Tử tội
người Philippines viết thư xin ÐTC
can thiệp
Lễ nghi trao đổi văn
kiện đã được phê chuẩn
giữa Tòa Thánh và Nhà Nước
Israel
Nhận định của Ðức
Hồng Y Joseph Ratzinger về Ðức Gioan
Phaolô Ðệ Nhị
Tử tội người Philippines viết thư xin ÐTC can thiệp.
(Inquirer 3/02/99) - Philippines (Manila) - Ông Leo Etchegaray, người Philippines sắp bị mang ra tử hình, đã viết thư lên ÐTC Gioan Phaolô II xin ngài can thiệp cho ông được ân xá.
Trong một lá thư nhờ người thân chuyển tới Tòa Thánh qua Ðức Hồng Y Jaime Sin, Tổng Giám Mục Manila, ông Etchagaray đã nói với ÐTC Gioan Phaolô II như sau: "Cũng như khi tôi quì trước mặt Thiên Chúa để cầu nguyện cho linh hồn của tôi, tôi xin được phép quì trước mặt ÐTC xin ngài can thiệp với tổng thống Philippines để ông cứu xét lại hoàn cảnh của tôi." Lá thư của ông Etchegaray ghi ngày thứ Ba 2/02/99. Tuy nhiên có lẽ lá thư này cũng không kịp để cứu ông khỏi chết. Theo chương trình ông Etchegaray sẽ bị hành quyết vào thứ Sáu ngày 5/02/99. Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ đơn xin hoãn tử hình của ông, trong khi tổng thống Joseph Estrada thì thẳng thừng tuyên bố là ông sẽ không ân xá cho tội nhân, cho dù có ÐTC Gioan Phaolô II có trực tiếp can thiệp.
Lời tuyên bố này của vị tổng thống Philippines đã làm phật lòng giáo hội Công Giáo Philippines. Ðức ông Pedro Quitorio, phát ngôn viên Hội Ðồng Giám Mục Philippines cho biết như sau: "Việc ÐTC Gioan Phaolô II trực tiếp can thiệp xin ân xá cho một tử tội chưa hề xảy ra tại Philippines. Dịp ÐTC đã gần như trực tiếp lên tiếng xảy ra dạo tháng 12/1998 vừa qua, sau khi Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh điện thoại cho đại sứ Philippines cạnh Tòa Thánh, để chuyển lời của ÐTC tới chính phủ Philippines xin tha tội tử hình cho ông Etchegaray". Thứ Ba vừa qua (2/02/99), Ðức Tổng Giám Mục Oscar Cruz, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippines, cho rằng bất cứ một sự can thiệp nào từ Tòa Thánh trong lúc này cũng vô ích, bởi vì chính phủ Philippines đã dứt khoát muốn tử hình ông Etchegaray để làm gương. Tuy nhiên vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippines cũng không che dấu nổi sự bực tức khi nói rằng, tổng thống Estrada cũng nên hy vọng là khi ông lên tiếng xin ân xá cho những công dân Philippines bị kết án tử hình ở nước ngoài thì lời kêu gọi của ông cũng được người khác lắng nghe. Tổng Thống Estrada của Philippines đã liên tiếp bác bỏ lời kêu gọi của Tòa Thánh, Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada và Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế, xin bãi bỏ việc xử tử ông Etchegaray và luôn cả án tử hình.
Lễ nghi trao đổi văn kiện đã được phê chuẩn giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Israel.
Giêrusalem - 03.02.99 - Sáng thứ Tư, mồng 3 tháng 2, (năm 1999), tại Bộ Ngoại Giao Israel ở Giêrusalem, đã có lẽ nghi trao đổi văn kiện về việc phê chuẩn Thỏa Ước công nhận tính cách pháp lý của các cơ cấu Giáo Hội tại Israel (Legal Personality Agreement). Thỏa Ước này đã được ký kết giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Israel ngày mồng 10 tháng 11 năm 1997 tại Trụ Sở của Bộ Ngoại Giao Israel.
Khai triển thêm tất cả những gì đã được dự tính bởi Thỏa Ước căn bản (Fundamental Agreement ) được ký kết trước đây, ngày 30 tháng 2 năm 1993 cũng tại Giêrusalem, Thỏa ước nói trên chuẩn y việc công nhận đầy đủ với mọi hiệu lực dân sự, trong phạm vi luật pháp Israel, (công nhận) các pháp nhân, do Giáo Hội Công Giáo thiết lập bất cứ ở nơi nào trên lãnh thổ Israel, theo đúng Giáo Luật và trong phạm vi luật pháp Israel.
Phái đoàn Tòa Thánh do Ðức Ông Celestino Migliore, thứ trưởng Ngoại Giao, hướng dẫn, còn phái đoàn Chính Phủ Israel do ông Eytan Bentsur, Tổng Giám Ðốc Bộ Ngoại Giao cầm đầu.
Nhận định của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger về Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị.
Tin Roma (Apic 3/02/99): "Triều giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị tiếp tục cung cấp cho chúng ta những bất ngờ; và những năm sau cùng nầy là những năm hết sức phong phú". Ðó là nhận định của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ giáo lý đức tin, trong bài đề tựa cho tập sách bằng hình, dày 100 trang, do nhà xuất bản San Paolo vừa phát hành tại Roma, dưới tựa đề là: "Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị, 20 năm hiện diện trong lịch sử".
Theo nhận định của Ðức Hồng Y Ratzinger, thì Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị đã trở nên già đi và sự đau khổ đã ghi đậm nét trên gương mặt ngài. Tuy nhiên, quanh ÐTC, người ta vẫn còn lắng nghe ngài. Và nơi con người của ÐTC, người ta cảm nghiệm được sự thể hiện của mầu nhiệm Giáo Hội. Khi ÐTC lên tiếng chỉ cho con người thấy rằng sự đau khổ có phẩm giá riêng và có sức mạnh cứu rỗi, thì Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị đã thật sự hoàn thành một dịch vụ quan trọng cho con người, trong một xã hội đang tôn thờ tuổi trẻ, và cố gắng che dấu bệnh hoạn tật nguyền bao lâu có thể.