Báo Lao Ðộng của Cọng sản Việt Nam
lên án và mạ lị Linh Mục Nguyễn văn Lý
qua bài báo
"Tự do tôn giáo thực sự hay thực sự là cái gì?"

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Báo Lao Ðộng của Cọng sản Việt Nam lên án và mạ lị Linh Mục Nguyễn văn Lý qua bài báo "Tự do tôn giáo thực sự hay thực sự là cái gì?"

 HÀNỘI - 7/3/2001 - Trong một bài viết của tác giả Thụy Vũ với tựa đề "Tự do tôn giáo thực sự hay thực sự là cái gì?" đăng trên báo Lao Ðộng hôm 7.3.2001, báo này trong lời Tòa Soạn đã kịch liệt lên án Linh Mục Nguyễn Văn Lý Lý là "liên tiếp có các hoạt động kích động giáo dân chống đối nhà cầm quyền?" Báo này và bài viết cũng kêu gọi nhà cầm quyền VN có biện pháp "nhà nước xử lý thật nghiêm trường hợp này". Sau đây là bài viết trên báo Lao Ðộng và LTS như sau:

 LTS: Từ đầu năm 2001 tới nay liên tục xuất hiện trên mạng Internet những "Lời kêu gọi" của một người ghi danh là Tađêô Nguyễn Văn Lý (linh mục Quản xứ An Truyền, Huế) và bản "Lời chứng" đề ngày 13.2.2001 gửi Quốc hội Mỹ nhân cuộc điều trần về tôn giáo ở Việt Nam.

 Ở Việt Nam, không ai lạ gì ông Nguyễn Văn Lý. Suốt hơn hai chục năm qua, ông Lý liên tiếp có các hoạt động kích động giáo dân chống nhà cầm quyền, gây phương hại an ninh trật tự, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, làm xáo trộn cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân, cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước và địa phương. Những hoạt động chống đối của Nguyễn Văn Lý đã vi phạm pháp luật một cách có hệ thống và rất nghiêm trọng, trái với đạo lý và nghĩa vụ của công dân một quốc gia.

 Nhà nước và nhà cầm quyền địa phương đã có nhiều biện pháp giáo dục nhằm giúp Nguyễn Văn Lý tu tỉnh. Nhưng "chứng nào tật ấy", với "Lời chứng" gửi Quốc hội Mỹ, Nguyễn Văn Lý lại một lần nữa tiếp tay cho một hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình.

 Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ vấn đề mà Nguyễn Văn Lý đang rêu rao, Lao Ðộng trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Thuỵ Vũ, vạch rõ những quan điểm sai trái của Nguyễn Văn Lý về tự do tôn giáo; đồng thời Lao Ðộng cũng phản ánh ý kiến của các giới chức, giáo dân trước việc làm phi đạo, phi pháp của Nguyễn Văn Lý.

 Tự do tôn giáo thực sự hay thực sự là cái gì?
Thuỵ Vũ

 Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, hơn 10 năm qua, đời sống tôn giáo tín ngưỡng ngày càng có nhiều biến chuyển tích cực.

 Các tôn giáo ngày càng có điều kiện toả hương trong đời sống trần gian, trong công cuộc xây dựng đất nước. Ðặc biệt, xu hướng hội nhập của dân tộc với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc được sự ủng hộ của quần chúng tín đồ, giáo hội các tôn giáo và của toàn dân.

 Những đường hướng "Ðẹp đời, tốt đạo", "Sống Phúc âm trong lòng dân tộc", "Phật pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội", "Ân Tổ quốc, ân Ðồng bào, ân Tổ tiên", "ân Pháp bảo"... của các tôn giáo chủ yếu ở nước ta đã và đang được khẳng định rõ rệt. Xu hướng lợi dụng tôn giáo, kích động tín đồ, chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc ngày càng bị lên án và hạn chế dần.

 Có lẽ, chưa bao giờ, tâm thức tôn giáo cởi mở, khoan dung, hoà nhi bất đồng của người Việt Nam được dịp bộc lộ thực trong lành trong một không gian xã hội-văn hoá như hiện nay. Ở đó, tiếng trống sân đình quyện chặt với tiếng mõ chùa, hoà cùng tiếng chuông nhà thờ...

 Phía Nhà nước, người có đạo phần lớn đều ghi nhận những bước tiến dài trên lộ trình quản lý các tôn giáo, ngày càng có nhiều văn bản phù hợp hơn với đời sống tôn giáo, phù hợp với Công Ước Quốc tế về tôn giáo và nhân quyền...

 Ngay văn bản mới đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng thừa nhận ở Việt Nam "Nhà cầm quyền cho phép cá nhân thực hành thờ cúng theo lựa chọn tôn giáo của mình và việc tham gia các hoạt động tôn giáo trên toàn quốc gia tăng đáng kể" (Báo cáo về nhân quyền năm 2000). Bản thân ông Phái viên của Liên Hợp Quốc về Tự do tôn giáo là Amor, đến Việt Nam đầu năm 2000, cũng phải thừa nhận điều này. Aáy. Vậy mà những ngày gần đây, những người quan tâm đến đời sống tôn giáo ở Việt Nam lại thực sự bất ngờ bởi "hiện tượng" linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý (linh mục Quản xứ An Truyền, Huế) với bản Lời chứng, trình bày một cách phi pháp trước Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 13.2.2001. Xem ra, vấn đề tự do tôn giáo (ở Việt Nam) được tác giả Lời chứng quan tâm bậc nhất. Ðiều này cũng phù hợp với nguồn tin gần đây, về những gì đã xảy ra trong khuôn viên nhà thờ Nguyệt Biều, nơi chăn dắt của vị cha xứ này, khi ông ta bức giáo dân trưng lên khẩu hiệu "Tự do tôn giáo hay là chết", "Chúng tôi đòi tự do tôn giáo"...

 Khoan hãy nói đến hành vi lợi dụng tôn giáo vào các mục tiêu chính trị xấu độc và lộ liễu của ông Lý cũng như hàng loạt ý kiến đi ngược lại suy nghĩ, tình cảm của người dân Việt Nam, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Trước hết, cái logic về Tự do tôn giáo của ông Lý là gì? Khi đề cập đến Thực trạng các tôn giáo tại Việt Nam vào đầu ngàn năm thứ ba, với "tư cách là một chứng nhân", ông Lý cho rằng: Các văn bản pháp quy (về vấn đề tôn giáo) của Nhà Nước Việt Nam đều "trói buộc, hạn chế, tước bỏ mọi sinh hoạt tôn giáo một cách nghiệt ngã chưa từng thấy trong lịch sử tôn giáo"; Nhà nước "can thiệp thô bạo vào quyền của Hội đồng Giám mục Việt Nam", vào việc tuyển chọn và tấn phong các giám mục, truyền chức linh mục", các sinh hoạt phụng vụ cũng bị ngăn trở, quyền tự do báo chí của các tôn giáo...

 Như vậy, then chốt "cái logic" của ông Lý là Nhà nước hoàn toàn không được có ý kiến gì với sinh hoạt tôn giáo! Có như vậy, theo ông mới là "tự do tôn giáo thực sự"! Ðể phục vụ cho cái "logic" ấy ông Lý không ngần ngại bất chấp những sự thực lịch sử như kiểu: "Ðảng CSVN đàn áp, tàn sát tôn giáo từ những năm 1930...".

 Thực là một thứ logic phi lý, nếu không muốn nói là ông đã nhắm mắt (hay cố tình) nói bừa!

 Loài người, kể từ Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã thực sự hiểu tự do tôn giáo là như thế nào. Tôn giáo là chuyện của thế giới tâm linh nhưng nó cũng là một thực tại xã hội. Có nhà nước thế tục nào (dù ở phương Tây hay phương Ðông) lại không có những quy định, luật pháp để đảm bảo cho sinh hoạt tôn giáo được tự do - trước hết là cho mỗi công dân được quyền lựa chọn tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc không tôn giáo? Ngay Hoa Kỳ là quốc gia mà ông Lý muốn lấy làm "mẫu mực" tự do tôn giáo cho Việt Nam thì sao? Ai cũng biết Hoa Kỳ có hệï thống luật pháp tôn giáo rất phong phú, phù hợp với điều kiện của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Chính phủ của họ.

 Những mưu toan núp bóng tôn giáo, tạo ra sự đối lập giữa thế giới tâm linh của tôn giáo với thế giới thực tại, với thể chế chính trị đều thất bại. Hai mặt này của thực tế xã hội quyện vào nhau như phần xác với phần hồn của mỗi con người.

 Chắc hẳn phần hồn của ông Lý như thế, không thể là phần hồn của Chúa Jesus, Ðấng Cứu độ, mà chỉ có thể là phần hồn của Juda mà thôi. Trong Mười lời răn của Ðạo Chúa có câu "Chớ làm chứng dối". Linh mục Lý đã vi phạm thô bạo lời răn này.

 Vậy làm sao, ông Lý lại có thể nói với mọi người về tự do tôn giáo, mà bản thân nó là một sự tiến bộ của văn minh? Nhất là với dân tộc Việt Nam, với người có Ðạo hôm nay, đang đứng trước vận hội ấy? .

 (Trích báo Lao Ðộng Việt Nam)
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page