Thủ phạm bắn
chết ÐGM Jolo ở Philippines sa lưới
pháp luật
Sri Lanka bảo trợ nghiên
cứu về tác động của TV
đối với trẻ em
Cộng đồng Emmanuel tại
Pháp được Tòa Thánh nhìn
nhận
Giáo phái Giehôva tại
Pháp mở chiến dịch phục hồi
hình ảnh của họ
Sứ Ðiệp Ngày
Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội
lần thứ 33
Argentina cử hành Ngày
của Trẻ Không Ðược Sinh Ra
vào 25/03/1999 tới đây
Thủ phạm bắn chết Ðức Giám Mục Jolo ở miền Nam Philippines sa lưới pháp luật.
(UCAN PR1908.1012 29/01/99) - Philippines (Manila) - Thứ Tư, ngày 27/01/99 vừa qua, cảnh sát tại miền Nam Philippines đã bắt giữ thủ phạm giết Ðức Cha Benjamin De Jesus, Giám Mục Jolo. Vụ án này xảy ra dạo năm 1997 và Ðức Cha Benjamin là vị Giám Mục Philippines đầu tiên bị ám sát trong lịch sứ giáo hội Công Giáo nước này.
Ðược biết thủ phạm nói trên tên là Mubin Mandangan, trước đây là một nhân viên an ninh tại văn phòng của thống đốc tỉnh Sulu, thuộc miền Nam Philippines. Hai nhân chứng xác nhận Mubin Mandagan là một trong hai người đã xả súng bắn vào người Ðức Cha Benjamin, trước cửa nhà thờ chính tòa ở Jolo, vào ngày 4/02/1997. Cho đến nay, giới hữu trách vẫn chưa tìm ra được đâu là nguyên nhân dẫn tới việc ám sát Ðức Cha Benjamin.
Một tổ chức truyền thông Công Giáo của Sri Lanka bảo trợ nghiên cứu về tác động của TV đối với trẻ em.
(SR1818.1012 29/01/99) - Sri Lanka (Colombo) - Một tổ chức truyền thông Công Giáo của Sri Lanka đã quyết định đứng ra bảo trợ chương trình nghiên cứu về tác động của TV đối với trẻ em. Ðây là chương trình nghiên cứu đầu tiên được thực hiện tại Sri Lanka.
Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế về Truyền Thanh và Truyền Hình, gọi tắt là UNDA, phân bộ Sri Lanka, sẽ cung cấp tài chánh để huấn luyện các nhân viên đặc trách cuộc nghiên cứu trên toàn nước. Linh Mục Cyril Gamini Fernando, giám đốc UNDA Sri Lanka cho biết hiệp hội sẽ công tác với đơn vị nghiên cứu thuộc ngành truyền thông của trường đại học Kelaniya, nằm ở ngoại ô thủ đô Colombo. Nhiều người tin rằng ngành truyền thông điện tử, đặc biệt là truyền hình, đang có những tác động và ảnh hưởng mạnh trên trẻ em, và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng phạm pháp ở trẻ em. Tuy nhiên, Sri Lanka chưa hề có một chương trình nghiên cứu qui mô về vấn đề này.
Mục tiêu của chương trình nghiên cứu là để gây ý thức nơi phụ huynh, các nhân viên truyền thông xã hội. Ðối tượng nghiên cứu gồm khoảng 2,500 gia đình sống ở vùng thành thị cũng như tại miền quê Sri Lanka, ngoại trừ những nơi đang có chiến tranh như miền Bắc và miền Ðông Sri Lanka.
Cộng đồng Emmanuel tại Pháp được Tòa Thánh nhìn nhận.
Paris [Apic 29/01/99] - Cộng đồng canh tân đặc sủng Thánh Linh Emmanuel tại Pháp đã được Tòa Thánh thừa nhận như một "hiệp hội tư và quốc tế của các tín hữu, thuộc quyền Giáo Hoàng".
Phát sinh tại Pháp vào giữa thập niên 70 với Phong Trào canh tân đặc sủng Thánh Linh, cộng đồng Emmanuel đã cùng với nhiều nhóm khác làm đảo lộn các thói quen của nguời Công Giáo. Ðược gợi hứng từ làn sóng ngũ tuần của Mỹ và đề cao các ơn của Thánh Linh, cộng đồng Emmanuel đã đóng góp nhiều vào việc canh tân Giáo Hội tại Pháp.
Từ 10 năm qua, với 6,000 thành viên, 130 linh mục, 110 chủng sinh và có mặt tại khoảng 15 giáo xứ, Cộng Ðồng Emmanuel đã đóng một vai trò quan trọng giữa lòng Giáo Hội. Thật thế, vào giữa lúc ơn gọi ngày càng khan hiếm, cộng đồng này là một lực lượng cung cấp ơn gọi đáng kể.
Theo yêu cầu của Hội Ðồng Giám Mục Pháp và kết hợp với chương trình truyền hình "Ngày của Chúa", cộng đồng Emmanuel đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện về phụng vụ.
Giáo phái chứng nhân Giehôva tại Pháp mở chiến dịch phục hồi hình ảnh của họ.
Paris [Apic 29/01/99] - Giáo phái chứng nhân Giêhôva tại Pháp mở chiến dịch phục hồi hình ảnh của mình.
Dưới tựa đề "hỡi người Pháp, nguời ta đang đánh lừa các bạn", Giáo Phái này đã cho phát tại Paris 12 triệu tờ truyền đơn trong đó họ tố cáo ý đồ đồng hóa họ với các giáo phái. Mới đây một bảng báo cáo của Ủy Ban Quốc Hội Pháp về các giáo phái đã liệt kê tất cả 172 giáo phái tại Pháp, trong số này có các chứng nhân Giêhôva. Theo Ðức Cha Jean Vernette, chủ tịch ủy ban Giám Mục đặc trách về các giáo phái và các phong trào tôn giáo, các chứng nhân Giehôva không phải là Kitô hữu. Không những Giáo Hội Công Giáo mà Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô cũng không nhìn nhận tước hiệu Kitô của các chứng nhân Giêhôva, bởi vì họ không tin thiên tính của Chúa Giêsu và Thiên Chúa Ba Ngôi.
Về mặt xã hội, đây là một giáo phái có chủ trương tách biệt khỏi trần thế: họ không chấp nhận nghĩa vụ quân sự và việc tiếp máu.
Sứ Ðiệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội lần thứ 33.
Tin Vatican (VIS 29/01/99) Sáng thứ Sáu 29 tháng Giêng 1999, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã phổ biến Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội, lần thứ 33, sẽ được cử hành vào ngày 16 tháng 5/1999 tới đây. Sứ điệp đã được ÐTC ký nhận hôm ngày 24 tháng Giêng 1999, ngày lễ kính Thánh Phanxicô đệ Salê, quan thầy của các nhà báo, và có chủ đề là: "Các Phương Tiện Truyền Thông Ðại Chúng: người bạn đồng hành với những ai đi tìm Thiên Chúa Cha".
Chủ đề của Sứ Ðiệp đặt ra cho chúng ta hai câu hỏi để suy tư: câu hỏi thứ nhất, các phương tiện truyền thông xã hội có thể làm việc với Thiên Chúa hay chống lại Ngài? Và Câu hỏi thứ hai là: Làm sao để các phương tiện truyền thông xã hội trở thành bạn đồng hành với những ai đi tìm sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong đời sống họ? Nội dung của sứ điệp cách chung là một lời mời gọi hy vọng. Những ai dấn thân hoạt động trong thế giới truyền thông xã hội càng ngày càng phải dấn thân nhiều hơn để trợ giúp, hơn là ngăn cản, anh chị em đi tìm ý nghĩa cuộc sống. ÐTC Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong sứ điệp trách nhiệm đặc biệt của các phương tiện truyền thông phải làm chứng cho sự thật về sự sống con người, về phẩm giá, về ý nghĩa đích thật của sự tự do và sự tùy thuộc lẫn nhau.
Toàn Quốc Argentina cử hành Ngày của Trẻ Không Ðược Sinh Ra vào ngày 25 tháng 3/1999 tới đây.
Tin BUENOS AIRES/Argentina (Zenit 29/01/999): Lần đầu tiên tại Argentina, vào ngày 25 tháng 3/1999 tới đây, và do sáng kiến của Tổng Thống Argentina, Ngày của Trẻ Không Ðược Sinh Ra (day of the Unborn), sẽ được cử hành toàn quốc.
Theo Ông Juan Jose Laprovitta, người đứng đầu Văn Phòng có trách nhiệm tổ chức Ngày cử hành nầy, thì sáng kiến trên rất phù hợp với những lời giảng khuyên của ÐTC trong chuyến viếng thăm Mêhicô vừa qua, vừa đồng thời nói lên quan tâm của Tổng Thống Carlos Menem của Argentina trong việc bảo vệ sự sống con người ngay từ lúc thụ thai, vừa đồng thời cổ võ và bảo vệ nền văn hóa của sự sống.
Những đại diện của các tôn giáo có mặt tại Argentina, như Do Thái Giáo, Hồi Giáo, các Giáo Hội Tin Lành, và những thành viên của các tổ chức trí thức và chuyên nghiệp, đều được mời tham dự Ngày của Trẻ Không Ðược Sinh Ra nầy.