Tin Tức và Thời Sự
ngày 23 tháng 02/1999

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Ðức Hồng Y Joseph Tomko kêu gọi Giáo Hội Colombia tham dự tích cực vào việc truyền giáo "Ad gentes"

Ðức Hồng Y Joseph Tomko kêu gọi Giáo Hội Colombia tham dự tích cực vào việc truyền giáo "Ad gentes".

(Avvenire 23.02.99) - Bogotà - 23.02.99 - Trong chuyến viếng thăm vừa qua tại Colombia, Ðức Hồng Y Joseph Tomko, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, đã có một loạt các buổi gặp gỡ với các Giám Mục, tu sĩ nam, nữ, chủng sinh và các cơ quan truyền giao trong nước, để thuyết trình các đề tài về dấn thân truyền giáo cho những anh chị em chưa biết Chúa Kitô (Ad Gentes). Ðứng trước việc gia tăng ơn kêu gọi Tu Dòng và Linh Mục tại Colombia, Ðức Hồng Y mời gọi Giáo Hội Colombia đừng tích trữ trong kho các tài sản quí báu này, nhưng hãy đem ra để phục vụ việc truyền giáo chung của Giáo Hội. Ðức Hồng Y Tổng Trưởng nói: "Chúng ta không thể ngồi yên, trong khi biết rằng còn từng triệu, triệu người chưa có cơ hội biết và gặp gỡ Chúa Kitô".


Ðức Cha Ximenes Belo kêu gọi các phe phái giải giới võ khí

Ðức Cha Ximenes Belo kêu gọi các phe phái giải giới võ khí.

(Reuters 23/02/99) - Australia (Sydney) - Việc giải giới toàn bộ võ khí của hai phe phái Ðông Timor là con đường duy nhất để tránh một cuộc nội chiến đang khi Ðông Timor tiến tới độc lập.

Trên đây là quan điểm của Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Dili. Căng thẳng giữa hai bên người Ðông Timor, chống và ủng hộ việc sát nhập Ðông Timor vào Indonesia, đang gia tăng kể từ sau khi Indonesia tuyên bố sẽ để cho lãnh thổ này được độc lập nếu người dân tại đây bác bỏ giải pháp tự trị do Indonesia đề xướng. Phát biểu trong một cuộc gặp gỡ tại quốc hội bang New South Wales bên Australia, Ðức Cha Belo đã nói như sau: "Theo tôi nghĩ, điều quan trọng nhất trong lúc này là giải giới tất cả mọi phe phái, các nhóm bán quân sự của phe ủng hộ độc lập cũng như phe muốn Ðông Timor được sát nhập với Indonesia. Qua tiến trình hòa giải giữa hai phe đối nghịch, Ðông Timor sẽ tránh được một cuộc nội chiến". Lời kêu gọi của vị giám quản tông tòa Dili cũng phù hợp với quan điểm của lãnh tụ mặt trận kháng chiến Fritilin của Ðông Timor, là ông Xanana Gusmao, người vừa được Indonesia chuyển từ nhà tù về giam tại gia.

Ðức Cha Belo cũng bày tỏ quan ngại rằng những người Ðông Timor muốn Indonesia tiếp tục cai quản lãnh thổ này cũng như các binh sĩ Indonesia đang đồn trú tại đây sẽ chống lại phong trào đòi độc lập của đa số dân Ðông Timor. Ngài nói như sau: "Các phần tử thuộc quân đội Indonesia đang trang bị võ khí cho những người Ðông Timor cộng tác với họ. Nhóm này đang hoang mang trước viễn tượng quân đội Indonesia sẽ rút ra khỏi lãnh thổ này. Tôi kêu gọi chính phủ Australia, Indonesia và các nước láng giềng hãy ra tay giúp Ðông Timor tránh một cuộc nội chiến đang có nguy cơ bùng nổ". Hôm thứ Hai vừa qua 22/02/99, ông Xanana Gusmao kêu gọi tổng thống Habibie nên áp lực quân đội Indonesia đừng phân phát võ khí cho các nhóm bán quân sự ủng hộ Jakarta ở Ðông Timor.


Chủ tịch Arafat kêu gọi thế giới cứu giúp Ðông Jerusalem

Chủ tịch Arafat kêu gọi thế giới cứu giúp Ðông Jerusalem.

(AFP 23/02/99) - Morocco (Casablanca) - Người Kitô trên thế giới nên hiệp lực với người Hồi Giáo để ngăn ngừa tình trạng Do Thái hóa thành Jerusalem.

Ðó là lời kêu gọi từ chủ tịch Yasser Arafat của Palestine, đưa ra vào hôm thứ Ba (23/02/99) tại một hội nghị quốc tế, kéo dài trong 3 ngày tại thành phố Casablanca của Morocco. Khoảng 300 học giả từ các nước Arab-Hồi Giáo, Âu Châu và Hoa Kỳ đã đến tham dự để thảo luận về qui chế tương lai của vùng lãnh thổ phía Ðông thành Jerusalem đối với các tôn giáo độc thần. Hội này do Tổ Chức Các Quốc Gia Hồi Giáo đứng ra bảo trợ. Ðưa ra lời kêu gọi trên đây, ông Yasser Arafat giải thích như sau: "Tiến trình hòa bình đang đối diện với một tương lại vô định, có nguy cơ hủy diệt hòa bình cũng như tất cả mọi hy vọng cho hòa bình, an ninh và sự ổn định gắn liền. Tôi kêu gọi Tòa Thánh, các giáo hội Ðông Phương và các giáo hội Kitô khác, hãy tham gia và đóng góp tài chánh vào các nỗ lực, để cùng với người Hồi Giáo, chống lại mọi toan tính muốn Do Thái Hóa thành Jerusalem". Chủ tịch Arafat cũng nhân cơ hội này trực tiếp nhắn gửi tới công chúng Do Thái lời lẽ như sau: "Hòa bình và việc định cư những người Do Thái tại những vùng đất còn tranh chắp, là hai điều đối nghịch không thể nào tồn tại chung với nhau được. Sẽ không bao giờ có hòa bình khi nào việc định cư còn tiếp diễn, chiếm đất, Do Thái hóa Jerusalem. Hòa bình là ưu tiên hàng đầu cho quyền lợi của người Do Thái, cũng như cho quyền lợi của người Palestine, các nước Ả Rập và cộng đồng thế giới.

Về phần mình vua Hassan II của Morocco và cũng là chủ tịch Ủy Ban Jerusalem, đã gửi tới hội nghị một sứ điệp trong đó quốc vương lên án cuộc chiến tôn giáo mà phía Do Thái đang khởi động tại Thành Thánh. Quốc vương Hassan II kêu gọi bảo tồn nền văn hóa và tôn giáo phong phú của Ðông Jerusalem. Ủy Ban Jerusalem được Tổ Chức Các Nước Hồi Giáo thiết lập, mục đích là để bảo vệ quyền lợi của người Hồi Giáo tại Jerusalem. Trong khi đó, Ðức Thượng Phụ Michel al-Sabbah, giáo chủ Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Jerusalem, thì kêu gọi chính phủ các nước Ả Rập hãy thực hiện những bước cụ thể và đóng góp tài chánh để đảm bảo việc tôn trọng quyền của người Kitô tại Jerusalem. Ðức Thượng Phụ Sabbah khẳng định rằng, bất cứ nỗ lực nào nhắm củng cố sự hiện diện của người Kitô tại Jerusalem thì cũng là củng có sự tồn tại của người Ả Rập tại vùng lãnh thổ mà Do Thái muốn Do Thái Hóa.


Các tổ chức nhân quyền Chilê và Argentina chỉ trích việc Tòa Thánh ủng hộ nhà độc tài Pinochet

Các tổ chức nhân quyền Chilê và Argentina chỉ trích việc Tòa Thánh ủng hộ nhà độc tài Pinochet.

(AFP 23/02/99) - Argentina (Buenos Aires) - Các tổ chức nhân quyền tại Chilê và Argentina đang tiếp tục chỉ trích việc Tòa Thánh can thiệp cho tướng Augusto Pinochet với chính phủ Anh Quốc, để ông không bị dẫn độ sang Tây Ban Nha chịu xét xử.

Tổ chức "Các Bà Mẹ Quảng Trường" (Mothers of Plaza) bên Argentine đã chính tay mang tới Tòa Khâm Sứ tại thủ đô Buenos Aires một lá thư, trong đó tổ chức này nói rằng họ không thể nào tin được là ÐTC Gioan Phaolô II lại đứng ra can thiệp cho nhà độc tài Pinochet, vì lý do nhân đạo. Phát ngôn viên Tòa Thánh, tiến sĩ Navarro Valls đã xác nhận rằng Tòa Thánh đã gửi thư liên lạc với chính phủ Anh Quốc liên quan tới vấn đề của tướng Pinochet. Tuy nhiên tiến sĩ Navarro Valls nói rằng việc liên lạc ngoại giao này giữa Tòa Thánh và Anh Quốc là bí mật, đồng thời tiến sĩ cũng không xác nhận là ÐTC đã trực tiếp đứng ra can thiệp.

Trong khi đó tại Chilê, các thân nhân của những người được coi là nạn nhân của tướng Pinochet trong thời ông nắm quyền, đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô và ra một thông cáo nói rằng họ không thể nào hiểu được vai trò của Tòa Thánh trong vụ xin khoan hồng cho nhà độc tài Pinochet. Một dân biểu quốc hội, thuộc đảng Dân Chủ Kitô cũng chỉ trích quyết định của Tòa Thánh trong vấn đề này.


Các Ðức Giám Mục Ðức thảo luận về sự hiện diện của Giáo Hội trong các trung tâm cố vấn cho các phụ nữ gặp khó khăn khi mang thai

Các Ðức Giám Mục Ðức thảo luận về sự hiện diện của Giáo Hội trong các trung tâm cố vấn cho các phụ nữ gặp khó khăn khi mang thai.

Lingen, Ðức [Apic 23/02/99] - Các Ðức Giám Mục Ðức đang thảo luận về sự hiện diện của Giáo Hội trong các trung tâm cố vấn cho các phụ nữ gặp khó khăn trong khi mang thai.

Hôm thứ Ba [23/02/99], trong phiên họp khoáng đại diễn ra tại Lingen, 67 vị Giám Mục Ðức lắng nghe tường trình của nhóm làm việc được thiết lập để nghiên cứu về vấn đề này. Hiện nay tại Ðức có tất cả 1,600 trung tâm cố vấn cho các phụ nữ gặp khó khăn trong khi mang thai. 260 trung tâm thuộc trách nhiệm của Giáo Hội.

Nhóm nghiên cứu cho biết sự hiện diện của Giáo Hội trong các trung tâm cố vấn là phương thế tốt nhứt để bảo vệ sự sống của các thơ nhi sắp chào đời. Theo nhóm nghiên cứu này, việc cố vấn có thể giúp cho các phụ nữ mang thai gặp khó khăn có thể từ bỏ ý định phá thai.

Cách đây một năm, trong lá thư gởi cho Hội Ðồng Giám Mục Ðức, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng việc cấp chứng chỉ cho các phụ nữ mang thai gặp khó khăn, có tính cách hàm hồ: nó có thể bị xem như một điều kiện cần thiết để tiến hành việc phá thai. Ðức Thánh Cha cho rằng Giáo Hội không nên cấp một loại chứng chỉ như thế.

Hôm nay, các Ðức Giám Mục Ðức sẽ bỏ phiếu để quyết định xem có nên tiếp tục việc cấp chứng chỉ như thế hay không.


Tuần san "Civilta Cattolica" phê phán phong trào tranh đấu cho quyền của súc vật

Tuần san "Civilta Cattolica" phê phán phong trào tranh đấu cho quyền của súc vật.

Roma [Zenit 23/02/99] - Tuần san "civilta Cattolica" của các Linh Mục Dòng Tên lên tiếng phê phán phong trào tranh đấu cho điều được gọi là "quyền" của súc vật.

Trong bài xã luận số mới nhứt, tuần san uy tín nhứt của Dòng Tên cho rằng áp dụng quyền của con người cho thú vật sẽ dẫn đến những hậu quả phi lý.

Bài xã luận của báo Civlita Cattolica đã tạo ra một phản ứng gay gắt về phía Liên Minh chống lại việc mổ xẻ, một trong những hiệp hội tranh đấu cho quyền của súc vật tích cực nhứt tại Ý. Liên Minh chống lại việc mổ xẻ súc vật còn sống, so sánh lập trường của các Linh Mục Dòng Tên với việc chối bỏ quyền của phụ nữ trước kia. Liên Minh này tố cáo các Linh Mục Dòng Tên dững dưng trước sự kiện mỗi năm trên thế giới không biết bao nhiêu súc vật bị hành hạ cho đến chết.

Trong bài xã luận, tuần san "civilta Cattolica" viết rằng nếu thú vật có những quyền như con người, chúng ta có nghĩa vụ phải can thiệp để tránh không cho con thú này hành hạ hay sát hại con thú khác.

Bài xã luận nhấn mạnh rằng con người, vì chiều kích thiêng liêng của nó, không những khác với thú vật mà còn cao cả hơn thú vật. Con người có một giá trị và một phẩm giá mà thú vật không có. Một phẩm giá như thế làm cho con người tự nó là một cứu cánh, không bao giờ được xử dụng như một phương tiện. Do đó, thú vật không có và không thể có những quyền như con nguời. Nhưng dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là thú vật có thể bị đối xử một cách tàn nhẫn và con người không có nghĩa vụ đối với chúng.


Back to Radio Veritas Asia Home Page