Linh mục Phan văn Lợi
bị thẩm vấn trước nhân viên công an
thành phố Huế

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Linh mục Phan văn Lợi bị thẩm vấn trước nhân viên công an thành phố Huế.

 HUẾ - 9/3/2001 - Chúng tôi vừa nhận được bản tin từ Huế cho biết linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, một linh mục mà cho đến nay vẫn bị Cọng Sản Việt Nam cấm không cho thi hành chức vụ linh mục của mình. Ngài sống tại gia đình và vì những liên hệ đòi hỏi tự do tôn giáo, nên hai ngày qua đã bị công an Huế mời lên làm việc. Chúng ta hãy nghe những lời đối đáp can trường của một linh mục Phan Văn Lợi trước tòa án công an hạch tội như sau:

 1- Tường trình vắn gọn các buổi "làm việc" của linh mục Phan Văn Lợi với Công An thành phố Huế.

 Chiều ngày 7-3-2001, linh mục Phêrô Phan Văn Lợi nhận được "giấy mời" của Công an mời đến đồn Công an phường Phước Vĩnh (64 - Trần Phú, Huế) lúc 7g30 sáng hôm sau (8-3) để làm việc về một vài vấn đề liên quan đến linh mục.

 Sáng 8-3-2001, ung dung trong chiếc áo dòng đen, tay cầm tràng chuỗi, linh mục Lợi túc tắc đi bộ từ nhà đến đồn (cách nhau khoảng 200m), ngang qua một khu chợ nhỏ. Nhiều giáo dân (giáo xứ Phủ Cam, nơi có đồn công an) thắc mắc chào hỏi, linh mục Phan Văn Lợi cho biết đi "làm việc" với Công an (nghĩa là bị thẩm vấn).

 Trước hết, trưởng đồn công an là ông Trần Xuân cùng một viên công an thành phố là Nguyễn Trân cảnh cáo linh mục Phan Văn Lợi là trong thời gian vừa qua, linh mục có vắng nhà qua đêm vài lần mà không thông báo trước cho công an nơi linh mục thường trú, nhất là có một chuyến ra Bắc trong năm ngày. Việc đó, theo hai viên công an, là vi phạm Chỉ thị 51/CP về việc khai báo tạm trú tạm vắng. Linh mục Phan Văn Lợi cho biết là quả thật mình có đi ra Bắc, nhưng đã có khai báo tại nơi đến tạm trú qua đêm.

 Hai viên công an bèn lập biên bản, gán cho linh mục Lợi cái tội "vi phạm pháp luật".

 Linh mục Lợi trả lời (trong biên bản): "Nếu cho đến hôm nay, 8-3-2001 (25 năm sau ngày chiến tranh và đất nước bước vào thiên niên kỷ mới), mọi công dân trên đất nước Việt Nam này, dù chỉ vắng nhà một đêm, cũng phải đến đồn công an để xin phép trước; nếu việc bó buộc xin phép này là cách thức thể hiện quyền "tự do đi lại" mà pháp luật có công bố; nếu ai nấy đều chẳng khó chịu trước việc phải khai báo (sẽ vắng nhà một hai đêm này) mà trái lại đều cho đó là một hạnh phúc... thì tôi sẽ khai báo cùng với mọi người dân Việt Nam".

 Ban chiều ngày 8-3-2001, linh mục Phan Văn Lợi "làm việc" với một viên công an mới là Phạm Văn Trạch (cùng với Nguyễn Trân).

 Anh Trạch hỏi linh mục Phan Văn Lợi: »Anh có cảm tưởng thế nào về buổi làm việc ban sáng?»

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Ðó là đòn phủ đầu của các anh. Các anh muốn buộc tôi vào một vi phạm pháp luật để tôi nao núng mà run sợ. Xin nói ngay: lời dọa dẫm xử lý của ban sáng càng cho thấy tính áp bức của chế độ này. Quản lý người dân kiểu như thế quả là man rợ!"

 Anh Trạch hỏi: "Anh thấy đất nước chúng ta kể từ 1975 đến nay tiến hay lùi?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Muốn biết đất nước Việt Nam ta tiến bộ hay không, xin anh vui lòng xem bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc về mức độ giàu nghèo của các nước trên thế giới, về thu nhập bình quân hàng năm trên đầu người của từng nước"

 Anh Trạch hỏi: "Nhưng anh cũng thấy ta có xây dựng thêm nhiều công trình nhà cửa chứ?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Ðồng ý là có! Nhưng những ngôi nhà to lớn mới xây, theo tôi được biết, đều là của cán bộ và đảng viên. Những công trình kinh tế to lớn đều thuộc các công ty quốc doanh. Ðại đa số nhân dân vẫn sống trong nghèo đói. Còn đi xuống thì nhiều vô kể: băng hoại tinh thần, sa đọa luân lý, nạn tham ô, đĩ điếm, xì ke ma túy tràn lan... ngay cả trong học đường. Dân nghèo mà đi bệnh viện thì chỉ có nước chết hoặc bệnh thêm nặng, vì các thứ bệnh viện phí và hối lộ quá cao!".

 Anh Trạch hỏi: "Anh nghĩ thế nào về chính sách tôn giáo của nhà nước?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Chính sách tôn giáo của nhà nước là trước sau như một, nghĩa là làm cho tôn giáo ngắc ngoải, chết dần chết mòn, nhất là biến các tôn giáo thành một công cụ trong tay nhà nước!"

 Anh Trạch hỏi: "Nhà nước có những văn bản pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo mà!"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Những văn bản pháp lý đó, đặc biệt Nghị định 26/CP, là một sợi dây thòng lọng tròng vào cổ các tôn giáo. Anh không nhớ Dự thảo Pháp lệnh Tôn giáo đưa ra ngày 25/12/2000 đã bị các linh mục ở Huế cũng như nhiều nơi đồng loạt tẩy chay sao? Không một nước văn minh dân chủ nào có pháp lệnh về tôn giáo cả!"

 Anh Trạch hỏi: "Anh nhận định thế nào về tình hình Công giáo tại Huế? Chắc anh cũng thấy có nhiều nhà thờ mới được xây, trung tâm La vang được mở mang và có tổ chức nhiều lễ nghi chứ?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Ðúng là nhà thờ chánh tòa Phủ cam đã hoàn thành, một số nhà thờ mới được xây. Giáo dân cũng đi La vang thoải mái. Nhưng xin nói thẳng với anh: điều chính yếu trong tự do tôn giáo chính là vấn đề nhân sự. Các anh khống chế và xét duyệt lý lịch các tân chủng sinh, xét duyệt ban giảng huấn chủng viện, xét duyệt các ứng viên linh mục, can thiệp vào việc thuyên chuyển bổ nhiệm các quản xứ cũng như các giám mục. Các anh không để cho chúng tôi có nhà xuất bản riêng, tạp chí riêng để truyền bá giáo lý. Hai tờ Công giáo Dân tộc và Người Công giáo Việt Nam đều do Ðảng Cọng Sản chủ trương. Nhà nước không để cho chúng tôi góp phần giáo dục ở các cấp, mà chỉ cho mở một số trường mẫu giáo. Làm sao mà giáo dục và giới trẻ không sa sút được!"

 Anh Trạch hỏi: "Nhà nước ta có nhiệm vụ phải quản lý tất cả!"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Nhà nước này là thế tục và vô thần, làm sao hiểu được đời sống tôn giáo và ý nghĩa tu trì? Tại sao các anh không xét duyệt lý lịch những kẻ muốn sống bậc hôn nhân mà bắt những ai muốn sống bậc tu trì phải được sự đồng ý của công an và tỉnh ủy? Ðó là một sự can thiệp thô bạo và trắng trợn! Chính vì phản đối sự can thiệp đó của nhà nước mà bản thân tôi đã chịu chức linh mục không xin phép các anh, dầu phải trả giá!".

 Anh Trạch hỏi: "Anh nghĩ sao về những gì linh mục Lý đã làm?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Tôi nhận thấy những gì Linh mục Lý đã nói, đã viết và đã làm để tranh đấu cho tự do tôn giáo đều hoàn toàn đúng. Tôi nhất trí trăm phần trăm với cha Lý!"

 Anh Trạch hỏi: "Ông Lý đã làm một mình, chẳng có ai ủng hộ!"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Anh là công an, có biết bao nguồn thông tin trong và ngoài nước mà không thấy sự ủng hộ đối với cha Lý sao? Anh đừng tự dối lòng! Hãy nói với tất cả lương tri của anh. Anh không biết chính các tôn giáo khác cũng đang lên tiếng sao? Không những lên tiếng riêng lẻ mà còn liên kết với nhau. Tuyên bố chung giữa Thượng tọa Thiện Hạnh, cụ Lê Quang Liêm, cha Chân Tín, cha Lý về chính sách tôn giáo của Cọng Sản Việt Nam là một bằng chứng! Chắc anh biết lời tuyên bố này! Cả thế giơí cũng đang lên tiếng ủng hộ cha Lý và đồng loạt tố cáo các biện pháp đàn áp dã man của nhà nước Việt Nam đối với mọi tôn giáo. Anh nên nhận sự thật để tôi còn có thể tôn trọng anh"

 Anh Trạch hỏi: "Mấy ông đó làm chuyện chính trị bậy bạ là đòi hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp, anh có biết không?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Tôi biết. Ðòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp là chuyện vô cùng chính đáng, tôi cũng nhất trí với các vị. Ðảng Cộng sản không được độc quyền trong việc cai trị đất nước, cũng như chủ nghĩa Mác-Lênin không được quyền thống soái về mặt tư tưởng. Chủ nghĩa này đã bị khai trừ ngay tại quê hương của nó là Nga và Ðức rồi!"

 Anh Trạch hỏi: "Anh có biết khi ra Lời Kêu Gọi số 8, là linh mục Lý nhảy vào chính trị không?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Theo tôi, đó vẫn là đòi tự do tôn giáo, vì chính đảng Cộng sản đang tìm cách tiêu diệt hay khống chế tôn giáo. Cha Lý và chúng tôi không làm chính trị theo nghĩa các anh hiểu, vì chúng tôi không tổ chức đảng phái, quân đội, hô hào bạo loạn để tiêu diệt chế độ Cộng sản. Chúng tôi không hất các anh khỏi ghế quyền lực để ngồi thế vào. Chúng tôi chỉ làm chứng nhân và ngôn sứ, nghĩa là nói lên sự thật, đòi hỏi công bằng, tố cáo và lên án những bất công, bạo hành, gian trá. Chúng tôi đòi các anh phải thực hiện những gì các anh đã nói trong hiến pháp quốc gia và đã ký trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền về tự do tôn giáo. Hành động chính trị sẽ có những người ở đời làm. Qua Lời kêu gọi số 8, cha Lý muốn nói với các anh: nếu các anh không cứu nguy nổi đất nước, không phục hồi tự do tôn giáo và tự do đích thật cho mọi con dân Việt Nam thì nên rút lui, nhường chỗ cho người khác".

 Sáng ngày 9-3-2001, linh mục Phan Văn Lợi lại tiếp tục bị triệu tập tới đồn công an trình diện. Vẫn ung dung trong chiếc áo chùng đen, tay cầm tràng chuỗi, linh mục Phan Văn Lợi hiên ngang đi tới đồn Công an. Ðón và làm việc với linh mục Phan Văn Lợi lần này là anh Nguyễn Lam (cùng với anh Nguyễn Trân đóng vai thư ký). Vẫn nhắc lại chuyện hôm 8-3-2001: nhận định về cha Nguyễn Văn Lý. Linh mục Lợi khẳng khái xác nhận sự ủng hộ của mình đối với cha Nguyễn Văn Lý về mọi mặt, nghĩa là trên quan điểm tư tưởng cũng như trên hành động.

 Anh Lam cho biết ba bảng đòi tự do tôn giáo ở Nguyệt Biều đã bị giáo dân hạ xuống và đã có nhiều linh mục trong giáo phận Huế không đồng tình với việc làm của cha Lý.

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Anh tưởng tôi mù tịt về chuyện hạ ba bảng ở nhà thờ Nguyệt Biều ư? Vài giáo dân "giác ngộ" hay là 200 nhân viên công an phối hợp với gần 400 người thuộc nhiều đoàn thể đã dùng bạo lực để tháo xuống? Anh nói thế mà không biết thẹn! Còn chuyện một số linh mục bày tỏ ý kiến phản đối việc làm của cha Nguyễn Văn Lý mà báo chí và đài phát thanh truyền hình nhà nước tại Huế vừa mới đăng, đó là một sự xuyên tạc trắng trợn. Chính một trong những vị linh mục đó đã cho người đến tòa báo, đài truyền hình để phản kháng về sự tráo trở ý kiến này và ngài đã ngỏ lời xin lỗi cha Nguyễn Văn Lý. Gian trá như thế mà thành công, mà lừa được dư luận lâu dài và thắng được sự thật mãi mãi sao?".

 Sau một hồi "thuyết giảng" lung tung cho chaPhan Văn Lợi,
Anh Lam hỏi lại lần chót: "Vậy là anh ủng hộ ông Lý hoàn toàn!"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Ðúng thế! Tôi hoàn toàn đồng ý và còn hỗ trợ cho cha Lý nữa"

 Anh Lam hỏi: "Hỗ trợ cách nào?"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Hỗ trợ cách nào ư? Tôi không có bổn phận khai báo cho các anh điều này!"

 Anh Lam hỏi: "Chúng tôi làm việc với anh trong tư cách đại diện pháp luật. Anh phải nói rõ hết tất cả sự thật!"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Tôi sẽ nói sự thật cho những ai có quyền nghe sự thật, nghĩa là cho những ai nghe sự thật để bảo vệ công lý, thực thi lẽ phải"

 Anh Lam hỏi: "Anh phải nói hết những gì anh và người khác đã giúp cho ông Lý trong việc bậy bạ ông ta làm"

 Linh mục Phan Văn Lợi trả lời: "Thưa quý anh, tôi không bao giờ có thói quen khai bạn bè cả. Các chiến hữu của anh, đứng trước kẻ thù, có khai về các đồng chí của mình không? Tôi cũng vậy, tôi yêu cầu các anh lần chót là đừng bao giờ hỏi tôi về đệ tam nhân, cũng như đừng hỏi là tôi đã giúp cho cha Lý như thế nào. Các anh không có quyền được biết điều này. Các anh muốn xử lý: quản chế, cầm tù, xử bắn tôi thì tùy các anh. Tôi chẳng có gì để mất cả. Là người tu hành, đối với tôi sống chết đều như nhau, ngồi tù hay ở ngoài đời, tôi đều có thể làm chứng nhân và ngôn sứ cả".

 Gần cuối buổi làm việc, lúc khoảng 10g45, một nhân vật mới xuất hiện. Người này trông già hơn các anh kia và có vẻ là thủ trưởng của họ, ông ta tự xưng là Quảng. Vào đề, ông ta bỗng nhiên nói với cha Phan Văn Lợi một chuyện cũ: "Ông Lý và một số giáo dân Nguyệt Biều, khi dành lấy mảnh ruộng bên cạnh nhà thờ, đã cướp đất của ba hộ nông dân đã được cấp thẻ đỏ. Nhà nước này là nhà nước do dân, cho dân và vì dân. Chúng tôi phải bảo vệ nhân dân, đứng trên lập trường nhân dân, phải đem lại quyền lợi cho hết mọi thành phần nhân dân...." (ông ta nói một thôi rất dài, giọng điệu rất nhuần nhuyễn kiểu cán bộ chính trị).

 Cha Phan Văn Lợi trả lời: "Cha Lý và giáo dân Nguyệt Biều đã bị cướp đất trước, từ năm 1975. Ðó là ruộng của nhà thờ mà ngay trong luật nhà nước cũng công nhận. Luật nhà nước đã định rõ mỗi nhà thờ có được 3 sào để lo việc phụng tự. Mảnh ruộng bên cạnh nhà thờ Nguyệt Biều chưa tới 3 sào. Các ông đã làm sai, cha Trần Văn Quý (quản xứ), cha Lý (quản thúc) và giáo dân chỉ đòi lại quyền của họ và đã có văn bản khiếu nại về vấn đề này rồi. Chính Ðức Tổng Giám Mục chúng tôi cũng đã nhắn nhủ hai vị phải bảo vệ mảnh ruộng đó".

 Kết thúc, công an hứa hẹn sẽ còn làm việc với cha Phan Văn Lợi về nhiều điều nữa. Cha Nguyễn Hữu Giải đã cố vấn cha Phan Văn Lợi như sau: "Chịu khó đôi ba bữa nữa. Ðể xem nhà nước có ý đồ gì!"

 2- Vấn đề các biểu ngữ đấu tranh cho tự do tôn giáo

 Như chúng tôi đã loan tin, ba biểu ngữ đòi tự do tôn giáo tại nhà thờ Nguyệt Biều đã bị Nhà nước dùng bạo lực hạ xuống. Việc tháo dỡ này đã được đưa lên Tivi. Một điều thú vị là khán giả truyền hình toàn quốc đã được thấy những dòng chữ trên ba bảng đó và tất cả đã hiểu là cha Nguyễn Văn Lý cùng bạn bè và giáo dân Nguyệt Biều, An Truyền đang tranh đấu cho chuyện gì. Anh em trong giới công giáo nói với nhau: "Cám ơn đài truyền hình nhà nước, đặc biệt VTV3, đã quảng bá cho việc làm của cha Nguyễn Văn Lý. Dù nghe những thông tin đã bị bóp méo xuyên tạc, các khán giả mới cũng hiểu rằng đàng sau đó vẫn có một cái gì đó đang khiến nhà nước lo sợ. Sau bao nhiêu năm nghe thông tin của nhà nước Cọng Sản, nhân dân đã đủ khôn ngoan và thông minh để hiểu bản chất các sự việc được nhà nước trình bày, nhất là trình bày theo kiểu tiêu cực".

 Trong kế hoạch đã bàn, ba bảng mới sẽ được treo lên tại An Truyền. Và nếu cha Nguyễn Văn Lý bị một biện pháp xử lý mới, nặng hơn, ví dụ bị đem đày ra Bắc, thì nhiều bảng khác sẽ được treo lên tại hạt Hương Phú (xin phép được nhắc lại: cha Nguyễn Hữu Giải, bạn tranh đấu với cha Nguyễn Văn Lý, ủy viên Ủy ban Liên tôn tranh đấu cho Tự do tôn giáo, chính là hạt trưởng hạt này).

 Riêng phần cha Nguyễn Văn Lý thì vẫn vui vẻ, bình thản, bình chân như vại trước chiến dịch tấn công thô bỉ của truyền thông Cọng Sản Việt Nam. Ngài cũng không quên phận sự của một mục tử là lo lắng phần hồn lẫn phần xác cho các giáo dân nghèo khổ và cũng đang bị hăm dọa như chủ chăn kính yêu của họ. Cha Nguyễn Văn Lý, cha Nguyễn Hữu Giải và nhiều linh mục trong giáo phận Huế cũng đã thông báo cho giáo dân việc cha Phan Văn Lợi bị gọi đi làm việc, các ngài đã dâng lễ cầu nguyện cho cha Phan Văn Lợi cũng như cho công cuộc tranh đấu nói chung.

 Riêng giáo dân giáo xứ chính tòa Phủ Cam, nơi cha Phan Văn Lợi ở, thì đã loan báo chuyện cha Phan Văn Lợi cho nhau cũng như chuyện nhà nước đã trắng trợn xuyên tạc ý kiến cha sở của họ (tức cha Phaolô Nguyễn Trọng) về cuộc đấu tranh của cha Lý.

 Phóng viên tường trình từ Huế
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page