Tòa Thánh
ủng hộ các nỗ lực cải tiến
nhân quyền
Chính Phủ Ấn Ðộ
bãi bỏ dự tính tuyên bố
năm 2000 là năm của Ðức
Kitô
Các giáo lý viên
Indonesia cam kết nỗ lực đối
phó với nạn suy đồi luân
lý
Vở kịch về "Ðời
Sống Tu Viện" được chiếu
trên đài truyền hình Nhật
ÐTC tiếp các Giám
Mục Mozambic đến Roma viếng Tòa Thánh
(Ad Limina)
Cuộc gặp gỡ về
cuộc hành hương quốc tế tại
Roma vào năm 2000
Tòa Thánh ủng hộ các nỗ lực cải tiến nhân quyền.
(CNS 15/03/99) - Vatican - Tòa Thánh ủng hộ các nỗ lực của UNESCO nhắm thăng tiến một nền văn hóa hòa bình, không bạo động và biết tôn trọng nhân quyền.
UNESCO là tên gọi tắt của Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Kể từ đầu tháng 3/1999 này, UNESCO đã phát động một chiến dịch thu thập 100 triệu chữ ký, được đính kèm theo một tài liệu gọi là "Bản Tuyên Ngôn 2000" (Manifesto 2000). Bản tuyên ngôn này sẽ được đệ trình trước khóa họp khoáng đại của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2000. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm 2000 là Năm Quốc Tế về Nền Văn Hóa Hòa Bình và UNESCO được trao phó trách nhiệm phối hợp các sinh hoạt cho chủ đề này trên toàn thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Vatican ngày 14/03/99 vừa qua, Ðức Ông Lorenzo Frana, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở UNESCO ở Paris đã bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Chiến dịch của UNESCO kêu gọi cả thế giới tự vấn lương tâm, và sự chú ý của mọi người nghĩ tới nhu cầu phải có sự thay đổi tận gốc rễ, thay đổi trong tâm thức, trong lối suy nghĩ và hành động, tránh gieo rắc sự thù hận và từ đó dẫn tới bạo động, chiến tranh." Tài liệu "Bản Tuyên Ngôn 2000", được các nhân vật đoạt giải thưởng Nobel Hòa Bình soạn thảo, trong đó kêu gọi mỗi cá nhân hãy cam kết duy trì sáu giá trị trong cuộc sống hằng ngày. Sáu giá trị đó là: tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, không bạo động, chia sẻ thời giờ và tài nguyên vật chất để loại bỏ bất công, bảo vệ quyền tự do phát biểu tư tưởng, thăng tiến lối sống nhắm bảo vệ môi trường và nỗ lực phát triển cộng đoàn, trong đó bao gồm cảc việc tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, công bằng và đoàn kết. Ðức Ông Frana cho biết ngài tin tưởng UNESCO sẽ thu thập được 100 triệu chữ ký cho Bản Tuyên Ngôn 2000 khi ngài nói như sau: "Với 20 triệu khách hành hương dự tính sẽ có mặt tại Roma để mừng Ðại Năm Thánh 2000, chúng ta đã có 20 triệu chữ ký. Những khách hành hương này đến Roma để đi tìm một sự bình an trong tâm hồn. Việc xin chữ ký không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây là sau khi xin được 100 triệu chữ ký rồi, nhưng lại không có sự thay đổi nào, bởi lẽ người ta có quá nhiều quyền lợi xung khắc nhau, và những quyền lợi này đi ngược lại tinh thần bất bạo động và hòa bình.
Chính Phủ Ấn Ðộ bãi bỏ dự tính tuyên bố năm 2000 là năm của Ðức Kitô.
(UCAN IA2277.1019 15/03/99) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Ðứng trước áp lực của người Ấn Giáo, Chính Phủ Liên Bang Ấn Ðộ đã bãi bỏ dự tính đứng ra tuyên bố năm 2000 là năm của Ðức Kitô. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo gọi quyết định này là không công bằng, nhưng đồng thời cũng nói rằng Giáo Hội không cần sự ủng hộ của người Ấn Giáo để mừng Ðại Năm Thánh 2000.
Tháng 12/1998 vừa qua, Chính Phủ Liên Bang Ấn Ðộ, do đảng Ấn Giáo cầm đầu, đã đề nghị là sẽ cùng với Giáo Hội mừng năm Thánh 2000 sắp tới. Báo chí Ấn Ðộ cho rằng đây là một nỗ lực của đảng Ấn Giáo nhắm cải tiến hình ảnh chống người Kitô Giáo thiểu số của chính phủ, phát sinh từ những vụ tấn công của người Ấn Giáo nhắm vào người Kitô kể từ tháng Giêng năm 1998. Tuy nhiên các tổ chức Ấn Giáo, họp thành liên minh đảng Nhân Dân Ấn Ðộ, đã chống lại đề nghị này viện lẽ là hành động này sẽ khuyến khích các tín hữu Ấn Giáo theo đạo. Các lãnh thụ Ấn Giáo cho rằng mừng năm 2000 như là Năm của Ðức Kitô sẽ gây nên tình trạng bất hòa tôn giáo, xét vì những vụ tấn công người Kitô Giáo cùng với những lời cáo buộc rằng người Kitô Giáo đang chiêu dụ các tín hữu Ấn Giáo theo đạo. Lập trường này của cánh hữu trong đảng Nhân Dân đã được một vị bộ trưởng là ông Murli Manohar Joshi, ủng hộ. Ngày 5/03/99 vừa qua, ông Joshi đã yêu cầu thủ tướng Vajpayee hủy bỏ dự tính nói trên, và thay vào đó, Ấn Ðộ sẽ mừng năm 2000 như là "Năm của Nền Văn Hóa Hòa Bình", theo như Liên Hiệp Quốc đã đề nghị.
Ông Joshi là bộ trưởng đặc trách về việc Phát Triển Nguồn Nhân Sự (Human Resource Development). Trong lá thư gửi cho thủ tướng Vajpayee, ông Joshi lập luận rằng bộ của ông cũng bao gồm các vấn đề có liên quan đến văn hóa. Ông không đồng ý với đề nghị của thủ tướng Vajpayee với lý do là Kitô Giáo không phải là một tôn giáo gốc của Ấn Ðộ. Trước sự đồng tình của nhiều vị bộ trưởng khác trong nội các, thủ tướng Vajpayee đã rút lại đề nghị của ông, và thay vào đó nội các chính phủ đã đồng ý thành lập một ủy ban để mừng năm 2000 là "Năm của Nền Văn Hóa Hòa Bình", và các nhà lãnh đạo Kitô Giáo cũng sẽ được mời tham gia vào ủy ban này.
Các giáo lý viên Indonesia cam kết nỗ lực đối phó với nạn suy đồi luân lý.
(UCAN IN2180.1019 15/03/99) - Indonesia (Cipanas) - Các giáo lý viên người Indonesia cam kết rằng họ sẽ gia tăng các nỗ lực để đối phó với tình trạng suy đồi luân lý trong nước.
Khoảng 60 giáo lý viên đã tham dự khóa hội thảo toàn quốc về giáo lý, diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 2/1999 tại thị trấn Cipanas, thuộc miền Tây Java, nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 90 kilômét về hướng Nam. Chủ đề của khóa hội thảo là "Sự Suy Ðồi Luân Lý hiện nay, Các Nỗ Lực để Ðối Phó". Trong bài thuyết trình cho các giáo lý viên, Linh Mục Joseph Lalu, tổng thư ký Ủy Ban Giáo Lý của Hội Ðồng Giám Mục Indonesia, ghi nhận, là tình trạng suy đồi luân lý là cội rễ của tất cả các cuộc khủng hoảng trong nước hiện giờ, và mục tiêu của khóa hội thảo là để gây ý thức nơi các giáo lý viên về cuộc khủng hoảng luân lý này và sự cần thiết phải soạn ra một chương trình giáo lý đáp ứng được vấn nạn về luân lý của Indonesia.
Trong những ngày hội thảo, các giáo lý viên đã đồng ý rằng nền luân lý tại Indonesia đang bị suy đồi trong bốn lãnh vực, đó là: sự sống, hôn nhân, tính dục, và trong đời sống chính trị-xã hội. Tình trạng thiếu tôn trọng sự sống và phẩm giá con người tại Indonesia ngày nay là do người ta không nhận ra được sự sống là một hồng ân do Thiên Chúa ban và mỗi một con người đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Liên quan tới đời sống hôn nhân, các giáo lý viên đã thảo luận về tình trạng xuống dốc báo động, do những vụ sống chung mà không có cưới hỏi giữa hai người nam nữ, ngoại tình, hôn nhân do khế ước, ly dị giữa các đôi vợ chồng người Công Giáo, và cha mẹ bỏ bê con cái. Trong lãnh vực đời sống xã hội-chính trị, các tham dự viên ghi nhận rằng cuộc khủng hoảng tại Indonesia hiện nay bắt nguồn từ một hệ thống chính trị bất hợp pháp được dựa trên nền văn hóa phong kiến, chủ yếu giành quyền lực.
Ðể đối phó với cuộc khủng hoảng này, cần phải có một chương trình giáo lý chú trọng tới công tác giáo dục lương tâm, và gây ý thức về phương diện luân lý, với các đối tượng học giáo lý, là trẻ em, thanh thiếu niên, cũng như người lớn. Các giáo lý viên kêu gọi Hội Ðồng Giám Mục Indonesia nên đặt ra các chương trình hành động, dựa trên lời kêu gọi cải tiến cuộc sống luân lý của các tín hữu, mà các Giám Mục đã đưa ra hồi gần đây.
Vở kịch về "Ðời Sống Tu Viện" được chiếu trên đài truyền hình Nhật.
(UCAN JA2265.1019 15/03/99) - Nhật Bản (Tokyo) - Một vở kịch về đời sống tu viện đã được một đài truyền hình Nhật trình chiếu cho khán giả tại thủ đô Tokyo.
Vở kịch mang tựa đề "Công Việc của Các Thiên Thần", nói về đời sống của 6 nữ tu trong một tu viện, được trình chiếu trên đài truyền hình Fuji, một trong 5 đài truyền hình thương mại lớn đang hoạt động trong khu vực thủ đô Tokyo. Vở kịch được chiếu vào lúc 9 đến 10 giờ tối mỗi tối thứ Tư. Một nữ tu dòng Maryknoll cho hãng thông tấn UCAN biết rằng vở kịch dài 26 tập này đã được nhiều công ty lớn của Nhật mua quảng cáo, chứng tỏ rằng đây là một chương trình có phẩm chất cao và được khán giả nhiệt tình theo dõi. Ðặc biệt nhà sản xuất vở kịch cũng như toàn bộ các diễn viên đều là những người không có đạo. Ðể vở kịch phản ánh đời sống thực sự của các nữ tu trong nhà dòng, nhà sản xuất vở kịch đã đến viếng thăm nhiều tu viện.
Theo thống kê, giáo hội Công Giáo Nhật có tổng cộng 6,384 nữ tu.
ÐTC tiếp các Giám Mục Mozambic đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina).
Vatican - 15.03.99 - Sáng thứ Hai, 15/03/99, ÐTC đã tiếp sáu Giám Mục Mozambic, do Ðức Hồng Y Alexandre Dos Santos, Tổng Giám Mục giáo phận Maputo, hướng dẫn. Mozambic, quốc gia rộng lớn thuộc mạn nam Châu Phi, độc lập từ năm 1975, sau 5 thế kỷ dưới quyền cai trị của Bồ Ðào Nha. Mozambic là sân khấu của cuộc nội chiến kéo dài trong nhiều năm. Năm 1992, nhờ trung gian của Cộng Ðồng Sant’ Egidio ở Roma, phe thiên cộng cầm quyền và phe quốc gia giải phóng đất nước, đã đi đến thỏa ước đình chiến và thiết lập một chính phủ hòa giải dân tộc.
Mozambic gồm 785 ngàn cấy số vuông, (hơn hai lần Việt Nam) với dân số khoảng 17 triệu rưởi, trong đó có khoảng 3 triệu người Công Giáo (15%); 50% theo các đạo truyền thống thờ thần linh, và 16,5% theo Hồi Giáo.
Theo niên giám của Tòa Thánh cho tới ngày 1 tháng 12 năm 1995, Hàng Giáo Phẩm Mozambic gồm 13 Giám Mục, với sự cộng tác của 360 Linh Mục, 800 Nữ Tu và 30 ngàn giáo lý viên. Giáo Hội Công Giáo hiện điều khiển khoảng 100 trường học với 25 ngàn học sinh và 500 viện từ thiện bác ái.
Ngoài 6 Giám Mục Mozambic, ÐTC còn tiếp 15 Giám Mục thuộc miền Lombardia (bắc Ý) do Ðức Hồng Y Carlo Maria Martini, Tổng Giám Mục Milano, hướng dẫn.
Cuộc gặp gỡ về mục vụ cho các người du mục và về cuộc hành hương quốc tế của họ tại Roma vào năm 2000.
Vatican - 15.03.99 - Thứ Năm 18 tháng 3/1999, tại Trụ Sở Hội Ðồng Tòa Thánh về mục vụ cho các người du lịch và di dân, sẽ có cuộc gặp gỡ giữa các vị đại diện các Giám Mục và các giám đốc quốc gia đặc trách về mục vụ các nguời du mục dưới quyền chủ tọa của Ðức Tổng Giám Mục Stephen Fumio Hamao, người Nhật, Chủ Tịch Hội Ðồng và Ðức Tổng Giám Mục Francesco Gioa, thư ký.
Trong cuộc gặp gỡ này, các vị tham dự sẽ bàn về đề tài "dấn thân cho việc tái rao giảng Tin Mừng trong thế giới các người du mục, nhân dịp cử hành Ðại Toàn Xá của Năm 2000. Cũng trong cuộc gặp gỡ này, các vị tham dự còn bàn về những chi tiết liên hệ đến chương trình và diễn tiến của cuộc hành hương quốc tế của các nguời du mục tại Roma, trong bối cảnh Ðại Toàn Xá.