43 Dân Biểu Mỹ
Ðòi Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

43 Dân Biểu Mỹ Ðòi Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam.

 VietCatholic News. (24/2/2001) WASHINGTON DC (VB) -- Sau hai ngày vận động tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn vào đầu tuần qua, 12 và 13 tháng 2 năm 2001, cuộc Vận Ðộng Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam đã kết thúc với những kết quả khả quan. Cuộc vận động này do Ủy Ban Vận Ðộng Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt (VPAC) thực hiện nhằm mục đích tố cáo trước dư luận tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, đồng thời vận động áp lực nhân quyền từ chính giới Hoa Kỳ lên nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc với chính giới Hoa Kỳ, phái đoàn 25 người Việt đến từ 12 địa phương đã đưa ra năm đề nghị cụ thể như sau đối với các vị dân cử:

 1. Ký tên vào lá thư chung gửi đến nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phản đối chính sách đàn áp tôn giáo,
2. Gửi thư đến các vị lãnh đạo tinh thần đang tranh đấu tại Việt Nam để thăm hỏi và yểm trợ,
3. Vận động một bản Quyết Nghị chung của Quốc Hội đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam, 4. Thực hiện chuyến đi Việt Nam để điều tra vi phạm nhân quyền hoặc yêu cầu tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam thực hiện điều tra,
5. Vận động Ngoại trưởng Colin Powell đẩy mạnh áp lực nhân quyền khi đến Hà Nội vào tháng 7/2001.

 Trong hai ngày tại Hoa Thịnh Ðốn, phái đoàn đã thực hiện 60 cuộc tiếp xúc gồm 58 văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Thế Giới, và bà Phụ Tá Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Nhân Quyền. Trong cuộc gặp gỡ phái đoàn, dân biểu Tom DeLay (Texas), nhân vật số ba của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, đã đồng ý sẽ nỗ lực vận động Ngoại trưởng Powell tạo áp lực tối đa lên Hà Nội về mặt tự do tín ngưỡng. Ngoài việc nhận sẽ tiến hành cả năm đề nghị của phái đoàn, dân biểu Dana Rohrabacher (California) còn nói rằng ông sẽ cố tạo áp lực buộc Hà Nội phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp tại vùng cao nguyên Trung phần.

 Ba ngày sau khi phái đoàn vận động rời Hoa Thịnh Ðốn, vào ngày 16 tháng 2/2001, một lá thư chung mang chữ ký của 43 dân biểu Hoa Kỳ đã được gửi đến nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam để mạnh mẽ phản đối chính sách đàn áp tôn giáo, đồng thời đặc biệt nhắc nhở đến những nỗ lực tranh đấu đang xẩy ra ngay tại Việt Nam. Bức thư này đáp ứng đề nghị thứ nhất của phái đoàn người Việt đạt đến các dân biểu Hoa Kỳ. Ðính kèm theo đây là bản dịch của lá thư chung đó. Trong những ngày tới, Ủy Ban Vận Ðộng Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt sẽ tiếp tục liên lạc và vận động chính giới Hoa Kỳ để làm sao đạt được thêm nữa những áp lực nhân quyền đối với Cộng Sản Việt Nam.

 Dưới đây là lá thư chung của 43 dân biểu Hoa Kỳ gửi Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Phan Văn Khải để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo (bản dịch của Ủy Ban Vận Ðộng Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt - VPAC).

 Ngày 30 tháng 1 năm 2001
Thủ Tướng Phan Văn Khải
Văn Phòng Thủ Tướng
1 Bách Thảo, Hà Nội
Việt Nam

 Kính thưa ngài,
Chúng tôi vô cùng quan tâm về những vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng đây cũng là mối quan tâm của mọi công dân Việt Nam, trong số đó có những người, dù nguy hiểm cho bản thân, nhưng vẫn tố cáo và phản đối lại chính sách tôn giáo của nhà nước Việt Nam.

 Gần đây nhất, trong một bản tuyên bố chung ngày 27 tháng 12 năm 2000, bốn vị lãnh đạo tinh thần -- Ông Lê Quang Liêm của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Chân Tín của Công giáo -- đã nêu rõ những vi phạm trắng trợn như: tịch thu tài sản của các giáo hội, câu lưu hay cầm tù các vị lãnh đạo tôn giáo, dùng mọi biện pháo để lũng đoạn và chia rẽ tôn giáo bằng cách dành độc quyền thờ phụng cho các giáo hội do nhà nước dựng lên và kiểm soát.

 Quyền tự do tín ngưỡng là một quyền căn bản của con người được công nhận bởi các hiệp ước quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã ký kết. Chúng tôi kêu gọi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hãy thi hành những điều đã ký kết theo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và bản Hiệp Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị.

 Khi tôn trọng các nguyên tắc quốc tế về nhân quyền, nhà cầm quyền Việt Nam mới chứng tỏ được sự đáng tin cậy trong việc ký kết các hiệp ước quốc tế. Quan trọng không kém, khi tôn trọng nhân quyền đặc biệt là quyền tự do tín ngưỡng, nhà cầm quyền Việt Nam mới có thể để cho tiềm năng của dân tộc Việt được nẩy nở và phát triển. Hãy thử nghĩ các tổ chức tôn giáo sẽ đóng góp đến như thế nào nếu được tự do hoạt động. Hậu quả tai hại của trận lụt tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ được giảm thiểu nếu Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được phép tổ chức cứu trợ mà không bị ngăn cản như họ đã phải chịu.

 Trước khi chấm dứt, chúng tôi xin nhấn mạnh lần nữa mối quan tâm thường xuyên của chúng tôi về quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bắt đầu ngay bằng việc tôn trọng quyền đào tạo và bổ nhiệm tu sĩ của các giáo hội, và quyền được tự do tham gia vào các tổ chức tôn giáo của người dân. Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi quý vị hãy tôn trọng quyền tự do ngôn luận mà không bị đe dọa hay bắt bớ của người dân Việt Nam, trong đó có những người như ông Lê Quang Liêm, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Linh mục Nguyễn Văn Lý và Linh mục Chân Tín.

 Trân trọng,
(Ðồng ký tên)

 Dân biểu Quốc Hội liên bang Hoa Kỳ:
1. Loretta Sanchez
2. Zoe Lofgren
3. Thomas M. Davis
4. Phil English
5. Gene Green
6. Dana Rohrabacher
7. Michael R. McNulty
8. Patsy T. Mink
9. Marcy Kaptur
10. Rod Blagojevich
11. Robert Menendez
12. James P. Moran
13. Donald A. Manzullo
14. Adam Smith
15. Bart Gordon
16. Michael E. Capuano
17. Edolphus Towns
18. Tom Lantos
19. William D. Delahunt
20. Jerrold Nadler
21. Nancy Pelosi
22. Lee Terry
23. Melissa A. Hart
24. David Wu
25. Christopher H. Smith
26. Bill Pascrell
27. Constance Morella
28. Peter T. King
29. Ellen O. Tauscher
30. James P. McGovern
31. John B. Larsen
32. Lynn C. Woolsey
33. Roscoe G. Bartlett
34. Corrine Brown
35. Vic Snyder
36. Roy Blunt
37. Lloyd Doggett
38. Joseph Moakley
39. Frank R. Wolf
40. Joe Barton
41. Sherrod Brown
42. Sheila Jackson-Lee
43. Joe Pitts
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page