Tin Tức và Thời Sự
ngày 13 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Các công ty gỗ của Nhật chịu trách nhiệm về nạn hạn hán tại Papua Tân Guinea

Các công ty gỗ của Nhật chịu trách nhiệm về nạn hạn hán tại Papua Tân Guinea.

(AFP 13/01/98) - Các công ty gỗ của Nhật có thể phải chịu trách nhiệm về nạn hạn hán tại Papua Tân Guinea, phát sinh từ tình trạng khai thác gỗ tại các khu rừng nhiệt đới của nước này.

Hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo đã đưa ra nhận định như trên, dựa trên các báo cáo do Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Nhật công bố, qui lỗi cho các công ty tiếp tục đốn cây để lấy gỗ. Bản tin của Fides cũng đồng ý với nhận xét của Cơ Quan Cứu trợ Quốc Tế Australia rằng, khoảng 1,2 triệu người dân Papua Tân Guinea có thể bị đói, hậu quả của nạn hạn hán hiện nay. Ðức Cha Cesare Bonivento, Giám Mục Vanimo, thuộc phía Bắc đảo chính Tân Guinea cho biết nạn đói đang ngày một trở nên khẩn thiết hơn, nhất là với những người bộ tộc, lệ thuộc vào nguồn thực phẩm trong rừng.

Tại các vùng phía Tây của quần đảo Tân Guinea, đặc biệt là tại Irian Jaya, do Indonesia kiểm soát, kể từ tháng 12/97, có hơn 500 người đã chết vì đói. Mùa mưa đang bắt đầu nhưng phải đợi cho đến tháng 5/98 hoặc tháng 6/98 thì đất mới có thể ướt để trồng trọt. Cũng theo Ðức Cha Bonivento, hiện nay thì hầu hết đất đai trồng trọt tại Papua Tân Guinea đều cứng như đá, và các nông dân cũng không còn hạt giống để trồng vì tất cả đều được dùng làm thực phẩm. Rải rác các nơi, số người bị chết đói, đã lên đến hàng trăm. Tại các vùng cao nguyên, các nông trại trồng cà phê và mía đã bị nạn hạn hán phá hủy hoàn toàn. Ðiều này có nghĩa là sẽ mất đi nguồn ngoại tệ xuất cảng và như thế không còn tiền để nhập các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, thịt, cá hoặc sữa.


Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Havana xuất hiện trên đài truyền hình Cuba

Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Havana xuất hiện trên đài truyền hình Cuba.

(Reuters 13/01/98) - Cuba (Havana) - Tối thứ Ba vừa qua (13/01/98), vào lúc 10 giờ tối, giờ địa phương, Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục Havana, đã xuất hiện trên đài truyền hình của chính phủ để giải thích cho dân chúng về chuyến viếng thăm tuần tới của ÐTC Gioan Phaolô II. Chương trình này được truyền hình trực tiếp và kéo dài khoảng 30 phút. Ðây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng năm 1959 tại Cuba, một nhà lãnh đạo của Giáo Hội được phép lên tiếng với công chúng trên đài truyền hình nhà nước.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Havana trước đó, chủ tịch quốc hội Cuba, ông Kicardo Alarcon đã gọi đây là một dấu hiệu tích cực. Ông giải thích như sau: "Ðây là một phần trong nỗ lực chung của chính phủ Cuba cũng như của Giáo Hội Công Giáo, nhằm quảng bá thông tin và đóng góp những gì cả hai phía đều muốn là một biến cố quan trọng". Vị chủ tịch quốc hội Cuba cũng lập lại là chính phủ không muốn chính trị hóa chuyến viếng thăm của ÐTC và nhấn mạnh điều mà ông gọi là hòa khí hiện nay giữa chính phủ Cuba, Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, trong việc chuẩn bị cho chuyến viếng thăm lịch sử này.

Ðược các ký giả hỏi nhiều lần rằng: chính phủ Cuba có lo sợ là chuyến viếng thăm của ÐTC có thể làm thay đổi cơ cấu chính trị của Cuba hay không, xét vì ảnh hưởng của ÐTC Gioan Phaolô II trong sự sụp đổ của chủ nghĩa Cọng sản tại Ðông Âu, ông Alarcon trả lời như sau: "Chúng tôi không quan tâm tới vấn đề này. Chúng tôi mời ngài, chúng tôi không ngu xuẩn hay điên rồ. Chúng tôi đang đón tiếp một người bạn, một người có quan hệ với Cuba. Chuyến viếng thăm của ÐTC rất quan trọng theo nghĩa nó sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển bình thường hóa quan hệ giữa chính phủ Cuba với cả Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương. Chúng tôi chắc chắn rằng chuyến viếng thăm này sẽ thành công vẻ vang, một biến cố lịch sử, và mọi toan tính gây đổ vỡ cho cuộc viếng thăm này sẽ bị thất bại".


ÐTC được hoàn toàn tự do phát biểu tại Cuba

ÐTC được hoàn toàn tự do phát biểu tại Cuba.

(Reuters 13/01/98) - Roma - Ðại sứ Cuba cạnh Tòa Thánh, ông Hermes Herrera vừa cho biết, ÐTC Gioan Phaolô II được hoàn toàn tự do phát biểu tất cả những gì ngài muốn trong chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba, tuy nhiên động lực chính của chuyến viếng thăm không phải là chính trị.

Trên đây là lời phát biểu của vị đại sứ Cuba trong cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc tế tại Roma hôm thứ Ba vừa qua. Ông nói thêm: "Ðức Giáo Hoàng có thể nói tất cả những điều ngài muốn tại Cuba. Chính phủ Cuba không nói với ÐTC, ngài có thể đến nhưng ngài không thể nói điều này điều kia. Nếu ÐTC muốn nói về nhân quyền, cũng được, bởi vì chúng tôi rất hãnh diện về thành tích nhân quyền của chúng tôi, cho dầu công luận thế giới vẫn thường chống lại chúng tôi.

Vị đại sứ Cuba cũng bày tỏ cảm nghĩ rằng chuyến viếng thăm của ÐTC chắc chắn sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng chính trị, nhưng theo ông, chính phủ Cuba không thể và không muốn nói đến vấn đề giữa cái gì là chính trị hay không phải là chính trị. theo ông, hẳn nhiên trọng tâm chuyến viếng thăm của ÐTC là mục vụ chứ không phải là chính trị, và biến đổi một chuyến đi mục vụ thành một công tác chính trị không có ý nghĩa gì, mà chỉ là điều mâu thuẫn mà thôi. Ông cho biết chủ tịch Fidel Castro muốn chuyến viếng thăm lịch sử này của ÐTC, thực sự trở nên tích cực cho tất cả mọi người.


Phái đoàn người Hoa Kỳ gốc Do Thái kêu gọi Tòa Thánh mở Văn Khố

Phái đoàn người Hoa Kỳ gốc Do Thái kêu gọi Tòa Thánh mở Văn Khố.

(AFP 13/01/98) - Vatican - Thứ Ba tuần này (13/01/98), một phái đoàn Hoa Kỳ thuộc Hiệp Hội Chống Bài Do Thái (Anti-Delamation League) đã viếng thăm Tòa Thánh và yêu cầu cho mở văn khố trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến.

Trong thời gian gần đây các nhóm người Do Thái vẫn thường xuyên yêu cầu Tòa Thánh mở văn khố liên quan tới vai trò Giáo Hội trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, nhưng các viên chức Tòa Thánh đã từ chối viện lẽ rằng, tất cả những tài liệu lịch sử liên quan tới giai đoạn này đã được công bố. Rabbi David Rosen, chủ tịch Hiệp Hội nói trên tại Jêrusalem, cũng có mặt trong phái đoàn đến Tòa Thánh cho rằng việc Tòa Thánh đáp ứng lời yêu cầu nói trên rất có hiệu quả về mặt tâm lý. Nhóm của ông đang tranh đấu để loại trừ những thành kiến, và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa cộng đoàn Do Thái và Công Giáo trên thế giới. Ðể đạt tới mục tiêu này, sự minh bạch về vai trò của Tòa Thánh trong quá khứ là điều cần thiết.

Ông Rosen cho biết thêm là phái đoàn sẽ xin ÐTC cho phép mở các tài liệu, viết về quan hệ giữa các phong trào chống bài Do Thái và Cuộc Diệt Chủng. Ông cũng cám ơn ÐTC về những bước khởi xướng của ngài nhằm xây dựng mối quan hệ Do Thái Giáo và Công Giáo trong kỷ nguyên mới này.


Một người đồng tính luyến ái tự thiêu tại quảng trường Thánh Phêrô

Một người đồng tính luyến ái tự thiêu tại quảng trường Thánh Phêrô.

(Reuters, AFP 13/01/98) - Roma - Một người đồng tính luyến ái đã tự thiêu tại quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Ba vừa qua. Cảnh sát Roma cho biết, qua một lá thư để lại trong túi áo khoác của mình, người này nói rằng anh cảm thấy thất vọng vì thái độ kỳ thị của xã hội và giáo hội đối với giới đồng tính luyến ái.

Nạn nhân tên là Alfredo Ormando, 39 tuổi, cư ngụ tại thành phố Sicily của Italia. Tánh mạng của anh hiện ở trong tình trạng nguy ngập vì bị phỏng 90% toàn thân thể. Tòa Thánh đã bác bỏ dư luận cho rằng cuộc tự thiêu này nhắm vào Giáo Hội vì lập trường chống đối các hành động đồng tính luyến ái. Phó giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cha Oliro Benedettini đưa ra lời phê bình như sau: "Lá thư tìm thấy trong áo khoác của nạn nhân không thể nào xác định rằng hành động tự thiêu của anh là do bản chất đồng tính luyến ái, hay là một sự phản đối nhắm vào Giáo Hội".

Các nhóm đồng tính luyến ái tại Italia đã bày tỏ sự kinh hoàng trước biến cố trên đây, đồng thời cho rằng sự kiện anh Alfredo Ormando tự thiêu tại quảng trường Thánh Phêrô là để nói lên bức xức trong lòng mình. Các tổ chức tranh đấu cho quyền của người đồng tính luyến ái kêu gọi chính phủ Italia ban hành các luật lệ đảm bảo quyền dân sự của giới đồng tính luyến ái, đồng thời kêu gọi Tòa Thánh lên tiếng chống lại sự kỳ thị và tấn công nhắm vào họ.


Nhà cầm quyền Việt Nam cấm không cho phép hai Giám Mục tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu

Nhà cầm quyền Việt Nam cấm không cho phép hai Giám Mục tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.

(AFP 13.01.98) Vatican - Thứ Hai vừa qua (12/01/98), hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo loan tin: nhà cầm quyền Việt Nam đã cấm không cho hai Giám Mục tham dự khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu sẽ diễn ra vào tháng 4/98 tới đây.

Hai Giám Mục nói trên là Ðúc Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Giám Quản Tổng Giáo Phận Saigon, và Ðức Cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Giám Mục Phó Mỹ Tho. Hai vị nằm trong số các Giám Mục được Hội Ðồng Giám Mục chọn, đại diện cho Giáo Hội Việt Nam tại Thượng Hội Ðồng Giám mục Á Châu, tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam đã từ chối cấp chiếu khán xuất cảnh cho hai ngài, viện lẽ rằng các Giám Mục tham dự khóa họp này cần phải được sự đánh giá cao (appreciate) của Giáo Hội và "xã hội", mà theo giải thích của Fides, "xã hội" ở đây ám chỉ tới đảng cọng sản Việt Nam.

Dựa theo nhận xét tại Việt nam, hãng thông tấn Fides nói rằng: năm 1998 này sẽ là một giai đoạn khó khăn cho người dân cũng như các tín hữu Kitô Giáo tại Việt Nam. Trong những tháng vừa qua, có nhiều dấu hiệu là nhà nước đang có một thái độ cứng rắn hơn với Giáo Hội, và đòi buộc là bất cứ hình thức cử hành mừng Ðại Năm Thánh 2000 nào của phía Công Giáo, đều phải xin giấy phép của đương quyền địa phương.


Cuộc tái sinh tôn giáo nhanh chóng của Giáo Hội Công Giáo tại Cuba

Cuộc tái sinh tôn giáo nhanh chóng của Giáo Hội Công Giáo tại Cuba.

Ngày 21 tháng Giêng tới đây, ÐTC sẽ đặt chân lên Ðất Cuba. Ðây là một chuyến viếng thăm lịch sử, được mong ước và chờ đợi từ lâu. Chuyến viếng thăm này hoàn toàn có tính cách tôn giáo và mục vụ; nhưng không thể tránh khỏi những giải thích dưới khía cạnh chính trị. Báo chí đã nói nhiều đến chuyến viếng thăm nầy, nhất là từ lúc Chủ tịch Fidel Castro đến viếng thăm Ðức Thánh Cha tại Vatican ngày 16 tháng 11 năm 1996. Có người giải thích chuyến viếng thăm, với cái nhìn hoàn toàn chính trị như sau:

Ðức Karol Wojtyla, con người đến từ một nước cộng sản Ba Lan, đã gây nên sự sụp đổ không đổ máu của chế độ này tại Quê Hương BaLan của ngài, và sau đó tại các nước Trung-Ðông Âu. Việc ngài đến Cuba không thể không gây ảnh hưởng chính trị cho chế độ Fidel Castro, hiện đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sau khi Liên Xô sụp đổ và sau hơn 30 năm cấm vận của Hoa kỳ. Họ lập luận như sau: sau chuyến viếng thăm của Ngài tại Haiti, chế độ độc tài Duvalier sụp đổ và cũng sau chuyến viếng thăm tại Philippines, nhà độc tài Marcos cũng phải ra đi.

Nhưng tất cả những giải thích mang màu sắc chính trị này không nằm trong cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo tại Cuba và của Tòa Thánh. ÐTC là sứ giả rao giảng hòa bình, tình huynh đệ. Ngài không đến để hô hào dân chúng nổi loạn chống lại chính quyền này, hay chế độ kia. Hiểu rõ mục đích của chuyến viếng thăm như vậy, Chủ tịch Fidel Castro đã dám mời ÐTC đến viếng thăm Cuba. Lãnh tụ Fidel Castro không dại gì mời một người đến, để lật đổ mình hay để gây rối loạn trong nước mình.

Chúa Nhật vừa qua (11.01/98) khi gặp giới báo chí quốc tế, trong dịp bỏ phiếu bầu Quốc Hội mới, Ông Fidel Castro đã nói rằng: "Tôi hy vọng chuyến viếng thăm sẽ thành công". Thành công đây không phải về phương diện chính trị, vì chính chủ tịch đã tuyên bố là chính phủ không lợi dụng chuyến viếng thăm cho mục tiêu chính trị, cả cho việc làm áp lực để Hoa kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận. Sự Thành công đây, chỉ có thể hiểu về phương diện tôn giáo, về phương diện thiêng liêng, như mọi người đều thấy rõ trong các chuyến viếng thăm của ÐTC, cách riêng các chuyến viếng thăm trong năm vừa qua tại Sarajevo, Liban và tại Paris, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Paris.

ÐTC đã ước mong từ lâu được viếng thăm Cuba, để "củng cố đức tin" của các tín hữu Công Giáo tại đây và đồng thời rao giảng Tin Mừng cho những ai muốn biết Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại. Sau gần 40 năm sống dưới chế độ cộng sản, đức tin tại Cuba hầu như hoàn toàn bị giập tắt nơi nhiều người Công Giáo. Dù vậy, ÐTC vẫn hy vọng rằng đức tin kia như hòn than đỏ trong đống tro, chờ đợi người đến thổi nhóm nó lên, để có thể bốc cháy thành ngọn lửa sáng. Và thực như vậy: nhiều người đã được chứng kiến cuộc tái sinh lạ lùng trong những năm vừa qua của người Công Giáo Cuba, cách riêng từ một năm nay, nghĩa là từ lúc loan báo ÐTC sẽ chính thức viếng thăm nước của họ.

Và sau đây là mấy con số chứng minh cuộc tái sinh tôn giáo của Giáo hội Cuba trong những năm này:

Số người lớn xin rửa tội mỗi năm mỗi gia tăng. Năm 1979 có bảy ngàn; Sang năm 1988 lên tới 21 ngàn (trong số này có 3 ngàn trên 15 tuổi). Năm 1989 (một năm sau) tăng lên 28 ngàn và năm 1991: 34 ngàn. Và vẫn tiếp tục gia tăng mỗi năm. Số trẻ em rửa tội trong những năm vừa qua lên tới 60% mỗi năm.


ÐTC tiếp các giám mục Ba Lan (nhóm thứ hai) đến Roma viếng Tòa Thánh ("Ad Limina")

ÐTC tiếp các giám mục Ba Lan (nhóm thứ hai) đến Roma viếng Tòa Thánh ("Ad Limina".)

Vatican - 13.01.98 - Sáng thứ Ba,13/01/98, ÐTC tiếp nhóm thứ hai các Giám Mục Ba Lan đến Roma viếng thăm Tòa Thánh ("Ad Limina"). Nhóm thứ nhất được tiếp hôm thứ Hai gồm 13 vị. Nhóm thứ hai gồm 14 vị, trong số này có các vị Tổng Giám Mục giáo phận Poznan, Danzica và Gniezno cùng với các giám mục phụ tá của các ngài. Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan gồm hơn 100 vị, nên các buổi tiếp kiến riêng từng vị còn kéo dài nhiều ngày nữa.


Báo chí tại Ý có nói đến "việc choáng váng, chóng mặt" trong ít giây đồng hồ của ÐTC xẩy ra trước khi bắt đầu thánh lễ Rửa Tội cho 19 trẻ em

Báo chí tại Ý có nói đến "việc choáng váng, chóng mặt" trong ít giây đồng hồ của ÐTC xẩy ra trước khi bắt đầu thánh lễ Rửa Tội cho 19 trẻ em.

Báo chí tại Ý có nói đến "việc choáng váng, chóng mặt" trong ít giây đồng hồ của ÐTC xẩy ra trước khi bắt đầu thánh lễ Rửa Tội cho 19 trẻ em, hôm sáng Chúa nhật vừa qua tại nhà nguyện Sixtine. Vatican không bình luận gì về sự kiện này. Nguồn tin bán chính thức cho hay là ÐTC quá mệt nhọc. Ðức Ông Marini, Trưởng Ban Lễ Nghi, luôn luôn bên cạnh ÐTC, nói: ÐTC đã bị choáng váng và rất có thể té ngã. Tôi đã can thiệp ngay. Mọi người đều thấy, vì Thánh Lễ được truyền hình trực tiếp. Sau đó, ÐTC tiếp tục các lễ nghi như thường: Ngài đã ban bí tích Rửa Tội và dâng thánh lễ trong gần hai tiếng đồng hồ. Lễ xong ngài trở về Phòng làm việc, rồi ra cửa sổ đọc kinh Truyền Tin với dân chúng tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô; không ai thấy dấu hiệu nào khác thường cả.

Ðược tờ Thời Báo Roma ("Il Tempo di Roma") phỏng vấn, Giáo sư Corrado Marini, người đánh thuốc mê trong các lần ÐTC được giải phẫu tại Bệnh viện Gemelli, đã trả lời: "Ðây là một lúc yếu sức, mệt nhọc, không do bệnh tật nào cả". Còn giáo sư Stefano Rugierri của Ðại Học La Sapienza (Roma) tuyên bố với nhật báo Người Ðưa Tin ("Il Messaggero) rằng: "ÐTC đang trải qua một cuộc điều trị. Việc điều trị này có thể gây nên việc giảm bớt huyết áp và là căn cớ của việc choáng váng kia".

Sáng thứ Hai, ÐTC làm việc như thường: Ngài đã tiếp 13 giám mục Ba lan.

Chương trình viếng thăm Thị xã Roma thứ năm 15/01/98, và Cuba vào cuối tháng này (21-26/01/98) không thay đổi. Sáng thứ Ba, như vừa nhắc trên đây, ngài tiếp riêng 14 giám mục Ba lan, mỗi vị từ 10 đến 15 phút. ÐTC sẽ mừng 78 tuổi vào ngày 18 tháng 5 tới đây. Trong lúc này không có gì đáng lo ngại về sức khỏe của ngài.


Ðức Hồng Y Edward Idris Cassidy viếng thăm Giáo Hội Chính Thống Nga

Ðức Hồng Y Edward Idris Cassidy viếng thăm Giáo Hội Chính Thống Nga.

Vatican - 13.01.98 - Tiến sĩ Navarro Valls, Giám Ðốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, vừa cho phổ biến thông cáo loan tin Ðức Hồng Y Edward Idris Cassidy, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh cổ võ việc hiệp nhất các tín hữu Kitô, viếng thăm Giáo Hội Chính Thống Nga, trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng này. Cùng đi với Ðức Hồng Y có Ðức Cha Pierre Duprey, thư ký của Hội Ðồng. Trong thông cáo, Giám Ðốc Phòng Báo Chí minh xác: Ðây là những cuộc đàm phán vẫn có giữa hai bên, giữa Phái Ðoàn Tòa Thánh và Phái Ðoàn Tòa Giáo Chủ Chính Thống Nga, để cứu xét những vấn đề ích lợi chung trong các hoạt động và sáng kiến hiện có, nhằm đào sâu và hoàn hảo thêm các mối quan hệ giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống tại Nga và tại các nước độc lập của Liên Bang Nga. Ðức Tổng Giám Mục Kirill, chủ tịch Phân Bộ Ngoại Giao của Tòa Giáo Chủ chính Thống Nga hướng dẫn phái đoàn Chính Thống trong cuộc đàm phán với Phái Ðoàn Tòa Thánh. Hai phái đoàn đã gặp nhau ngày mồng 7 và 8 tháng 5 năm vừa qua tại Bari, miền Nam Nước Ý. Thông cáo không nói gì, nhưng rất có thể hai Phái đoàn sẽ bàn cả đến cuộc gặp gỡ giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Ðức Alexis đệ nhị, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Nga. Cuộc gặp gỡ đáng lẽ đã xẩy tại Áo Quốc năm vừa qua, nhưng Công Nghị Chính Thống Nga đã gây cản trở. Hy vọng, với tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô tới đây (18-25 tháng Giêng năm 1998), cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh đạo hai Giáo Hội sẽ được thực hiện trước khi bước vào Năm 2000.


Tổng Thống Yeltsin muốn gặp ÐTC Gioan Phaolô II vào tháng 2 tới đây

Tổng Thống Yeltsin muốn gặp ÐTC Gioan Phaolô II vào tháng 2 tới đây.

Tin Mascova (CWN 13/1/98). Từ ngày mùng 9 đến 11 tháng 2 tới đây, Tổng thống Boris Yeltsin, sẽ viếng thăm Italia và gặp gỡ với những nhà lãnh đạo chính trị chính của Italia. Ðiện Cẩm Linh (Kremlin) cũng đã cho biết là trong thời gian viếng thăm Italia, Tổng Thống Liên Bang Nga, Ông Boris Yeltsin, sẽ viếng thăm Ðức Giáo Hoàng, để cũng cố lại những mối liên lạc đã bị xuống cấp, do bởi luật tôn giáo của Nga vừa mới được chính Ông ký nhận và ban hành, hôm tháng 9/97 vừa qua. Ðàng khác, hôm thứ Hai vừa qua, 12/01/98, Giáo Hội Chính Thống Nga và Vatican đã công bố là hai bên sẽ ngồi lại đối thoại với nhau, để đạt đến mục tiêu dài hạn là giải quyết những khác biệt giáo lý giữa hai bên. Mục tiêu ngắn hạn của cuộc gặp gỡ vừa nói trên là để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ngắn hạn, giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Ðức Giáo Chủ Alexis đệ II.


Vatican tuyên bố là sẽ mở Văn Khố của thời Ðiều Tra ngày xưa cho các học giả nghiên cứu

Vatican tuyên bố là sẽ mở Văn Khố của thời Ðiều Tra ngày xưa cho các học giả nghiên cứu.

Tin Vatican (CWN, 13/1/98): Thứ Bảy vừa qua, 10/01/98, Tòa Thánh Vatican đã tuyên bố là sẽ cho phép các học giả đọc một số tài liệu trong Văn Khố của Bộ Thánh Vụ ngày xưa, tức là Bộ Giáo Lý Ðức Tin ngày nay. Linh mục Ciro Benedettini cho biết rằng những tài liệu đó có liên hệ đến nhiều trường hợp đã được công khai hóa rồi. Vài nhà nghiên cứu lịch sử hy vọng là họ sẽ được đọc những hồ sơ chẳng hạn như của cuộc xử án khoa học gia Galileo Galilei, người đã bị điều tra vào năm 1633; và v.v...


Vài Con số về Cuba, quốc gia cuối cùng của Châu Mỹ Latinh được ÐTC đến viếng thăm từ ngày 21 đến 26 tháng Giêng nầy

Vài Con số về Cuba, quốc gia cuối cùng của Châu Mỹ Latinh được ÐTC đến viếng thăm từ ngày 21 đến 26 tháng Giêng nầy.

Tin Vatican ( VIS 13/1/98): Sáng thứ Ba, 13/1, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố vài con số liên quan đến Cộng Hòa Cuba, để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC tại đây, từ ngày 21 đến 26 tháng Giêng nầy.

Cuba có diện tích rộng 110,861 cây số vuông, với dân số là 11,020,000 (11 triệu 20 ngàn người), trong số nầy có 4 triệu 800 ngàn tín hữu Công Giáo, tức có 43,6% dân số Cuba là giáo dân Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo tại Cuba được chia ra làm 10 giáo phận, với tổng số 253 giáo xứ và 434 trung tâm mục vụ, được chăm sóc bởi 14 giám mục, 288 linh mục và 496 tu sĩ. Con số chủng sinh hiện nay là 86. Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo Cuba, hiện điều hành 1 nhà thương, 7 nhà dành cho người lớn tuổi và bị bệnh, và 2 trung tâm giáo dục đặc biệt.


Back to Radio Veritas Asia Home Page