ÐTC tiếp
ÐHY Lopez, chủ tịch Hội Ðồng
Tòa Thánh về Hôn Nhân và
Gia Ðình
110 quốc gia cử hành
ngày thế giới của "Hội
Nhi Ðồng truyền giáo"
Bách hại tôn giáo
gia tăng trên thế giới
Ðức Cha Carlos Belo kêu
gọi quân đội trung lập
Linh mục và giáo lý
viên bị giết chết tại Angola
Nhiều nhà truyền giáo
đang bị kẹt tại thủ đô Free
Town của Sierra Leone
Tòa Thánh đặt nhiều
hy vọng vào đồng Euro
Các Giám Mục Ấn
Ðộ gọi năm 1998 là năm của
bách hại
ÐTC tiếp Ðức Hồng Y Lopez Trujillo, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Hôn Nhân và Gia Ðình.
Vatican -07.01.99 - Sau buổi tiếp kiến dành cho chín vị tân giám mục và những người thân trong gia đình của các ngài, ÐTC tiếp Ðức Hồng Y Alfonso Lopez Trujillo, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Hôn Nhân và Gia Ðình. Cùng được tiếp với Ðức Hồng Y còn có Ðức Cha Francesco Gil, thư ký, và linh mục Francesco Di Felice, phó thứ ký của Hội Ðồng. Hội Ðồng Tòa Thánh về Hôn Nhân và Gia Ðình, đang chuẩn bị ráo riết Ðại Hội thế giới lần thứ ba về gia đình, sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng 10 trong Năm Thánh 2000. Ðại Hội lần thứ nhất được tổ chức tại Roma, vào tháng 10 năm 1994. Ðại hội lần thứ hai tại Rio de Janeiro, bên Brazil, cũng tháng 10 năm 1997.
110 quốc gia cử hành ngày thế giới của "Hội Nhi Ðồng truyền giáo".
Vatican - 07.01.99 - Ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm, Lễ Hiển Linh (Ba Vua) là ngày thế giới của "Hội Nhi Ðồng truyền giáo". Ngày này được cử hành tại 110 quốc gia trên thế giới. Hội Nhi Ðồng truyền gíao, phát sinh trong thế kỷ 19 tại Pháp, do sáng kiến của một vị Giám Mục. Ngài khuyên các trẻ em "mỗi ngày đọc một Kinh Kính Mừng và mỗi tháng dâng cúng một đồng tiền", để huấn luyện các trẻ em về dấn thân truyền giáo. Từ đó hằng năm, số tiền do các trẻ em trên thế giới đóng góp, được gửi về Trụ Sở "Hội Giáo Hoàng Nhi Ðồng truyền giáo", để giúp đỡ các trẻ em tại các quốc gia nghèo nàn: "Trẻ em giúp đỡ trẻ em". Hằng năm Hội Giáo Hoàng Nhi Ðồng truyền giáo cứu xét trung bình khoảng ba ngàn dự án. Phần lớn số tiền dâng cúng dành cho việc bảo tồn hay xây cất các viện mồ côi, các trường học, trung tâm y tế tại các miền thôn quê.
Trong những năm vừa qua, có nhiều đơn xin giúp đỡ các trẻ em bụi đời tại Sudan, Philippines, Angola, Mozambic v.v..., hoặc các trẻ em thiếu ăn tại nhiều nước Châu Phi và miền Viễn Ðông; rồi các trẻ em mắc chứng AIDS tại Thái Lan, Zambia; các trẻ em bị khai thác trong ngành du lịch dục tính tại Sri Lanka.
Ngoài các chương trình này, Hội Nhi Ðồng truyền giáo còn giúp khẩn cấp các trẻ em Irak bị đói khổ, bệnh tật ... vì lệnh cấm vận quốc tế; các trẻ em tại Haiti (một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới); các trẻ em nạn nhân đói khổ tại Sudan; các trẻ em nạn nhân của vụ biển động tại Papua Nuova Guinea.
Sau đây là bản thống kê về những dự án đã thực hiện trong năm 1998, do các số tiền dâng cúng của các trẻ em trên cả thế giới: 178 dự án về linh hoạt và huấn luyện truyền giáo - 218 dự án về huấn luyện Kitô - 1,163 dự án giáo dục học đường - 200 dự án giáo dục trước khi lên bậïc tiểu học - và 460 dự án về bảo vệ sự sống.
Bách hại tôn giáo gia tăng trên thế giới.
Roma [Zenit 7/01/99] -Những cuộc bách hại tôn giáo gia tăng trên thế giới. Trên đây là khẳng định của nữ bá tước Caroline Cox, nguời vừa được Tổ Chức "Giáo Hội vì con nguời" tại Ý trao tặng giải thưởng có tên là "Ngôi sao của tình liên đới". Cùng được trao giải thưởng còn có linh mục Bernado Cervellera, giám đốc hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo. Cả hai được trao tặng giải thưởng "ngôi sao của tình liên đới" là vì đã có công kêu gọi thế giới quan tâm đến "sự tụt hậu của luân lý, tình trạng bị bỏ rơi và đẩy ra bên lề xã hội của nhiều người, nhứt là thiếu niên và trẻ em".
Nữ bá tước Caroline Cox , thuộc hội Dòng Ba Phanxicô của Giáo Hội Anh Giáo, hiện là chủ tịch của chi nhánh tổ chức Liên Ðới Kitô Giáo tại Anh. Ðược thế giới biết đến như là tiếng nói của những nguời không có tiếng nói, bà Caroline Cox đã từng lên tiếng tố cáo những cuộc bách hại tôn giáo tại nhiều nước như Sudan, Nga, Myanmar. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Fides, bà Caroline Cox nói như sau: "Quyền con nguời bị vi phạm tại nhiều nơi trên thế giới, nhứt là tại những nước được cai trị bởi các chế độ độc tài ý thức hệ hay thống trị bởi những nguời Hồi Giáo cực đoan. Nạn nhân chính là các tín hữu Kitô".
Ðức Cha Carlos Belo kêu gọi quân đội trung lập.
(EWTN 7/01/99) - Indonesia (Jakarta) - Trong tuần này, Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Dili đã kêu gọi quân đội Indonesia nên giữ thái độ trung lập trong bất cứ một cuộc tranh chấp nào xảy ra tại Ðông Timor giữa hai phe ủng hộ và phe chống Indonesia.
Ðức Cha Belo đưa ra lời kêu gọi trên đây theo sau cái chết của 2 người Ðông Timor thuộc phong trào ủng hộ quyền tự trị của người Ðông Timor, trong vụ tấn công vào một trạm gác quân sự ở Ainaro, nằm về phía Nam thủ phủ Dili, hôm Chúa Nhật vừa qua. Vị giám quản tông tòa Dili nói như sau: "Tôi hy vọng là trong lúc bước vào một năm mới, các lãnh tụ và binh sĩ của quân đội Indonesia sẽ không đứng về một phe nhóm nào, luôn cả những người ủng hộ độc lập hay ủng hộ quyền tự trị của người Ðông Timor. Hy vọng là quân đội Indonesia sẽ giữ thái độ trung lập và đến với tất cả các phe nhóm trong xã hội, để qua đó, quân đội Indonesia cũng được người dân Ðông Timor yêu mến".
Ngoài lời kêu gọi này, Ðức Cha Belo cũng yêu cầu quân đội nên tôn trọng luật pháp nhờ đó giảm bớt tình trạng vi phạm nhân quyền. Ngài trưng dẫn nhiều trường hợp quân đội đã làm ngơ trước những vụ tranh chấp huynh đệ tương tàn giữa người Ðông Timor, đặc biệt là tại những vùng thôn quê. Theo Ðức Cha Belo, các vấn đề của vùng lãnh thổ Ðông Timor cần có những giải pháp chính trị, và với sự ủng hộ của Tòa Thánh, ngài luôn nhắm tới việc thăng tiến cuộc đối thoại do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, hầu tìm ra giải pháp hòa bình lâu dài cho Ðông Timor.
Linh mục và giáo lý viên bị giết chết tại Angola.
(EWTN 7/01/99) - Vatican - Ðức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli, sứ thần Tòa Thánh tại Angola loan báo, một linh mục và hai giáo lý viên đã bị sát hại vào hôm thứ Tư 6/01/99.
Linh mục nói trên là cha Albina Saluhaku, thuộc giáo phận Huambo bị giết cùng với hai giáo lý viên làm việc với cha. Không một chi tiết nào khác được công bố. Angola đang ở trong tình trạng nội chiến và có nhiều nhà truyền giáo đã trở thành nạn nhân của cuộc nội chiến đang diễn ra trên khắp nước, nhất là tại những vùng ở phía Bắc.
Nhiều nhà truyền giáo đang bị kẹt tại thủ đô Free Town của Sierra Leone.
(EWTN 7/01/99) - Vatican - Hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo loan tin, có 3 nhà truyền giáo người Ý đang bị kẹt ở thủ đô Free Town của Sierra Leone.
Hôm thứ Tư 6/01/99 vừa qua, các phiến quân đã tấn công vào thủ đô Free Town qua ngã Kissi, vùng ngoại ở nằm về phía Bắc. 3 nhà truyền giáo bị kẹt đang làm việc tại Kissi và trong lúc này, cũng giống như nhiều người dân khác, các vị không di chuyển được. Tại giáo phận Makeni ở thủ đô Free Town, Ðức ông Gabriel Koroma, cha chính (vicar general) giáo phận, cũng chịu cùng một số phận vì cuộc giao chiến xảy ra trên đường phố giữa các phiến quân và quân đội chính phủ. Ðức Cha Giorgio Biguzzi, giám mục Makeni và nhiều linh mục khác trong giáo phận đang lánh nạn tại Conarky. Theo Ðức Cha Biguzzi, số mạng của 3 nhà truyền giáo người Ý tại Kissi có thể không bị đe dọa, bởi vì các phiến quân đã không dùng võ lực đối với người dân trên đường tấn công của họ.
Tuy nhiên, bản tin của hãng thông tấn Fides đã bày tỏ mối quan tâm về số phận của một nhà truyền giáo người Ý khác là cha Mario Guerra. Cha đã bị các phiến quân bắt cóc từ ngày 15/11/98 vừa qua và hiện vẫn còn bị liệt kê là mất tích. Hôm thứ Hai (4/01/99), một nhật báo tại Sierra Leone loan tin là cha Guerra đã trốn thoát khỏi những người đang cầm giữ cha, tuy nhiên tin này chưa được xác nhận.
Tòa Thánh đặt nhiều hy vọng vào đồng Euro.
(EWTN 7/01/99) - Vatican - Ðức Tổng Giám Mục Sergio Sebastinani, chủ tịch Hội Ðồng đặc trách về kinh tế của Tòa Thánh đặt nhiều hy vọng vào đồng Euro mà ngài so sánh như là, ngôi sao của Giáng Sinh, đã dẫn đường cho ba vua đến bên hang đá của Chúa Giêsu hài đồng.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo "Tương Lai" hôm lễ Hiển Linh, thứ Tư 6/01/99, Ðức Tổng Giám Mục Sebastiani giải thích rằng, loại tiền tệ mới này của Âu Châu có thể trở thành ngôi sao cho đại lục này, bởi vì đồng Euro đã vượt qua tất cả biên giới và chia rẽ của quá khứ và nó có thể trở thành động lực giúp thăng tiến tình hiệp nhất của người dân Âu Châu. Tuy nhiên ngài cũng cảnh giác rằng, Liên Hiệp Âu Châu, không thể và không chỉ nên đặt nền tảng trên các mối quan tâm về kinh tế mà thôi. Trái lại, tình hiệp nhất này phải được đặt nền tảng trên các giá trị căn bản của con người được tìm thấy trong Kitô giáo.
Theo Ðức Tổng Giám Mục Sebastiani, Tòa Thánh quyết định xử dụng đồng Euro bởi vì Tòa Thánh nằm trong Châu Âu, với thỏa ước là Tòa Thánh có thể xử dụng cùng một loại tiền tệ giống như nước Ý. Tuy nhiên, Tòa Thánh chưa bao giờ từ bỏ quyền được in loại tiền riêng của mình trong tư cách là một quốc gia có chủ quyền độc lập.
Các Giám Mục Ấn Ðộ gọi năm 1998 là năm của bách hại.
(AFP 7/01/99) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Các Giám Mục Ấn Ðộ đã gọi năm 1998 là năm của "bách hại", theo sau những vụ người Ấn Giáo tấn công vào các nhà truyền giáo, nhà thờ, trường học trên khắp Ấn Ðộ.
Hôm thứ Năm vừa qua (7/01/99), nhân khóa họp bán niên của Hội Ðồng Giám Mục diễn ra tại thành phố Hyderabad ở miền nam Ấn, các Giám Mục Ấn Ðộ đã cho công bố một nghị quyết bày tỏ nỗi đau đớn của hàng linh mục trước những vụ tấn công vào người Kitô Giáo đang ngày một gia tăng, đặc biệt là tại bang Gujarat, thuộc miền Tây Ấn Ðộ. Với hơn 100 vụ tấn công vào người Kitô trên khắp Ấn Ðộ, các Giám Mục kết luận rằng năm 1998 vừa qua là năm của "thử thách, bách hại và nạn nhân hóa (victimization)", và nạn nhân không ai khác hơn là những người Kitô. Ðức Tổng Giám Mục Henry D’Souza, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ đã phát biểu như sau: "Ðiều làm cho chúng ta buồn hơn nữa là người Kitô phải đương đầu với những bạo động không được mời này ngay trong mùa lễ Giáng Sinh". Nhân khóa họp bán niên, Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ cũng gửi tới tổng thống Narayanan và bộ trưởng nội vụ Advani một điện tín, trong đó các ngài kêu gọi chính quyền nên có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa những hành vi bạo động chống người Kitô ở Ấn Ðộ nói chung và, cụ thể tại bang Gujarat. Theo chương trình, thủ tướng Atal Vajpayee của Ấn Ðộ sẽ đến Gujarat vào cuối tuần này để quan sát tình hình.