Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương III

Hiện Tượng Học và Thông Diễn Học

(Phenomenology and Hermeneutics)

 

Chương sách này bắt đầu vào tháng Giêng năm 1997 với bài thuyết trình về "Nền Triết Học Ðức Hiện Ðại" (Nguyên Lý Hiện Tượng Học) tại Viện Triết Học, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Hà Nội, và hoàn tất ngày 07 tháng 07 năm 2004 với bài thuyết giảng nhậm chức (inaugural lecture) Giáo Sư Danh Dự Triết Học Hiện Ðại tại Ðại Học Khoa Học Kỹ Thuật Hoa Trung (Vũ Hán, Trung Quốc), về Phương Pháp Hiện Tượng Học. Bản Hoa ngữ của bài viết này đăng trong Tập San Nghiên Cứu của Viện Tinh Thần Quốc Gia, Ðại Học Hoa Trung (2004). Nơi đây tác giả chân thành cảm tạ Giáo Sư Tiến Sỹ Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện Trưởng) và Giáo Sư Tiến Sỹ Phạm Văn Ðức (Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam), Giáo Sư Viện Sỹ Dương Thụ Tử (Hàn Lâm Viện Khoa Học Trung Hoa, Hiệu Trưởng ÐH Hoa Trung) và Giáo Sư Tiến Sỹ Âu Dương Khang (Phó Hiệu Trưởng ÐH Hoa Trung) đã có nhã ý tạo dịp giúp tác giả hoàn tất bài viết.

 

Lời Nói Ðầu

Như đã nhắc qua trong chương thứ hai bàn về tầm quan trọng của hiện tượng học trong thông diễn học (TDH), chúng tôi sẽ không lập lại lý do tại sao lại dành hẳn một chương sách phân tích phương pháp hiện tượng học. Sự kiện, hầu hết các nhà thông diễn học đều thuộc về trường phái hiện tượng học, hay áp dụng phương pháp hiện tượng học, nói lên rằng, dù ít hay nhiều, họ đều bị ảnh hưởng của hiện tượng học. Ðặc biệt hơn cả là giới triết học vùng nói tiếng Ðức và Pháp, và thuộc các nước thuộc nền văn hóa La tinh như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Trung Nam Mỹ châu, và Á châu như Nhật Bản, và một phần nào đó, Việt Nam. [1] Ðặc biệt vào thời gian gần đây, hiện tượng học và TDH đã gây ra một ảnh hưởng quan trọng trong công việc tái dựng hay xây dựng triết học tại Trung Hoa, Nhật Bản, và các nước khác như Ðại Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, và lẽ dĩ nhiên, Việt Nam.

Chương này gồm hai phần chính. Phần thứ nhất trình bày những nguyên lý chính yếu của hiện tượng học. Phần thứ hai, cũng là trọng tâm của chương sách, nhắm đưa ra một cái nhìn tổng quát về phương pháp hiện tượng học. Phần sau này dựa theo dàn bài về phương pháp hiện tượng học Giáo sư Herbert Spiegelberg đã phát triển trong tác phẩm The Phenomenological Movement - A Historical Introduction, [2] mà chúng tôi cho rằng tương đối đầy đủ. Spiegelberg đã làm một tổng hợp về các phương pháp mà các triết gia hiện tượng học từng áp dụng, đặc biệt Husserl, Heidegger, Merleau-Ponty và ngay cả những triết gia Mỹ không hoàn toàn liên quan tới hiện tượng học như William James (1842-1910), George Santayana (1863-1952), Josiah Royce (1855-1916). [3] Theo dự định, phần thứ ba sẽ bàn về hiện tượng học tại Việt Nam, nhất là về phương pháp của Giáo sư Trần Ðức Thảo. Sau khi viết xong, thấy chương này qúa dài (trên 1 trăm trang giấy). Theo đề nghị của bằng hữu, chúng tôi dành riêng phần này thành chương thứ tư trong tập sách. Sở dĩ phải bàn về hiện tượng học tại Việt Nam, vì như chúng tôi nghĩ, những nhà thông diễn Việt dựa trên phương pháp hiện tượng học có những lý giải đáng chú ý hơn lối giải thích tầm chương trích cú của các nhà nho. [4] Nhất là, để thế hệ triết học trẻ nhận ra được thông diễn khoa học khác hẳn với cái lối "vẽ rồng thêu phượng" của giới văn chương, "vẽ hươu vẽ vượn" của những nhà bình luận văn học, hay "phóng đại tô mầu" và "đoạn chương cử ý" của những nhà chính trị cực đoan, vốn bị cái tâm lý thường tình "Yêu nhau yêu cả đường đi; Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng" chi phối. Những kiểu giải thích "bách hoa khai phóng, trăm hoa đua nở," hay nói đúng hơn, "cắm râu ông vào cằm bà" này nhan nhản trong rừng sách ở nhiều nơi cả trong lẫn ngoài nước.

Ngoài tác phẩm đã nói trên của Spiegelberg, cũng như một số tác phẩm về hiện tượng học của những triết gia Tây phương như Maurice Merleau-Ponty, Jean-Francois Lyotard và Leslev Kolakowski, [5] chúng tôi cũng tham khảo hai tác phẩm của hai học giả Việt: Giáo sư Trần Ðức Thảo, nguyên Phó Giám Ðốc Ðại Học Sư Phạm Văn Khoa Hà Nội và Giáo sư Trần Thái Ðỉnh, nguyên Khoa Trưởng Khoa Triết Học, Ðại Học Công Giáo Ðà Lạt. [6]

 

1. Nguyên Lý Hiện Tượng Học

2. Phương Pháp Hiện Tượng Học

Kết Luận : Hiện Tượng Học và Thông Diễn Học

 

Chú thích:

[1] Herbert Spiegelberg, The Phenomenological Movement (The Hague: Martinus Nijhoff, 1982. Bản in lần thứ ba, có sửa chữa và thêm một số phần). Sau đây viết tắt: Spiegelberg, ctr. 166 và tiếp theo (vtth). Tại Ðức và vùng bị ảnh hưởng của Ðức như Ba Lan, Tiệp Khắc, sau Husserl ta thấy có: Hedwid Conrad-Martius (1888-1966), Roman Ingarden (1893-1970), August Gallinger (1871-1959), Aloy Fischer (1880-1937), Theodor Conrad (1881-1869), Wilhelm Schapp (1884-1965), Kurt Stavenhagen (1885-1951), Dietrich von Hildebrand (1889-1977), Hans Lipps (1889-1941), Adolf Grimme (1889-1963), Jean Hering (1890-1966), Edith Stein (1891-1942), Alexandre Koyré (1892-1964), vân vân. Ðặc biệt: Max Scheler (1874-1928) (không hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Husserl), Nicolai Hartmann (1882-1950), Martin Heidegger (1889-1976), Hans-Georg Gadamer (1900-2002). Tại Pháp: Gabriel Marcel (1889-1974), Jean-Paul Sartre (1905-1980), Maurice Merleau-Ponty (1908-1961), Paul Ricoeur (1913-), Mikel Dufrenne (1910-), Raymond Polin (1911-), Emmanuel Lévinas (1906-), vân vân. Tại Ý: Sofia Vanni-Rovighi, Antonio Banfi, Enzo Paci (1911-1976), Remo Cantoni (1912-1978), Giovanni Maria Bertin (1912-), Luciano Anceschi (1911-), Luigi Rognoni (1913-), Carlo Sini, Antonio Ponsetto S.J. Ðặc biệt: Nicola Abbagnano (1901-1990) và Enrico Castelli (1900-1977). Tại Tây Ban Nha: José Ortega y Gasset (1883-1955), Manuel Garcia Morente (1888-1942), Xavier Zubrini (1898-?), José Gaos (1902-1969), Julian Marias (1914-). Tại Nhật Bản, trường phái Kyoto (Kinh Ðô) là một trường phái áp dụng phương pháp hiện tượng, đặc biệt phương pháp thông diễn hữu tính (ontological hermeneutics) của Heidegger, vào trong công việc đào sâu triết lý Phật giáo. Những triết gia đại biểu như Nishida Kitaro (1870-1945), Tanabe Hajime (1885-1962), Yamanouchi Tokuryu (1890-), vân vân. Ðặc biệt tử tước Kuki Shuzo (1888-1941) từng theo học với Husserl và Heidegger tại Freiburg và Marburg vào thập niên 1920s. Tại Việt Nam có Giáo sư Trần Ðức Thảo, một phần nào đó, Giáo sư Cao Xuân Huy và tại miền Nam trước năm 1975, các Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Thân Văn Tường, Bùi Văn Ðọc, Nguyễn Hồng Giáo, và một phần nào đó, Giáo sư Kim Ðịnh và Giáo sư Trần Thái Ðỉnh. Trong lần tái bản lần thứ 3, Spiegelberg thêm một phần về "The Geography of the Phenomenological Movement", ctr.653-677, trong đó có một vài hàng chữ về Trần Ðức Thảo. Vào dịp Hội Nghi Quốc Tế lần thứ nhất tại Viễn Ðông về Hiện Tượng Học (ÐH Ðông Hải, Trung Hoa Dân Quốc, 8. 2004), ông nhận ra sự thiếu sót về mảng hiện tượng học tại Trung Hoa và Việt Nam. Dịp này tôi có hứa sẽ cộng tác viết giúp ông về cái mảng này. Phần về Trung Hoa đã đăng trong Phenomenological Information (Boston, 1984).

[2] Spiegelberg. Phần 5 "The Essentials of The Phenomenological Method", ctr. 675-719.

[3] Spiegelberg, ctr. 100-03; 123-24; 128-29.

[4] Thí dụ lối lý giải đạo học của cụ Cao Xuân Huy (Tư Tưởng Ðông Phương Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu, 1995) có nhiều điểm đáng suy nghĩ hơn là lối giải thích tầm chương trích cú của cụ Trần Trọng Kim (Nho Giáo, 1933, 1971, tái bản lần thứ 3). Lối lý giải của Giáo sư Kim Ðịnh (Cửa Khổng, 1961, Việt Lý Tố Nguyên, 1970) táo bạo và sâu sắc hơn những lối giải nghĩa câu văn, và giai tích lịch sử của hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (Ðại Cương Triết Học Trung Quốc (1963), và nhất là của cụ Nguyễn Ðăng Thục (Lịch Sử Tư Tưởng Ðông Phương, 1971; Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (1992, tái bản), vân vân.

[5] Jean-Francois Lyotard, La Phénoménologie (Paris: Presses universitaires de France, 1954). Ðây là một tập sách mang tính cách giới thiệu, và có khá nhiều sai lầm. Lyotard hiểu hiện tượng học (hay thuyết của Husserl) chỉ là một chủ thuyết Tân Descartes (Neo-Cartesianism). Maurice Merleau-Ponty, Phénoménologie de la perception (Paris: Gallimard, 1945). Tập sách này phát triển hiện tượng học theo một hướng mới. Nó được coi như là một tác phẩm đại biểu của nền hiện tượng học nước Pháp. Leslev Kolakowski, Husserl and the Search for Certitude (New Yersey: Yale University Press, 1975).

[6] Trần Ðức Thảo, Phénoménologie et matérialisme dialectique (Paris: Minh Tân, 1951; Tái bản: Paris: Gordon & Breach, 1971). Bản Việt ngữ do một dịch giả vô danh người Pháp (theo lời bà Trần Ðức Thảo): Hiện Tượng Học và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng (Hà Nội: Nxb Ðại Học Quốc Gia, 2004). Trần Thái Ðỉnh, Hiện Tượng Học Là Gì (Sài Gòn: Hướng Mới, 1969).

 

Trần Văn Ðoàn

ÐH Khoa Học Kỹ Thuật Hoa Trung,

Vũ Hán, Trung Quốc, 07. 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page