"Nhóm hành
động 16/2 tại Cọng Hòa Dân Chủ
Congo
Nhật Bản kỷ niệm 450
năm Thánh Phanxicô Xaviê đến
Nhật Bản
ÐTC can thiệp cho tướng
Pinochet của Chilê
Tòa Thánh can thiệp về
vụ Tướng Pinochet
Chủ tịch Arafat đến
Roma để chuẩn bị cho các nghi lễ
mừng Ðại Năm Thánh
ÐTC tiếp ông Yasser Arafat
lãnh tụ Palestine
ÐTC tiếp phái đoàn
tham dự Hội Nghị quốc tế về
"Betlem 2000"
"Nhóm hành động 16/2 tại Cọng Hòa Dân Chủ Congo".
Kinshasa [Zenit 19/02/99] - Tổ chức có tên là "nhóm liên kết hành động 16/2" tại Cọng hòa dân chủ Congo, kêu gọi các phe tranh chấp trong nước hãy đeo đuổi tinh thần bất bạo động trong cuộc đấu tranh của họ. Nhóm "Liên Kết hành động 16/2" qui tụ nhiều phong trào Kitô trong nước.
Những cuộc đụng độ mới đây tại Uvira, mạn đông Congo giữa quân đội chiếm đóng đến từ Rwanda và các du kích quân chống lại tổng thống Kabila, đã khiến cho cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Theo một bản báo cáo của Tổ Chức lương nông Liên Hiệp Quốc, các gia đình tại Kinshasa phải dùng đến 90 phần trăm thu nhập của họ cho lương thực hằng ngày. Họ chỉ có thể ăn được thịt hai tuần một lần mà thôi.
Nhóm "Liên Kết hành động 16/2" được đặt tên từ cuộc tuần hành phản đối ngày 16/2 năm 1992. Những người tham gia cuộc tuần hành đã yêu cầu mở lại Hội Nghị Chủ Quyền dân tộc để thảo luận về việc thiết lập Nhà Nước Pháp Quyền. Cuộc tuần hành đã bị nhà độc tài Mobutu đàn áp dã man. Ngày nay, 7 năm sau biến cố, các tín hữu Kitô của Nhóm Liên Kết hành động 16/2 kêu gọi hòa bình cho xứ sở. Trong lời kêu gọi của mình, những người thuộc nhóm Liên Kết hành động 16/2 khuyến khích những ai có trách nhiệm trong guồng máy cai trị hãy đi vào "con đường hòa giải dân tộc để thiết lập một xã hội dân chủ thực sự".
Nhật Bản kỷ niệm 450 năm Thánh Phanxicô Xaviê đến Nhật Bản.
Tin TOKYO / Nhật Bản (Apic 19/02/99): Thánh Phanxicô Xaviê đã đặt chân đến Nhật Bản lần đầu tiên ngày 15 tháng 8 năm 1549, tại Kagoshima. Vì thế, trong thời gian nầy, Giáo Hội Công Giáo tại Nhật Bản cùng với những cộng đoàn Kitô khác, bắt đầu những cử hành để kỷ niệm biến cố 450 năm Thánh Phanxicô đến Nhật Bản. Thánh Nhân đã sinh ra trong một gia đình quý tộc Tây Ban Nha gốc Basque, năm 1506. Ngài là một trong những đồ đệ của Thánh Ignatiô thành Loyola, vị thánh sáng lập Dòng Tên. Ðược thụ phong linh mục năm 1537, và năm 1541, Thánh Nhân lên đường đi truyền giáo cho vùng Ðông Ấn, và đặt chân đến GOA. Sau đó, ngài quyết định đến truyền giáo tại Nhật Bản, và đặt chân lần đầu tiên đến Kagoshima, ngày 15 tháng 8 năm 1549.
Linh Mục TOSHIAKI KOSO, dòng tên, và là viện trưởng Ðại Học Công Giáo SOPHIA ở TOKYO, Nhật Bản, mới đây đã tuyên bố rằng Thánh Phanxicô Xaviê đã đóng một vai trò quan trọng không những trong lịch sử và nền văn hóa của Nhật Bản, mà còn trong thế giới nữa, vì những cố gắng của Ngài để rao giảng Phúc Âm, và ước muốn phát triển việc trao đổi văn hóa Ðông Tây. Tháng 12/1998 năm vừa qua, Ðại Học Sophia đã tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế với hơn 300 tham dự viên, về đề tài: "Cuộc Gặp Gỡ giữa Âu Châu và Á Châu vào thời những Nhà Hàng Hải nổi tiếng-- Biến Cố Thánh Phanxicô XAVIÊ đến Nhật Bản trong viễn tượng lịch sử thế giới."
Theo bản thống kê mới đây, thì tổng cộng số người Kitô tại Nhật Bản là 1,104,167, tức chiếm 0,87% dân số. Trong số nầy, giáo hội Công Giáo chỉ có 457,199 tín hữu; tổng số anh chị em Tin Lành Nhật Bản là 602,845 người. Và Giáo Hội Chính Thống Nhật Bản có 25,713 tín hữu.
ÐTC can thiệp cho tướng Pinochet của Chilê.
(AFP, Reuters 19/02/99) - Anh Quốc (Luân Ðôn) - ÐTC Gioan Phaolô II đã viết thư xin chính phủ Anh Quốc hoãn lại việc dẫn độ tướng Augusto Pinochet của Chilê sang Tây Ban Nha để ra tòa chịu xét xử.
Nhật báo "Daily Telegraph", xuất bản tại Luân Ðôn nói rằng, trong lá thư gửi tới chính phủ Anh, ÐTC Gioan Phaolô II kêu gọi nên rộng lượng với ông Pinochet vì lý do nhân đạo và vì quyền lợi của tiến trình hòa giải dân tộc tại Chilê. Ngoài ra ÐTC cũng ngỏ ý ủng hộ lập luận cho rằng tướng Pinochet nên được miễn tố bởi vì ông là một vị cựu nguyên thủ quốc gia. Cũng theo sự hiểu biết của tờ Daily Telegraph thì, một lá thư tương tự cũng đã được gửi tới chính quyền Tây Ban Nha. Thứ Năm 18/02/99 vừa qua, bộ ngoại giao Anh xác nhận rằng Tòa Thánh đã liên hệ với Luân Ðôn về vụ bắt giữ tướng Pinochet tại Anh. Tuy nhiên không có chi tiết nào khác được công bố. Phát ngôn viên của bộ ngoại giao Anh nói như sau: "Chúng tôi đã nhận được thư từ Vatican và chúng tôi lưu ý tới những điều ghi nhận trong thư, tuy nhiên đây là vấn đề hoàn toàn do tòa án định đoạt. Ðây chưa phải là thời điểm thích hợp để chúng tôi đưa ra bất cứ lời phê bình nào".
Tướng Pinochet bị nhà chức trách Anh bắt giữ tại Luân Ðôn hôm 16/10/1998 năm ngoái, theo lời yêu cầu của một tòa án tại Tây Ban Nha muốn đưa ông ra xét xử về những cáo trạng liên quan tới diệt chủng, tra tấn và thủ tiêu các tù nhân trong thời gian ông cai trị Chilê với bàn tay sắt từ năm 1973-1990. Tối cao pháp viện Anh đang cứu xét đơn xin được miễn tố trong tư cách là một cựu nguyên thủ quốc gia. Ðơn của ông đang được tối cao pháp viện Anh cứu xét. Nếu đơn của ông được chấp thuận theo như mong đợi của chính phủ Chilê, thì tướng Pinochet được tự do trở về nguyên quán, nếu không, ông sẽ phải trải qua nhiều thủ tục pháp lý để bị dẫn độ sang Tây Ban Nha.
Cuối tháng 11/1998 năm ngoái, phó bộ trưởng ngoại giao Chilê đã yêu cầu được hội kiến với các nhân vật cao cấp của Vatican để thảo luận về vụ bắt giữ tướng Pinochet. Tuy báo chí Ý lúc đó nói rằng, chính phủ Chilê không yêu cầu Tòa Thánh đứng ra làm trung gian, nhưng một số nhà ngoại giao đã ngỏ ý rằng Chilê có ý muốn xin Tòa Thánh lên tiếng trong vụ này vì lý do nhân đạo. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Chilê dạo năm 1987 khi tướng Pinochet còn đang nắm quyền.
Tòa Thánh can thiệp về vụ Tướng Pinochet.
Vatican - 19.02.99 . Nhật báo "Daily Telegrah" số ra ngày 18.02.99, nhắc đến sự can thiệp của Tòa Thánh, về vấn đề Tướng Pinochet, người Chili, bị giam giữ tại London. Ðược đặc phái viên đài Vatican phỏng vấn về vụ này, Tiến Sĩ Navarro Valls, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh trả lời như sau: "Ðúng như vậy, tôi có thể xác nhận rằng Tòa Thánh có can thiệp theo đường lối ngoại giao với Chính Phủ Anh Quốc, như bà Nam Tước Simons de Védrine, thuộc Bộ Ngoại Giao Anh, đã loan tin hôm 18.02.99 tại Nghị Viện. Việc can thiệp này của Tòa Thánh đã được làm trong bí mật, và có thể công bố vào lúc thuận tiện, với sự thỏa thuận của Chính Phủ Anh Quốc, theo thủ tục quốc tế".
Ðược hỏi tại sao Tòa Thánh quan tâm đến vấn đề Pinochet? Tiến Sĩ Navarro Valls trả lời: "Câu hỏi nầy thật hay và tôi cần minh xác rằng: việc quan tâm của Tòa Thánh là do chính phủ Chili yêu cầu, như ngài biết, chính phủ Chili gồm các thành phần của Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và xã hội và chính phủ này, tại các tòa án quốc tế, đòi lại chủ quyền của mình, cả trong lãnh vực luật pháp nữa".
Tướng Pinochet, sau khi lật đổ chính phủ thiên cộng của Tổng Thống Allende ngày 11 tháng 9 năm 1973, đã lên cầm quyền và thi hành chính sách độc tài. Ông bị cáo về tội thủ tiêu nhiều người đối lập chính trị trong nước và một số người ngoại quốc nữa (như Tây Ban Nha). Mới đây, ông đi Anh Quốc, để chữa bệnh và bị giam giữ tại đây, theo lời yêu cầu của chính phủ Tây Ban Nha. Trái lại chính phủ Chili phản đối hành động này và đòi tôn trọng chủ quyền quốc gia của mình. Do đó, chính phủ này đã xin Tòa Thánh can thiệp với Chính Phủ Anh Quốc trả lại Tướng Pinochet, để xét xử ông theo luật lệ quốc gia Chili.
Chủ tịch Arafat đến Roma để chuẩn bị cho các nghi lễ mừng Ðại Năm Thánh.
(AFP 19/02/99) - Roma - Thứ Năm vừa qua (18/02/99), chủ tịch Yasser Arafat của Palestine đã bắt đầu chuyến viếng thăm 3 ngày tại Roma để chuẩn bị cho các nghi lễ mừng Ðại Năm Thánh 2000 tại Bethlehem.
Thứ Sáu 19/02/99, ông Arafat có cuộc tiếp kiến riêng với ÐTC Gioan Phaolô II và ông đã lập lại lời mời ÐTC đến viếng thăm Bethlehem. Ðây là lần thứ 7 ông Arafat gặp ÐTC kể từ cuộc gặp đầu tiên dạo năm 1982. ÐTC Gioan Phaolô II cũng đã nhiều lần ngỏ ý rằng ngài muốn hành hương đến Bethlehem để đón mừng Thiên Niên Kỷ mới. Chính phủ Israel cũng đã mời ÐTC đến Jerusalem nhân dịp Ðại Năm Thánh.
Hôm thứ Năm 18/02/99, cùng với ông Lamberto Dini, bộ trưởng ngoại giao Ý, chủ tịch Arafat đã khai mạc hội nghị quốc tế gọi là "Bethlehem 2000", dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị diễn ra tại tổng hành dinh của Tổ Chức Thực Phẩm và Nông Nghiệp. Chương trình Bethlehem 2000 đã được khởi sự dạo tháng 5 năm 1997, mục tiêu là để phát triển các hạ tầng cơ sở và kỹ nghệ du lịch biến Bethlehem thành một địa điểm quan trọng cho khách hành hương đến từ các nơi trên thế giới. Ám chỉ tới vị trí đáng tiếc của Bethlehem, bị bao bọc bởi người định cư và các thành phần người Israel cực đoan, chủ tịch Arafat kêu gọi cộng đồng quốc tế đứng ra đảm bảo thế nào để người hành hương được tự do đi lại tại các địa điểm thánh ở Bethlehem cũng như tại Jerusalem. Chủ tịch Arafat than phiền điều mà ông gọi là một sự tấn công từ những người định cư nhắm cắt đứt và cô lập Bethlehem với Jerusalem. Ông nói: "Chúng tôi đang làm việc trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây bản chất tôn giáo của các nghi lễ sẽ được cử hành, các sinh hoạt này sẽ trở thành chiếc cầu nối tiếp Palestine với cả thế giới từ tháng 12 năm 1999 cho đến tháng 4 năm 2001.
Chương trình Bethlehem 2000 do cộng đồng quốc tế gồm Liên Hiệp Âu Châu, Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và tổ chức tư nhân và nhiều cộng đoàn tôn giáo, đứng ra bảo trợ.
ÐTC tiếp ông Yasser Arafat lãnh tụ Palestine.
Vatican - 19.02.99 - Lúc 11 giờ trưa thứ Sáu, 19 tháng 2/1999, ÐTC đã tiếp Ông Yasser Arafat, lãnh tụ Palestine và đoàn tùy tùng. Ông Arafat đến Roma tham dự Hội nghị quốc tế về dự án "Betlem 2000", do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Trụ sở FAO ở Roma, với tài trợ của Liên Hiệp Quốc, của các Chính Phủ hội viên và với sự đóng góp của một số người bảo trợ. "Betlem 2000" là một chương trình vĩ đại nhằm tăng cường các hạ tầng cơ sở của Thành Phố lịch sử này, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra cách đây hai ngàn năm, bằng việc biến đổi Betlem thành một địa điểm thu hút các khách hành hương của Ðại Toàn Xá năm 2000. Trong cuộc phát biểu ý kiến tại Hội Nghị, Lãnh tụ Palestine bày tỏ sự hài lòng lớn lao của Ông về sáng kiến của Liên Hiệp Quốc, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng: Betlem chưa phải là thành phố hoàn toàn tự do, bởi vì một phần còn bị bao vây bởi các người Do Thái cũ và mới. Ðây là lần thứ bẩy lãnh tụ Palesatine được Ðức Gioan Phaolô II tiếp. Lần thứ nhất vào năm 1982 và lần sau đó vào tháng Sáu năm ngoái (1998).
Sau buổi tiếp kiến, Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh, tuyên bố trên Ðài Phát Thanh Vatican như sau: "Buổi tiếp kiến diễn ra trong bầu khí thân mật giữa ÐTC và ông Arafat. Như mọi người biết: Ðây là lần thứ bẩy ÐTC và ông Arafat gặp nhau. Trong buổi tiếp kiến dĩ nhiên hai bên đã thảo luận về tình hình Trung Ðông và cách riêng về những viễn tượng của biến chuyển các cuộc đàm phán giữa nguời Do Thái và Palestine, và với sự lưu ý cách riêng đến Thành Thánh Giêrusalem".
Tiến sĩ Navarro Valls nói tiếp: "Ông Arafat đã nhắc lại lời mời ÐTC viếng thăm Betlem, nơi người dân đang nao nức chờ đợi sự hiện diện của ngài. ÐTC một lần nữa đã chấp nhận lời mời mà ông Arafat đã đưa ra trong buổi gặp gỡ tháng sáu năm ngoái. Phát ngôn viên cho biết thêm: Cuộc thảo luận giữa ÐTC và ông Arafat là một cuộc thảo luận thực tế, dĩ nhiên cũng lạc quan nũa. Lạc quan về tiến trình hòa bình cũng như về những viễn tượng của sự hiện diện của Ðức Gioan Phaolô II tại Thánh địa. Tham dự Hội Nghị quốc tế về "Betlem 2000" về phía Tòa Thánh, có Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh 2000.
ÐTC tiếp phái đoàn tham dự Hội Nghị quốc tế về "Betlem 2000".
Vatican - 19.02.99 - Sau khi tiếp Lãnh Tụ Yasser Arafat, cũng trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp phái đoàn tham dự Hội nghị quốc tế "Betlem 2000". Trong diễn văn ngắn bằng tiếng Anh, ÐTC nhắc lại rằng: Việc Chúa Giêsu sinh ra tại Betlem đem lại cho Thành Phố bé nhỏ này một khuôn mặt duy nhất "trong tâm trí và trong tâm hồn cả thế giới". Ngài nói: "Dù lịch sử của nơi này đã bị ghi dấu ngay từ đầu bằng bạo động, --(vụ Vua Herodê sát hại các trẻ em từ hai tuồi trở xuống, vì muốn tiêu diệt Chúa hài nhi mới sinh),-- nhưng Bethlem vẫn là "một lời hứa của hòa bình", một "bảo đảm cho sự kiện này là những hy vọng hòa bình của nhân loại không uổng công". ÐTC nói thêm: "Tất cả chúng ta phải hoạt động để xây dựng một tương lai trong đó hòa bình không có những đe dọa giữa những ai tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, dù là tín hữu Kitô, Do Thái hay Hồi Giáo. Nghĩ đến miền gay go này của Ðịa Cầu, ÐTC nhắc lại rằng: lời hứa hòa bình được đem đến tại Betlem sẽ trở nên một thực tại, chỉ khi nào phẩm giá và các quyền con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thực sự được công nhận và tôn trọng".