ÐTC kêu gọi
hòa bình cho Kosovo, Congo, Angola và Sierra Leone
Ðại diện các tôn
giáo được mời tham gia soạn
thảo Hiến Pháp mới
Ðối thoại giữa
ba tôn giáo tại Thánh Ðịa
Tình hình bạo động
chống người Kitô tại bang Gujarat,
Ấn Ðộ
Ðức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Kosovo, Congo, Angola và Sierra Leone.
Roma [Apic 3/01/99] - Một lần nữa, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi Hòa Bình cho Kosovo, Angola, Congo và Sierra Leone.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhựt [3/01/99], Ðức Thánh Cha tha thiết kêu gọi như sau: "Tôi xin được ngỏ lời với các nhà hữu trách chính trị và quân sự. Tôi xin họ hãy tìm hết mọi sáng kiến khả dỉ cổ võ cho một nền hòa bình chính đáng và lâu bền".
Ngài nhắc lại cuộc chiến tương tàn vừa tái phát lại tại Angola. Ngài kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến bao nhiêu nguời đang phải chịu những hậu quả của những cuộc giao chiến kéo dài từ bao lâu nay tại Cọng Hòa dân chủ Congo và Sierra Leone. Ðức Thánh Cha cũng không quên thảm kịch của Kosovo, nơi các cuộc giao tranh mới lại diễn ra ngay trong Ðêm Giáng Sinh.
Ôn lại sứ điệp Hòa Bình mà Ngài đã gởi cho toàn thế giới nhân ngày đầu năm, Ðức Thánh Cha nhắc lại sự khẩn thiết phải tìm lại ý thức về phẩm giá của mỗi một con người, vốn được tạo thành theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa.
Ðại diện các tôn giáo tại Kenya được mời tham gia việc soạn thảo Hiến Pháp mới.
Nairobi- Kenya [Apic 3/01/99] - Ðại diện của ba tôn giáo lớn tại Kenya được mời tham gia vào việc soạn thảo Hiến Pháp mới sẽ có hiệu lực vào năm 2001.
Tổng Thống Daniel Arap Moi đã cho thiết lập một Ủy Ban quốc gia đặc trách việc soạn thảo Hiến Pháp mới. Theo nghị quyết của tổng thống, các Giáo Hội Công Giáo, Tin Lành và cộng đồng Hồi Giáo sẽ cử một đại diện vào ủy ban soạn thảo hiến pháp. Ba vị đại diện của ba tôn giáo này sẽ đưa ra quan điểm của mỗi cộng đồng trong việc soạn thảo Hiến Pháp.
Ngoài đại diện của các tôn giáo, Ủy Ban gồm có 13 đại biểu của các đảng phái chính trị, 5 đại biểu của các tổ chức phụ nữ, cũng như 4 đại diện của xã hội dân sự. Công việc soạn thảo sẽ được điều phối bởi một thẩm phán, một luật sư và một giáo sư dại học đã từng giảng dạy tại một trường luật khoa trong nước ít nhứt là 15 năm.
Ðối thoại giữa ba tôn giáo tại Thánh Ðịa.
Gierusalem [Apic 3/01/99] - Ðức Cha Kamal Hanna Bathish, tổng đại diện Thượng Phụ Công Giáo Latin Gierusalem, đề nghị mở một cuộc đối thoại giữa ba tôn giáo lớn tại Thánh Ðịa.
Theo Báo "Quan Sát Viên Roma", vị giám mục phụ tá Thượng Phụ Công Giáo Gierusalem nói rằng cuộc đối thoại không chỉ qui tụ các bậc thức giả của Kitô Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo, mà còn diễn ra giữa các tín hữu của ba tôn giáo. Ðức Cha Kamal Hanna Bathish cũng đề nghị thiết lập một Ủy Ban những nhà lãnh đạo tinh thần của ba tôn giáo để mở một chiến dịch quốc tế nhằm "cổ võ những giá trị nhân bản và tôn giáo chung" của ba tôn giáo. Trung tâm của chiến dịch này phải là Gierusalem, vốn là "đô thị của Hòa Bình và của việc thờ phượng một Thiên Chúa độc nhứt trong tinh thần và chân lý".
Về phần mình, trong lá thư mục vụ công bố hồi mùa thu năm vừa qua (1998), Ðức cha Michel Sabbah, thượng phụ giáo chủ Công Giáo Gierusalem, cũng đã nhấn mạnh rằng, nếu các vị lãnh đạo của ba tôn giáo đạt được một cái nhìn chung về công lý và hòa bình, điều đó sẽ tạo được một ảnh hưởng tích cực trên tiến trình hòa bình tại Trung Ðông.
Tin liên quan tới tình hình bạo động chống người Kitô tại bang Gujarat, Ấn Ðộ.
(AFP 3/01/99) - Ấn Ðộ (New Delhi) - Chúa Nhật 3/01/99, Hội Ðồng Ấn Giáo Thế Giới, một tổ chức Ấn Giáo cứng rắn tại Ấn Ðộ, có chủ trương bài Kitô Giáo và Hồi Giáo, đã lên tiếng cáo buộc rằng Cơ Quan Tình Báo Trung Ương của Hoa Kỳ, gọi tắt là CIA, đang trợ giúp tài chánh cho các nhà truyền giáo hoạt động ở Ấn Ðộ.
Một nhật báo xuất bản tại thủ đô New Delhi đã trích thuật lời của ông Acharya Kishore, phó chủ tịch Hội Ðồng Ấn Giáo Thế Giới, rằng CIA cung cấp 12 triệu Mỹ Kim cho các nhà truyền giáo để dùng vào công tác truyền đạo ở Ấn Ðộ. Theo ông Kishore, với số tiền này, các nhà truyền giáo đang chiêu dụ các tín đồ Ấn Giáo không có công ăn việc làm theo đạo. Hội Ðồng Ấn Giáo Thế Giới đang mở chiến dịch đòi trục xuất các nhà truyền giáo ra khỏi Ấn Ðộ, nhất là tại bang Gujarat, nơi đang xảy ra những vụ tấn công người Kitô Giáo bắt đầu từ lễ Giáng Sinh. Ông Kishore cũng bác bỏ những cáo buộc rằng những vụ tấn công này là do phe Ấn Giáo chủ mưu. Ngược lại ông cho rằng những vụ bạo động này là một âm mưu của các nước theo Kitô giáo, cụ thể là CIA, để chống lại Ấn Ðộ là quốc gia có đa số theo Ấn Giáo.
Chiến dịch bài Kitô giáo ở Ấn Ðộ đang gây bối rối cho chính phủ Ấn Ðộ, hiện do đảng Nhân Dân theo Ấn Giáo kiểm soát dưới quyền lãnh đạo của thủ tướng Atal Vajpayee. Mặc dù đã có nhiều lời đảm bảo do chính phủ đưa ra nhưng các vụ bạo động chống người Kitô vẫn tiếp diễn. Sự kiện này khiến cho các nhà phê bình buộc phải ghi nhận là chính phủ đương nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho các tay Ấn Giáo cực đoan, khủng bố cộng đoàn Kitô Giáo. Bang Gujarat là quê quán của đại lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Ðộ và hiện đang do đảng Nhân Dân của Ấn Giáo nắm quyền. Ðức Cha Alan De Lastic, Tổng Giám Mục Ấn Ðộ, đã tuyên bố như sau: "Tôi không nghĩ là những kẻ bạo động có thể tiếp tục hành vi của họ, nếu không có sự chấp thuận của giới lãnh đạo chính quyền. Các vụ tấn công có hệ thống và chương trình chống lại một cộng đoàn như hiện giờ chưa hề xảy ra tại Ấn Ðộ. Ðiều này đang làm hư hại tinh thần dân chủ của hiến pháp Ấn Ðộ. Có quan điểm ý thức hệ không phải là điều xấu, nhưng cũng đừng nên kè cổ áp đặt ý thức hệ đó lên người khác, như những người Ấn Giáo cực đoan đang làm.