Vị Giám
Mục duy nhất tại Cộng Hòa Hồi
Giáo Iran qua đời
Kêu gọi thế giới
hãy dùng tiền bạc và quyền
hành để phục vụ nhân loại
Vị Giám Mục duy nhất tại Cộng Hòa Hồi Giáo Iran qua đời.
Teheran - 07.02.99. Chúa Nhật, mùng 7 tháng 2/1999, Ðức Tổng Giám Mục Romeo Panciroli, Sứ Thần Tòa Thánh tại Iran, đã gửi về Phủ Quốc Vụ Khanh bản tin cho biết: Ðức Cha Youhannan Semaan Issayi, Tổng Giám Mục Giáo Phận Teheran của các người Công Giáo theo lễ nghi Caldeo, đã qua đời (vào lúc 9:30 sáng cùng ngày Chúa Nhật 7/02/99).
Ðức Cha Issayi sinh ngày 27 tháng 6 năm 1914, tại Sanandadj, bên Iran và thụ phong Linh Mục ngày 3 tháng 3 năm 1940. Ðược bổ nhiệm làm Giám Mục hiệu tòa Geropoli ngày 23 tháng 6 năm 1967 và tấn phong ngày 23 tháng 10/1967 cùng năm.
Với tư cách là Giám Mục phó với quyền kế vị, ngày 7 tháng 3 năm 1970, Ðức Cha Issayi lên làm Tổng Giám Mục giáo phận Teheran của các người Công Giáo Caldê. Năm 1993, Ðức Cha Hanna Zora bị trục xuất khỏi Iran, Ðức Tổng Giám Mục Issayi được bổ nhiệm làm Giám Quản Tòa Giáo Chủ Ahwaz coi sóc các người Công Giáo Caldê".
Là vị Giám Mục duy nhất người Iran tại Cộng Hòa Hồi Giáo này, Ðức Cha Issayi đã cai quản Tổng Giáo Phận Teheran trong những năm rất khó khăn; ngài được kính trọng nhiều nơi các anh em trong Hàng Giám Mục, nơi các tín hữu Công Giáo và cả nơi người không Công Giáo. Ðức Cha Issayi để lại một chứng tá về lòng trung thành và sùng kính đối với Tòa Thánh và Ðức Thánh Cha".
Ðức Thượng Phụ Chính Thống Ðại Kết kêu gọi giới lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới hãy dùng tiền bạc và quyền hành để phục vụ nhân loại.
Istanbul, Thổ Nhỉ Kỳ [Apic 7/02/99] - Ðức Thượng Phụ Ðại Kết Bartholomeos, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế hãy dùng quyền hành và tiền bạc để phục vụ nhân loại.
Trong một bài phát biểu tại Diễn Ðàn các chính trị gia và kinh tế gia diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, Ðức Thượng Phụ Bartholomeos đã trích dẫn Tân Ước, các Triết Gia Hy Lạp để đưa ra nhận xét rằng quyền hành và tiền bạc cần phải được xử dụng để phục vụ nhân loại. Nói về việc toàn cầu hóa, Ðức Thượng Phụ giáo chủ Constantinople đã nêu bật rằng trong bậc thang giá trị, con nguời phải chiếm địa vị cao hơn sinh hoạt kinh tế và tiến bộ kinh tế chỉ trở nên hữu ích khi nào nó giúp thăng tiến những giá trị không kinh tế tạo thành văn hóa của con nguời.
Ðức Thượng Phụ Ðại Kết đánh giá cao một số khía cạnh trong sự hợp tác quốc tế, nhưng ngài cũng kêu gọi đề cao cảnh giác trước hiện tượng tòan cầu hóa đang "cấu xé" những khía cạnh khác của văn hóa như "tư tưởng, nghệ thuật và sự chiêm niệm".