Nhà đối
lập Indonesia kêu gọi Kitô hữu trở
thành chứng nhân
Ủy Ban Công Lý và
Hòa Bình Nam Hàn lên án vụ
tử hình
ÐTC tiếp các Giám
Mục Ba Lan đến Roma viếng Tòa Thánh
Tòa Thị Sảnh Roma chờ
đợi ÐTC viếng thăm
Cuộc bầu cử Quốc
Hội tại Cuba
Bình luận về diễn
văn của ÐTC nói về thế giới
trong năm 1997
Nhà đối lập Indonesia kêu gọi các Kitô hữu trở thành chứng nhân của sự thật và công lý.
(UCAN U9123.0958 12/01/98) - Indonesia (Jakarta) - Lãnh tụ đối lập Indonesia, bà Megawati Sukarnoputri vừa lên tiếng kêu gọi các tín hữu Kitô trong nước hãy hy sinh cho chân lý, như Chúa Giêsu Kitô đã làm. Bà Megawati trước đây là lãnh tụ của một trong ba đảng đối lập chính tại Indonesia, nhưng đã bị các cộng sự viên của bà được chính phủ hậu thuẫn, trục xuất khỏi chức vị lãnh đạo.
Trong một sứ điệp nhân lễ Giáng Sinh, gửi cho những người còn trung thành và ủng hộ của mình, bà Megawati, một tín hữu đạo Hồi, đã nói như sau: "Các bạn không thể gọi mình là một tín hữu Kitô tốt, nếu các bạn không dám đứng lên tranh đấu cho sự thật và công lý với mọi hậu quả của nó. Ðức Kitô đã bảo vệ chân lý với chính mạng sống của Ngài. Hãy tiến bước và nói với những kẻ bị áp bức chúng ta rằng với tinh thần của Ðức Kitô, sự thật và công lý sẽ chiến thắng và sự đàn áp chống kẻ yếu đuối sẽ chấm dứt".
Khoảng 5,000 thành viên của đảng Dân Chủ Indonesia đã tham dự buổi họp mặt để mừng lễ Giáng Sinh hôm 29/12/97 vừa qua tại thành phố Bekasi, Ðông Jakarta, bởi vì chính quyền tại thủ đô đã không cấp giấy phép cho tổ chức buổi họp mặt của đảng dân chủ tại jakarta.
Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Nam Hàn lên án vụ tử hình 23 phạm nhân.
(UCAN K09177.0958 12/01/98) - Nam Hàn (Seoul) - Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Nam Hàn đã chỉ trích chính phủ xử tử hình 23 phạm nhân tại Nam Hàn vào ngày 30/12/97 vừa qua. Ðây là vụ tử hình tập thể đông nhất tại Nam Hàn kể từ năm 1978.
Trong bản tuyên ngôn công bố cùng ngày này, ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Nam Hàn cho rằng án tử hình là một hình thức giết người dựa theo luật trả thù, và sẽ không có hiệu quả trong việc giảm bớt nạn tội phạm. Bản tuyên ngôn cáo buộc chính phủ sắp mãn nhiệm của tổng thống Kim Young Sam là đã làm cho quốc gia thất vọng vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, và nay cũng không tỏ chút lòng xót thương nào đối với 23 phạm nhân, trong số này có 7 người Công Giáo.
Bộ tư pháp Nam Hàn loan báo 23 phạm nhân bị treo cổ và mục tiêu là để cảnh cáo những kẻ phạm pháp rằng, luật lệ và trật tự luân lý xã hội không thể bị để chùn bước. Tuy nhiên các nhà quan sát tại Nam Hàn đã bày tỏ sự quan tâm rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và nạn thất nghiệp đang gia tăng sẽ khiến cho nạn phạm pháp gia tăng theo. Tổng thống mới đắc cử của Nam Hàn, ông Kim Dac-Jung, trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí Công Giáo dạo tháng 6 năm ngoái (1997), đã bày tỏ lập trường là luật tử hình phải được xóa bỏ.
Ông kim Dac-Jung là một tín hữu Công Giáo và ông cho rằng luật tử hình đã thất bại trong việc ngăn ngừa nạn phạm pháp, và thay vào đó lại càng dẫn tới những tội ác bạo động hơn. Với vụ tử hình hôm 30/12/97 vừa qua, tổng cộng đã có 902 người bị tử hình kể từ khi Nam Hàn được độc lập dạo năm 1948. Hiện còn 36 người đang nằm trong danh sách tội nhân sẽ bị tử hình.
ÐTC tiếp nhóm thứ nhất các Giám Mục Ba Lan đến Roma viếng Tòa Thánh.
Vatican - 12.01.98 - Sáng thứ hai 12.01.98, trong Ðền Vatican, ÐTC đã tiếp nhóm thứ nhất các Giám Mục Ba Lan đến Roma viếng Tòa Thánh ("Ad Limina).
Vị được tiếp đầu tiên là Ðức Hồng Y Henryk Roman Gulbinowicz, Tổng Giám Mục giáo phận Wroclaw. Sau đó là 4 Giám Mục Chính Tòa khác và các Giám Mục phụ tá của các ngài.
Với chuyến viếng thăm Tòa Thánh lần này, các Giám Mục Ba Lan lại có dịp được gặp ÐTC một lần nữa, sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Quê hương kéo dài trong 11 ngày, từ 31 tháng 5 đến 10 tháng 6 năm 1997 vừa qua.
Tưởng cũng nên nhắc lại đây rằng, một tháng trước khi trở về viếng thăm Quê hương, ÐTC đã tiếp Tổng thống Cộng Hòa Ba Lan, ông Aleksander Kwasniewski (cựu cộng sản). Rồi ngày 26 tháng 11 năm 1997 vừa qua, ÐTC đã tiếp Thủ tướng mới, ông Jerry Buzek, lãnh tụ thuộc phe liên hiệp ôn hòa thắng cuộc tuyển cử tháng 10 năm 1997 do công đoàn Liên Ðới (Solidarnosc) lãnh đạo.
Trong bối cảnh chính trị mới, ngày mồng 8 tháng Giêng vừa qua, Hạ viện đã bỏ phiếu chấp thuận việc phê chuẩn Hiệp Ước giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Ba Lan sau hơn bốn năm bị Quốc Hội củ gồm đa số dân biểu cựu cộng sản, đình lại.
Theo thống kê năm 1995, Ba Lan hiện có 38 triệu dân cư, trong đó có 37 triệu người công giáo, tức 95% dân số. Giáo Hội Ba Lan được chia thành 43 giáo phận với 9,500 giáo xứ và gần 800 trung tâm mục vụ. Số các Giám Mục (tính đến ngày 21 tháng 5 năm 1997), là 115 vị; linh mục giáo phận hơn 20 ngàn; linh mục Dòng khoảng sáu ngàn; 30 thầy sáu vĩnh viễn; hơn 1,300 tu sĩ không có chức linh mục và gần 25 ngàn nữ tu đã khấn. Ðại chủng sinh hơn 7 ngàn. Khoảng 880 thành viên của các Tu hội đời, hầu hết thuộc nữ giới. Giáo Hội Ba Lan hiện điều khiển khoảng 600 trường học đủ các cấp với 230 ngàn học sinh, sinh viên và quản trị gần 2,300 trung tâm từ thiện bác ái.
Tòa Thị Sảnh Roma chờ đợi ÐTC viếng thăm.
Vatican - 12.01.98 - ÐTC sẽ viếng thăm chính thức Tòa Thị Sảnh Roma vào ngày 15 tới đây, do lời mời của Ông Thị Trưởng và Ủy Ban Hành Chánh. Sau đây là bài phỏng vấn ông Thị trưởng, ông Francesco Rutelli, dành cho Ðài Phát Thanh Vatican hôm 12 tháng Giêng về chuyến viếng thăm này. Ông tuyên bố: "Mọi người chờ đợi chuyến viếng thăm. Trong lúc này chúng tôi: thợ thuyền và chuyên viên kỹ thuật đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm lịch sử. Và đây thực là chuyến viếng thăm lịch sử, bởi vì đây là lần thứ hai một Vị Giáo Hoàng đến Tòa Thị Sảnh Roma. Mọi người, không riêng gì Thị Trưởng và các người cộng tác của Thị Trưởng, mà tất cả mọi người làm việc tại Tòa Thị Sảnh và các cơ quan của Thành phố, đều sống biến cố lịch sử này với nhiều hân hoan".
Ðược hỏi ai đã nghĩ đến chuyến viếng thăm này, Ông Thị Trưởng trả lời: "Ðây không phải là một bí mật. Chúng tôi đã xin ÐTC nhiều lần và ngay từ đầu ÐTC đã tỏ thái độ chấp thuận. Cuộc viếng thăm Tòa Thị Sảnh Roma thêm vào từng trăm chuyến viếng thăm của ÐTC, với tư cách là Giám Mục Roma, tại các Giáo xứ, nhất là tại các giáo xứ vùng ngoại ô. Ðó là chưa kể đến những lễ nghi do ngài cử hành trong các Ðền thờ và tại các nơi thánh của Roma. ÐTC Là Giám Mục của Thành Phố Roma nầy. ÐTC đến hiện diện tại nơi mà Ủy Ban Hành Chánh làm việc cho người dân Roma. Ðây thực là một biến cố làm chúng tôi rất vui mừng". Ông Thị Trưởng Roma còn nói thêm như sau: "Hằng Năm chúng tôi đến Vatican trong những tuần Ðầu Năm Mới. Năm nay khác hẳn, chuyến viếng thăm đi ngược chiều, nghĩa là Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô đến thăm chúng tôi. Ðây là điều làm chúng tôi vui mừng, hãnh diện và làm cho chúng tôi ý thức nhiều hơn nữa về trách nhiệm của mình.
Cuộc bầu cử Quốc hội tại Cuba.
La Havana - 12.01.98. Chúa nhật vừa qua, 11 tháng Giêng, người dân Cuba bỏ phiếu chọn các vị dân biểu mới. Các ứng cử viên dĩ nhiên thuộc Ðảng duy nhất cầm quyền từ năm 1959 tới nay: là Ðảng Cách Mạng khuynh hướng Mác Xít. Trong dịp này, Lãnh tụ Fidel Castro đã trả lời các câu hỏi của giới báo chí rất đông trong những ngày này tại Cuba, không những để viết về cuộc bầu cử, nhưng nhất là theo dõi chuyến viếng thăm tới đây của ÐTC, từ ngày 21 đến 26 tháng Giêng này.
Người dân Cuba đi bỏ phiếu rất đông đảo, như các lần bầu cử trước. Chủ tịch Fidel Castro cũng đi làm bổn phận công dân. Ra khỏi phòng phiếu, Ðại lãnh tụ dừng lại nói chuyện với giới báo chí. Ông nói: "Các ông muốn biết tôi bỏ phiếu cho ai chứ gì? Rồi ông tự trả lời ngay: "Không, phiếu kín, tôi không thể nói cho các ông biết được. Tôi chỉ có thể nói: tôi đã bỏ phiếu như một người ái quốc và một nhà cách mạng".
Ðược hỏi về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tới đây, chủ tịch Nhà Nước Cuba cho biết Ông hy vọng chuyến viếng thăm sẽ thành công. Một phóng viên hỏi cách bất ngờ: "Ngài có tin Thiên Chúa không?". Sau một lúc suy nghĩ, ông Fidel Castro trả lời: "Tôi không thể nói được, vì đây là những sự thuộc riêng về tâm hồn của tôi và tôi không chấp nhận kiểu cách nói ra nơi công cộng này". Và để kết thúc, Ðại lãnh tụ nói thêm: "Cả ÐTC cũng không bao giờ đặt ra cho tôi câu hỏi như vậy. Ðiều mà ngài nói với tôi, là khi ngài cầu nguyện, ngài cũng cầu nguyện cho cả tôi nữa. Và tôi biết ơn ngài về cử chỉ này".
THỜI SƯ: Vài bình luận về diễn văn của ÐTC Gioan Phaolô II đọc trước Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh nói về tình hình thế giới trong năm 1997 vừa qua.
Bài diễn văn dài ÐTC đọc thứ Bẩy vừa qua trong buổi tiếp Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh, đến chúc mừng Năm Mới đã được dư luận lưu ý rất nhiều, không những nơi các báo chí, mà cả nhiều học giả nữa.
Nhật báo Công Giáo Ý có tên là Tương Lai (Avvenire), số ra ngày chúa nhật 11.01.98, đã đăng lại nguyên văn bài diễn văn và ba bài bình luận: một bài của Ðại Sứ Ý cạnh Liên Hiệp Quốc, một bài của phóng viên Salvatore Mazza, và một bài bình luận của giáo sư Possenti.
Phóng viên Mazza đã viết như sau: Diễn văn đầu Năm Mới đọc cho các vị Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh Vatican, đã cho ÐTC Gioan Phaolô II cơ hội duyệt lại tình hình các miền khác nhau trên thế giới và nêu lên những dấu hiệu hy vọng, vừa đồng thời yêu cầu đề phòng những "ý thức hệ" và "những áp lực dẫn đưa con người đến chỗ phản bội con người". Phóng viên Mazza nhắc lại lời ÐTC rằng: "Tính ích kỷ mở đường đi đến những dã man và nhân loại của cuối thế kỷ này dễ bị thương tích". Dĩ nhiên trong thế giới ngày nay có nhiều dấu hiệu khích lệ. Nhiều tiến bộ trên con đường dân chủ, cách riêng tại Trung-Ðông Âu. Nền hòa bình tại Bosnia-Erzegovina và Bắc Ái Liên, tuy còn nhiều đe dọa, nhưng cũng có những dấu hiệu thiện chí về đối thoại. Phóng viên Mazza viết thêm như sau: Nếu đem lên cân, thì những lý lẽ lo lắng còn quá nặng. Ðó là những vụ sát hại "vô nhân đạo" và "hết sức dã man" vẫn tiếp tục hằng ngày tại Algérie; những chiến tranh diệt chủng tại Châu Phi; thảm trạng của người dân Curdes và của người dân Irak; cơn khủng hoảng tài chánh bùng nổ trong những ngày này tại Á Châu; tiến trình hòa bình tại Trung Ðông như bị bế tắc. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy rằng con người của cuối thế kỷ này rất dễ bị tấn công, và cho thấy rằng con người có thể phản bội chính mình. Phóng viên của nhật báo Avvenire viết tiếp: Cách chung đây là Một diễn văn nêu lên những dấu hiệu khích lệ. Bài diễn văn đưa ra những lời kêu gọi thế giới, các vị trách nhiệm các quốc gia,và các tổ chức quốc tế, cách riêng nhà cầm quyền tại Rwanda, Burundi, Cộng Hòa Dân Chủ Congo (cựu Zaire). Nhưng cũng là một diễn văn đầy lo lắng cách riêng đối với phẩm giá con người đang đi đến miệng hố sâu, bởi vì "khi con người liều đi đến cho bị coi là một đồ vật, được xử dụng theo ý muốn hay biến hóa theo khoa học, kỹ thuật, không còn được coi là hình ảnh Thiên Chúa nữa, chỉ nhằm đến những trục lợi kinh tế, những ích kỷ mà thôi, thì mọi sự đều có thể xẩy ra và những sự dã man sẽ không còn xa xôi".
Trong khi đó, trong bài nhận định của mình, giáo sư Possenti, giáo sư Triết học tại Ðại học Venezia, miền Ðông bắc nước Ý, bình luận về bài diễn văn của Dức Gioan Phaolô II như sau:
"Tất cả đều có thể xẩy ra, nếu con người không còn được coi là hình ảnh Thiên Chúa nữa". ÐTC đã không nói với các nhà triết học hay văn chương, mà nói với các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh. Ðây là một lời cảnh cáo khiếp sợ, một tiếng kêu báo động vang dội lại tiếng kêu gọi và những lời cảnh cáo của các Tiên tri trong Thánh Kinh Cưu Ước đối với dân Israel mỗi ngày mỗi lìa xa Thiên Chúa". Giáo sư Possenti nói tiếp: "Ðây không phải là cái gì không hợp lý luận, trái lại sứ điệp này còn là một xác nhận về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh như thế nào: nền ngoại giao của Tòa Thánh không chỉ giới hạn vào những vần đề truyền thống của mối bang giao với các nước, mà còn lo lắng đến chính sự sống con người: một vấn đề nay trở nên vấn đề chính trị nền tảng của thời đại chúng ta". Giáo sư nói tiếp: "Trong thế kỷ này tính cách dã man mọi rợ được trình bày trước mắt chúng ta với bộ mặt của các chế độ độc tài. Và không phải tình cờ, khi ÐTC Gioan Phaolô II viết trong Thông Ðiệp (Centesimus Annus) (Năm thứ một Trăm): "Nếu không có một chân lý sau cùng hướng dẫn và định hướng hoạt động chính trị, thì lúc đó các tư tưởng và các niềm tin, rất dễ bị lợi dụng, bị lèo lái theo các mục tiêu của quyền bính". Giáo sư giải thích: "Trong Thông Ðiệp, lời của ÐTC Gioan Phaolô II trên đây, ám chỉ các chế độ chính trị độc tài. Trong diễn văn đọc cho Ngoại Giao Ðoàn, ngài nhắc lại những điều đã nói trong thông điệp cho cuộc chung sống con người. ÐTC nói với chúng ta rằng: sự dã man, mọi rợ không xa chúng ta, nếu đời sống xã hội không dựa trên các giá trị sau cùng đã được ghi trong tâm hồn con người. Trong dịp này, ÐTC giơ tay chỉ vào các "ý thức hệ chủ trương tự cho mình quyền quyết định mọi sự: quyết định về sự sống, sự chết, sự sinh sản, dân số... Ðời sống xã hội bị đo lường theo những tiêu chuẩn của tiện nghi vật chất tối đa và tránh né hay tối thiểu hóa sự đau khổ; tất cả được thẩm định theo ích lợi cá nhân. ÐTC Gioan Phaolô II không chỉ nói đến những ý thức hệ độc tài mà thôi, nhưng còn nói đến những "áp lực" nhằm áp đặt trên người khác, các quan niệm và cách cư xử của mình.
Giáo sư Possenti kết luận như sau: "Ðây là một diễn văn hết sức nghiêm chỉnh và cụ thể, không chỉ liên hệ đến các triết gia hay chính trị gia, nhưng trái lại bao trùm tất cả đời sống hằng ngày của con người và tương lai nhân loại. Người cầm đầu một xã hội dân sự không thể để mình bị chi phối bởi "những kiểu nói mập mờ và lường gạt" trên, vì chúng nhằm xóa bỏ phẩm giá con người và đưa con nguời đến chỗ trở thành như một vật thí nghiệm của khoa học và kỹ thuật.