Tin Tức và Thời Sự
ngày 18 tháng 02/1999

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Kết thúc hội nghị quốc tế lần thứ ba về "văn hóa và truyền thông"

Kết thúc hội nghị quốc tế lần thứ ba về "văn hóa và truyền thông".

Salamanca, Tây Ban Nha [Zenit 18/02/99] - Hội nghị quốc tế lần thứ ba về "văn hóa và truyền thông" được tổ chức tại Ðại Học Giáo Hoàng Salamanca, Tây Ban Nha, vừa kết thúc.

Trong bài phát biểu về sự hội nhập văn hóa của Giáo Hội bằng các phương tiện truyền thông, Ðức Hồng Y Dario Castrillon, tổng trưởng bộ Giáo Sĩ, khẳng định rằng "Giáo hội rao giảng Tin mừng bằng cách đào luyện lương tâm cá nhân cũng như tập thể. Việc rao giảng Tin mừng mới cần phải đưa sứ điệp vào trong nền văn hóa mới do các phương tiện truyền thông hiện đại tạo nên".

Vị Hồng Y người Colombia nhấn mạnh rằng Giáo Hội không chỉ xử dụng các phương tiện, mà còn phải phục vụ nền văn hóa của các phương tiện này để biến đổi nó, vì nhận thức rằng các phương tiện truyền thông củng cố tình liên đới giữa các dân tộc. Ðề cập đến các kỷ thuật mới, ngài nói rằng các nhà truyền gíao của thời đại cũng như các linh mục, phải theo dõi và am hiểu nền văn hóa hiện đại.

Về phần mình, Ðức Tổng Giám Mục John Foley, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về các phương tiện truyền thông, nhấn mạnh đến tích cách "chóng tàn" của nền văn hóa mới do các phương tiện truyền thông tạo nên. Ngài cảnh cáo về trào lưu "dùng rồi ném đi" của con nguời thời đại. Ðề cập đến phim ảnh, vị chủ tịch của Hội Ðồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội nói rằng ngày nay người ta đánh giá một cuốn phim dựa vào số đông người đi xem vào ngày cuối tuần khi nó được đem ra trình chiếu. Ngài cho rằng con người thời đại không còn muốn bỏ giờ ra để tiêu hóa và thẩm định về nguồn thông tin họ nhận nữa.

Chính vì thế mà Ðức Tổng Giám Mục Foley kêu gọi những người làm công tác truyền thông hãy xử dụng các phương tiện truyền thông không phải để thõa mãn những khuynh hướng thấp hèn của con người, mà để cổ võ sự hiệp nhứt, tinh thần hòa bình, sự hiểu biết và lẽ khôn ngoan.


Việt Nam nhìn nhận sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo về mặt luân lý

Việt Nam nhìn nhận sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo về mặt luân lý.

Vatican [Zenit 18/02/99] - Một bảng báo cáo về một chiến dịch được thực hiện trong hai năm qua tại tỉnh Ðồng Nai, nhìn nhận sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo về mặt luân lý. Theo trích thuật của Báo Người Quan Sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh Vatican, ông Nguyễn Quốc Vũ, chủ tịch của Ủy Ban đặc trách về việc phòng chống các tệ nạn xã hội tại các tỉnh phía nam, đã nhìn nhận rằng những vùng có đông nguời Công Giáo gặp ít vấn đề xã hội hơn những nơi khác. Bảng báo cáo chính thức cũng ca ngợi các Linh Mục vì đã động viên giáo dân cộng tác với chính quyền địa phương trong việc bài trừ việc buôn bán ma túy.

Một nguời phát ngôn của Ðức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, nơi chiến dịch được thực hiện, nói rằng xã hội Việt Nam đã phải gánh chịu nhiều tệ nạn xã hội do nghèo đói và thái độ tiêu thụ tạo nên. Việc di dân từ nông thôn ra thành thị cũng tạo ra nhiều vấn đề, nhứt là về mặt đạo đức.


Hội nghị "Belem Năm 2000"

Hội nghị "Belem Năm 2000".

Roma [Zenit 18/02/99] - "Belem 2000": là chủ đề của một hội nghị do Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về việc thực thi những quyền bất khả xâm phạm của dân tộc Palestine, đứng ra tổ chức tại Roma. Ðây là một dự án đã được đề ra hồi tháng Ba 1998 năm vừa qua với mục tiêu thiết lập những cơ cấu nhằm biến sinh quán của Chúa Kitô thành một nơi hành hương quan trọng.

Ðây cũng là một sáng kiến đầy ý nghĩa cho cộng đồng Kitô tại Palestine, mặc dầu hiện nay ngày càng có nhiều tín hữu rời bỏ vùng đất này. Nguồn tài trợ cho dự án này đến từ Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và nhiều chính phủ cũng như các tổ chức Kitô và tư nhân. Hiện nay số tiền quyên được đã lên đến 137 triệu mỹ kim. Chỉ cần thêm 70 triệu nữa là đủ cho dự án đề ra.

Rất tiếc là hiện nay Thánh Ðịa chưa thực sự được yên ổn. Chính vì thế mà Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương chuẩn bị Năm Thánh 2000 đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc mở Hội Nghị "Belem 2000".

Hội nghị là dịp để tái tục tiến trình Hòa Bình tại Trung Ðông. Ðức Hồng Y Etchagary đã khẳng định như sau: "Hòa bình không phải là một khẩu hiệu quảng cáo, cũng chẳng nhằm để thu hút khách hành hương và du lịch. Trên hết, hòa bình là một đòi hỏi thiết yếu cho những ai đang sống từng ngày trong vùng đất này. Như ng hòa bình không tùy thuộc ở một tiến trình, mà phát xuất từ một sự hoán cải lòng trí và xây dựng trên phẩm giá của mỗi một con người".

Tham dự hội nghị, chủ tịch Arafat của Palestine đã phận tách những khó khăn trong việc thực hiện hòa bình tại Trung Ðông. Trong bài phát biểu của ông, chủ tịch Arafat đã nhắc đến sự hy sinh vì hòa bình của cựu thủ tướng Israel, ông Isaac Rabin.


Tiểu sử đầu tiên của nữ tu Nirmala, người kế vị Mẹ Terexa Calcutta

Tiểu sử đầu tiên của nữ tu Nirmala, người kế vị Mẹ Terexa Calcutta.

Roma [Zenit 18/02/99] - "Tôi, Nirmala": đó là tựa đề của quyển tiểu sử đầu tiên về nữ tu Nirmala, người kế vị Mẹ Terexa Calcutta trong chức vụ bề trên Dòng Nữ Tu thừa sai bác ái. Tác giả của quyển tiểu sử này là ông Gianpaolo Mattei, một ký giả của báo Người quan sát Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh Vatican.

Tên thật của nữ tu Nirmala là Kusuk, nghĩa là "bông hoa". Chị sinh ngày 23/07 năm 1934 tại Duranda, bang Bihar, Ấn Ðộ, trong một gia đình Ấn Giáo giàu có. Chị nói về gia đình mình như sau: "Cha mẹ tôi rất trân trọng các giá trị Ấn Giáo, nhứt là sự khiết tịnh và trung thành trong bậc hôn nhân, việc cầu nguyện, lòng cảm thông, giúp đỡ người túng thiếu và tự chế. Tôi đã cầu nguyện với Chúa với những tên như Ran, Krisna và Shiva. Ngay từ tuổi thơ, tôi đã khao khát được yêu mến người nghèo".

Nữ Tu Nirmala xác nhận rằng chị đã hấp thụ những giá trị cao đẹp nhứt của Ấn Giáo. Năm lên 7, chị được cha mẹ gởi vào một trường học do các thừa sai Công Giáo điều khiển. Tại đây, lần đầu tiên chị nghe nói về "một người tên là Giêsu Kitô". Năm lên 9, trong khi chơi đùa với các bạn, lần đầu tiên chị như bị thu hút bởi một tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đến độ mỗi ngày trước khi ra về, chị đều đến ngắm nhìn bức tượng.

Sau khi tốt nghiệp trung học, chị ghi danh học luật tại đại học Patna và nội trú trong một cư xá do các Nữ Tu Công Giáo điều khiển. Chính qua tiếng chuông trong tu viện mà Chúa Giêsu đã đánh động chị. Nhưng phải mất sáu năm phấn đấu, cuối cùng chị mới có đủ can đảm trình bày với cha mẹ về việc chị muốn trở thành một tín hữu Công Giáo. Và cuối cùng, nhờ trung gian của một linh mục Dòng Tên, chị đã được giới thiệu đến gặp Mẹ Terexa tại Calcutta.


Cộng Ðoàn Thánh ÊGIDIÔ được giải thưởng Hòa Bình NIWANÔ năm 1999

Cộng Ðoàn Thánh ÊGIDIÔ được giải thưởng Hòa Bình NIWANÔ năm 1999.

Tin Roma (CNS 18/2/99): Hôm thứ Năm 18 tháng 2/1999, Hội Hòa Bình NIWANÔ tại Nhật Bản đã công bố trao giải thưởng NIWANÔ Hòa Bình năm 1999, trị giá 175 ngàn mỹ kim, cho Cộng Ðoàn Thánh Eâgidiô.

Cộng Ðoàn Thánh Eâgidiô đã được thành lập tại Roma vào năm 1968, với con số thành viên khởi đầu là 10 anh chị em học sinh Trung Học, dấn thân dạy học cho con em của những gia đình nghèo. Hiện nay, Cộng Ðoàn Thánh Eâgidiô có tổng cộng 18 ngàn thành viên giáo dân nam nữ trong hạn tuổi từ 20 đến 40, hoạt động tại 20 quốc gia trên thế giới, trong ba lãnh vực: phục vụ người nghèo, đối thoại liên tôn, và giúp giải quyết những cuộc xung đột quốc tế. Cộng Ðoàn Thánh Eâgidiô đã thành công làm trung gian giải quyết kết thúc cuộc nội chiến tại Mozambique năm 1992. Tiếp sau ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Hòa Bình được tổ chức tại Assisi vào năm 1986, Cộng Ðoàn Thánh Eâgidiô hằng năm đứng ra hổ trợ cho Ngày Liên Tôn Cầu Nguuyện cho Hòa Bình Thế Giới.

Giải Thưởng Hòa Bình NIWANÔ đã được thành lập tại Nhật Bản, để khuyến khích và thưởng công những cá nhân hoặc những tổ chức đã đóng góp quan trọng cho sự cộng tác liên tôn và cho nền hòa bình thế giới. Trước khi trao giải thưởng, Hội NIWANÔ đã thu nhận những đề nghị của 1,000 tư nhân và tổ chức văn hóa trên thế giới. Sau đó, một ủy ban gồm có bảy thành viên, đại diện cho ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, họp nhau để quyết định ai hay tổ chức nào được trúng giải.

Giải thưởng Hòa Bình NIWANÔ năm 1999 sẽ được trao cho Cộng Ðoàn Thánh Eâgidiô, vào ngày mùng 7 tháng 5/1999 tới đây, trong một nghi thức được tổ chức tại TOKYO, Nhật Bản. Trước đây, năm 1983, Giải Thưởng Hòa Bình NIWANO đã được trao cho Ðức Cha Helder Camara, Tổng Giám Mục Olinda và Recife, Brazile; Năm 1994, Ðức Hồng Y Paolô ARNS, Cựu Tổng Giám Mục Sao Paolo, Brazile; và Năm 1997, Cộng Ðoàn CORRYMÊELA tại Bắc Ái Lên. Giải Thưởng Hòa Bình NIWANÔ, đã được Vị Hòa Thượng NICHIKO NIWANO, thủ lãnh của Phật Giáo Nhật Bản, thành lập vào năm 1978.


Chặng đàng thánh giá cho việc giảm nợ để mừng Ðại Năm Thánh

Chặng đàng thánh giá cho việc giảm nợ để mừng Ðại Năm Thánh.

(UCAN AS2034.1015 18/02/99) - Thái Lan (Bangkok) - Tha nợ cho các nước nghèo nhất của thế giới vào năm 2000.

Ðó là lời cầu nguyện trong chặng đàng thánh giá của các nhà lãnh đạo giáo hội Công Giáo và các tham dự viên tại khóa hội thảo do Văn Phòng Phát Triển Nhân Bản của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đứng ra bảo trợ. Cuộc hội thảo diễn ra tại trung tâm dòng Chúa Cứu Thế ở Pattaya, Thái Lan, từ ngày 8-13 tháng Hai 1999, với sự tham dự của một vị Hồng Y, 16 Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và giáo dân. Chủ đề của khóa hội thảo là "Hòa Giải và Ðoàn Kết - Giải pháp của chúng ta cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba".

Tại mỗi chặng đàng thánh giá, một tham dự viên đọc một đoạn kinh thánh, sau đó là vài phút suy niệm nhấn mạnh tới sự đau khổ của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cho tới ngày nay trong cảnh sống của người nghèo ở khắp nơi trên thế giới. Tựu chung, mỗi chặng đều nói lên tính cách bất công của gánh nặng nợ nần của các nước nghèo, đang tiếp tục phải trả những khoản tiền lời khổng lồ cho các quốc gia giàu, đã và hiện vẫn còn tiếp tục nắm giữ trong tay đại đa số tiền của và tài nguyên trên thế giới. Trong chặng cuối diễn tả sự phục sinh của Ðức Kitô, tài liệu suy tư khẳng định rằng, hằng trăm ngàn người trên thế giới ủng hộ sự thay đổi tình trạng bất công này. Những tiếng kêu đang vang dội xin tha nợ cho các nước nghèo, để mừng Ðại Năm Thánh 2000. Sau cùng tất cả mọi người cầu xin Thiên Chúa ban sức mạnh, sự quyết tâm và can đảm, để tiếp tục công tác tranh đấu đòi công lý cho tất cả dân Chúa.


Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Hoa Dân Quốc, Ðài Loan, viếng thăm Tòa Thánh

Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Hoa Dân Quốc, Ðài Loan, viếng thăm Tòa Thánh.

Vatican - 18.2.99 - Sáng thứ năm 18.02.99, Tiến Sĩ Navarro Valls, Giám Ðốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho phổ biến thông cáo sau đây: "Nhân dịp viếng thăm Châu Âu, Ngoại Trưởng Trung Hoa Dân Quốc (tức Ðài Loan), ông Jason Hu, đã yêu cầu được viếng thăm Vatican, trong khuôn khổ của những mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan)". Thông cáo viết tiếp: "Chiều thứ Năm 18.02.99 Ông Jason Hu được Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, đặc trách Ngoại Vụ của Tòa Thánh, tức phụ trách việc liên lạc với các quốc gia thế giới (tương đương Bộ Trưởng Ngoại Giao của các chính phủ), tiếp kiến, và sáng thứ Bẩy Ngoại Trưởng sẽ gặp và thảo luận với Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh".

(AFP, Reuters 18/2/’99) - Ðài Loan (Ðài Bắc) - Hãng thông tấn Trung Ương của chính phủ Ðài Loan cho biết: Thứ Năm 18/02/99, ông Jason Hu, ngoại trưởng của Ðài Loan, đã bắt đầu chuyến viếng thăm Tòa Thánh, kéo dài trong ba ngày. Mục đích của chuyến viếng thăm này là để củng cố thêm quan hệ giữa Ðài Bắc và Tòa Thánh, đặc biệt trước khi chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc bắt đầu chuyến công du sang Âu Châu vào tháng 3/1999 tới đây. Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Ðài Loan cho biết chuyến đi của ngoại trưởng Jason Hu đã được chuẩn bị trước. Trong khi đài phát thanh của chính phủ Ðài Loan thì nói rằng trong những ngày lưu lại Vatican, ngoại trưởng Jason Hu sẽ không có cuộc tiếp kiến với ÐTC Gioan Phaolô II.

Chuyến đi của ngoại trưởng Ðài Loan cũng bắt đầu theo sau biến cố Ðài Loan và Macedonia thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 27/01/99 vừa qua. Hành động này của Macedonia đã khiến cho Bắc Kinh tức giận và quan hệ giữa Trung Quốc và Macedonia đã bị cắt đứt hai tuần sau đó. Vatican và nay có thêm Macedonia là hai quốc gia Âu Châu có quan hệ ngoại giao với Ðài Loan. Bắc Kinh đang ban hành một cuộc cấm vận ngoại giao lên Ðài Loan để buộc chính phủ nước này công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Ðài Loan. Bắc Kinh vẫn thường xuyên dùng ảnh hưởng của mình để cô lập Ðài Loan trên chính trường quốc tế.

Ðối với Trung Quốc, quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh với Ðài Loan chướng ngại to lớn nhất khiến cho Trung Quốc không muốn thiết lập bang giao với Vatican. Bên cạnh đó là việc Tòa Thánh luôn chỉ trích Bắc Kinh vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân. Tuy nhiên Tòa Thánh vẫn giữ lập trường rằng việc thiết lập quan hệ với Bắc Kinh vẫn mở ngỏ. Mới đây Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phát biểu rằng nếu Bắc Kinh đồng ý thì Tòa Thánh sẵn sàng dời Tòa Khâm Sứ từ Ðài Bắc sang Bắc Kinh, tuy nhiên điều này không có nghĩa là Tòa Thánh muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan.


Back to Radio Veritas Asia Home Page