Cộng sản Việt Nam
tiếp tục đàn áp Giáo xứ Nguyệt Biều

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

1. Cộng sản Việt Nam tiếp tục đàn áp Giáo xứ Nguyệt Biều.

 Tối ngày 15-3-2001, khi Linh mục đoàn Giáo Phận Huế chia sẻ việc mục vụ trong Cuộc Tĩnh tâm thường niên, cha Phêrô Trần Văn Quý, Quản xứ Nguyệt Biều, đã cho toàn thể linh mục đoàn Huế nhiều thông tin về sự kiện xảy ra ngày thứ tư 14-3-2001, liên quan tới đất đai thuộc quyền Giáo xứ Nguyệt Biều mà cũng là tài sản của Giáo phận Huế. Các thông tin đó, được bổ sung thêm từ nhiều nguồn khác nữa, gồm những điểm như sau:

 Sáng sớm ngày 14-3-2001, từ lúc 6giờ, Công an mặc thường phục và nhiều dân thường (khoảng 100 người) đã đến nhà thờ Nguyệt Biều, định tiến hành việc đúc bê tông một con mương thủy lợi cũ đi ngang qua giữa đất nhà thờ và ruộng nhà thờ (đang trong vòng tranh chấp).

 Con mương này, cha quản xứ Trần Văn Quý, cha "quản thúc" Nguyễn Văn Lý (lúc đang còn ở Nguyệt Biều) và toàn thể giáo dân đã từ lâu làm đơn yêu cầu nhà nước dời nó đi chỗ khác, vì nó vừa xâm phạm tới đất đai của Giáo hội, vừa quá sát tường và móng nhà thờ. Hai cha và toàn thể giáo xứ cũng đã tỏ thiện chí bằng cách hứa góp công của (và đã thực hiện một phần: đổ đất nâng nền, mua nhiều ống bi ximăng) để chuyển con mương thủy lợi này dọc theo đường làng và dọc bờ mảnh ruộng của giáo xứ.

 Biết được ý đồ của nhà nước, khoảng 40 giáo dân cũng đã tới rất sớm, đứng dọc theo con mương và đọc kinh cầu nguyện. Lúc toán người nhà nước bắt đầu tiến hành công việc, giáo dân đã cùng nhau la to: "Chúng tôi không cho phép các người làm con mương này, đây là phần đất của giáo xứ". Người nhà nước đáp lại: "Cha quản xứ và ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ đã đồng ý!" - "Giáo dân chúng tôi mới là chủ, mới có quyền. Vả lại, nếu có sự đồng ý của hai vị đó, yêu cầu các ông cho chúng tôi xem văn bản". Dĩ nhiên làm gì có văn bản!

 Ðến khoảng 7 giờ, cha Quản xứ tới. Công an yêu cầu cha ra lệnh cho giáo dân không được ngăn cản công việc. Cha Trần Văn Quý khẳng khái đáp: "Nhân dân làm chủ, tôi hoàn toàn theo ý nhân dân!"

 Chính quyền bèn dùng mưu kế, ép cha xứ ra trụ sở ủy ban xã để "làm việc". Chủ chiên vừa đi khỏi, các giáo dân liền đồng loạt xuống ngồi dưới con mương (dài khoảng 50m). Người của nhà nước dần dần kéo lên đông (con số cuối cùng là khoảng 500 người, có những kẻ lạ hoắc, nói giọng Bắc). Nhờ đông gấp mười, họ bắt đầu xúm lại, lôi kéo, khiêng bồng các giáo hữu lên khỏi mương (trong số đó có một cụ già 80 tuổi và một phụ nữ đang mang thai). Giáo dân nào giằng co trì kéo thì bị họ đối xử tàn tệ. Một thanh niên 18 tuổi, mới trở lại đạo, học lớp 12, tên Hoàng Trọng Dũng, và một phụ nữ 40 tuổi tên Hoàng Thị Hương lên tiếng phản đối: "Nhà cầm quyền không được dùng bạo lực với nhân dân!" Vừa nói xong, cả hai đã bị túm lấy cổ áo (em Dũng bị giựt đứt dây chuyền vàng ở cổ) và bị lôi xềnh xệch ra trụ sở ủy ban xã. Em Dũng bị lập biên bản "Cản trở nhân viên nhà nước thi hành công vụ". Nhất định không ký, em bị lập tờ biên bản thứ hai "Thái độ xấu khi làm việc với nhà nước". Em cũng không ký nốt. Một cán bộ tên Quảng (người đã làm việc cuối cùng với linh mục Phan Văn Lợi về vấn đề ruộng giáo xứ Nguyệt Biều) lên tiếng dọa em Dũng: "Tao biết mày đã làm nhiều chuyện phạm pháp. Lúc này tao đang bận làm việc với nhiều người khác, tao sẽ hỏi tội mày sau!"

 Khi trở lại nhà thờ Nguyệt Biều, cha quản xứ được giáo dân cho biết vụ việc, nhất là chuyện có hai con chiên đang bị giam giữ tại trụ sở xã. Cha liền ra lại trụ sở, nói thẳng với nhà cầm quyền: "Tôi sẽ ngồi ở đây cho tới khi người giáo dân cuối cùng của tôi được thả". Lúc đó là 10 giờ. Ðến 12 giờ, nhà nước phải thả hai giáo dân ra sau khi đã dọa dẫm họ.

 Công an và tay chân của họ tiếp tục làm con mương hai ngày sau đó nữa. Còn giáo dân thì mỗi ngày ba lần ra đứng bên cạnh, lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh Ông thánh Giuse (tháng 3 mà!), thỉnh thoảng lại cất lên bài ca "Kinh Hòa Bình" của thánh Phanxicô Khó nghèo.

 Nghe kể xong việc nhà cầm quyền Cộng Sản đàn áp nhân dân, tất cả các linh mục đều phẫn nộ và đau xót. Cha Tổng đại diện Nguyễn Ðức Vệ lên tiếng: "Lúc nào Ðức Giám Mục trở về (vì ngài đang chữa bệnh tại ngoại quốc), giáo quyền sẽ chính thức lên tiếng phản đối hành vi thô bạo và bất công này".

 Trong lúc chờ đợi, một số linh mục giáo phận đã cùng nhau làm bức thư Thông hiệp với Cha Quản xứ và giáo dân Nguyệt Biều (mà chúng tôi có gởi kèm theo đây). Vì nhiều cha phải vội về xứ gấp để chuẩn bị mục vụ, nên chữ ký chưa được nhiều.

 2. Cộng sản Việt Nam tiếp tục sách nhiễu cha Nguyễn Văn Lý.

 Sau khi ra Quyết định 401 (dựa trên Nghị định 31/CP vi hiến và bất chấp Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền), Cộng sản tiếp tục sách nhiễu cha Lý bằng nhiều hình thức.

 a) Trước hết họ tung ra một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện truyền thông và qua các buổi học tập chính trị ở cơ quan, trường học, khu phố, nhằm đê hèn bôi nhọ đời tư cha Lý và gán đủ thứ tội "phản quốc, hại dân" cho vị linh mục ngôn sứ kiên cường của sự thật này. Ngoài việc dùng nhiều tay cò mồi để tuyên bố những lời kết án cha Lý, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam còn bày trò phỏng vấn nhiều giáo sĩ và giáo dân tại Huế hay tại nhiều nơi khác. Và phần lớn các bài phỏng vấn giới công giáo đã bị bóp méo trắng trợn. Chính cha Phaolô Nguyễn Trọng, hạt trưởng hạt thành phố, quản xứ chính tòa Phủ Cam, đã thông báo cho cha Tổng đại diện và các cha hạt trưởng khác biết trong cuộc tĩnh tâm mới rồi: bài phỏng vấn ngài trên báo Lao Ðộng số 48 ngày 7-3-2001 là hoàn toàn bịa đặt. Ông Trần Ðình Thọ, phó chủ tịch Hội Ðồng Giáo Xứ Phủ Cam, bị báo này phỏng vấn trong số cùng ngày, cũng đã gởi một lá thư phản kháng và một điện thư cải chính những lời xuyên tạc của báo này.

 Người ta cũng kể rằng tại một trường đại học nọ, sau khi trình bày "những hoạt động phản quốc" của cha Nguyễn Văn Lý, cán bộ diễn giả đã yêu cầu các giáo sư hãy lên án mạnh mẽ. Các thầy cô đã trả lời rằng: "Hãy cho chúng tôi xem đủ các Lời Kêu Gọi và Lời Chứng của linh mục Nguyễn Văn Lý trước đã, lúc đó mới có cơ sở mà phê phán". Cộng Sản tưởng nhân dân ngây thơ lắm hay sao? Coi khinh các nhà trí thức đến thế là cùng!

 b) Thứ hai là Cộng Sản dùng đài phát thanh địa phương An Truyền để ra rả chửi bới cha Nguyễn Văn Lý. Kể từ hôm 27-02-2001, mỗi ngày hai lần sáng chiều, dân chúng thôn Truyền Nam phải nhức óc vì 5 bài bôi lọ danh dự vị linh mục đang được cả thế giới ngưỡng mộ vì khí phách có một không hai này. Nhưng càng nghe những lời dối trá và ngụy biện, giáo dân càng thương cha Nguyễn Văn Lý, một số cán bộ càng thêm cảm phục ngài. Có một cán bộ địa phương đã phát biểu: "Ai động đến ông Lý thì mặc kệ họ. Mình không dại gì và chẳng thấy có lý gì mà phê phán ông ta". Một đảng viên khác: "Ước chi Ðảng ta có được một lãnh tụ như thế để mà nhờ!" Thậm chí có một cán bộ đã bí mật nhờ người trung gian xin học đạo với cha Nguyễn Văn Lý. Những cán bộ có bổn phận theo dõi các bài giảng trong Thánh lễ và các lời giải thích cuối Thánh lễ mỗi ngày của cha thì nay dần dần vòng tay chăm chú lắng nghe với sự kính cẩn. Hạt giống Lời Chúa đang được gieo vào lòng họ, hy vọng sẽ sớm có ngày mọc lên.

 c) Thứ ba là nhà cầm quyền tìm mọi cách để "lập biên bản về những vi phạm của công dân Nguyễn Văn Lý đối với lệnh quản chế". Tối ngày 8-2-2001, cha Nguyễn Văn Lý giải thích nhiều điều liên quan tới việc Cộng Sản đang âm mưu gây chia rẽ giáo dân Nguyệt Biều và An Truyền; tối ngày 9-3-2001 và tối ngày 12-3-2001, ngài giảng dạy giáo hữu về Tin Mừng và giáo lý xã hội của Giáo Hội. Tối ngày 14-3-2001, sau cái tin về vụ Cộng Sản dùng bạo lực làm con mương ở Nguyệt Biều, cha Nguyễn Văn Lý đã giải thích vào cuối lễ đó là một hành vi "ăn cướp" rồi ngài hô to 3 lần "Ðảù đảo đàn áp"; giáo dân An Truyền lặp lại 9 lần: "Ðảù đảo!". Sáng hôm sau mỗi lần như vậy, cán bộ xã đều lập tức vào "lập biên bản" về việc ngài vi phạm lệnh quản chế. Ðã không chấp nhận đó là vi phạm và ký vào biên bản, cha Nguyễn Văn Lý ngược lại còn tung ra một chiêu độc đáo mới là "lập biên bản kết tội Cộng Sản vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" (xin xem hai biên bản viết tay mà chúng tôi có gởi kèm theo đây). Nhiều cán bộ xã dần dần không dám vào nhà xứ để gặp cha Lý và để đương đầu với ngài nữa. Phần cha Lý thì cuối các "buổi gặp gỡ" đó, bao giờ cũng nói với họ: "Dần dần các ông sẽ thích tôi và thương tôi thôi; dần dần các ông sẽ hiểu thế nào là một nhà tu hành và một tín hữu công giáo thôi; dần dần các ông sẽ biết đạo, mến đạo và theo đạo thôi! Ðâu đâu cũng như thế cả! Biết bao người Cộng sản đã trở lại với Chúa Kitô nhờ gặp những tù nhân kitô hữu can trường và đích thực!"

 Cha Nguyễn Văn Lý mới cho chúng tôi biết: kể từ ngày 16-3-2001, ngài sẽ im lặng hoàn toàn khi bị các cán bộ Cộng Sản Việt Nam đến chất vấn. Mọi lời tuyên bố của ngài với họ sau ngày này, xin nhớ cho, đều là do họ bịa đặt. Những gì cần nói với thế giới, với mọi người, với người Cộng Sản thì cha Nguyễn Văn Lý cho biết đã nói hết cả rồi. Dĩ nhiên nếu họ hỏi về Tin Mừng, về giáo lý với thành tâm thiện chí thì ngài sẽ vui lòng giải thích. Nếu bị bắt, cha Nguyễn Văn Lý sẽ không khai báo. Nếu phải ra tòa, ngài sẽ đứng im lặng.

 3. Các linh mục Giáo Phận Huế ủng hộ cha Nguyễn Văn Lý

 Trong tuần tĩnh tâm thường niên của linh mục đoàn giáo phận Huế (13-16/3/2001), cha Nguyễn Văn Lý dĩ nhiên bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ngăn cản, không cho đi dự. Ðể tỏ tình hiệp thông, cha Nguyễn Văn Lý đã gởi cho Ðức TGM, cha Tổng Ðại diện cùng tất cả các cha một lá thư chung. Trong thư này, ngài xin phép được tĩnh tâm riêng, xin các anh em linh mục cầu nguyện cho ngài. Ngài cũng trình bày cho các vị biết: với Tuyên ngôn 10 điểm, Lời tuyên bố chung với Ủy ban Liên tôn, với 9 Lời kêu gọi và hai Lời chứng, ngài coi như đã hoàn tất công việc làm chứng cho sự thật, công bằng, nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam. Ngài trao phó mọi sự cho Thiên Chúa, cho Mẹ Lavang, các thánh Tử đạo Việt Nam, Tòa thánh Rôma, Hội đồng Giám Mục Việt Nam, các tổ chức nhân quyền quốc tế, quốc hội các nước và tất cả mọi người thiện chí khắp nơi trên thế giới. Ngài cho biết Ðức Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận vẫn luôn tưởng nhớ đến ngài và ủng hộ công cuộc của ngài. Phần ngài, ngài cũng hy vọng Ðức Tân Hồng Y sẽ là "Giuse cho Giáo Hội Việt Nam" (lời Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền đã nói với chính Ðức Hồng Y Thuận khi ngài còn là giám mục và sắp sửa bị trục xuất khỏi Việt Nam).

 Anh em linh mục đoàn Giáo Phận Huế cũng biết cha Nguyễn Văn Lý phải vắng mặt chính là vì Nghị định 31/CP đầy bất công và tàn ác của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Tất cả đã tỏ lòng thông hiệp với người đồng môn của mình. Nhiều linh mục đã dự định viết một lá thư chung nói lên thái độ ủng hộ cha Nguyễn Văn Lý và phản đối biện pháp bất công của nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên, y như lá thư hiệp thông các vị vừa làm với cha Quản xứ và giáo dân Nguyệt Biều. Nhưng cha Tổng đại diện cho biết là hãy chờ cho đến khi Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể trở về lại địa phận (cha Nguyễn Văn Lý bị lãnh quyết định 401 QÐ-UB đang khi Ðức Tổng vắng mặt). Lúc ấy giáo quyền sẽ chính thức lên tiếng phản đối và mọi anh em linh mục sẽ cùng hiệp thông vào. Dù sao, vẫn có những cha lén lút về thăm hoặc biên thư riêng để chia sẻ con đường thập giá của vị chứng nhân bênh vực sự thật, vì ngôn sứ tranh đấu cho nhân quyền.

 Phóng viên tường trình từ Huế
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page