Tin Tức và Thời Sự
ngày 20 tháng 04/1999

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Tổng Giáo Phận Seoul gia hạn chiến dịch cứu trợ cho Bắc Hàn

Tổng Giáo Phận Seoul gia hạn chiến dịch cứu trợ cho Bắc Hàn.

(UCAN KO2537.1024 20/04/99) - Nam Hàn (Seoul) - Ủy Ban Hòa Giải của Tổng Giáo Phận Seoul đã gia hạn chiến dịch cứu trợ cho Bắc Hàn tới Lễ Giáng Sinh năm tới, bởi vì Ủy Ban coi đây là một hành động công lý xã hội.

Trong một lá thư đề ngày 31/03/99, gửi cho tất cả các giáo xứ trong Tổng Giáo Phận, ủy ban hòa giải kêu gọi các tín hữu hãy tích cực tham gia chiến dịch chia sẻ miếng ăn cho các anh chị em Bắc Hàn, hiện đang lâm vào tình cảnh đói kém. Việc cứu đói dân chúng miền Bắc không chỉ là một hành động bác ái nhưng còn là một cử chỉ thể hiện công lý xã hội, bởi vì nó bảo vệ quyền cơ bản là quyền được sống của mỗi một con người. Một bữa ăn của người dân tại Nam Hàn trị giá chỉ khoảng 3,3 Mỹ Kim, nhưng số tiền này có thể giúp một người Bắc Hàn ăn mì gói trong một tháng. Lá thư cũng kêu gọi các trẻ em trong Tổng Giáo Phận hãy tích cực tham gia vào chiến dịch này, bởi vì các em sẽ trở thành những người lãnh đạo của một quốc gia với hai miền Nam và Bắc Hàn được thống nhất trong tương lai. Lá thư xin các tín hữu Công Giáo đóng góp 0,2 % lợi tức của gia đình cho chiến dịch cứu đói Bắc Hàn.

Chiến dịch này được thiết lập vào tháng 6 năm 1996, giữa lúc người dân Bắc Hàn đang lâm vào cảnh đói kém trầm trọng. Chiến dịch được gia hạn vào năm 1998 và nay được gia hạn thêm cho đến lễ Giáng Sinh năm 2000, xét vì nạn đói kém vẫn tiếp tục ở Bắc Hàn. Trong một nỗ lực nhằm khuyến khích các tín hữu đóng góp tài chánh cho chiến dịch, ủy ban hòa giải của Tổng Giáo Phận Seoul loan báo có tổng cộng 26 ngàn tín hữu đã gửi số tiền họ hứa dâng cúng. Lá thư kết thúc với lời kêu gọi như sau: "Sự đau khổ chỉ có thể được chữa lành khi nó được chia sẻ. Con đường tắt để mở Cửa Thánh của Ðại Năm Thánh 2000 là chia sẻ những gì chúng ta đang có".


Ba cuộc họp báo liên tiếp tại Phòng báo chí Tòa Thánh trong những ngày tới đây

Ba cuộc họp báo liên tiếp tại Phòng báo chí Tòa Thánh trong những ngày tới đây.

Vatican - 20.04.99 - Phòng Báo Chí Tòa Thánh loan tin: Trong những ngày tới đây sẽ có ba cuộc họp báo:

Cuộc họp báo thứ nhất vào ngày thứ Tư 21.04.99 liên hệ đến cuộc gặp gỡ của ÐTC với các Hội Ðoàn và Phong Trào Tự Nguyện. Cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào ngày 16 tháng 5/1999 tới đây về đề tài: "Những chứng nhân của Ðức Bác Ái với ÐTC". Trong cuộc họp báo này, Văn Kiện suy tư về Ðức Ái, về phong trào Tự Nguyện và về phục vụ người dân sẽ do Hội Ðồng Tòa Thánh Ðồng Tâm (Cor Unum) trình bày. Văn Kiện này nằm trong bối cảnh của việc chuẩn bị Ðại Toàn Xá, được soạn thảo do sự cộng tác của các Hội Ðoàn và Phong Trào Tự Nguyện tại Ý và tại nhiều nước khác.

Trong cuộc họp báo thứ hai, được ấn dịnh vào lúc 11:30 sáng thứ Năm, 22/04/99, Ðức Hồng Y Edmund Casimir Szoka, Chủ Tịch Ban Quản Trị Kinh Tế của Tòa Thánh, sẽ trình bày về mối quan hệ của Giáo Hội, cách riêng của Tòa Thánh với giới Nghệ Sĩ. Nhân dịp này, một cuộc triển lãm, với đề tài: "Ðức Phaolô VI - Một ánh sáng cho nghệ thuật" sẽ được khánh thành vào sáng thứ Sáu 23/04/99. Ðức Phaolô là người đã đem nghệ thuật mới vào Vatican.

Cuộc họp báo thứ ba vào lúc 10:30 sáng thứ Sáu, 23/04/99, nói về "Bức thư của ÐTC Gioan Phaolô II gửi cho giới Nghệ Sĩ". Bức thư này sẽ do Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa, trình bày. Bức thư đã được dịch ra tám thứ tiếng: Ý, Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Hòa Lan và Ba Lan. Ðức Gioan Phaolô II cũng là một nghệï sĩ hồi còn là thanh niên. ÐTC đã nghĩ đến việc gửi một bức thư riêng cho giới Nghệ Sĩ, trong dịp chuẩn bị Ðại Toàn Xá của Năm 2000.


Tại Ðền Thờ "Kinh Lạy Cha" ở Giêrusalem có thêm hai bản dịch Kinh Lạy Cha bằng tiếng Phi Châu

Tại Ðền Thờ "Kinh Lạy Cha" ở Giêrusalem có thêm hai bản dịch Kinh Lạy Cha bằng tiếng Phi Châu.

Giêrusalem - 20.04.99 - Cách đây hơn một tuần lễ, trong Ðền Thờ "Kinh Lạy Cha" ở Giêrusalem, có thêm hai bản dịch kinh Chúa đã dạy các Tông Ðồ cầu nguyện, bằng hai thứ tiếng Châu Phi: là tiếng Zulu và tiếng Fon. Hai bản dịch này được viết trên hai bảng Céramique và được treo lên tường cùng với các bản dịch khác. Với hai bản dịch tiếng Châu Phi, hiện nay trong Ðền Thờ có 115 bản dịch Kinh Lạy Cha và được giữ lại tại nơi, mà theo truyền thống, chính Chúa đã dạy các tông đồ kinh này. Ðức Hồng Y Bernardin Gantin, Niên Trưởng Viện Hồng Y, người Bénin, đã chủ sự lễ khánh thành hai bản dịch tiếng Châu Phi và lễ nghi treo hai bản kinh trong Ðền Thờ, vì nước Bénin của ngài nói tiếng Fon. Trong thời kỳ Công Ðồng Vatican II, khi các Giám Mục Việt Nam hành hương Ðất Thánh, cũng đã đặt bản kinh Lạy Cha bằng tiếng Việt trong Ðền Thờ nầy ở Giêrusalem.


ÐTC sẽ viếng thăm Armenia vào tháng 7/1999 tới đây

ÐTC sẽ viếng thăm Armenia vào tháng 7/1999 tới đây.

(AFP 20/04/99) - Armenia (Yerevan) - Thứ Ba 20/04/99, văn phòng báo chí của Giáo Hội Kitô Armenia loan báo, thể theo lời mời của Ðức Thượng Phụ Karekin I và Tổng Thống Robert Kocharian, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Armenia vào tháng 7/1999 tới đây.

Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo Armenia, một vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo La Mã đến viếng thăm. Phòng báo chí của Giáo Hội Armenia cho biết, các giới chức của Tòa Thánh đã đến tham quan nước này dạo tháng 3/1999 vừa qua, để dọn đường cho chuyến viếng thăm của ÐTC. Ðây cũng là chuyến viếng thăm mở đầu cho biến cố vào năm 2001, mừng kỷ niệm 1,700 năm đạo Kitô du nhập tới Armenia.

Trong chuyến công du tại Armenia, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Echmiadzin, chiếc nôi của Giáo Hội Tông Tòa Armenia (Apostolic Church) và những địa điểm thánh thiêng khác. Giáo Hội Tông Tòa Armenia là một phần của Chính Thống Giáo với vị thủ lãnh là Ðức Thượng Phụ Karekin I. Ða số dân Armenia là tín hữu thuộc Giáo Hội Tông Tòa Armenia, số còn lại theo Công Giáo và Tin Lành.


Nhà thờ Chính Tòa ở thủ đô Jakarta bị đe dọa đặt bom

Nhà thờ Chính Tòa ở thủ đô Jakarta bị đe dọa đặt bom.

(Reuters, AFP 20/04/99) - Indonesia (Jakarta) - Thứ Ba 20/04/99, nhà thờ Chính Tòa của Công Giáo tại thủ đô Jakarta đã bị đe dọa đặt bom, một ngày sau vụ nổ bom tại đền thờ Hồi Giáo Istiglal nằm kế bên nhà thờ Chính Tòa. Tuy nhiên đội đặc nhiệm chống bom của cảnh sát đã không tìm thấy dấu vết bom đặt trong nhà thờ Chính Tòa. Một đội cảnh sát Indonesia đã được gửi tới để bảo vệ an ninh tại nhà thờ Chính Tòa.

Hôm thứ Hai (19/04/99), một quả bom đã phát nổ ở tầng dưới của đền thờ Hồi Giáo Istaglal gây hư hại cho nhiều văn phòng và vài người bị thương. 5 tiếng đồng hồ sau vụ nổ bom tại đền thờ Hồi Giáo ở thủ đô Jakarta, một nhóm người Hồi Giáo tại Nam Sulawesi, đã tấn công một khu vực của người Công Giáo, tại Kare, thuộc vùng ngoại ô Ujung Pandang, thủ phủ tỉnh Nam Sulawesi. Nhóm người nổi loạn đã dùng bom xăng đốt cháy nhiều tòa nhà, trong số này có văn phòng một Hiệp Hội Công Giáo, một khu cư xá, và một phòng hội của giới trẻ. Tin tức từ Ujung Pandang cho biết, cảnh sát cũng đã được điều động tới để giữ gìn trật tự tại khu vực nhà thờ Chính Tòa ở đây.

Cũng thứ Ba 20/04/99, các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã lên án vụ nổ bom tại đền thờ Hồi Giáo ở Jakarta, đồng thời kêu gọi mọi người nên bình tĩnh và đừng để mình bị lôi cuốn vào những toan tính của các phần tử xấu muốn gây xáo trộn trong nước. Trong một thông cáo được công bố, giáo hội Indonesia đã nói như sau: "Giáo Hội Indonesia lên án bất cứ kẻ nào chủ mưu vụ nổ bom tại đền thờ Istiglal. Ðây là một hành động thiếu trách nhiệm, dù là nó được thực hiện cho bất cứ mục tiêu nào. Chúng tôi cầu nguyện để các anh chị em Hồi Giáo được thêm sức mạnh để đương đầu với những thách đố này, và chúng tôi cũng cầu nguyện cho hòa bình và an ninh trật tự được vãn hồi." Liền sau vụ nổ bom tại đền thờ Istaglil, Tổng Thống Jusuf Habibie của Indonesia đã lập tức trấn an mọi người, đồng thời gọi đây là một mưu toan nhắm tạo nên những cuộc tranh chấp tôn giáo và chủng tộc ở Indonesia. Một vị bộ trưởng của Indonesia thì cho rằng vụ nổ bom là một toan tính gây phá hoại cho cuộc tổng tuyển cử dự trù diễn ra vào tháng 6/1999 tới đây.


Back to Radio Veritas Asia Home Page