Tin Tức và Thời Sự
ngày 14 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Văn phòng truyền thông xã hội Sri Lanka đồng ý cấm chiếu phim xúc phạm tới Hồi Giáo

Văn phòng truyền thông xã hội Sri Lanka đồng ý cấm chiếu phim xúc phạm tới Hồi Giáo.

(UCAN 14/01/98) - Sri Lanka - Giám đốc văn phòng truyền thông xã hội của Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka, cha Cyril Garnini Fernando, đã đồng ý với việc cấm quay một bộ phim tập do Ðài BBC sản xuất tại Sri Lanka, vì người Hồi Giáo cho rằng cuốn phim này xúc phạm tới tôn giáo của họ.

Cuốn phim này dựa theo một tác phẩm mang tựa đề xin tạm dịch là "Các trẻ Em của Nửa Ðêm" (Midnight's Children), do văn sĩ người Anh gốc Ấn Ðộ, Salman Rashdie, viết. Chuyện phim kể về cuộc đời của nhân vật tên là Saleem Senai và ba người khác nữa được sinh ra vào đêm Ấn Ðộ và Pakistan trở thành hai quốc gia độc lập, với bối cảnh của Ấn Ðộ sau ngày được độc lập khỏi sự cai trị của Anh Quốc. Ủy ban đặc trách về truyền thông của Bộ Ngoại Giao và Bộ Truyền Thông Sri Lanka đã đọc kịch bản của phim này và xét thấy nội dung không có ý xúc phạm người Hồi Giáo. Tuy nhiên dạo giữa tháng 11, một vị bộ trưởng theo đạo Hồi của Sri Lanka, được sự hậu thuẫn của các tổ chức Hồi Giáo trong nước, đã lên tiếng yêu cầu bà tổng thống Chandrika Kumaratunga nên rút lại giấy phép cho quay cuốn phim này tại Sri Lanka. Theo lời loan báo của vị bộ trưởng này, thì bà Kumaratunga đã chấp thuận lời yêu cầu của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn UCAN hôm 10/12/97 vừa qua, cha Fernando bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Vì lẽ tôn giáo giữ một vai trò quan trọng tại Sri Lanka, nên việc cấm quay tập phim này là một điều hợp lý, bất luận phim này có một giá trị nghệ thuật hay văn chương như thế nào". Một vị dân biểu Sri Lanka theo đạo Hồi cũng đồng ý với cha Fernando khi ông nói rằng: "Kiểu cách sống tại các quốc gia trong vùng Nam Á Châu được liên kết chặt chẽ với tôn giáo tới mức độ, bất cứ một hình thức nào nhắm tách rời tôn giáo và xã hội, là điều không thể xảy ra được."


Ðại sứ của CuBa cạnh Tòa Thánh Phát biểu về chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC tại Cuba

Ðại sứ của CuBa cạnh Tòa Thánh Phát biểu về chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC tại Cuba.

Tin Vatican (RG 14/01/98): Hôm thứ Ba vừa qua, 13/01/98, Ông Hermes Herrera, đại sứ của Cuba cạnh Tòa Thánh, đã tham dự cuộc họp báo tại Roma, để trình bày về những chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba, từ ngày 21 đến 26 tháng Giêng nầy. Ông Ðại sứ Cuba đã phát biểu như sau: Quý vị biết rằng Ðất Nước Cuba chúng tôi đang trải qua hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng hết sức mình để cung cấp những phương tiện chuyên chở cần thiết cho các tín hữu được tham dự vào các thánh lễ ngoài trời của ÐTC. Không ai muốn lèo lái chuyến viếng thăm của ÐTC, từ quan điểm chính trị. Tôi nghĩ rằng ÐTC Gioan Phaolô II cần phải đi thăm Cuba, và Ngài đến Cuba để cổ võ tất cả những gì là tích cực, là tốt lành. Và quan niệm Công Giáo về sự sống nằm trong chiều hướng nầy, nghĩa là một điều tích cực và tốt lành. Và theo nghĩa nầy, nếu Ðức Giáo Hoàng đến Cuba và muốn cổ võ cho những giá trị Công Giáo, thì việc nầy không có gì mâu thuẩn với Nhà Nước Cuba, bởi gì chúng tôi không chống lại những giá trị Công Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây, là hôm chiều thứ Ba vừa qua, 13/01/98, lần đầu tiên sau 40 năm, Ðức Hồng Y Jaime Ortega, TGM Thủ Ðô La Havana, đã xuất hiện trên đài truyền nhà nước Cuba, để ngỏ lời với dân chúng về chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC tại đây. ÐHY đã nhấn mạnh rằng chuyến viếng thăm sắp đến của ÐTC tại Cuba nhắm đến việc đề cao phẩm giá con người. Ðây là mối quan tâm nằm ở trung tâm đức tin Kitô. Từ phẩm giá con người, phát sinh những nhân quyền, như quyền được sống ngay từ lúc được thụ thai, chống lại việc phá thai và án tử hình, quyền có cơm ăn áo mặc, quyền hưởng được sức khỏe, quyền được giáo dục. Ðối vối những người dân Cuba tị nạn tại Hoa Kỳ, thì biến cố Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục La Havana xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước là một điều tích cực và là dấu chỉ cho sự bắt đầu cởi mở của chế độ cộng sản tại Cuba.


Bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh "Công Lý và Hòa bình" về Văn Kiện mới được trình bày với giới báo chí sáng thứ Ba 13 tháng Giêng năm 1998

Bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh "Công Lý và Hòa bình" về Văn Kiện mới được trình bày với giới báo chí sáng thứ Ba 13 tháng Giêng năm 1998.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận là một vị Giám Mục được biết đến nhiều tại Việt Nam và ngoại quốc. Ngài làm Giám Mục Nha Trang từ năm 1967; sau đó thăng Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị Tổng Giáo Phận Saigon. Sau khi Saigon thất thủ (30.04.1975), Ðức Tổng Giám Mục bị Nhà Nước Cọng sản Việt Nam giam tù từ ngày 15 tháng 8 năm 1975 và được trả tự do ngày 21 tháng 11 năm 1988. Sau thời gian tạm trú tại Tòa Tổng Giám Mục Hà nội, Nhà Nước trục xuất khỏi nước. Ngài sang Roma nghỉ thời gian. Sau đó, ÐTC bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa bình. Ngoài công việc của Bộ, ngài thường được mời đi giảng hoặc diễn thuyết tại nhiều nơi: Pháp, Hoa Kỳ, Ðức, Thụy Sĩ , Ý. Trước Lễ Giáng Sinh, ngài được mời đến Paris diễn thuyết cho Hội Luật Gia Công Giáo, cho sinh viên Phân Khoa Luật và cho Hội Bác Sĩ Raoul Follereau tại Ðại Học Sorbonne, nhân dịp kỷ niệm 20 năm qua đời của Vị Tông Ðồ các người phong cùi.

Nhân dịp trình bày Văn Kiện quan trọng của Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình, ngài cho phép Bản Ðài phỏng vấn về tài liệu mới này.

Veritas - Kính thưa Ðức Cha, chúng con được biết hôm 13 tháng Giêng, ở Phòng Báo Chí Tòa Thánh có cuộc họp báo, do Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình, chủ tọa. Xin Ðức Cha cho chúng con biết nội dung của cuộc họp báo quan trọng này.

Ðức Tổng Thuận - Cuộc họp báo này nhằm trình bày một Văn kiện của Tòa thánh, do Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình soạn thảo. Chủ đề của Văn Kiện là "Ðể phân chia đất đai một cách tốt đẹp hơn". Vì đây là một vấn đề xã hội, công bình; nên thuộc chức năng của Bộ Công Lý và Hòa bình.

Veritas - Vấn đề này có liên quan gì với Năm Thánh 2000 không?

Ðức Tổng Thuận - Mặc dù là vấn đề của Bộ Công Lý và Hòa bình xử lý, nhưng nguồn gốc của nó về mặt tinh thần lại thuộc Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh. Lý do là vì trong Cựu Ước, vấn đề phân chia đất đai là nguồn gốc của một tổ chức xã hội rất đặc biệt, đó là Năm Toàn Xá, quen gọi là Năm Thánh. Tổ chức này trong Thánh Kinh nhằm thực hiện một cách cụ thể chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa trong tạo vật; theo chương trình ấy quả đất này và các kho tàng của nó phải được coi như là của chung của toàn thể nhân loại. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trình bày lại trong Tông Thư "Tiến đến Ngàn Năm thứ ba" (số 13) tinh thần và truyền thống quý đẹp ấy của Thánh Kinh truyền lại. Do đó Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình đã nhận thấy mình có nhiệm vụ soạn thảo một văn kiện, hầu giúp cho con đường tiến lên Năm 2000 toàn thể Giáo Hội được có một sự chuẩn bị vừa phong phú vừa chứa đựng nhiều đòi hỏi về mặt đạo đức.

Veritas - Khi nghe nói đến những danh từ như "Cải cách ruộng đất", nhiều người không tin tưởng, vì có nhiều nước trên thế giới đã thất bại trong việc này?

Ðức Tổng Thuận - Tôi công nhận là có, nếu hiểu là lấy đất đai của người sở hữu đem chia cho nông dân, thì thật quá đơn giản. Vì thế phần thứ nhất của Văn kiện, từ số 4 đến số 21, trình bày một số trường hợp tiêu biểu: tập trung đất đai trong tay một số nguời hay phân chia manh mún không khoa học, không nâng đỡ mặt xã hội; lại còn phải lưu ý cái khâu tổ chức, cơ cấu làm nặng nề và ngăn cản việc thực hiện cải cách đất ruộng đứng đắn. Muốn được vậy cần phải có đường hướng rõ ràng, phần thứ hai của Văn Kiện từ số 22 đến số 41, nhằm suy dẫn Thánh Kinh và Giáo Huấn xã hội của Giáo Hội. Ðây là chìa khóa để hiểu vấn đề và thực hiện đúng mức. Phần thứ ba tập trung vào các nền tảng luân lý và văn hóa để thực hiện cuộc phân chia lại đất đai có kết quả.

Veritas - Làm sao cho việc tái phân chia đất đai có kết quả?

Ðức Tổng Thuận - Phải nghiên cứu những đòi hỏi về công lý của dân chúng và đáp ứng những đòi hỏi này để đưa đến một mức độ phát triển vững chắc. Phải hành động một cách có hệ thống và đồng bộ. Phải áp dụng một số yếu tố cần thiết, chẳng hạn phải huấn luyện nghề nghiệp cho người nông dân xử dụng tín dụng; phải thăng tiến vai trò của người phụ nữ. Văn kiện đề cập đến đường lối đổi mới, để chuyển động từ được các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị. Văn kiện cũng không quên nhắc đến vấn đề khoa học, kỹ thuật, vấn đề giáo dục nhất là dành cho người nghèo và phụ nữ, những thành phần thường chịu nhiều thiệt thòi.

Veritas - Nhìn chung cả Văn Kiện, Ðức Cha có cảm tưởng thế nào?

Ðức Tổng Thuận - Văn Kiện này là tiếng nói "chung" thay cho nhiều tiếng nói "riêng" của các Giáo Hội địa phương, mỗi ngày phải đương đầu với nhiều vấn đề gay cấn về đất đai. Ðây cũng là một "thách đố về cải cách đất đai", vì danh từ này đã trở thành một viễn tưởng (utopia); nhưng là một thách đố kêu gọi đến trách nhiệm của nhiều người. Qua Văn kiện càng thấy rõ sự lo lắng của Giáo Hội, của Ðức Thánh Cha đối với các người nghèo khổ.

Veritas - Ðức Cha có dự cuộc họp báo không?

Ðức Tổng Thuận - Không. Tôi phải đi ra sân bay gấp, để đi giảng ở Washington và sẽ trở về kịp, trước khi Ðức Hồng Y Etchegaray tháp tùng Ðức Thánh Cha lên đường viếng thăm Cuba. Một chuyến đi được nhiều người chờ đợi, cầu nguyện, một chuyến đi được báo chí đề cập đến sôi nổi nhất; nhưng tôi tin chắc cũng như năm vừa rồi, những chuyến đi đến những nơi sôi bỏng nhất, người ta bảo là không thể vượt qua, như Sarajevo, Liban v.v... chuyến đi mà người ta cho là khó kết quả, như Ðại Hội giới trẻ ở Paris, thì như điện thư của Ðức Hồng Y Lustiger gửi cho tôi: "Ðã vuợt quá hy vọng của con người".

Veritas - Chúng con xin cảm ơn Ðức Cha đã dành thì giờ quí báu, để thính giả của Ðài biết đến Văn Kiện mới của Tòa Thánh. Chúng con xin chúc Ðức Cha nhiều thành công trong sứ vụ tông đồ.

Ðức Tổng Thuận - Xin cảm ơn và hẹn gặp lại dịp khác.


ÐTC tiếp các đoàn hành hương tại Thính Ðường Phaolô VI sáng thứ Tư vừa qua 14/01/98

ÐTC tiếp các đoàn hành hương tại Thính Ðường Phaolô VI sáng thứ Tư vừa qua 14/01/98.

(Vatican, 14/01/98) Buổi tiếp kiến chung các đoàn hành hương sáng thứ Tư vừa qua, ngày 14 tháng Giêng, là buổi tiếp kiến chung đầu tiên của Năm mới 1998. Ba thứ Tư trước đây không có buổi tiếp kiến chung: vì giáp lễ Giáng sinh và đầu năm mới.

Số người tham dự buổi tiếp kiến chung thứ Tư vừa rồi khoảng bốn ngàn, trong số này các đoàn hành hương đến từ các miền khác nhau trong nước Ý chiếm hơn hai ngàn; phần còn lại là các đoàn hành hương đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới như: Pháp, Bielorussia, Ba Lan, Cộng Hòa Tchèque, Ðan Mạch, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Mehico, Chile, Argentina và Brazil.

Trong bài giáo lý chung cho các tín hữu, ÐTC đã nói về "Mầu nhiệm của GIỜ" của Chúa Giêsu.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói nhiều lần đến "Giờ" của Người; GIỜ đây nghĩa là gì? ÐTC đã giải thích về GIỜ của Chúa như sau:

Chúa Giêsu dùng danh từ "Giờ" để chỉ thời gian do Thiên Chúa Cha ấn định để hoàn tất công việc Cứu chuộc. Trong Tiệc cưới Cana, lúc Ðức Mẹ xin Chúa làm phép lạ giúp đôi tân hôn đang gặp khó khăn vì thiếu rượu, Chúa trả lời: Giờ Con chưa tới. Giờ ở đây muốn nói là "giờ" của việc biểu lộ uy quyền cứu thế của Người, là "GIỜ" của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh.

Phép lạ thứ nhất tại CANA hướng về "giờ" nầy của Cuộc Tử Nạn và của Phục Sinh. Tại Cana, Chúa Giêsu khai mạc Tiệc Cưới, hình ảnh của Nước Thiên Chúa, và loan báo về "GIỜø" trong đó nhân loại sẽ tham dự vào việc Phụng Tự mà Người dâng lên cho Chúa Cha. Ðây là giờ của mối liên lạc mới, của việc phụng tự mới "trong Thánh Thần Khí và trong Sự Thật" (Ga 4, 23). Trong GIỜ đó, Chúa Giêsu ban cho tất cả nhân loại sự sống, là chính Người. Trọn cả cuộc sống trần gian của Chúa đều hướng về giờ này.

Trong lúc đau khổ trước ngày Tử nạn, Chúa Giêsu nói: "Giờ đây tâm hồn Thầy xao xuyến; và Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này; nhưng chính vì giờ này mà con đã đến" (Ga 12, 27). Ðây là giờ Chúa Cha đã muốn. Vì thế trước giờ này, không một người nào có thể bắt được Người hay lên án tử Người, như Phúc Âm đã ghi như sau "Bấy giờ họ tìm cách bắt Ngưòi, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến" (Ga 7, 30).

Giờ của Cuộc Tử nạn là giờ của Người, giờ yêu thương các môn đệ đến cùng. Phúc âm theo thánh Gioan đã ghi như sau: "Trước lễ Vượt qua, Chúa Giêsu biết giờ Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13, 1). Ðó là Giờ của Tình yêu: Tình yêu cho đến cùng, nghĩa là đến hy sinh sau cùng. Trong hy sinh của Người, Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta biết Tình yêu hoàn toàn: Người không thể yêu thương chúng ta sâu xa hơn nữa được.

Giờ Tử nạn cũng là giờ vinh quang. Theo Thánh Gioan , đây là giờ Chúa được treo cao lên khỏi mặt đất (Ga 12, 32). Việc treo lên cao trên Thánh Giá là dấu hiệu của việc nâng lên cao trong vinh quang trên trời. Lúc đó, Chúa Vinh Quang trở về với Chúa Cha; lễ hy sinh của Người đã hoàn tất. Và nhân loại được mời gọi kết hiệp với Người để trở về với Chúa Cha.

Ðó là nội dung chính của Bài Giáo Lý cho các tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư vừa qua, tại Vatican. Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến, ÐTC nói về tình hình bi thảm tại Algérie và Rwanda như sau: "Thù ghét vẫn tiếp tục gây đẫm máu trên mãnh đât yêu quí Châu phi. Tại Algérie vẫn không ngừng những vụ tàn sát, liên lụy đến cả phụ nữ, người già và trẻ em. Tại Rwanda năm Nữ Tu truyền giáo của Tu Hội Nữ Tử Chúa Phục Sinh và hai người cộng tác giáo dân đã bị sát hại trong Giáo phận Nyundo. Hai Nữ Tu khác bị thương nặng. Sự khiếp sợ và đau đớn tràn ngập tâm hồn tất cả chúng ta vì những vụ thê thảm này; những vụ tàn sát này không thể không chất vấn lương tâm tất cả nhân loại Chúng ta dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ tàn sát độc ác này. Tôi xin bày tỏ tình liên đới và sự gần gũi thiêng liêng với tất cả những ai đang sống trong buồn phiền và đau khổ và tôi tận tình cầu chúc cho các người bị thương chóng bình phục. Ước gì hy sinh của biết bao người vô tội đẫn đưa đến việc hối cải, việc tha thứ và sau cùng đến hòa bình".

Sau Algérie và Rwanda, ÐTC cũng bày tỏ với nhóm hành hương Tây ban nha sự đau đớn và lo lắng của Ngài về những vụ khủng bố mới đây, đi ngược lại với ý chí hòa bình luôn luôn được biểu lộ công khai bằng các cuộc biểu tình khổng lồ. ÐTC nói: "Những hành động bạo lực này, biểu lộ nền văn hóa sự chết, không có một lý do nào để biện minh cho, và gây tổn thương cho tương lai của tất cả một dân tộc. Tôi ước mong những hành động như vậy chấm dứt, để tất cả được hưởng một tương lai sống trong khoan dung, sự tôn trọng và tự do".


Các Giám Mục Bỉ kêu gọi chấm dứt cuộc tàn sát tại Algerie

Các Giám Mục Bỉ kêu gọi chấm dứt cuộc tàn sát tại Algerie.

(EWTN 14/01/98) - Bỉ (Brussels) - Thứ Hai vừa qua (12/01/98), Hội Ðồng Giám Mục Bỉ đã lên tiếng bay tỏ tình đoàn kết với dân chúng Algerie và những ai đang dấn thân xây dựng hòa bình tại quốc gia, nơi đang diễn ra các cuộc tàn sát thảm khốc chưa từng thấy trong cuộc nội chiến giữa chính phủ và phe Hồi Giáo.

Trong sứ điệp được công bố, các Giám Mục Bỉ chia sẻ nỗi đau buồn và tình hiệp thông với dân chúng Algerie, đang bị khủng hoảng tinh thần bởi các vụ tàn sát vô nghĩa. Kể từ khi tháng chay tịnh Ramandan của người Hồi bắt đầu, các phiến quân Hồi Giáo cực đoan tại Algerie, đã tàn sát vô số kể người dân vô tội, trong khi thân nhân của những người bị giết đang lâm vào hoàn cảnh cô đơn giữa cơn bạo động. Chỉ nội trong tuần vừa qua, có 400 người bị sát hại, sau khi các phiến quân Hồi Giáo đã ném bom vào một rạp hát và đền thờ có đông người, và truy giết những người chạy thoát.

Ðứng trước thảm cảnh này, các Giám Mục Bỉ kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy dấn thân cổ võ một cuộc đối thoại và hòa giải tại Algerie. Hội Ðồng Giám Mục Bỉ cũng xin các cộng đoàn Kitô Giáo trên thế giới hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc bạo động và cho những ai đang cổ võ hòa bình tại quốc gia bị chia rẽ này. Algerie lâm vào tình trạng nội chiến kể từ năm 1992 sau khi chính phủ hủy bỏ cuộc bầu cử, trong đó phe Hồi Giáo cực đoan có nhiều cơ may thắng cuộc.


Back to Radio Veritas Asia Home Page