Linh mục Nguyễn Hữu Giải
bị thẩm vấn tại đồn Công an
huyện Hương Thủy

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Giáo dân Nguyệt Biều treo ba bảng để khai mào cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo.

 I- Linh mục Nguyễn Hữu Giải bị mời "làm việc" tại đồn Công an huyện Hương Thủy.

 Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, quản xứ Lương Văn, hạt trưởng hạt Hương Phú thuộc Giáo phận Huế, đã bị mời đi "làm việc" tại đồn Công an huyện Hương Thủy từ 14 đến 16g30 ngày thứ hai 05/3/2001. Ðại úy Lê Me, phó trưởng Công an huyện đã hỏi cung linh mục và một cán bộ ghi chép biên bản. Nội dung buổi "làm việc" có ba điểm:

 1. Về việc nhà nước ra lệnh quản chế linh mục Nguyễn Văn Lý, quản xứ An Truyền.

 Linh mục Giải đã trả lời đại ý như sau: Trong thời gian này, báo chí cũng như các đài truyền thanh truyền hình trong nước loan tải những nhận định, phê phán và góp ý của mọi tầng lớp nhân dân cho dự thảo báo cáo chính trị của đại hội Ðảng Cọng Sản Việt Nam lần thứ 9 theo yêu cầu của nhà nước. Có những bài đòi hỏi rất mạnh mẽ, nêu lên nhu cầu thay đổi rất cấp thiết để cứu nguy dân tộc và đất nước. Thế kỷ mới, thời đại mới, một thời điểm đổi mới đã tới, phải làm cho đất nước ngang tầm tiến bộ văn minh của nhân loại.

 Linh mục Lý, đứng về mặt tôn giáo, cũng đã kêu gọi đảng Cọng sản và nhà nước can đảm suy tư và làm một cuộc cách mạng về mọi mặt, trong đó có chính sách tôn giáo: tôn trọng quyền tự do tôn giáo thật sự. Ðóng góp này rất ích lợi cho đồng bào mọi giới.

 Chúng tôi đã có kinh nghiệm cay đắng về hậu quả tai hại của chính sách tôn giáo đối với công cuộc đào tạo mầm non linh mục, một trong những sinh hoạt cốt yếu của Hội Thánh Công giáo. Chính sách này cũng làm cho tôn giáo không thể đóng vai trò canh tân xã hội, khiến luân lý ngày càng suy đồi, đạo đức băng hoại.

 Chúng tôi mạnh mẽ phản đối Nghị định 26/CP về tôn giáo, văn bản pháp lý đang được áp dụng đối với các tôn giáo.

 2. Về việc linh mục Giải bị cản trở đến thăm linh mục Lý

 Linh mục Giải nói đại ý: linh mục Lý đã vâng lời Ðức TGM cách nhanh chóng trong việc về làm quản xứ An Truyền. Ngài đã dâng lễ mồng một Tết Minh Niên Tân Tỵ cho An Truyền (24/01/2001). Ngày 05/02/2001 ngài nhận xứ An Truyền dưới sự chủ tọa của Ðức TGM. Ngày 07/02/2001 ngài đến chào thăm nhà cầm quyền xã và bị làm việc suốt ngày.

 Từ đó việc vào thăm viếng linh mục Lý bị kiểm soát chặt chẽ. Bầu khí rất căng thẳng.

 Ngày 23.02.2001 tôi đến thăm linh mục Lý nhưng bị ngăn cản. Lý do được nêu là không có an ninh!?

 Ngày 25.02.2001, Chúa nhật, lúc 11g30, sau khi dự lễ tẩm liệm linh mục GB Lê Văn Hiệp, quản xứ Tân Thủy (Cồn Hến) tại Nhà Chung Giáo phận Huế, tôi đến An Truyền báo tin cho linh mục Lý với thư báo tử của Tòa Tổng Giám mục. Công an ngăn chặn. Tôi yêu cầu mời một vị trong Hội đồng Giáo xứ An Truyền đến nhận thư chuyển vào cho linh mục Lý. Công an không chấp thuận.

 Tôi về giáo xứ Nam Phổ, nơi linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Tiếp đang làm quản xứ, nhờ điện thoại gọi tới phòng PA16 của Công an Tỉnh yêu cầu giải quyết. Cũng không được giải quyết.

 Mối dây hiệp thông trong linh mục đoàn là điều rất quan trọng. Nhất là chuyện tang ma, phúng điếu cho một anh em của mình. Nhà nước Cọng Sản quên hẳn giá trị thiêng liêng vqf truyền thống dân tộc này rồi sao? Một linh mục hạt trưởng đến với một linh mục thuộc giáo hạt là một quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà Nước đã không tôn trọng. Linh mục Lý lúc đó chưa bị văn bản pháp lý nào kết án bị quản chế. Cha Giải cũng cực lực phản đối quyết định 401 bất công và vi hiến của nhà nước áp dụng cho cha Lý.

 3. Về việc linh mục Giải lên thăm chùa Từ Hiếu trong tuần lễ cầu nguyện của Chùa.

 Linh mục Giải nói đại ý: lúc 14 giờ ngày 12.02.2001, tôi đến chùa Từ Hiếu để thăm chùa và Thượng tọa Thích Thái Hòa. Chúng tôi gặp nhau trong khoảng một giờ. Chúng tôi là thành viên trong ban Liên tôn Bảo vệ quyền Tự do Tôn giáo. Chúng tôi hiệp thông với nhau để cùng nhau bàn luận việc đem lại tự do tôn giáo đích thực cho đồng bào. Ðó là một điều chính đáng, không thế lực nào có thể ngăn cản chúng tôi được.

 Sau buổi gặp gỡ đó, linh mục Giải bị công an bám sát. Sáng 14.02.2001, công an Tỉnh đến gặp linh mục Giải tại Tòa Tổng Giám Mục Huế. Ðến chiều, lúc 14g, hai công an Tỉnh lại về gặp linh mục Giải tại nhà xứ Lương Văn, làm việc lại về việc linh mục Giải thăm chùa Từ Hiếu. Từ ngày ấy đến giờ, đông đảo công an canh gác nhà xứ Lương Văn. Linh mục Giải đi đâu đều có công an đi kèm.

 II. Sự can trường của cha quản xứ và giáo dân Nguyệt Biều.

 Kể từ ngày cha Nguyễn Văn Lý, vị linh mục can trường bị quản thúc nhiều năm tại Nguyệt Biều, đi nhận nhiệm sở mới là An Truyền với chức vụ quản xứ, ngôi thánh đường Nguyệt Biều, với ba bảng khẩu hiệu can trường, vẫn đứng hiên ngang như một biểu tượng của tinh thần tranh đấu cho tự do tôn giáo nhưng cũng là một cái gai trước mắt cho nhà cầm quyền vô thần độc tài Cọng Sản.

 Kẻ cầm quyền rất muốn tháo ba bảng khẩu hiệu đó xuống, và họ đã tìm cách ép giáo dân Nguyệt Biều làm công việc này. Nhưng nhờ đã được cha Lý huấn luyện, giáo dân đã can trường phản đối. Cọng Sản bèn nghĩ đến một âm mưu thâm độc: dùng chính bàn tay các thẩm quyền trong Giáo Hội Công giáo để buộc giáo dân triệt hạ ba bảng, như thế là vừa đạt được mục tiêu vừa chia rẽ nhân tâm, phân hóa cộng đoàn Công giáo. Nhà nước bắn tiếng xa gần là sẽ áp lực lên Giáo quyền, kể cả cấp cao nhất, để ra lệnh cho giáo dân Nguyệt Biều làm việc đó.

 Thế nhưng, hôm chúa nhật 4.3.2001, một số đại diện giáo dân Nguyệt Biều đã len lỏi về được An Truyền, gặp cha Lý và thưa với Cha như sau:

 - Thưa Cha, lúc Cha treo ba bảng đó lên để khai mào cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo thì đã có sự đồng ý của chúng con. Cha là khách, cộng đoàn chúng con mới là chủ của nhà thờ Nguyệt Biều. Vậy không ai có quyền buộc chúng con phải hạ ba bảng đó xuống, dù đó là cha hay vị nào cao hơn cha nữa. Chúng con không thể vâng lời các vị trong chuyện này vì chẳng có gì sai với tín lý và luân lý. Nhà thờ là nhà của Chúa, chúng con treo và giữ ba bảng này để tôn vinh Chúa và tuyên xưng sự tự do của Giáo Hội cũng như quyền tự do tôn giáo của mọi tín hữu.

 - Ba bảng đó nói lên mục tiêu tranh đấu của chúng ta. Mục tiêu tranh đấu này chưa đạt được thì không có lý do gì để hạ nó xuống cả.

 - Từ ngày cha rời bỏ chúng con, thì ba bảng khẩu hiệu đó niềm tự hào và hiên ngang cuối cùng của chúng con. Nếu chúng con tháo dỡ xuống thì hóa ra chúng ta đã chấp nhận thua cuộc. Mọi giáo dân sẽ xuống tinh thần và nhà nước sẽ mạnh tay đàn áp đồng thời rêu rao là chúng ta đã lầm lỗi.

 Cha Lý nghe lý luận đanh thép và hiên ngang của con cái mình mà rưng rưng nước mắt cảm động. Ngài nói: "Anh chị em hãy kiên trì và làm theo lương tâm của mình".

 Riêng phần nhà nước vẫn tưởng bở, sẽ áp lực lên được giáo quyền để ép buộc giáo dân. Do đó, sáng ngày thứ hai (5.3.2001), ông trưởng công an Tỉnh, ông trưởng phòng Phản gián (thường gọi là PA 16, phụ trách về tôn giáo và gián điệp, điều đó cho thấy CS luôn coi tôn giáo như một kẻ thù) đã đến nhà thờ Trường An (còn gọi là Phường Ðúc) gặp linh mục quản xứ Phêrô Trần Văn Quý và ông Hồ Diệu, chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Nguyệt Biều. Hai đại diện cao cấp của Công an dùng đủ mọi cách để áp lực hai vị đại diện Công giáo chấp nhận tháo dỡ ba bảng khẩu hiệu tại nhà thờ Nguyệt Biều. Nhưng cả cha xứ lẫn ông chủ tịch đều can trường, nhất định không chấp nhận với lời tuyên bố hùng hồn (2 lần): "Chúng tôi sẽ không bao giờ tháo dỡ xuống".

 Thấy thuyết phục vô ích, đến chiều ngày thứ hai, gần 200 nhân viên công an và thêm 400 người thuộc các đoàn thể (phụ nữ, nông dân...) trong xã đã kéo đến nhà thờ Nguyệt Biều. Trước hết họ vây lấy lầu chuông và giá treo trống để giáo dân không thể báo động, tiếp đó họ chặn các ngã đường để ngăn cản giáo dân tiến đến nhà thờ. Chỉ có một số giáo dân gần đó (khoảng mươi người) may mắn đến được để chứng kiến. Vả lại lúc đó phần lớn giáo dân đều đi làm. Trong số người chứng kiến dĩ nhiên có cả cha xứ Trần Văn Quý và ông chủ tich Hồ Diệu (hai vị đã bị áp tải đến). Sau khi đòi lần chót hai vị và giáo dân tự hạ ba bảng xuống nhưng vô ích, công an đã bắc thang trèo lên tháo dỡ cả hai bảng. (Ôi khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra!?). Trong biên bản lập sau đó, cha quản xứ Trần Văn Qúy đã đề một cách hiên ngang: "Chúng tôi không bao giờ chấp nhận tháo ba bảng này".

 Ðến tối, lúc dâng thánh lễ, cha xứ đã loan báo sự việc cho mọi giáo dân. Ai nấy đều buồn bã nhưng vẫn tự hào. Tự hào vì mình đã không tỏ ra khiếp nhược, đã không dùng bạo lực đáp lại bạo lực và nhất là chủ chăn con chiên đã đồng lòng nhất trí với nhau.

 III. Linh mục Lý tiếp tục làm việc mục vụ dù bị quản chế

 Cha Lý đang có một chương trình giúp giáo dân xây dựng nhà cửa. Lúc này ngài cho đúc nhiều trụ bêtông để phát cho mỗi nhà, vì nhà giáo dân phần lớn làm bằng phên nứa. Tiếp đến là cho mỗi nhà một nền ximăng, vì phần lớn là nền đất. Song song đó, ngài giúp học bổng cho các học sinh nghèo trong xã, bất kể lương giaó. Trong giáo xứ ngài chỉ mới có một sinh viên đại học.

 Lúc này các cơ quan truyền thông trong nước thay nhau chửi bới cha Lý cùng các cha bạn. Họ còn hèn hạ moi ra hay bịa chuyện bậy bạ về đời tư các vị (sở trường của truyền thông Cọng Sản. Tuy thế các vị vẫn ung dung thi hành nhiệm vụ ngôn sứ của mình, không chút sợ hãi. Nghe nói nhà nước có thể dùng biện pháp mạnh là đày cha Lý đi thật xa, như họ đã làm với ÐHY Thuận, TT Quảng Ðộ, TT Huyền Quang.

 Phóng viên tuong trình từ Huế
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page