Suy niệm về
sự tích Ðức Mẹ Lavang năm 1798
Prepared
for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Suy niệm về sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La-Vang năm 1798.
Lúc 10 giờ sáng thứ hai , ngày 13 tháng 8 năm 2001, tại linh Ðịa La Vang, đã có nhiều đoàn hành hương đến ghi danh tại Văn Phòng của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang : 24 đoàn từ thành phố Sàigòn, 11 đoàn từ Xuân Lộc, 06 đoàn từ Ðà lạt, 05 đoàn từ Buôn Me Thuột, 03 đoàn từ Nha Trang, 01 đoàn từ Kontum, 01 đoàn từ Phan Thiết, 01 đoàn từ Phú Cường. Ðó là chưa kể nhiều đoàn từ Huế đã ra và đang tiếp tục ra.
Cảnh Linh Ðịa La Vang (hôm nay, thứ hai 13/08/2001) có nắng đẹp và mát mẽ. Thật không ai ngờ ! Vì cơn bão Usagi, hôm thứ sáu 10/08/2001 vừa rồi, đã tàn phá các tỉnh kế cận Quảng Trị, là các tỉnh Hà Tỉnh, Nghệ An, Quảng Bình. Và hôm thứ bảy 11/08/2001 sau đó, theo đài khí tượng cho biết, bão Usagi nầy có khả năng hướng về Quảng Trị. Nhưng cho đến nay, chỉ có một vài trận mưa làm cho mát mẽ Ðất mẹ La Vang, và cơn bão Usagi đã biến mất, không còn nữa.
Tại Linh Ðịa La Vang hiện nay, ban âm thanh đã thiết kế một hệ thống truyền thanh bao phủ cả vùng Ðất Mẹ La Vang : những chiếc loa sắt xinh xắn, hiệu Optimus, được treo nhiều nơi trong Linh Ðịa để làm sao cho âm thanh được đến tận tai mọi người, vì Linh Ðịa La Vang là một khu vực thật rộng rãi.
Hàng trăm nhân viên trong ban trật tự đã sẵn sàng: đầu đội mũ màu vàng và mang y phục màu xanh, họ có mặt khắp nơi trong Linh Ðịa.
Trong nhiều cái trại bằng vải màu xanh, hình tròn, nhiều khách hành hương đã đến tạm trú.
Linh Ðài Ðức Mẹ La Vang được nhiều người hành hương đến kính viếng và cầu nguyện.
Mọi sự xảy ra tốt đẹp. Mọi người đang mong đợi cuộc lễ hành hương sẽ diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2001, gồm Thánh Lễ Vọng Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời ban chiều, Kiệu Thánh Thể và Canh thức cầu nguyện bên Mẹ vào ban tối ngày 14/08/2001; và sáng ngày 15/08/2001, Thánh Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và Kiệu Ðức Mẹ La Vang.
Cuộc hành hương tháng 8 năm nay (2001) đánh dấu 100 năm ngày kiệu Ðại Hội lần đầu tiên tại Linh Ðịa La Vang vào năm 1901.
Vài lời chứng nhân lịch sử:
Ngày 15 tháng 8 năm 1975 là ngày có ngay cuộc hành hương lần thứ nhất về Ðức Mẹ La Vang tại Linh Ðịa La Vang. Trong những đêm trước ngày hành hương lịch sử nầy, một mình trước Linh Ðài Ðức Mẹ La Vang giữa ba cây đa nhân tạo vẫn còn đứng vững sau chiến cuộc 1972, tôi lặng lẽ một mình suy niệm về sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang. Và trong bài suy niệm nầy, tôi đã đặt mình trong hoàn cảnh đau thương bi đát của các giáo hữu lúc đó đang ẩn trốn tại La Vang.
Vậy tôi xin ghi lại đây bài suy niệm nầy. bài suy niệm nầy gồm có 6 phần:
1. Cơn Bắt Ðạo năm 1798
2. Cơ cực trăm bề
3. Giữa cảnh bơ vơ
4. Ðức Mẹ nhậm lời và hiện ra
5. Ðức Mẹ ban ơn
6. Lời cầu nguyện của người hành hương tại La Vang
1. CƠN BẮT ÐẠO NĂM 1798
Năm 1798, đang lúc đóng đô ở Phú-Xuân, Thừa-Thiên, Vua Cảnh-Thịnh, Nhà Tây-Sơn, ra sắc chỉ cấm Ðạo Công-giáo.
Lệnh vua vừa ban ra, quân lính đua nhau nổ lực tầm nã người công giáo để bắt bớ, hành hạ và chém giết.
Ðể tránh cơn bắt Ðạo độc ác nầy, hầu được trung thành giữ Ðạo, theo Chúa cho đến cùng, các bổn đạo thuộc tỉnh Quảng-Trị tìm cách chạy trốn vào một nơi rừng sâu nước độc, cách xa tỉnh thành hơn sáu cây số. Ðây là khu rừng núi La-Vang, độc địa, hẻo lánh, đầy những thú dữ đủ loại.
2. CƠ CỰC TRĂM BỀ
Lên ẩn núp tại núi rừng La-Vang để tránh nguy hiểm bị bắt bớ, bị chém giết vì Ðạo, người công giáo lúc bấy giờ phải lâm vào sáu cơ cực tầy trời sau đây.
Cơ cực thứ nhất: núi rừng độc địa
Lúc bấy giờ, núi rừng La-Vang âm u, rậm rạp, lạnh lẽo, không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, gây nên chướng khí độc địa, làm cho những người công giáo ẩn náu tại đây phải kiệt lực, mất sức, trở thành mồi ngon cho bệnh tật, chết yểu.
Cơ cực thứ hai: thú dữ tứ phía
Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ hoang vu rậm rạp, cọp, beo, heo rừng và những thú dữ đủ loại, ngày đêm xông xáo đi tìm mồi. Chúng sẵn sàng vồ giết bất cứ ai cả gan xâm phạm lãnh thổ của chúng.
Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ có tiếng rất nguy hiểm vì đầy thú dữ, nên muốn vào đây đốt than, kiếm củi, đốn gỗ, người ta phải đi theo nhau từng đoàn, vừa đi vừa hò hét la vang, vừa khua lên những tiếng rộn ràng để xua đuổi các thú dữ. Vì thế, người công giáo vào ẩn trốn tại La-Vang lúc bấy giờ, rất dễ biến thành mồi ngon cho thú dữ phanh thây, ăn thịt.
Cơ cực thứ ba: thiếu hụt lương thực
Khi nghe tin bắt Ðạo, người công giáo vội vã lìa nhà lìa cửa, bỏ hết mọi sự để chạy trốn, chỉ vơ vét đem theo vài chục lon gạo, vài chút lương khô. Khi lên ẩn náu tại rừng núi La-Vang, họ không liên lạc được với ai để xin giúp đỡ vì không có chợ, không có quán ăn, không có gia đình nào ở trong chổ rừng rú nầy. Họ cũng không trồng trọt được cây ăn quả nào, cũng không chăn nuôi được con vật gì, vì ban ngày, họ cũng phải lo trốn lánh ẩn núp kẻo bị lộ diện. Vì phải trốn lánh ẩn núp lâu ngày, lương thực họ bới theo, đã hao mòn, lương thực họ kiếm được đôi chút trong rừng núi, cũng không đủ thiếu gì. Vì thế, họ lâm vào tình cảnh thiếu lương thực rất trầm trọng.
Cơ cực thứ tư: cuộc sống héo hon tàn tạ
Vì lo âu, vì khí độc, vì sợ bị bắt, vì sợ thú dữ phanh thây, vì thiếu hụt lương thực trầm trọng, những người công giáo đang ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, càng ngày càng héo hon tàn tạ, da bọc xương, kiệt lực, mất sức, gầy còm, ốm o.
Cơ cực thứ năm: bệnh tật lan tràn
Kiệt lực, mất sức, mang đủ mầm mống của bệnh tật, không có gì ăn để bồi dưỡng, không có thuốc men để chữa bệnh, không được ai săn sóc giúp đỡ, những người công giáo ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, không ai mà thoát khỏi bệnh tật dày vò: họ mắc đủ thứ bệnh tật đau đớn.
Cơ cực thứ sáu: tình cảnh bất an
Lệnh bắt Ðạo do Vua Cảnh Thịnh ban ra lúc đó, thật gắt gao. Quân lính đi lùng quanh rừng, tìm cách bắt nộp người công giáo để được lãnh thưởng.
Trong tình hình quá bất an như vậy, dù ban ngày, những người công giáo đang trốn tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ cũng không dám tự do đi lại, không dám xuất đầu lộ diện, nhưng phải luôn luôn ẩn núp trong những lùm cây, hốc đá.
Dầu vậy, thật đáng khâm phục thay!
Giữa những cơ cực tư bề như thế, những người công giáo lúc bấy giờ vẫn không hề buồn phiền thất vọng, nhưng họ vẫn luôn giữ một lòng tin cậy vào Chúa và Mẹ.
3. GIỮA CẢNH BƠ VƠ
Giữa cảnh bơ vơ cơ cực trăm bề, những người công giáo lúc bấy giờ tại núi rừng La-Vang thúc đẩy nhau hãy đặt hết lòng trông cậy vào Ðức Mẹ đoái thương. Ban ngày, họ tản mác tìm chổ ẩn núp trốn tránh. Ban đêm, họ tìm gặp nhau nơi gốc ba cây đa để lần hột, thiết tha kêu xin Ðức Mẹ đoái thương cho họ được sống can trường, theo Chúa kiên trung, dù phải lao lung, dù phải khốn cùng, vẫn không ngại ngùng chồn bước lui chân.
Mặc cho bệnh tật đau đớn dày vò, mặc cho núi rừng độc khí cướp mất sức lực của họ, mặc cho sự thiếu hụt lương thực làm cho họ rã rời, mặc cho thú dữ rình rập nguy hiểm, trong đêm tối âm u của rừng sâu lạnh lẽo, trong những tiếng vang lên yếu ớt vì kiệt sức, những người công giáo lúc bấy giờ sốt sắng lần hột, kêu xin Ðức Mẹ cho họ được lòng tin Chúa cho mạnh, lòng cậy Chúa cho bền, lòng kính mến Chúa cho sốt sắng.
Kính mừng Maria đầy ơn phước! (Trong đêm tối rợn rùng của núi rừng độc địa, chúng con xin dâng lên lời kính chào Mẹ đầy ơn phước!)
Ðức Chúa Trời ở cùng Bà! (Trong khi tâm hồn chúng con đầy lo âu dằn vặt, chúng con vẫn ngợi khen Mẹ là Ðấng Hạnh Phúc có Chúa ở cùng Mẹ!)
Bà có phước lạ hơn mọi người nữ! (Trong khi chúng con đang nằm la liệt trong đêm tối, trên đất lạnh, vì bệnh tật trầm trọng, vì đói lã kiệt sức, chúng con vẫn tung hô Mẹ đầy ơn phước lạ hơn tất cả mọi người.)
Và Giêsu, Con lòng Bà, gồm phước lạ! (Trong khi chúng con sợ hải vì tình cảnh bất an, có thể bị bắt, bị giết bất cứ lúc nào, chúng con vẫn hết lòng ngợi khen Chúa Giêsu, Con của Mẹ, đầy tràn phước lạ.)
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời! (Giữa bao nguy biến khổ đau nặng nề, chúng con vẫn hết lòng trông cậy kêu đến Mẹ, vì Mẹ là Mẹ của Ðức Chúa Trời, nhưng Mẹ cũng là Mẹ của chúng con.)
Cầu cho chúng con là kẻ có tội! (Chúng con đang lao đao cực khổ, bỏ cửa bỏ nhà, bỏ ruộng đát tài sản, mạng sống đang phải bấp bênh nguy hiểm vì lòng tin Chúa, vì muốn trung thành theo Chúa. Chắc Chúa và Mẹ thương chúng con lắm! Dầu vậy, chúng con vẫn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và thành thật xưng mình là kẻ có tội, để được Chúa và Mẹ thương hơn nữa.)
Khi nầy, và trong giờ lâm tử! (Khi nầy - khi chúng con đang chìm ngập trong tang tóc, đau khổ, hiểm nguy - , chúng con đang sống cũng như chết, vì chúng con đang chết mòn, đang chết dần, đang kiệt lực mất sức vì bệnh tật, vì đói khổ, vì bị bắt bớ, nhưng xin Mẹ thương giúp chúng con sống theo thánh ý Chúa như Mẹ ngày xưa. Và trong giờ lâm tử, - giờ lâm tử, giờ chết đang treo lơ lững trên đầu chúng con - , sau khi chúng con chết, xin Mẹ đưa chúng con về Nước Trời bên Chúa muôn đời.)
Amen! (Xin Mẹ nhậm lời chúng con cầu nguyện!)
Những lời van xin Ðức Mẹ trong hoàn cảnh đau thương như thế, thật quá cảm động!
Người mẹ trần thế nầy, khi thấy con mình gặp cơn hoạn nạn, không đợi con mở miệng kêu xin, đã vội chạy đến giúp con, đã có mặt ngay bên cạnh con.
Huống nữa Ðức Mẹ là Bà Mẹ trên trời! Kìa, đoàn con Mẹ đang thi nhau kêu xin tha thiết trong đêm tối rùng rợn, trên đất núi rừng La-Vang lạnh hiu! Vì thế, Ðức Mẹ ra tay cứu giúp ngay!
4. ÐỨC MẸ NHẬM LỜI VA HIỆN RA
Thấy đoàn con trong đêm tối ở núi rừng La-Vang quyết một dạ sắt son theo Chúa, quyết hết lòng trông cậy vào Chúa, Ðức Mẹ Maria liền hiện ra an ủi.
Trong đêm tối rừng sâu La-Vang, giữa những lời cầu nguyện sốt sắng của những người công giáo lúc bấy giờ, Ðức Mẹ Maria liền hiện ra, tay bồng Chúa Giêsu Hài-Ðồng cho họ thấy, vì chính Chúa Giêsu là Ðấng mà họ quyết trung thành đi theo cho đến cùng.
Ðối với Ðức Mẹ Maria, điều quan trọng nhất, là phải làm sao cho con cái Mẹ ở trần gian phải trung thành theo Chúa Giêsu cho đến cùng. Vì thế, Ðức Mẹ khuyên những người công giáo lúc bấy giờ hãy bền gan giữ Ðạo Chúa Trời, dẫu sống giữa đời gặp nhiều thử thách.
Bền gan theo Chúa cho đến cùng!
Trung kiên theo Chúa, không bao giờ nao núng!
Ðó là ân huệ đặc biệt và quý báu nhất,
Ðức Mẹ Maria ban cho đoàn con mình tại núi rừng La-Vang lúc bấy giờ.
Nếu không bền đỗ theo Chúa cho đến cùng,
thì ngay cả những sự gian khổ lớn lao vì Chúa lúc ban đầu, cũng vô ích.
Và đây là điểm nổi bật nhất của sứ điệp Ðức Mẹ ban ra tại La-Vang
khi hiện ra năm 1798 cho đoàn con mình:
Hãy chịu khó vì Chúa!
Hãy chịu khó vì Ðạo!
Hãy bền đỗ theo Chúa cho đến cùng !
Chúa và Mẹ không bao giờ bỏ rơi
những ai đặt hết lòng trông cậy vào các Ngài!
5. ÐỨC MẸ BAN ƠN
Thấy đoàn con đang sốt sắng cầu nguyện trong đêm tối, kẻ thì thoi thóp hấp hối, người thì quằn quại giữa những đau đớn bệnh tật, kẻ thì kiệt lực vì đói lã lâu ngày, người thì lết qua lết lại, Ðức Mẹ Maria quá cảm động: sau khi khuyên đoàn con giữä vững đức tin và theo Chúa cho đến cùng, Ðức Mẹ bắt tay ngay vào việc chữa lành các bệnh tật.
Và trong dịp hiện ra tại La-Vang năm 1798 nầy, Ðức Mẹ Maria đã phán dạy lời đặc biệt mà những người công giáo lúc bấy giờ đã truyền lại cho con cháu đến ngày hôm nay: "Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu Mẹ tại chốn nầy, Mẹ sẽ nhậm lời theo như ý nguyện."
6. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TẠI LA-VANG
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho gia đình chúng con. Trong chốn khách đầy trần gian nầy, gia đình nào trong chúng con mà không mang nhiều gánh nặng đau thương, mà không có nhiều thánh giá Chúa gởi đến. Xin Mẹ thánh hóa mọi thành phần trong gia đình chúng con, cho tất cả chúng con biết sống vâng theo thánh ý Chúa như Mẹ ngày xưa. Xin Mẹ cho gia đình chúng con biết cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ, mỗi sáng sau khi tức dậy, cầu nguyện và cám ơn Chúa trước và sau mỗi bữa ăn, đọc ba lần kinh Truyền Tin sáng trưa chiều tối, để gia đình chúng con vang lên lời cầu nguyện như một nhà thờ kính Chúa. Xin mẹ giúp cha mẹ, vợ chồng, con cái trong gia đình chúng con siêng năng giữ ngày của Chúa là Ngày Chúa Nhựt, để gia đình chúng con được phước nghe Lời Hằng Sống của Chúa và để nuôi dưỡng bằng bánh Hằng Sống của Chúa.
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho giáo xứ chúng con. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con được chịu phép Rửa Tội để trở thành con Chúa và con Mẹ. Giáo xứ chúng con là nới chúng con hy vọng sẽ chết tại đó để được chôn vào Ðất Thánh của giáo xứ. Nhà Thờ của giáo xứ chúng con là thiên đàng trên trần gian nầy, nơi đây, chúng con gặp được Chúa Giêsu Thánh Thể, Con của Mẹ và là Nguồn Hạnh Phúc trên hết của chúng con. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con được nghe dạy về đức tin để chúng con biết không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà nhất là phải sống bằng Lời Hằng Sống của Chúa. Giáo xứ chúng con là nơi chúng con có Cha Sở, Vị Cha thiêng liêng Chúa thương ban để lo phần rỗi cho chúng con. Chúng con cũng xin Mẹ đoái thương nhiều giáo xứ không có linh mục, nhiều giáo xứ quá xa xôi hẻo lánh, không liên lạc được với linh mục, nhiều giáo xứ mà người công giáo chúng con quá ít ỏi. Xin Mẹ thương ban cho các giáo xứ chúng con sống đức tin mạnh mẽ, sống luôn trông cậy vào Chúa và Mẹ, sống hiệp nhất yêu thương nhau.
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho giáo phận Huế chúng con, giáo phận mà Mẹ đã thương chọn làm nơi hiện ra năm 1798, giáo phận mà ngay từ đầu, đã được dâng kính cho Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Từ Mẫu trên trời, giáo phận được diễm phúc thay mặt các giáo phận Việt-Nam để bảo trì phần hương hỏa Ðức Mẹ La-Vang trong đại gia đình công giáo Việt-Nam. Cúi xin Mẹ đoái thương ban bình an và ơn hồn xác đầy tràn cho hàng Giáo Phẩm Huế, cho hàng linh mục, cho giới tu sĩ và mọi giáo dân trong Giáo Phận Huế của Mẹ. Xin Mẹ thương chúc lành và ban nhiều ơn cho những đồng bào không công giáo trong Giáo Phận Huế.
Lạy Mẹ La-Vang, Xin xuống ơn tràn cho Giáo Hội Việt-Nam chúng con, Giáo Hội mà Tin Mừng Phúc Âm của Con Mẹ đã lan tràn đến cách đây hơn 300 năm, Giáo Hội mà do máu đổ ra của biết bao nhiêu Tiền Nhân Cha Ông Tử Ðạo chúng con làm cho vươn mạnh lên. Xin Mẹ hãy ban cho Giáo Hội Việt-Nam chúng con luôn mạnh mẽ trong đức tin, thẳm sâu trong đức cậy, rạng ngời trong đức mến. Xin Mẹ hãy cho đồng bào Việt-Nam chúng con biết Chúa và biết Mẹ, để Giáo Hội Việt-Nam càng ngày càng thêm đông số những người con của Chúa và của Mẹ.
Lạy Mẹ La-Vang, xin xuống ơn tràn cho Tổ Quốc Việt-Nam chúng con. Tổ Quốc Việt-Nam thân yêu của chúng con đã có từ hơn bốn ngàn năm nay. Tổ Quốc Việt-Nam thân yêu chúng con là nơi chúng con được phước sinh ra khi chào đời, là nơi chúng con được hạnh phúc chôn cất khi lìa đời, là nơi chúng con được diễm phúc làm người Việt-Nam da vàng, đầu đen. Xin Mẹ hãy cúi xuống chúc lành cho từng bụi cây Việt-Nam, từng khóm tre Việt-Nam, từng mái nhà Việt-Nam, từng luống cày Việt-Nam, từng thửa ruộng Việt-Nam, từ dòng sông Việt-Nam, từng người một đồng bào Việt-Nam chúng con.
Lạy mẹ La-Vang!
Xin cho chúng con
Một dạ sắt son
Trung thành theo Chúa
Như Cha Ông xưa ở rừng núi La-Vang nầy.
Xin Mẹ nhậm lời đoàn con khẩn nguyện.
Amen!
Suy niệm dưới chân Mẹ La-Vang, tại Linh-Ðài, trong những đêm của tháng 8 năm 1975, trước ngày hành hương lịch sử , ngày 15.8.1975.
LM Emmanuen Nguyễn tường thuật từ Linh Ðịa La Vang