Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương III

Hiện Tượng Học và Thông Diễn Học

(Phenomenology and Hermeneutics)

 

Kết Luận : Hiện Tượng Học và Thông Diễn Học

Như bạn đọc đã nhận ra, phương pháp hiện tượng học chỉ là công cụ để hiểu sự vật (hay hiện tượng) một cách trung thực. Ở giai đoạn đầu, gần giống Descartes, Hiện tượng học đặt lại vấn đề về những lối hiểu sự vật khác nhau trong qúa khứ. Ta có thể hiểu sự vật bằng cách nắm vững được những kết cấu (structure) của nó hay không? (Chủ thuyết duy nhiên, naturalism). Ta có thể biết được sự vật nếu theo nguyên tắc quy luật của lý trí hay không? (Chủ thuyết duy lý). Ta có thể biết được sự biến đổi của sự vật chỉ cần dựa vào những cảm giác, hay cảm quan hay không? (Chủ thuyết duy nghiệm, duy thực). Ta có thể hiểu được con người bằng việc dựa trên phản ứng, quy luật phản ứng hay không? (Chủ thuyết duy hành vi, behaviourism). Ta có thể nắm vững được con người dựa trên cảm giác, quy luật của cảm giác hay không? (Chủ thuyết duy cảm, sensationalism), và những câu hỏi tương tự. Sự hồ nghi tuyệt đối của Descartes khiến ông gạt tất cả mọi lối hiểu biết trừ lối duy lý của chủ thể. Hiện tượng học cũng nghi ngờ, nhưng nhận ra là ta không thể gạt bỏ tất cả những lối nhìn khác biệt. Ðiều mà ta có thể làm được đó là tạm thời bỏ chúng vào trong ngoặc (hay bỏ ra một bên) mà thôi. Ở giai đoạn hai, hiện tượng học nhận định, một sự nghi ngờ không thể mang tính chất tuyệt đối mà chỉ là một phương thế tạm thời, nhắm tới một phương thế khác giúp ta hiểu được sự vật một cách trọn vẹn hơn. Vậy thì điểm quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hiểu được một cách tương đối trọn vẹn sự vật, thế giới, vân vân.

So với những phương pháp duy lý (rationalism) của Descartes, duy nghiệm (empiricism) của Locke và Hume, và duy lý trí của Hegel (rational logic), duy cảm của Condillac, Helvetius, vân vân, duy hành vi (behaviourism) của Pawlov, Spencer... thì phương pháp hiện tượng xem ra trung thành hơn, và giúp chúng ta nhìn sự vật một cách khách quan và đầy đủ hơn. Nếu hiện tượng học nhắm đến một sự hiểu biết toàn vẹn (complete), nắm được cái toàn thể (total), nhận ra được tính chất trung thực (true), và tính chất nguyên sơ (pristine, original), thì câu hỏi mà chúng ta đặt ra, đó là, phương pháp hiện tượng học có thể giúp chúng ta đạt được một sự hiểu biết như vậy hay không? Từ đây ta mới thấy là hiện tượng học chủ trương một lối trực giác tiên nghiệm tìm ra tất cả cái toàn thể của vật thể (qua sự tương quan, qua qui luật tương quan, qua cách thế sự vật xuất hiện cho chúng ta), như chúng tôi đã trình bày ở trên. Hiểu như vậy, hiện tượng học tự nó đã mang bản chất thông diễn mang tính chất nghiêm túc, khoa học.

Tuy rất hữu ích, và tiến bộ so với những phương thế trước đó, nhưng hiện tượng học có thể đáng được coi như là một phương pháp rất khoa học, rất nghiêm túc như Husserl từng nghĩ hay không. Ðây là một câu hỏi mà cho tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Ðiểm quan trọng mà chúng tôi muốn bạn đọc chú ý, đó là, nếu hiện tượng học nhắm đến sự hiểu biết chân thực thì, việc đầu tiên chúng ta phải giải quyết, đó là "chân thực" là gì?; ta có khả năng nhận thức được chân thực hay không? Và một câu hỏi quan trọng hơn nữa, nếu triết học nhắm trả lời câu hỏi "con người là gì?" mà Kant đã từng đặt ra, thì sự thực về con người và sự thật về sự vật, về thế giới con người và thế giới sự vật giống và khác nhau ra sao? Chỉ khi trả lời được những câu hỏi trên, chúng ta mới hy vọng có thể xây dựng được một nền khoa học xã hội nhân văn.

Trả lời những câu hỏi trên bắt ta phải đi sâu hơn vào Thông Diễn Học (TDH) chứ không chỉ dừng nơi hiện tượng học. Chính TDH mới có thể diễn đạt được cao độ của hiện tượng học. TDH chỉ ra rằng:

(1) Sự thực hay chân lý (truth) khác với chân thực (reality), và chân thực khác với hiện thực (the real).

Hiện thực chỉ là một hình thái của sự vật đương hiện hữu, đó là sự kiện (sự vật) thấy trong một thời gian, không gian cố định. Hiện thực chỉ là sự biểu hiện của chân thực trong không gian (xã hội) và thời gian (lịch sử, truyền thống). Nói từ một khía cạnh ngược lại, chân thực là bản chất của hiện thực. Thế nên, ta có thể thấy chân thực (reality) xuất hiện thành hiện thực (real) (đó là qúa trình hiện thực hóa, relaization), và hiện thực hoặc biểu tả chân thực, hoặc (chúng) cấu tạo thành một chân thực khác (đây là ý nghĩa của "cấu thành" (constitution). [71] Nói một cách khác, hiện thực chỉ là hiện thực bởi vì nó nằm trong qúa trình (process) liên tục của sự hiện thực hóa của chân thực; và chân thực chỉ là chân thực nếu nó luôn ở trong một qúa trình cấu tạo của các hiện thực. Nói một cách cụ thể hơn, một sự vật, xuất hiện theo luật không gian và thời gian. Trong thời và không gian ấy (hic et nunc), nó mang một hình thái nào đó (mà Heidegger gọi là hiện thực, hay hiện hữu, Dasein). Nó chính là cái mà chúng ta cho là hiện thực (real) hay hiện diện (presence), hay hiện sinh (exsitence). Nhưng với quá trình biến đổi của không gian và thời gian, một hiện thực như vậy sẽ biến thành một hiện thực khác, qua chính sự biến đổi của hình thái. Quá trình biến đổi như vậy được hiểu như là qúa trình hiện thực hóa (process of realization) của chân thực (reality). Một thí dụ cụ thể giải thích sự tương quan giữa chân lý, chân thật và hiện thực: một người giống cái (reality) từng là một thiếu nữ đơn thân (real), khi kết hôn biến thành một người phụ nữ (real), khi làm mẹ biến thành một phụ mẫu (real), khi chồng chết thành qủa phụ (real), khi giầu sang phú qúy được gọi là mệnh phụ (real), vân vân. Sự chân thực (reality) là người đó vẫn là một người đàn bà (giống cái), và chính cái sự chân thực này mới là bản chất giải thích được người đàn bà đó đã từng là thiếu nữ, phụ nữ, phụ mẫu, qủa phụ, mệnh phụ, vân vân. Cái hiện thực phụ nữ bổ túc cho thiếu nữ, cái hiện thực qủa thiếu phụ thay thế cho hiện thực phu phụ, vân vân. Ðây là một đề tài mà các triết gia như Heidegger đã để ra rất nhiều thì giờ để phân tích và diễn tả, [72] mà Gadamer đã phát triển trong tác phẩm kinh điển Warheit und Method, vân vân.

(2) Chân lý (truth) do đó không có nghĩa là một sự chân thật vĩnh cửu - điều mà những người chủ trương một nền "triết học vĩnh cửu" (philosophia perennis), và cả triết học hiện đại tin tường. Làm sao mà có thể có một sự chân thật vĩnh cửu nếu sự chân thật được cấu tạo trong qúa trình của hiện thực hóa hiện thực? (realization of the real), tức luôn trong qúa trình phát sinh (genetic process), kiến cấu (constructive process), và tái kiến cấu (rconstructive process)? Chân lý càng không thể đồng nghĩa với hiện thực (the real). Vậy nên ta phải nói, hiện thực chỉ là một lối xuất hiện của chân lý, và sự chân thật chỉ nói lên được bản chất của sự vật (tức hiện thực). Nếu chân lý được hiểu như là cái luật của sự xuất hiện của thế giới hiện tượng (Hegel), như là sự tự tỏ mình (mặc khải, revelatio, Offenbarung) của thiên nhiên, của Thượng Ðế, và sau cùng như là cả một qúa trình hữu sinh của con người, thì để hiểu chân lý, ta không được phép dừng lại ở bình diện của hiện thực (như khoa học kinh nghiệm chủ trương), hay dựa vào những quy luật đơn phương không nói lên được cái toàn diện, toàn thể của Hữu sinh (thí dụ quy luật nhân qủa của Hume, hay những quy luật cơ cấu của ngữ học cơ cấu, vân vân). Nói như Heidegger, chân lý không thể bị hạn hẹp vào trong phạm trù quy luật, bởi lẽ bản chất của chân lý chính là tự do (das Wesen der Warheit ist die Freiheit). [73] Ta chỉ có thể nhận ra chân lý qua chính tác động mở ra, khai phóng, tỏ mình (tức aletheia - aleqeia, hay Unverborgenheit theo lối giải thích của Heidegger). [74]

 

Chú Thích:

[71] Với quan niệm này ta thấy sự tương đồng và khác biệt giữa Husserl, Heidegger và Hegel. Trong Lời Nói Ðầu của tập Những Ðiểm Căn Bản của Triết Học Pháp Luật, Hegel từng tuyên bố "cái gì có lý phải là sự thật, và sự thật phải có lý" (the rational is real and the real is rational) (xem lại). Husserl và Heidegger nhận định, cái gì chân thực thì phải hiện thực, mà những hiện thực sẽ tạo thành chân thực.

[72] Martin Heidegger, Sein und Zeit, chương 1.

[73] Martin Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit (Frankfurt a. M.: Klostermann, 1954), tr. 13.

[74] Martin Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit, ctr. 16, 21...

 

Trần Văn Ðoàn

ÐH Khoa Học Kỹ Thuật Hoa Trung,

Vũ Hán, Trung Quốc, 07. 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page