất bình thản với các tín hữu góp phần vào việc làm cho Roma trở nên kiểu mẫu của cuộc chung sống tôn trọng nhau giữa mọi người nam nữ, thuộc các tôn giáo và các căn cước khác nhau". ÐTC nhớ đến cách riêng những anh chị em đến từ các nước xa và đã hòa đồng trong đời sống thành phố, "đây là sự hiện diện làm phong phú khuôn mặt hiếu khách và hòa bình của Thành Roma". Sau cùng với tất cả người dân Roma, ÐTC khuyên hãy "trung thành với các giá trị bất diệt của nền văn minh Kitô của chúng ta, một nền văn minh được sống động hóa bởi đức tin Công Giáo". Dân chúng vỗ tay hoan hô cách nồng nhiệt, như dấu hiệu đón nhận và dấn thân thi hành những lời căn dặn của Vị Chủ chăn đầy lo lắng và yêu thương. Chuyến viếng thăm lịch sử tại Tòa Thị sảnh kết thúc vào lúc 13g30, theo đúng chương trình. Trước khi lên xe ra về, ÐTC còn nói khôi hài như sau:

"Sau chuyến viếng thăm này, đến chuyến viếng thăm Cuba, chỉ còn một tuần nữa". Và ÐTC xin cầu nguyện cho chuyến viếng thăm quan trọng này được thành công tốt đẹp.


Thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp giữa Tòa Thánh và Những vị lãnh đạo Palestine

Thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp giữa Tòa Thánh và Những vị lãnh đạo Palestine.

Tin Vatican (VIS 15/01/98): Sáng hôm qua, thứ Năm 15/01/98, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho công bố bản văn sau đây nói về việc thành lập Ủy ban Hỗn Hợp giữa Tòa Thánh và Những Vị Lãnh Ðạo Palestine, như sau:

Ý Tưởng thành lập một Ủy Ban Hỗn Hợp giữa Tòa Thánh và Những Vị Lãnh Ðạo Palestine, không phát sinh trong những ngày mới đây. Ý Tưởng đó đã được biểu lộ nhiều lần, do cả hai bên, và được ghi vào trong thông cáo chung ngày 25 tháng 10 năm 1994. Theo thông cáo chung nầy, thì mối liên lạc giữa Tòa Thánh và Tổ Chúc Giải Phóng Palestine, trở thành chính thức, và Văn Phòng Ðại Diện của Tổ Chức Giải Phóng Palestine tại Tòa Thánh, được khai mở.

Tuy nhiên thông cáo của Phòng Báo Chí xác định thêm rằng, hiện tại chưa có quyết định ai sẽ là thành viên của Ủy Ban Hỗn Hợp nầy, và lúc nào sẽ có buổi họp đầu tiên. Mục đích của Ủy Ban Hỗn Hợp là xác định quy chế pháp lý cho Giáo Hội Công Giáo tại Lãnh Thổ Palestine.


Back to Radio Veritas Asia Home Page