500 người thiệt mạng do lũ lụt tại Mêhicô.
(AFP, Zenit 12/10/99) - Mêhicô (Teziutlan) - Mưa lũ tại Mêhicô trong suốt tuần vừa qua, đã làm cho 500 người bị thiệt mạng, 300 người bị mất tích và gần nữa triệu người phải bỏ nhà cửa của họ. Số người bị thiệt mạng đang gia tăng khi những trận mưa lớn vẫn tiếp tục gây nên lũ lụt và đất chùi, cản trở công cuộc cứu trợ.
Caritas Mêhicô, cơ quan cứu trợ của Giáo Hội Công Giáo, trong bản tin công bố hôm thứ Hai (11/10/1999) đã đưa ra những con số thiệt hại trên đây. Trong khi đó nhật báo Le Jornada tường thuật báo cáo của nhiều dân làng tại Totonocapan, thuộc miền Ðông Mêhicô, nói rằng có khoảng 800 người đã bị chôn vùi sau khi đất lở vì mưa đã tràn xuống làng của họ. Với những cơn mưa lũ vẫn tiếp tục đổ xuống tại các vùng phía Ðông và Nam Mêhicô, liên lạc và giao thông tại nhiều vùng ảnh hưởng đã bị cắt đứt. Tổng thống Mêhicô đã dùng trực thăng để quan sát những vùng bị lũ lụt và ông thừa nhận là có những nơi, nhân viên cứu trợ không thể tới được. Bộ tài chánh Mêhicô ước lượng thiệt hại do lũ lụt gây ra vượt xa ngân khoảng 234 triệu Mỹ Kim, được chính phủ dành sẵn cho công tác cứu trợ khẩn cấp. ÐTC Gioan Phaolô II đã kêu gọi làm những gì có thể để cứu trợ dân chúng Mêhicô tại những vùng bị lũ lụt.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Tương Lai của Ý, Ðức Cha Rosendo Huesca, Tổng Giám Mục Puebla cho biết, người dân Mêhicô đang chứng tỏ tình đoàn kết của họ trong cơn hoạn nạn. Ðức Tổng Giám Mục Huesca cho biết về tình hình lũ lụt và công tác cứu trợ như sau: "Tình hình thật là khẩn trương. Lượng mưa trong một năm đã đổ xuống chỉ trong vòng hai ngày mà thôi. Thật không thể tưởng tượng nổi. Dân chúng tại những vùng bị ảnh hưởng đang sống trong tuyệt vọng, nhưng sự đoàn kết của người dân Mêhicô cũng đã tỏ lộ qua sự cứu trợ đến từ khắp nơi trong nước. Nhiều căn nhà, cầu và đường xá đã bị nước mưa phá hủy hoàn toàn. Mùa màng cũng tiêu tan. Tại Hidalgo, Veracruz và Puebla, có hàng ngàn dân chúng bị mất nhà cửa. Các cơ quan cứu trợ của chính phủ, Caritas và nhiều cơ quan khác, đang hoạt động ráo riết. Tuy nhiên họ cũng gặp nhiều trở ngại vì giao thông, liên lạc bị cắt đứt".
Xây dựng xã hội cũng sẽ mang lợi ích tốt cho giáo hội.
(UCAN IJ3832.1049 12/10/99) - Indonesia (Cisarua) - Ðức Cha Alexander Djajasiswaja, Giám Mục Bandung, thuộc tỉnh Tây Java của Indonesia, khuyến khích các tín hữu Công Giáo địa phương hãy góp công xây dựng và phát triển xã hội trong mọi khía cạnh, bởi vì điều này cũng sẽ mang lại lợi ích tốt cho giáo hội.
Trong bài diễn văn kết thúc thánh lễ nhân dịp Hội Nghị Mục Vụ của giáo phận Bandung dạo trung tuần tháng 9/1999 vừa qua, Ðức Cha Alexander đã ca ngợi sự tham gia tích cực của các giáo dân trong những sinh hoạt liên tôn, như tiếp tế thực phẩm cho những người bị thiếu thực phẩm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tại Indonesia hiện nay. Ngài kêu gọi các tín hữu công giáo hãy tiếp tục xây dựng tình huynh đệ với anh chị em tín hữu thuộc các tôn giáo khác, đặc biệt là các anh chị em Hồi Giáo, chiếm đa số. Ngài cũng đồng ý với quan điểm của các đại biểu tham dự hội nghị rằng các tín hữu Công Giáo phải sẵn sàng để thay đổi chính mình, sao cho phù hợp với những phát triển của xã hội. Ðức Cha nói như sau: "Ðiều quan trọng không phải là đặt câu hỏi, giáo hội của chúng ta như thế nào, nhưng câu hỏi này phải được đặt cho xã hội của chúng ta, bởi vì Thiên Chúa sẽ được vinh danh hơn khi con người có một đời sống tốt đẹp hơn".
Hội nghị mục vụ của giáo phận Bandung diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 9/1999, với chủ đề: "Tiến tới một giáo hội sống động hơn". Khoảng 160 tín hữu Công Giáo, đại diện cho 25 giáo xứ, các ủy ban và tổ chức trong giáo phận, đã đến dự. Linh Mục Markus Priyo Kushardjono, cha chính giáo phận Bandung cho hãng thông tấn UCAN biết, hội nghị mục vụ này nhắm đề ra những hướng dẫn hoạt động, từ cấp giáo dân lên tới hàng giáo sĩ. Qua hội nghị này, các giáo dân được khuyến khích đáp ứng những thách đố của thiên niên kỷ sắp tới. Cha Markus nói như sau: "Bổn phận của giáo hội là rao giảng lời Chúa. Tuy nhiên, trong thiên niên kỷ thứ ba, các tín hữu Công Giáo phải tìm thấy Thiên Chúa trong xã hội, qua các giá trị của văn hóa, qua đối thoại và hợp tác với tất cả anh chị em khác".