Thư Mục Vụ
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam
gửi toàn thể dân Chúa
Khoá họp Thường niên từ 02-07/10/2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THƯ MỤC VỤ
CỦA HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
GỬI TOÀN THỂ DÂN CHÚA
Khoá họp Thường niên từ 02-07/10/2000
1. Một lần nữa các Giám Mục chúng tôi họp nhau tại Hà Nội, để cùng nhìn lại đời sống của Hội Thánh tại Việt Nam trong năm qua, và suy nghĩ về những triển vọng đang mở ra trước mắt khi bước vào thiên niên kỷ mới.

 Trước hết, chúng tôi xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái: "Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em" (Sách Lễ Rôma).

 Cuộc họp lần này diễn ra vào những tháng cuối của Năm Thánh 2000, cũng là dịp kỷ niệm 40 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam (24-11-1960), và kỷ niệm 20 năm Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam họp toàn thể lần đầu tiên (24-4 - 1-5-1980), còn là dịp kỷ niệm Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu" của Ðức Gioan Phaolô II công bố được một năm (6-11-1999).

 Việc thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam là bằng chứng Giáo Hội Việt Nam đã trưởng thành, đã sống và đang sống đức tin với lòng xác tín và lãnh trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho đồng bào của mình.

 Việc mừng hai mươi năm Hội đồng Giám mục toàn quốc ra thư chung năm 1980 với đường hướng mục vụ "sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc" thúc đẩy chúng ta sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng theo cung cáchViệt Nam.

 2. Lại nữa, để hoà nhịp với các cộng đoàn Giáo Hội tại Á Châu đang phấn khởi vui mừng trước đà tiến mới, chúng tôi mời gọi toàn thể Dân Chúa ở Việt Nam cùng với chúng tôi học tập sâu rộng Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu", để nhờ đó thêm nghị lực và phấn khởi mà sống làm chứng và loan báo Tin Mừng cho mọi giới đồng bào thân yêu của chúng ta.

 Thật là phấn khởi vô cùng khi nghe lời của Ðức Gioan Phaolô II mở đầu Tông Huấn: "Giáo Hội tại Á Châu ca lên những lời ngợi khen Thiên Chúa cứu độ" (Tv 68, 20), vì Người đã chọn ?đất Á Châu? để khởi đầu kế hoạch cứu độ loài người" (Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu {GA} số 1). Chính tại Á Châu, Thiên Chúa đã mạc khải và hoàn thành ý muốn cứu độ của Người.

 Ðến thời viên mãn (x. Gl 4,4), Thiên Chúa đã sai Con Một của Người là Ðức Giêsu Kitô Ðấng Cứu Thế đến trần gian làm một người Á Châu. Người đã sinh ra, đã sống, đã chết và sống lại tại Thánh Ðịa, một miền đất nhỏ bé của miền Tây Á Châu. Thánh địa đã trởû thành mảnh đất của Lời Hứa và Niềm Hy Vọng cho toàn thể nhân loại (x. GA, số 1). Thế nhưng cho tới nay nhiều người Á Châu vẫn chưa nhận biết Tin Mừng để trở thành Kitô hữu.
 
 

SỐNG, LÀM CHỨNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG CUỘC SỐNG KITÔ HỮU.

3. Kitô hữu là người đã đón nhận Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, đã nghe những lời Chúa dạy và đem ra thực hành (x. Lc 6,47), lãnh sứ mạng làm chứng về Người cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng là ba khía cạnh không thể tách rời : Quả thật, làm chứng và loan báo Tin Mừng sao được nếu chính chúng ta đã không sống và không có kinh nghiệm về cuộc sống đó.
 
 

I. Sống Tin Mừng:

Tin Mừng có khả năng đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách sống của chúng ta. Tin Mừng làm cho chúng ta nên con cái thật của Chúa, nên anh em với tha nhân, và nên đồng bạn với thế giới thụ tạo. Ðón nhận Tin Mừng chính là đón nhận Chúa Kitô và Thánh Thần của Người, Ðấng dẫn dắt chúng ta sống tốt địa vị làm con Thiên Chúa theo gương Chúa Kitô (x. Rm 8,9-10). Thánh Phaolô đã diễn giải cuộc đổi mới đó như sau: "Anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người của anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu xa", đồng thời "hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô" (Pl 2,5), đó là "lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại. Hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau" (Cl 3,13). Và trên hết mọi sự "anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo" (c.14). Tất cả những điều đó là "hoa trái của Chúa Thánh Thần" (Gl 5,22).
 
 

II. Làm chứng và loan báo Tin Mừng:

4. Tin Mừng là quà Thiên Chúa tặng cho mọi người (x. Lc 2,10), nên ai nhận được Tin Mừng cũng có nghĩa vụ loan truyền cho người khác. Công Ðồng Vaticanô II khẳng định: "Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành phải loan báo Tin Mừng, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha" (TG 2). Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu cũng quả quyết: "Không thể nào có công bố Tin Mừng thực sự, nếu các Kitô hữu không đồng thời lấy đời sống mình làm chứng, đi đôi với sứ điệp mà mình rao giảng ?" (số 3).

 Làm chứng là cách thế đầu tiên, cũng có thể là cách duy nhất để loan báo Tin Mừng (x. Sứ Vụ Ðấng Cứu Ðộ, số 31), song việc trực tiếp loan báo Tin Mừng bằng lời nói vẫn là đòi hỏi của bản chất Tin Mừng, như các Tông Ðồ đã tuyên bố: "Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể nào không nói ra" (Cv 4,20). Thế nhưng thường khi nhiều người trong chúng ta không còn cảm thấy nỗi thúc bách này nữa. Tại sao?

 5. Thứ nhất: có khi chúng ta chưa thật sự cảm nghiệm Chúa Kitô là lẽ sống của chúng ta, nên chúng ta thờ ơ. Vậy chúng ta phải cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa để cảm nghiệm được Chúa Kitô "là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6).

 Thứ hai: có khi chúng ta nhát đảm không dám nói với người khác về Chúa Kitô. Hãy nhớ Lời Chúa căn dặn: "phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời" (Mt 10,32-33).

 Thứ ba: có khi chúng ta không thấy nghĩa vụ phải loan báo Tin Mừng, vì chưa có được tinh thần của thánh Phaolô: "Ðối với tôi, rao giảng Tin Mừng là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm" (1 Cr 9,16), hơn nữa vì lãng quên lệnh Chúa truyền: "Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16, 15).

 Thứ bốn: có khi chúng ta không biết phải nói như thế nào. Ðó là vì chúng ta chưa dám trả lời câu Chúa Giêsu hỏi: "còn anh em, anh em nói Thầy là ai?" (Lc 9,20). Vậy hãy để cho Chúa Giêsu thật sự sống trong cuộc đời chúng ta.
 
 

III. Làm thế nào để sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng:

Dựa theo những đề nghị của Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu" (s.22, 45-46), chúng tôi đề ra 6 điểm sau đây:

 6. Phổ biến Thánh Kinh và huấn luyện các tín hữu biết đọc, suy niệm và cầu nguyện theo Lời Chúa.

 Thời gian qua, các tín hữu đã tỏ ra lòng khao khát được học hỏi Thánh Kinh để biết cách đọc, suy niệm và cầu nguyện theo Lời Chúa. Tông Huấn nhận định: "việc đào taọ về Thánh Kinh phải được coi là một phương thế quan trọng trong nỗ lực giáo dục dân chúng trong đức tin và trang bị cho họ thi hành công tác loan báo Tin Mừng" (GA, số 21).
 
 

7. Canh tân chương trình đào tạo linh mục và tu sĩ.

Muốn có chuyển biến mạnh mẽ trong Hội Thánh Việt Nam, phải bắt đầu bằng việc canh tân chương trình đào tạo linh mục và tu sĩ. Thượng Hội Ðồng khuyến khích các nhà đào tạo linh mục "tìm cách hiểu biết sâu xa các yếu tố làm nên linh đạo và kinh nguyện thích hợp với tâm hồn người Á Châu, cũng như tham gia sâu xa hơn vào công cuộc tìm kiếm một cuộc sống triển nở hơn của các dân tộc Á Châu" (GA, số 22).

 Ðối với việc đào tạo tu sĩ, Thượng Hội Ðồng cũng tuyên bố: "linh đạo và lối sống của họ phải làm sao tỏ ra nhạy cảm với di sản văn hoá và tôn giáo của những người cùng chung sống với họ và đang được họ phục vụ, luôn giả thiết rằng phải có sự phân định đâu là điều phù hợp với Tin Mừng, đâu là điều không phù hợp" (GA, số 22). Tông Huấn vạch rõ ba đặc điểm giúp đời tu trở nên chứng tá tại Châu Á: Tìm kiếm Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ người khác (GA, số 44).
 
 

8. Ðào tạo giáo dân.

Giáo Hội là Dân Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, giáo dân chiếm tỷ lệ rất lớn. Giám mục, linh mục, tu sĩ là để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa. Thượng Hội Ðồng rất quan tâm "làm sao cho Giáo Hội trở thành một Giáo Hội tham gia, trong đó không ai cảm thấy mình bị loại trừ" (s. 45). Mọi thành phần trong Giáo Hội đều có trách nhiệm xây dựng cộng đoàn.

 Tông Huấn đã nhấn mạnh: "Hơn ai hết, họ chính là những người được mời gọi biến đổi xã hội, cộng tác với các giám mục, linh mục và tu sĩ, bằng cách đưa "tinh thần của Ðức Kitô" vào trong não trạng, tập quán, luật lệ và cơ chế của thế giới mà trong đó họ đang sống" (GA, số 22).
 
 

9. Củng cố gia đình như Hội Thánh tại gia.

Ðối với người Việt Nam, gia đình vẫn là rường cột của xã hội và của Giáo Hội. Gia đình phải là một Giáo Hội thu nhỏ "nghĩa là nơi lấy Sự Thật của Tin Mừng làm qui luật sống và làm quà tặng cho cộng đoàn rộng lớn hơn. Gia đình không phải chỉ là đối tượng cho Giáo Hội chăm sóc về mục vụ, mà còn là một trong những tác nhân đắc dụng nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng" (GA, số 46). Tông Huấn đề ra những phương thế thực hiện: gia đình tham gia tích cực vào các sinh hoạt của giáo xứ, lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Hoà Giải, dấn thân phục vụ các gia đình khác ... Bậc cha mẹ phải cố gắng biến những giây phút cả gia đình quy tụ bên nhau thành cơ hội để cầu nguyện, đọc và suy niệm Sách Thánh.
 
 

10. Xây dựng giáo xứ thành một cộng đồng sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng.

Giáo xứ là đơn vị chủ yếu cho mọi sinh hoạt cộng đoàn. Ðể trở thành một cộng đoàn sống động và làm chứng cho Tin Mừng, mọi sinh hoạt của giáo xứ phải bắt nguồn từ việc cầu nguyện, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa.

 Các đoàn thể phải là nơi học hỏi, chia sẻ và sống Lời Chúa, không nên dừng lại ở các sinh hoạt hình thức bên ngoài.

 Cử hành phụng vụ lấy Lời Chúa làm nền tảng, là dịp để đi sâu vào Giáo huấn của Chúa và dẫn tới hoán cải đời sống.

 Các lễ hội của giáo xứ phải là dịp để sống đạo đức, bác ái, hiệp nhất, vui tươi, chứ đừng trở thành những dịp tranh đua không lành mạnh.

 Việc giảng dạy giáo lý phải chú trọng vào đời sống chứ không chỉ để truyền đạt kiến thức.
 
 

11. Dấn thân phục vụ trong xã hội.

Vì Chúa Giêsu đồng hoá mình với những ai nghèo đói, tật nguyền, bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Mt 25,31-46), chúng ta hãy dấn thân phục vụ cách thiết thực những người khốn khổ bần cùng. Họ là những trẻ em nghèo hiếu học cần trợ giúp để có thể tiếp tục học; những phụ nữ bị ngược đãi trong gia đình hay bị lạm dụng ngoài xã hội cần được tôn trọng nhân phẩm; những người cao tuổi bị bỏ rơi cần được chăm sóc và ủi an; những đồng bào dân tộc thiểu số cần được đối xử công bằng và được giúp đỡ để thăng tiến trong mọi lĩnh vực; những người bỏ nông thôn ra thành thị bị bóc lột sức lao động cần được bênh vực và che chở; các nạn nhân của tệ nạn xã hội cần được thông cảm và được giúp đỡ trở về cuộc sống bình thường; những nạn nhân thiên tai cần có ngay miếng cơm manh áo để vượt qua cơn thử thách, như hiện nay các nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long, phải được chúng ta quảng đại cứu trợ. Phục vụ họ như thế không phải chỉ là đòi hỏi tự nhiên của tình người, mà còn là món nợ của lòng bác ái Kitô giáo (x. Rm13,8) vì mỗi lần làm như thế là chúng ta làm cho chính Chúa Giêsu vậy (x. Mt 25,40).

 Anh chị em thân mến,

 12. Trên đây là những điều thiết thực và cấp bách mà chúng tôi muốn đề nghị với anh chị em để làm cho Hội Thánh Việt Nam có thể bước vào thiên niên kỷ thứ ba với một bộ mặt mới và một khí thế mới. Ước mong sao từ năm 2000 này, tất cả chúng ta và mỗi cộng đoàn giáo xứ đã có những chương trình hành động cụ thể nhằm canh tân và thực hiện những điều chúng tôi đề ra cho anh chị em trong dịp này.

 Nguyện xin Thiên Chúa làm cho anh chị em trở nên những người và những cộng đoàn sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng. Xin Ðức Mẹ Maria, Thánh cả Giuse và các Thánh Tử Ðạo Việt Nam cầu bầu cho tất cả chúng ta.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page