Cộng đồng
Kitô Cơ Bản Bangladesh giúp xây dựng
cộng đồng dân Chúa
Các Ðức Giám
Mục Ý kêu gọi canh tân nghĩa vụ
truyền giáo
Bác ái Misereor tổ chức
cuộc biểu dương kêu gọi tha nợ
cho các nước nghèo
ÐTC tiếp ban lãnh đạo
và Ðội Túc Cầu Barcelona (Tây
Ban Nha)
ÐTC gửi điện văn
chúc mừng Tân Tổng Thống Cộng
Hòa Ý
Cộng đồng Kitô Cơ Bản Bangladesh giúp giáo hội xây dựng cộng đồng dân Chúa.
(UCAN BA2715.1027 14/05/99) - Bangladesh (Barisal) - Từ 25 năm qua, với những chương trình sinh hoạt cộng đồng, trong các gia đình, thăng tiến việc suy gẫm Kinh Thánh, Các Cộng Ðồng Kitô Cơ Bản của Bangladesh đã giúp cho Giáo Hội Công Giáo tại đây xây dựng cộng đồng dân Chúa.
Năm 1974, 4 tu sĩ, hai nam, hai nữ và một giáo dân, đã được gửi qua Học Viện Mục Vụ Ðông Á ở Manila. Sau khóa học kéo dài chín tháng, nhóm này trở về Bangladesh. Nhận thấy việc dạy giáo lý tại trường học khó đạt được hiệu quả, nhóm mục vụ này quay sang tập trú vào công tác huấn luyện đức tin của các tín hữu ở cấp độ gia đình. Qua những kinh nghiệm giao tiếp với các giáo dân thuộc các tầng lớp người dân thường, Chương Trình Các Cộng Ðồng Kitô được thiết lập với các thành viên đến từ 6 giáo phận của Bangladesh. Tu Huynh John Rozario, Giám Ðốc chương trình cho biết, với hai nhóm thử nghiệm ban đầu, họ đã mở các khóa học hỏi, bao gồm: trao đổi kinh thánh, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, và kiểm điểm. Riêng cho các Giám Mục và Linh Mục, năm 1978, một khóa hội thảo để tìm hiểu về tình hình tại Bangladesh và của giáo hội. Các giáo dân cũng được mời tham gia và thảo luận về công tác thiết lập các cộng đoàn Kitô cơ bản. Những nỗ lực kế tiếp của chương trình là nhắm làm thế nào để sứ điệp của giáo hội trở nên thiết thực hơn trong cuộc sống hiện đại của các tín hữu. Mục tiêu này dẫn tới những canh tân trong lãnh vực phụng vụ lời Chúa cũng như trong thánh ca, các tu sĩ và giáo dân tham gia ngày một tích cực hơn trong đời sống của giáo hội, trong các cộng đồng giáo xứ, qua các khóa hội thảo giới trẻ và xây dựng tình hiệp nhất Kitô Giáo.
Chương trình xây dựng các cộng đoàn Kitô cơ bản được chú ý tới nhiều hơn sau năm 1985, khi Giáo Hội Công Giáo Bangladesh cho công bố chương trình mục vụ đặt trọng tâm vào công tác thiết lập các cộng đoàn và sự hiệp thông giữa các tín hữu với giáo hội. Kết quả của những nỗ lực này được đúc kết trong khóa hội thảo mục vụ toàn quốc vào năm 1996. Việc xây dựng các cộng đoàn Kitô cơ bản vẫn tiếp tục được chú trọng, và đặc biệt là công tác chuẩn bị mừng Ðại Năm Thánh 2000.
Các Ðức Giám Mục Ý kêu gọi canh tân nghĩa vụ truyền giáo.
Roma [Zenit 14/05/99] - Trong lá thứ mục vụ với tựa đề "tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta", các Ðức Giám Mục Ý kêu gọi canh tân nghĩa vụ truyền giáo.
Trong bài giới thiệu lá thư mục vụ, Ðức Hồng Y Camillo Ruini, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ý, viết như sau: "Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ là nguồn cảm hứng cho suy niệm cá nhân và khí cụ cho hoạt động mục vụ. Chủ đề được đề cập đến thật quan trọng và mục tiêu nhắm đến thì khẩn thiết. Ðây là vấn đề "truyền giáo", tức công tác mà Chúa Kitô đã ủy thác cho các môn đệ đầu tiên của Ngài và ngày nay Ngài lại trao cho chúng ta." Theo Ðức Hồng Y chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ý, lá thư nhấn mạnh đến khía cạnh thần học và mục vụ của nghĩa vụ truyền giáo. Các vị chủ chăn của Giáo Hội ý kêu gọi ý thức rằng truyền gíao là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Theo tài liệu, ý thức truyền giáo được "phát sinh và hình thành trong cuộc gặp gỡ của mỗi cá nhân với Chúa Kitô và trong sự mạc khải của Ngài về Tình yêu phổ quát của Chúa Cha. Các Ðức Giám Mục Ý khẳng định "mỗi một cộng đồng Kitô hữu phải là một chứng nhân cho tình yêu phổ quát này".
Trong phần thứ hai của văn kiện, các Ðức Giám Mục Ý khuyến khích các cộng đồng hãy "mở cuốn sách truyền giáo", nghĩa là hãy theo dõi tất cả những gì đang được Giáo Hội thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Một sự hiểu biết như thế sẽ thúc đẩy lòng nhiệt thành và canh tân sứ mệnh truyền giáo.
Sang phần thứ ba, thư mục vụ của các Ðức Giám Mục Ý kêu gọi hãy hoán cải, một cuộc hoán cải được thực hiện bằng sự huấn luyện trong mọi giai đoạn.
Cuối cùng, tài liệu đưa ra những chỉ dẫn về các trung tâm truyền gíao của Giáo Hội Ý cũng như những tài liệu về truyền giáo của các Ðức Giám Mục Ý.
Tổ chức bác ái Misereor tổ chức cuộc biểu dương kêu gọi tha nợ cho các nước nghèo.
Koln, Ðức [Zenit 14/05/99] - Sẽ có khoảng 50 ngàn người đứng thành một giây chuyền trước nơi diễn ra Hội Nghị 7 nước công nghiệp tiên tiến tại Koln, Ðức vào ngày 19/05/99 tới đây, để yêu cầu tha nợ cho các nước nghèo.
Cuộc biểu dương được tổ chức bác ái Misereor cùng với 1,400 nhóm khác đồng tổ chức để kêu gọi các nước công nghiệp tiên tiến tha nợ cho các nước nghèo ở Nam Bán Cầu. Chủ đề của chiến dịch là: "ân xá năm 2000: phát triển đòi hỏi tha thứ".
Tiến sĩ Josef Sayer, giám đốc của Misereor nói như sau: "các nước giàu sẽ không còn có thể tránh việc hoản nợ nữa. Nhờ cộng tác với các tổ chức đồng sự ở phía Nam, Misereor biết được thế nào là gánh nặng không thể chịu đựng nổi đối với việc phát triển của người nghèo."
Ngày 14/06/99 tới đây, một phái đoàn gồm 17 vị Giám Mục thuộc 8 quốc gia do Ðức Cha Franz Kamphaus, Giám Mục Limburg, Hòa Lan, cầm đầu, sẽ đến gặp thủ tướng Ðức, ông Gerhard Schroder. Cuộc gặp gỡ do Misereor tổ chức, cũng sẽ đề cập đến vấn đề nợ nần.
ÐTC tiếp ban lãnh đạo và Ðội Túc Cầu Barcelona (Tây Ban Nha).
Vatican - 14.05.99 - sáng thứ Sáu, 14/05/99, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Ban Lãnh Ðạo và Ðội Túc Cầu Barcelona (Tây Ban Nha) nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm thành lập. Trong diễn văn tiếng Tây Ban Nha, sau khi chào thăm Vị chủ tịch Hội, ông Josè Luis Nunez, và nhắc lại thánh lễ ngài đã cử hành, trong chuyến viếng thăm Tây Ban Nha năm 1982, tại sân vận động Nou Camp, nơi đây chứng kiến biết bao chiến thắng của Ðội Banh "Ðỏ-xanh", ÐTC nhắc lại trách nhiệm lớn lao của tất cả những ai có đối với những hoạt động thể thao của họ, được phổ biến rất rộng rãi qua các phương tiện truyền thông xã hội: những hoạt động này nằm ở trung tâm sự lưu ý của biết bao người hâm mộ. ÐTC nói: Thái độ của mỗi một lực sĩ phải nhằm đi đến việc cổ võ các nhân đức cao quí nhất của con người, như tình liên đới, lòng trung thực, tính đứng đắn và sự tôn trọng các người thi đua khác, không khi nào coi họ là những thù địch. Cần phải đào tạo các đức tính như thiện chí, sự nhẫn nhục, lòng kiên trì, sự quân bình, sự điều độ, tinh thần hy sinh và sự tự chủ... tất cả những đức tính này bảo đảm thành công và phong cách của lực sĩ . Các nhân đức Kitô được phát triển trên nền tảng này, khi các giá trị trên đây được đón nhận với một sự trung thành đích thực trong tâm hồn và được linh hoạt bởi ánh sáng tình yêu của Chúa Kitô".
Sau đó, ÐTC nhắc đến những khía cạnh khác của thể thao như yếu tố quan trọng của việc giáo dục luân lý và xã hội trên bình diện cá nhân cũng tập thể thể. Công Ðồng Vatican II dạy: Các hoạt động thể thao giúp giữ được thế quân bình thiêng liêng và thiết lập mối quan hệ huynh đệ giữa con người thuộc các địa vị, quốc gia và mầu da khác nhau. Với hết mọi người có mặt, ÐTC cầu chúc thành công và ban phép lành đặc biệt nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm của Ðội Túc Cầu Barcelona. Ước gì lễ kỷ niệm này là cơ hội tiến thêm về thiêng liêng và tinh thần, luôn luôn dưới sự che chở của Ðức Trinh Nữ được tôn kính dưới tước hiệu là "Ðức Bà chuộc kẻ làm tôi" Quan Thầy của Thành Phố Barcelona.
ÐTC gửi điện văn chúc mừng Tân Tổng Thống Cộng Hòa Ý.
Vatican - 14.05.99. Nhân dịp Tiến Sĩ Carlo Azeglio Ciampi, Bộ Trưởng Tài Chính trong chính phủ Ý được bầu làm Tổng Thống, thay thế Tổng Thống Oscar Luigi Scalfaro mãn nhiệm kỳ bẩy năm, ÐTC Gioan Phaolô II gửi điện văn chúc mùng Tân Thổng Tống với những lời lẽ rất nồng nhiệt. ÐTC viết: "Tôi xin Tổng Thống nhận những lời chúc mừng rất thành thực của tôi trong dịp ngài được bầu làm Tổng Thống Cộng Hòa Ý, một cuộc bầu cử với số phiếu rất cao ngay từ lần bỏ phiếu thứ nhất". Ðiện văn viết tiếp. "Trong khi tận tình cầu chúc mọi thành công trong nhiệm vụ của Vị bảo đảm tối cao của sự hiệp nhất quốc gia, tôi khẩn xin ơn phù trợ của Thiên Chúa xuống trên Tổng Thống, để Tổng Thống được hoạt động sáng suốt và hữu hiệu trong việc cổ võ công ích theo con đường của các giá trị đích thực và Kitô của dân tộc Ý". Ðiện văn kết thúc như sau: "Với những tâm tình này tôi xin gửi đến Tổng Thống và Phu Nhân Phép Lành Tòa Thánh; đồng thời cho cả dân tộc Ý nữa".
Tổng Thống Ciampi sinh năm 1920, tại Livorno, cách Roma hơn 100 cây số. Ông theo học Trường các Cha Dòng Tên. Sau đó đậu Tién Sĩ Văn chương tại Ðại Học Nhà Nước tại Pisa. Rối đậu tiến sĩ về Luật Học tại Roma. Ông làm việc tại Ngân Hàng quốc gia Ý từ các cấp thấp dưới, và sau cùng tiến lên tới chức vụ Thống Ðốc Ngân Hàng Quốc Gia. Ðang lúc làm Thống Ðốc, Tổng Thống Scafaro mời ông lập Chính Phủ trong lúc xẩy ra cơn khủng hoảng chính trị trầm trọng tại Ý. Sau cuộc bầu cử 1996, ông giữ chức vụ Tổng Trưởng Ngân Khố. Là một nhà kinh tế nổi tiếng quốc tế, trong thời gian vắn Ông đã làm cho nước Ý đủ điều kiện để gia nhập ngay đợt đầu "Khối tiền tệ thống nhất Châu Âu".
Tân Tổng Thống là người Công Giáo thành tín, không thuộc Ðảng Phái chính trị nào, cũng không là Dân Biểu hay Nghị Sĩ; nhưng rất được tôn trọng, trong và ngoài nước. Việc Ông được bầu ngay trong đợt bỏ phiếu thứ nhất và với số phiếu rất cao hơn 2/3 (một hiện tượng rất họa hiếm trong các cuộc bẩu củ Tổng Thống tại Quốc Hội Ý) chứng minh con người liêm khiết và uy tín của Tân Thổng Thống nơi các Ðảng Phái chính trị và nơi dân chúng.