Tin Tức và Thời Sự
ngày 07 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


THỜI SỰ: Những khó khăn cản trở bước tiến của Giáo Hội trong năm 1997

THỜI SỰ: Những khó khăn cản trở bước tiến của Giáo Hội trong năm 1997.

Chúng tôi đã nói đến những ánh sáng và những hy vọng của Giáo hội trong năm vừa qua. Trong bài nầy chúng tôi xin trình bày một số khó khăn (có thể gọi là những bóng tối) trong đời sống Giáo Hội trong năm 1997.

Do Chúa Giêsu thiết lập từ hai ngàn năm nay, Giáo Hội vẫn bị bách hại bằng cách này hay cách khác. Các lực lượng của tối tăm vẫn nhằm bóp chết Giáo Hội và các hoạt động của Giáo Hội.

Trong năm 1997, trước hết nhìn về Á Châu, chúng ta không khỏi đau buồn về việc ra vạ cho nhà thần học người Sri Lanka, cha Tissa Balasuriya, thuộc Dòng Tận Hiến Ðức Maria vô nhiễm (OMI: Oblats de Marie Immaculée) do những luận đề không hợp với giáo lý của Giáo Hội về Ðức Maria Ðồng trinh, về tội Tổ Tông, về vai trò của Giáo Hội. Các luận đề này được đưa ra với lý do là muốn "hội nhập Kitô giáo vào đời sống và nền văn hóa Á châu". Những luận đề này bị coi là quá trớn, không phù hợp với những yếu tố tôn giáo của Á châu, nhất là với giáo lý thường hằng của Giáo hội, Kho tàng mạc khải đã được Thiên Chúa trao phú cho Giáo hội; không một người nào được tự ý xưng mình là thầy dạy Chân lý. Giáo Hội cổ võ việc học hỏi, nghiên cứu Thần học, nhưng trong sự cộng tác và trong vâng phục Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội. Trước khi ra vạ, Bộ Giáo lý Ðức tin, Hội Ðồng Giám Mục Sri Lanka và Bề trên Dòng của Cha Tissa Balasuriya, đã nghiên cứu và yêu cầu tác giả rút lại những điều đã viết ra và đình chỉ việc phổ biến những điều sai lạc đó. Vì cha không chấp nhận, nên Giáo Hội đã phải đi đến biện pháp sau cùng, là tuyên bố cha bị vạ tuyệt thông theo nghĩa rộng, nghĩa là chính cha, khi làm thế, đã tự mình tách rời ra khỏi Giáo Hội, tự mình tuyệt thông với Giáo Hội.

Giáo hội Công Giáo tại Á Châu là một cộng đồng thiểu số, nhưng luôn luôn dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng, trong việc bênh vực nhân quyền. Những hoạt động này nhiều lúc gây nên những va chạm với các tôn giáo khác hoặc với nhà cầm quyền địa phương. Chẳng hạn như tại Ấn Ðộ, những nhóm Hindu quá khích trong bang Bihar và Madya Pradesh đã tố cáo Giáo Hội chiêu mộ tín hữu. Tại Bihar một cha Dòng Tên bị giết và một nhà truyền giáo khác bị giam tù vì những tố cáo không nền tảng. Tại Nam Hàn Giáo Hội nhiều lần lên tiếng bênh vực nhân quyền và anh chị em thợ thuyền. Tại Philippines, vào tháng hai (năm 1997), Ðức Cha Benjamin de Jesus, giám mục Ðại diện Tông Tòa giáo phận Jolo, đã bị sát hại ngay bên cạnh nhà thờ chính tòa. Tại miền Ðông Ðảo Timor, Ðức Cha Belo tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và do đó ngài gặp khó khăn không ít nơi Nhà cầm quyền địa phương và Chính phủ trung ương Indonesia. Nhìn về Trung Quốc, Giáo Hội vẫn tiếp tục bị bách hại. Tại Việt Nam, Giáo Hội không bị bách hại công khai như Trung Quốc, nhưng luôn luôn gặp khó khăn và bị theo dõi.

Quay sang Châu Âu, từ Ðông sang Tây, cái nguy hiểm lớn hơn cả là việc lãnh đạm tôn giáo, chạy theo thuyết Duy vật thực hành. Tại Thụy Sĩ, Cộng Hòa Liên Bang Ðức và Áo Quốc, các giám mục đang cố gắng hết sức để tránh việc đóng cửa các Phân Khoa Thần học, vì con số sinh viên mỗi ngày mỗi giảm sút. Tại Pháp, Hội Ðồng Giám Mục đang xúc tiến việc tổ chức lại các giáo phận, cách riêng các giáo xứ vì nạn khan hiếm linh mục. Tại Nga, việc các linh mục ngoại quốc vào trong nước bị giới hạn tối đa, đến nỗi không thể nào thực hiện được một chương trình mục vụ liên tục tại miền Siberia. Tại Bielorussia, Giáo hội phải tranh đấu để được tự do phụng tự. Nhiều nơi phụng tự bị chiếm dưới chế độ cộng sản Liên Xô, nay vẫn chưa được trả lại cho Giáo Hội.

Nhìn về Châu Phi, Các Giám Mục đã phải lên tiếng nhiều lần về chiến tranh, về biết bao bất công xã hội, về cảnh nghèo đói, về những tranh chấp đẫm máu giữa các chủng tộc, về nạn tham nhũng nơi nhà cầm quyền , về những vụ đảo chính, về chế độ tư bản mới, lạm dụng khai thác không kém phần dã man như chế độ thuộc địa trước đây. Các ngài viết: người dân Châu Phi cần được giúp đỡ về kỹ thuật, để phát triển, chứ không cần đến các vũ khí để sát hại nhau. Những vụ khủng bố, giết người vô tội do những nhóm Hồi giáo quá khích tại Algérie và những vụ phá hủy các nơi phụng tự, tịch thu cơ sở của Giáo hội tại Sudan, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động tôn giáo . Mới đây Hội Ðồng các Giáo Hội Kitô tại Sudan đã gửi lên Chính phủ Khartoum một văn kiện tố giác về những âm mưu phá hoại "ném đá giấu tay" của nhà cầm quyền. Những trả lời của chính phủ nói một cách hàm hồ, là: "hạ cấp làm liều". Tại Châu Phi, việc truyền giao đang gặp ba thách đố lớn lao này: miền Bắc Hồi Giáo quá khích, sát hại cả các nhà truyền giáo - miền các Hồ Lớn, chiến tranh diệt chủng: cần tìm ra những căn cớ sâu xa của việc tranh chấp chủng tộc này - miền Nam, chính sách Apartheid (kỳ thị chủng tộc) có thể nói đã chấm đứt, nhưng điều quan trọng là biết đón nhận những thách đố mới do hoàn cảnh thay đổi đặt ra. Ðể đối phó với các vấn đề cũ và mới của Lục địa này, Văn Kiện sau Thượng Hội Ðồng (1994) công bố tháng 9 năm 1995 đã đưa ra những đường hướng chỉ dẫn: cũng cố Giáo Hội tại gia đình và dấn thân ưu tiên trong việc thăng tiến xã hội.

Trở sang Châu Mỹ, không phải không có những vấn đề lo ngại: tại Hoa Kỳ, nhiều giáo dân trong một số Giáo phận nói là mình không còn tin sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Tại Argentina, Bí tích Thêm Sức bị coi là lỗi thời - Tại nhiều nước Châu Mỹ Latinh, Giáo Hội lên tiếng tố giác cảnh nghèo khổ của người dân, cách riêng người dân thổ cư, bị khai thác; nhưng không phải chỉ lên tiếng, Giáo hội còn dấn thân cách cụ thể bằng tình liên đới, cách riêng tại các nước Mehico, miền giáp giới Hoa kỳ, tại Brazil và Paraguay.

Ðể đối phó với các lực tối tăm , ÐTC Gioan Phaolô II đã quyết định triệu tập các Khóa họp riêng biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới cho từng Châu và chuẩn bị ráo riết Năm Ðại Toàn Xá 2000 không những để đem lại nguồn sống mới cho Giáo Hội, mà còn cho cả thế giới nữa.


ÐTC tiếp các vị Tân Giám Mục do ngài phong chức vào Ngày Lễ Hiển Linh vừa qua

ÐTC tiếp các vị Tân Giám Mục do ngài phong chức vào Ngày Lễ Hiển Linh vừa qua.

Vatican - 7.01.98. Sáng thứ Tư mồng 7 tháng Giêng đã không có buổi tiếp kiến chung hằng tuần. ÐTC đã dành thì giờ để tiếp 9 vị Tân Giám Mục do chính ngài phong chức vào Ngày Lễ Hiển linh vừa qua, mùng 6 tháng Giêng 1998. Trong 9 Giám Mục mới, sáu vị thuộc Châu Âu: 5 vị người Ý và một vị người Ba lan; ba vị khác, một vị thuộc Chile (Châu Mỹ) một vị thuộc Philippines (Châu Á) và một vị người Ghana (Châu Phi). ÐTC đã tiếp riêng từng vị cùng với bạn hữu và thân nhân trong gia đình.

Trong 9 giám mục mới có 3 vị thuộc các Dòng Tu: Ðức Cha Marco Dino Brogi, người Ý, thuộc Dòng Phanxico anh em hèn mọn, Sứ Thần Tòa Thánh tại Sudan và Khâm sứ Tòa Thánh tại Somalia; Ðức Cha Franco Dalla Valle, người Ý, thuộc Tu Hội Salésien Thánh Giovanni Bosco, Giám Mục tiên khởi của Giáo phận mới Juina bên Brazil; Ðức Cha Angelito Lampon, người Philippines, thuộc Dòng Ðức Maria vô nhiễm (Oblats de Marie immaculée: OMI), giám mục đại diện Tông Tòa giáo phận Jolo.

Trong buổi tiếp kiến, ÐTC không đọc diễn văn nào cả. Ngài chỉ gặp chung từng nhóm và hỏi thăm các thân nhân của các vị tân giám mục đến Roma trong dịp lễ Phong chức.


Về Ngày thế giới của Hội Giáo Hoàng Nhi Ðồng Truyền Giáo

Về Ngày thế giới của Hội Giáo Hoàng Nhi Ðồng Truyền Giáo.

Vatican - 7.01.98 - Hằng năm vào Ngày Lễ Hiển Linh (lễ Ba Vua), toàn thể Giáo Hội cử hành Ngày thế giới Nhi Ðồng truyền giáo, với mục đích gây ý thức về tinh thần truyền giáo và tình liên đới của các trẻ em Công Giáo. Năm 1947, Ðức Pio XII đã ấn dịnh Ngày Nhi Ðồng truyền giáo trong toàn thể Giáo Hội, được cử hành vào Ngày mồng 6 tháng Giêng mỗi năm, tức đúng ngày Lễ Hiển Linh, để các trẻ em có một ý thức về vấn đề truyền giáo, ngay từ nhỏ, nhất là khi các em quì cầu nguyện trước Chúa Hài Ðồng trong Hang Ðá.

Hội Nhi Ðồng Truyền Giáo được thành lập năm 1843 do Ðức Ông Charles de Forbin Janson để phú thác cho các trẻ em Công Giáo các vấn đề của các trẻ em trên thế giới. Hiện nay Hội đã có mặt tại 110 quốc gia. Trong năm vừa qua, số tiền thu được lên tới 16 triệu rưỡi Mỹ Kim, để trợ giúp cho hơn 3 ngàn đơn xin của các trẻ em túng thiếu trên thế giới. Mục đích của Hội Nhi Ðồng Truyền Giáo không phải chỉ để biểu lộ tình liên đới về vật chất, nhưng còn nhằm gợi lên ý thức truyền giáo nơi các trẻ em,và qua các trẻ em mà thức tỉnh tinh thần truyền giáo của các người lớn.

Tháng sáu năm vừa qua, tất cả các vị trách nhiệm về Hội Nhi Ðồng truyền giáo Miền Ðịa Trung Hải đã họp nhau tại Madrid. Tháng ba tới đây (1998) tất cả các vị trách nhiệm Châu Âu sẽ gặp nhau tại Luxembourg. Tại Nước Ý, thì hôm ngày mồng 3 tháng 5 năm vừa qua, 1997, tại thành phố Caserta, sáu ngàn thiếu nhi truyền giáo đã tham dự cuộc họp bạn và sống những giờ phút suy tư và dấn thân làm tông đồ; sau đó các em tham dự một cuộc diễn hành tại các đường phố để kêu gọi các người lớn dấn thân cho hòa bình và cho tình liên đới, với khẩu hiệu: "Hãy tô điểm thế giới, hãy nối vòng tay lớn". Nhưng biến cố đáng lưu ý hơn cả trong năm vừa qua, 1997, là cuộc hành hương của 750 em thuộc Hội Nhi Ðồng truyền giáo tại Lisieux, và Lộ Ðức, nhân dịp kỷ niệm 100 năm qua đời của Thánh Têresa Hài Ðồng Giêsu. Các thiếu nhi truyền giáo đã được sống những giờ phút chưa hề có bao giờ, tại những nơi phát xuất ơn kêu gọi của Nhà truyền giáo bé nhỏ, nhưng Vĩ đại, nay là Tiến sĩ Hội Thánh, là Thánh Nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng.

Ðể chuẩn bị cử hành ngày Lễ Hiển Linh vừa qua, trong suốt Mùa Giáng sinh, tại các giáo xứ, theo khẩu hiệu: "Hãy tô điểm thế giới, hãy gieo vãi niềm hy vọng", các thiếu nhi truyền giáo đã phân phát hàng ngàn ngôi sao với sứ điệp Kitô, để lấy lại chiều kích thánh thiêng của Ngày Lễ Giáng Sinh và nhất là để cộng tác với Giáo Hội trong việc làm dịu các đau khổ của các trẻ em trên thế giới.

Ngày thế giới Nhi Ðồng Truyền giáo muốn nhắc lại rằng nhân loại phải bảo tồn các giá trị Kitô mà các trẻ em đem đến, nhưng cũng nhắc lại rằng: Giáo hội tín nhiệm vào các nhà truyền giáo nhỏ tuổi này, luôn luôn sẵn sàng hô lên cho thế giới biết: Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế duy nhất.


Back to Radio Veritas Asia Home Page