Ngày 12/11/97:
Tranh chấp giữa dân chúng và
chính quyền vẫn tiếp tục
Ngày 10/11/97: 10,000 giáo dân
Ðồng Nai biểu tình tại Ðồng
Nai
Tin tiếp thêm về cuộc tranh chấp giữa dân chúng và chính quyền địa phương tỉnh Ðồng Nai.
Tin Việt Nam (AFP 12/11/97) Theo nguồn tin của hảng tin quốc tế AFP, thì cuộc tranh chấp giữa những người công giáo và chính quyền địa phương tại Huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, đã bước sang ngày thứ năm, mà chưa có giải quyết ổn thỏa. Khoảng 30 người phụ nữ còn ngồi biểu tình trước Ủy Ban Nhân Nhân huyện Thống Nhất, để phản đối những vụ tham nhũng và vụ truất hữu bất công đất đai của giáo hội tại giáo xứ Trà Cổ. Trước đây, chính quyền địa phương đã lấy vuông đất của giáo hội, nại lý do là để xây Chợ và Trường Học. Nhưng, theo nguồn tin của một người đưa tin cho hãng tin quốc tế AFP, chính quyền địa phương đã cất dải chợ nhỏ lại, và bán đi phần đất còn dư cho kẻ khác.
Như chúng tôi đã loan tin, cuộc biểu tình đã bắt đầu từ hôm thứ Sáu mùng 7 tháng 11, và sang ngày thứ Bảy, thì con số nguời biểu tình lên đến khoảng 10 ngàn người. Một cuộc xô xát giữa lực lượng công an và đoàn người biểu tình đã làm cho 5 người bị thương. Chính quyền địa phương đã yêu cầu Ðức Cha Nguyễn Minh Nhật, giám mục Xuân Lộc, can thiệp để tránh cảnh bạo động. Và cho đến hôm qua, thứ tư 12 tháng 11, còn khoảng 30 người ngồi lì trước Ủy Ban Nhân Dân Huyện Thống Nhất, để chờ câu trả lời chính thức của chính quyền về yêu cầu của họ.
Báo chí trong nước không nhắc gì đến sự việc đang xảy ra tại Huyện Thống Nhất, Ðồng Nai. Và thẩm quyền công an địa phương không xác nhận mà cũng không chối bỏ. Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng hôm qua, thứ Tư, 12 tháng 11, xác nhận rằng biến cố tại huyện Thống Nhất chỉ là một cuộc tranh chấp dân sự về vấn đề đất đai tại địa phương, mà không có liên hệ gì đến những vướng mắc tôn giáo. Tháng tư vừa qua, chính quyền tỉnh Ðồng Nai đã ra lệnh giải tán nhiều hội đoàn công giáo tại các giáo xứ trong giáo phận Xuân Lộc. Mỗi giáo xứ, theo lệnh của Nhà Nước, chỉ được phép có những sinh hoạt giới hạn đi kèm theo các nghi thức tôn giáo mà thôi, như ban Trống Kèn, và Sinh Hoạt không định Kỳ của Những Nhóm Nguời trên 65 tuổi, để cầu nguyện cho những bệnh nhân, hay cho người quá cố mà thôi.
(Reuters 10/11/97; AFP 10/11/97) Những người Công Giáo thuộc giáo xứ Trà Cổ, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, tranh chấp với các viên chức chính quyền địa phương, về vấn đề truất hữu bất công những đất đai của giáo hội.
Theo nguồn tin do hai hảng tin quốc tế Reuters và AFP, phổ biến hôm qua thứ hai, 10 tháng 11, thì từ hôm thứ sáu mùng 7 tháng 11, hàng ngàn người dân, đa số là phụ nữ và trẻ con, đã kéo về biểu tình trước Văn Phòng của chính quyền địa phương huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, nằm cách 60 cây số đông bắc Thành Phố Hồ Chí Minh, để phản đối sự tham nhũng của các viên chức địa phương và việc truất hữu bất công những vuông đất của giáo hội công giáo ở giáo xứ Trà Cổ. Sang ngày thứ bảy, mùng 8 tháng 11, thì số nguời biểu tình thêm đông, khiến cho lực lượng công an phải can thiệp. Có người tại chổ cho hảng tin quốc tế AFP biết là con số người biểu tình lên đến khoảng 10 ngàn người, và cuộc xô xát giữa dân chúng và lực lượng công an đã làm cho bốn nguời dân và một công an bị thương. Những người biểu tình đã đốt nhà của một viên chức địa phương của Mặt Trận Tổ Quốc, đặc trách về vấn đề tôn giáo. Họ yêu cầu trả lại đất nhà thờ mà nhà nước đã truất hữu một cách bất công, tại giáo xứ Trà Cổ. Một miếng đất rộng 3,200 thuớc vuông đã bị truất hữu để xây chợ và trường học, và khoảng 12,000 thước vuông khác đang bị tịch thu, thì xảy ra cuộc biểu tình phản đối của dân chúng như vừa nói. Chính quyền địa phương đã phải nhờ đến sự can thiệp của Ðức Giám Mục Xuân Lộc, Ðức Cha Nguyễn Minh Nhật, để xin những người biểu tình giải tán. Một người dân tại địa phương đã cho hảng tin quốc Tế AFP biết như sau: Tình hình của ngày thứ hai 10/11 là tạm yên ổn, nhưng nếu chính quyền không giải quyết những yêu cầu của dân chúng địa phương, thì cuộc biểu tình sẽ tái phát nữa. Nguời đưa tin nói như sau: "Chúng tôi sẽ tranh đấu để bảo vệ đất của chúng tôi bằng mọi giá, dù phải hy sinh mạng sống đi nữa".
Trong khi đó, thì Viên Chức Công An và Các Viên Chức của Ủy Ban Tôn Giáo trong Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Ðồng Nai, giữ im lặng, không xác nhận và cũng không chối bỏ cuộc tranh chấp trên, giống như đã xảy ra vào tháng 5 và tháng 6 năm nay, tại Tỉnh Thái Bình, khi những người nông dân bị thua thiệt vì nạn tham nhũng, đã bực tức hành động chống lại những viên chức tham nhũng tại địa phương.
Các nhà ngoại giao và các quan sát viên phân tích tình hình Việt Nam hiện nay thì cho rằng cuộc biểu tình phản đối của muời ngàn người dân tại huyện Thống Nhất tỉnh Ðồng Nai, có tầm mức nghiêm trọng hơn biến cố tại Tỉnh Thái Bình, vì những bộc lộ bực tức trên nằm trong một cuộc xung đột rộng lớn hơn, đã âm ỉ từ lâu, và nằm sâu trong tâm hồn của những người di cư năm 1954. Hơn nữa, tại giáo phận Xuân Lộc, trên bình diện sinh hoạt tôn giáo, cũng đang có cuộc tranh chấp, vì lệnh chính quyền buộc phải giải tán các hội đoàn do tự các tín hữu thành lập, tại các giáo xứ. Nhìn trên bình diện rộng hơn nữa, thì mối liên lạc hiện nay giữa Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam và Nhà Nước Việt Nam còn có nhiều vướng mắc, mà nếu cứ để kéo dài mãi, sẽ không khỏi gây ra những hậu quả tiêu cực và tranh chấp nghiêm trọng hơn.