Bài viết
"Vi Phạm tự do tín ngưỡng tại Việt Nam"
của giáo sư tiến sĩ Sĩ Carlyle Thayer

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Bài viết "Vi Phạm tự do tín ngưỡng tại Việt Nam" bằng Anh ngữ của giáo sư tiến sĩ Sĩ Carlyle Thayer.

 Bài viết "Vi Phạm tự do tín ngưỡng tại Việt Nam bằng Anh ngữ của giáo sư tiến sĩ Sĩ Carlyle Thayer đã được Sandra Tran, VietForum, tóm lược và chuyển ngữ, chúng tôi xin phép cho đăng lại để rộng đường dư luận và tham khảo.

 Giới thiệu: Tiến Sĩ Carlyle Thayer là một chuyên viên về Việt-Nam. Ông là Giáo Sư Chính Trị Học của Viện Quốc Phòng Úc Châu và đang trong tình trạng vắng mặt có thời hạn để làm việc tại Trung Tâm Á Châu và Thái Bình Dương Nghiên Cứu về các Vấn Ðề An Ninh, Bộ Quốc Phòng Hoa-Kỳ. GS Thayer đã làm việc cho International Voluntary Services tại Việt-Nam vào cuối thập niên 1960. Bài viết của ông như sau:

 Ủy Hội Hoa-Kỳ về Tự Do Tín Ngưỡng Trên Thế Giới hàng năm xuất bản một phúc trình rất đầy đủ và xuất sắc về vấn đề tự do tín ngưỡng bao gồm Việt-Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, và Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền hàng năm cũng công bố những nhận định rất đáng tin cậy về hiện tình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt-Nam. Freedom House đã công bố những tài liệu mật của các nhà lãnh đạo Nhà Nước Việt-Nam ở cấp trung ương và địa phương, tiết lộ rất chi tiết về một chiến dịch được phối hợp chặt chẽ để đàn áp tôn giáo, đặc biệt là các giáo dân theo đạo Tin Lành Phúc Âm (Evangelical Church) và dân tộc thiểu số H'mong. Những tài liệu vừa kể trên rất vô tư và chính xác rất hữu ích cho cuộc thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt-Nam. Trước khi bàn về đề tài này, một vài nhận xét về hệ thống chính trị của Việt-Nam được trình bầy sau đây để thay thế cho phần dẫn nhập.

 Hệ Thống Chính Trị của Việt-Nam

 Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam, một nước độc đảng theo chủ thuyết Lenin, đang có những thay đổi về mặt xã hội và chính trị. Việt-Nam ngày nay có thể mô tả là một quốc gia có một chế độ độc tài (authoritarian) thay vì cực quyền (totalitarian). Kể từ giữa thập niên 1980, tiến trình cải tổ, tiếng Việt gọi là Ðổi Mới, đã nới lỏng sự kìm kẹp của nhà nước đối với xã hội Việt-Nam. Thí dụ, trong thập niên vừa qua, con số tranh tụng về đất đai, biểu tình của nông dân, đình công tại vùng đô thị, chống đối công khai, và kiến nghị phản đối nhân viên nhà nước tham nhũng đã gia tăng. Càng ngày càng có thêm bằng chứng là một xã hội dân sự bắt đầu thành hình và thường dân Việt-Nam ngày hôm nay có nhiều khả năng hơn để tự tổ chức đời sống của mình mà không phải đếm xỉa tới Ðảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN).

 Ðảng CSVN đã phải nhường bớt "đất" trong xã hội cho sáng kiến của thường dân. Những công dân có cùng những sở thích giống nhau tập họp lại thành nhóm. Ðây là một thử thách khắc nghiệt cho Ðảng CSVN với chủ trương xã hội là một kiến trúc đơn thuần trong đó chỉ có độc nhất một tổ chức. Ðiều này có nghĩa là Ðảng CSVN nắm quyền lãnh đạo tất cả các nhóm có tổ chức và sử dụng sự kiểm soát này để quyết định chính sách và sinh hoạt của những đoàn thể này. Tất cả những tổ chức tập thể, cơ quan tôn giáo, nghiệp đoàn thương mại, và những nhóm có những quan tâm đặc biệt đều phải xin nhà nước công nhận và hoạt động dưới sự che chở của Mặt Trận Tổ Quốc Việt-Nam.

 Trên thực tế, Ðảng CSVN không thể kiểm soát một cách có hiệu quả quá nhiều nhóm, hội, và đoàn thể đã xuất hiện. Nhưng theo đúng đường hướng của Lenin, nhà nước với một Ðảng CSVN duy nhất, đặt ưu tiên đàn áp những phần tử đối kháng công khai, các phong trào chống đối, những tổ chức chính trị, và những lễ tôn giáo không xin phép. Mọi cố gắng tổ chức những sinh hoạt chính trị và tôn giáo ngoài Ðảng CSVN và những tổ chức phụ thuộc đều bị ngăn chặn. Việt-Nam theo đuổi một chính sách ba không - không đối lập, không đa nguyên, và không đảng phái chính trị.

 Trong những năm gần đây, sinh hoạt tôn giáo đã tái sinh tại Việt-Nam và nhà cầm quyền Việt-Nam đã phải thận trọng hơn trong những hành động cấm đoán. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp nhà nước kiểm soát và cấm đoán những tổ chức tôn giáo và những người lãnh đạo. Nhà nước theo hệ thống Lenin đã tạo ra những hội yêu nước do nhà nước bảo hộ hoặc kiểm soát hoặc bỏ tù những nhà lãnh đạo tôn giáo độc lập, chiếm đoạt tài sản của tôn giáo, kiểm soát việc thụ phong các giáo sĩ, hạn chế di chuyển và cấm xuất bản sách báo tôn giáo. Nhưng cùng thời gian đó, tín ngưỡng tái sinh rộng rãi trong dân gian đã làm cho Ðảng CSVN phải khựng lại. Thí dụ là trong khi những lãnh tụ của Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất bị cầm tù liên tục, công an đã không đụng đến giáo dân vì sợ gây ra những cuộc biểu tình tập thể hoặc tự sát như những trường hợp đã xẩy ra ở Huế năm 1993 hoặc ở tỉnh An Giang trong vùng đồng bằng sông Cửu Long năm ngoái.

 Những lãnh tụ Cộng Sản Việt-Nam đã chọn lựa và thi hành một số hành động đàn áp trong khi đó nới lỏng sự kìm kẹp đối với hoạt động tôn giáo. Thí dụ như một số tài sản của tôn giáo đã bị tịch thu vài thập niên trước đây đang được trả lại. Phật Giáo Hòa Hảo được tự do hơn để tổ chức các sinh hoạt. Có những báo cáo nói rằng, Nhà Cầm Quyền Việt-Nam đã nới tay đối với những nhà thờ Tin Lành ở miền Bắc và đang có những thương lượng để cho phép giáo hội Tin Lành Phúc Âm (Evangelical Church) ở miền Nam hoạt động chính thức. Việt-Nam đang chuẩn bị thiết lập liên lạc với Hội Ái Hữu Tin Lành Phúc Âm Thế Giới (World Evangelical Fellowship) để thảo luận về tự do tôn giáo.

 Những thay đổi về mặt xã hội và kinh tế đang diễn ra tại Việt-Nam đang tan vỡ dần dần kiến trúc Lenin với độc nhất một tổ chức trong xã hội. Ðảng CSVN đang chịu ảnh hưởng của tiến trình cải tổ và đang thay đổi và phân tán dưới con mắt của xã hội Việt-Nam và thế giới bên ngoài.

 Ðảng CSVN mâu thuẫn ở mọi tầng lớp về tốc độ và phạm vi của sự cải tổ. Trong khi có sự đồng thuận về xu hướng kinh tế thị trường (mặc dù với định hướng xã hội chủ nghĩa), mở cửa và hội nhập vào kinh tế thế giới, CSVN bàn cãi gay go về những biện pháp thực tế để đi tới những mục tiêu này. Một trong những đề tài này là việc duy trì quyền kiểm soát của đảng đối với những xí nghiệp quốc doanh với nợ nần chồng chất và hiệu năng thấp kém.

 Việt-Nam cũng đã cho phép cải tiến một phần nào về mặt chính trị. Chúng ta không nên lầm điều này với vấn đề dân chủ hóa. Các lãnh tụ Việt-Nam đã dần dần dựa vào luật lệ nhiều hơn thay vì sắc lệnh để cai trị dân. Luật bầu cử được chấp thuận vào năm 1992 đã nới rộng tiến trình bầu cử đôi chút và theo đó các cá nhân được đề cử ra tranh chức phụ tá Quốc Hội. Quốc Hội giữ một vai trò quan trọng hơn trước. Những ủy ban tại Quốc Hội xem xét và tu chính những dự luật. Những đại biểu nhân dân trong Quốc Hội có quyền kiểm soát các Tổng Trưởng trong chính phủ. Một số tổng trưởng tham nhũng và thiếu hiệu quả đã bị bãi nhiệm.

 Những thay đổi mạnh mẽ nhất xẩy ra trong lãnh vực kinh tế. Kể từ cuối thập niên 1980, Việt-Nam đã bãi bỏ kế hoạch trung ương dưới thời đại Lenin. Những bao cấp của Nhà Nước dành cho nhiều xí nghiệp quốc doanh đang được dần dần hủy bỏ và thay thế bằng phương pháp kế toán lời lỗ theo xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp đã được sửa đổi vào năm 1992 để công nhận quyền tư hữu cá nhân. Khu vực tư ngày nay chiếm trên một nửa tổng sản lượng nội địa. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xã hội chủ nghĩa đã được giải tán và các gia đình được quyền sử dụng đất đai dài hạn.

 Ðảng CSVN và bộ máy kiểm soát chặt chẽ của họ cũng không tránh khỏi sự thay đổi. Những đảng viên đang hoạt động hoặc đã về hưu mạnh mẽ chỉ trích đảng đã bóp nghẹt dân chủ và cai trị bằng áp lực. Những người phản kháng này đã viết và phổ biến những bài công kích kịch liệt chế độ độc đảng và thông thường họ bị làm khó dễ, khủng bố, và bỏ tù. Tuy nhiên nhóm "chống đối nhưng vẫn trung thành với Ðảng" (loyal opposition) vẫn tiếp tục lên tiếng chỉ trích và đòi hỏi dân chủ.

 Phe bảo thủ nặng về chủ thuyết Marx - Lenin, quen thói chuyên quyền, chống lại cánh hậu vệ. Họ mất đi dần tính cách chính danh trong nhiều thập niên vừa qua. Trước đây phe bảo thủ đã một thời có chính danh vì dựa trên chủ nghĩa quốc gia, nay phe này bị bắt buộc phải dựa vào thành tích phát triển kinh tế. Ngay cả trên căn bản này, họ cũng đã bị lung lay vì những biến cố trong những năm 1997-98 - sự bất mãn sâu rộng của nông dân trong tỉnh Thái Bình và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu. Ảnh hưởng của phe bảo thủ đã làm chương trình cải tổ chậm lại và làm Thủ Tướng Phan Văn Khải nản lòng đến nỗi ông đã hai lần đệ đơn xin từ chức.

 Những đảng viên và lãnh tụ của Ðảng CSVN có ý thức về những thiếu sót này. Thí dụ bản thảo phúc trình chính trị cho Ðại Hội Ðảng lần thứ 9 nhận định rằng "tham nhũng và chế độ quan liêu" là một trong bốn nguy hiểm Việt-Nam phải đối phó. Bản thảo phúc trình chính trị thừa nhận rằng "Nếu chúng ta không tiến nhanh, chúng ta sẽ bị bỏ rơi lại phía sau xa hơn nữa về mặt kinh tế. Ngoài ra, chế độ quan liêu, tham nhũng, và đạo đức thoái hóa của cán bộ và đảng viên đã làm mất đi niềm tin của nhân tin của nhân dân.

 Những nhà lãnh đạo Việt-Nam đang chuẩn bị những biện pháp chưa từng được áp dụng trước đây để bảo đảm sự hỗ trợ của công chúng. Năm lực lượng đặc nhiệm, mỗi lực lượng được điều khiển bởi một tổng trưởng trong cơ cấu lãnh đạo nhà nước, đã được thiết lập vào năm ngoái (2000) để giải quyết những than phiền của công chúng về tham nhũng và lạm dụng quyền thế của nhân viên nhà nước. Ủy Ban Trung Ương Ðảng năm nay chấp thuận bẩy biện pháp để xóa bỏ tham nhũng trong hàng ngũ. Các lãnh tụ của Ðảng sẽ phải khai báo lợi tức, cơ sở kinh doanh và những tài sản khác trong thời gian sắp tới. Mới đây nhất, Việt-Nam thông báo kế hoạch sử dụng điện thoại có máy truyền hình để dân có thể khiếu nại thẳng với một ban gồm sáu viên chức, do Phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tấn cầm đầu.

 Vào tháng 10 năm ngoái (2000), ba cố vấn thâm niên của Ủy Ban Trung Ương Ðảng viết một lá thư cho Tổng Bí Thư Ðảng, kết án ông làm việc thiếu năng động và yêu cầu mọi lãnh tụ trên 65 tuổi phải về hưu. Vào cuối tháng Hai này (2001) sẽ có một phiên họp đại hội của Ủy Ban Trung Ương Ðảng để thảo luận về "vấn đề nhân sự", một từ ngữ ám chỉ sự thay đổi cấp lãnh đạo.

 Tóm lại, hệ thống xã hội, chính trị, và kinh tế của Việt-Nam trang trải qua những đổi thay khi các nhà lãnh đạo Việt-Nam cố gắng phát triển nền kinh tế thị trường, kỹ nghệ hóa và canh tân đất nước. Các nhà lãnh đạo Việt-Nam lo âu về vấn đề bảo toàn chế độ (duy trì quyền hành cho chính họ và hệ thống độc đảng). Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo này bầy tỏ mối quan tâm muốn có sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Ðiều này rất là hợp lý như hai trường hợp của Nga và Nam Dương đã chứng minh. Nhân quyền và tự do tôn giáo không có thể được nuôi dưỡng trong một môi trường quốc nội bất ổn và kinh tế thất bại. Một biến cố cơ bản trong tiến trình chuyển tiếp của Việt-Nam là mối bang giao giữa Việt-Nam và Hoa-Kỳ. Vấn đề này cần phải được hai nước chú tâm đến.

 Những Lựa Chọn Cho Chính sách của Hoa-Kỳ

 Theo quan điểm chuyên môn, chấp thuận cho Việt-Nam hưởng quy chế NTR có ảnh hưởng không đáng kể đối với chính sách nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt-Nam trong ngắn hạn và trung hạn. Những nhà lãnh đạo Việt-Nam nhiều lần lập lại lời kêu gọi Hoa-Kỳ mau chóng chuẩn y Thương Ước Việt-Mỹ. Việt-Nam cũng muốn gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Trong một giới hạn nào đó, ước muốn đạt được những mục tiêu này đã phần nào kiềm chế Việt-Nam lại. Một khi Quốc Hội Hoa-Kỳ bắt đầu thảo luận về Thương Ước Việt-Mỹ, Việt-Nam sẽ làm một vài hành động có tính cách tượng trưng như thả tù nhân, khoan hồng án tù cho những kẻ chống đối để ảnh hưởng đến nhận thức của Hoa-Kỳ. Thí dụ, có vài bằng chứng cho thấy Việt-Nam tìm cách hợp thức hóa nhanh chóng hơn Hội Thánh Tin Lành Phúc Âm Việt-Nam (chi nhánh ở miền Nam) trước chuyến đi Việt-Nam của Tổng Thống Clinton vào tháng 11, 2000 với mục tiêu tuyên truyền.

 Trong thời gian từ khi có sự thỏa hiệp về Thương Ước vào tháng 7 năm ngoái (2000) cho đến nay, Việt-Nam tiếp tục vi phạm quyền căn bản của con người và tự do tôn giáo. Những toan tính chính trị trong nước trước Ðại Hội Ðảng lần thứ 9 đã quyết định thứ tự ưu tiên một cách rõ rệt. Sự cứu xét Thương Ước Việt-Mỹ sắp tới của Quốc Hội Hoa-Kỳ không có ảnh hưởng rõ rệt nào đối với chính sách ngược đãi nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt-Nam vào thời điểm này.

 Không chấp thuận cho Việt-Nam hưởng quy chế NTR sẽ gây một tai hại rất lớn cho những kế hoạch phát triển xã hội và kinh tế của Việt-Nam. Những lãnh tụ Việt-Nam rất cẩn thận, không muốn tạo ra những cớ khiến những nhà lập pháp Hoa-Kỳ bác bỏ quy chế NTR. Nếu quy chế NTR bị từ chối vì lý do nhân quyền / tự do tôn giáo, điều này sẽ đúng với lời tiên tri của những tư tưởng gia của Ðảng. Ðối với họ, điều này chứng minh những lời cảnh cáo lập đi lập lại của họ về "đe dọa của diễn biến hòa bình", theo đó những lực lượng thù địch âm mưu với những kẻ đối kháng ở Việt-Nam để tiêu diệt chế độ cộng sản. Trong hoàn cảnh này, Việt-Nam sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn về hỗ trợ và an ninh. Tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo cũng sẽ tồi tệ hơn vì một chế độ đã được phòng thủ, không bị ràng buộc bởi những hạn chế bên ngoài, sẽ trừng phạt nặng nề bất cứ hành động nào có vẻ phá hoại.

 Việt-Nam đã chấp nhận sự kiện là sẽ không thể đạt được quy chế NTR vĩnh viễn (PNTR) trong vài năm tới. Việt-Nam sẽ tiếp tục chỉ trích Hoa-kỳ về tình trạng bất quân bình trong mối bang giao giữa hai nước. Việt-Nam sẽ lý luận tại sao Trung Quốc được hưởng quy chế PNTR và Việt-Nam lại không được. Việt-Nam sẽ giữ một thái độ thực tiễn và sẽ tham dự vào cuộc đối thoại hàng năm. Việt-Nam sẽ phản ứng đối với việc duyệt xét hàng năm bằng cách chỉ trích việc can thiệp vào nội bộ. Việt-Nam sẽ lý luận rằng những quyền khác - quyền độc lập và quyền chọn lựa một con đường riêng để phát triển, và những quyền của cộng đồng đặt trên quyền cá nhân - quan trọng hơn là quyền của mỗi cá nhân và tự do tôn giáo. Tiến trình duyệt xét hàng năm chỉ giữ vai trò nhỏ bé trong việc kiềm chế hành vi của Việt-Nam về phương diện nhân quyền và tự do tôn giáo.

 Ảnh hưởng của Hoa-Kỳ trong ngắn hạn đối với chính sách tôn giáo của Việt-Nam

 Theo bản dự thảo về phúc trình cho Ðại Hội Ðảng lần thứ 9: "Về vấn đề tôn giáo, Ðảng coi tín ngưỡng là một sự cần thiết về tâm linh của nhân dân và luôn luôn theo đuổi chính sách tôn trọng tự do tôn giáo và phi tôn giáo và quyền hành đạo theo luật. Sự đoàn kết nhân dân có những tôn giáo khác nhau, cũng như những người có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, rất quan trọng. Từ ngữ chủ yếu trong đoạn này là "đoàn kết", đây có nghĩa là đặt mọi nhóm tôn giáo dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của Ðảng CSVN. Những nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối lại sự kiểm soát bên ngoài hoặc hoạt động một cách độc lập, thường bị kết tội là vi phạm hình luật hoặc an ninh quốc gia. Những lãnh tụ Việt-Nam sử dụng lý luận nông cạn này để xếp loại những nhà lãnh đạo tôn giáo này quả thực là những phạm nhân thông thường.

 Sự trừng phạt tôn giáo ở Việt-Nam được chỉ thị của trung ương hoặc có thể do sáng kiến của địa phương (huyện hoặc tỉnh). Hệ thống tòa án của Việt-Nam thường coi bị cáo là có tội. Nói một cách vắn tắt, những vấn đề tư tưởng và cơ cấu, nguyên nhân khiến cho tôn giáo bị đàn áp ở Việt-Nam, ăn sâu ở khắp mọi nơi và không có thể cải tổ mau chóng được. Những lãnh tụ ở trung ương nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, đối với nhiều vấn đề hoàn toàn không liên quan đến nhân quyền và tự do tôn giáo, các tỉnh hoạt động như những "vương quốc độc lập" và "phép vua thua lệ làng".

 Ảnh hưởng của Hoa-Kỳ trong dài hạn đối với chính sách tôn giáo của Việt-Nam

 Lời tuyên bố sau đây của cựu phụ tá Thứ Trưởng Ngoại Thương Timothy J. Hauser rất hợp lý, "Việt-Nam đang trải qua những thay đổi căn bản và chính sách của Hoa-Kỳ cung cấp chất xúc tác và khuôn khổ cho thay đổi rộng lớn này. Chất xúc tác ở đây là sự hứa hẹn thành công về mặt kinh tế và khuôn khổ là Thương Ước Việt-Mỹ... Việc ký Thương Ước là một dấu hiệu có ý nghĩa nhất cho thấy hướng đi về tương lai của Việt-Nam. Quyết định mạnh dạn này chứng tỏ một cách rõ rệt rằng một số lớn các nhà lãnh đạo Việt-Nam ủng hộ chính sách mở mang kinh tế và dành được hậu thuẫn cho Thương Ước. Chấp thuận và thi hành Thương Ước rất cần thiết vì sẽ làm cho thành phần lãnh đạo này tiếp tục vững mạnh, duy trì ảnh hưởng và khả năng để thi hành những cải tổ lớn hơn kể cả việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới."

 Cựu Phụ Tá Bộ Trưởng Thương Mại Stanley Roth có sự phân tách đúng sau đây, "Thương Ước rất thích hợp với quyền lợi quốc gia của chúng ta vì nó sẽ đòi hỏi Việt-Nam phải có những cam kết để tăng cường khu vực tư. Một khu vực tư mạnh sẽ giúp những người thường dân Việt-Nam có thể tự định đoạt tương lai kinh tế của mình. Những điều khoản trong thương ước đòi hỏi Việt-Nam phải cho mọi công dân quyền buôn bán và phân phối. Tự do để quyết định về đời sống kinh tế cá nhân là một trong nhiều quyền cá nhân mà chúng ta đang khuyến khích Việt-Nam dành cho nhân dân Việt-Nam."

 Nếu Việt-Nam thi hành thương ước một cách đứng đắn (sau khi Quốc Hội Việt-Nam phê chuẩn), ảnh hưởng của thương ước đối với nền kinh tế, xã hội, và hệ thống chính trị sẽ rất là sâu rộng trong dài hạn (ít nhất từ bẩy cho đến 10 năm). Thi hành hữu hiệu thương ước sẽ là một biện pháp tốt nhất đối với Hoa-Kỳ để giúp quốc gia này mở rộng tự do. Theo Charlene Barshefsky, cựu Ðại Diện Ngoại Thương của Hoa-Kỳ, "Thương ước song phương đánh dấu sự thay đổi lớn lao về chính sách kinh tế đối với Việt-nam, mở rộng con đường nối liền với thế giới bên ngoài, thúc đẩy việc cải tổ nội bộ và nguyên tác thị trường, minh bạch về luật lệ, giúp Việt-Nam hội nhập vào khu vực kinh tế vùng Thái Bình Dương, và xây dựng nền móng cho Việt-Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch trong tương lai." Nhận định này hợp lý.

 Biện pháp trừng phạt

 Chế độ nhân quyền và tự do tôn giáo không nên trở thành trọng điểm của mối bang giao Việt-Mỹ. Hoa-Kỳ không có biện pháp trừng phạt kinh tế nào khác ngoài việc bác bỏ Thương Ước và chế độ mậu dịch bình thường. Hoa-Kỳ không trợ giúp Việt-Nam song phương. Và Hoa-Kỳ không thể đơn phương cấm cản trợ giúp tài chánh quốc tế của Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu.

 Nếu Quốc Hội chấp thuận Thương Ước, thỏa hiệp này sẽ được duyệt lại hàng năm và cũng sẽ phải được triển hạn sau ba năm. Trong hoàn cảnh này, tôi thấy không có lý do nào bắt buộc phải áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế trong giai đoạn hiện tại. Quan điểm của ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Colin Powell trong buổi điều trần về việc bổ nhiệm ông như sau: "Ý của tôi là quý vị hãy ngừng lại, nhìn và nghe trước khi quý vị muốn áp dụng cấm vận. Những biện pháp này tiếp tục được đề nghị. Và tôi nghĩ, tôi đã thấy một số biện pháp này đã được đệ trình ngay cả trước khi tôi nhiệm chức trong vài tuần vừa qua. Vì vậy tôi khuyến khích Quốc Hội duy trì kỷ luật, kỷ luật tự giác, khi quý vị tức giận về điều gì hoặc khi có quyền lợi của một nhóm cử tri nào, xin hãy ngưng lại, đếm đến 10, gọi điện thoại cho tôi, để tôi ... chúng ta hãy thảo luận trước khi quý vị đặt tôi vào một tiến trình quan liêu ... Vì vậy tôi khuyến khích Quốc Hội kiềm chế và kỷ luật.

 Ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt

 Có một loạt những hành động thuộc phạm vi trừng phạt kinh tế mà Quốc Hội Hoa-Kỳ có thể chấp nhận. Một cách tổng quát, áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế trong giai đoạn này hoàn toàn phản tác dụng. Nó chỉ làm cho nhóm có tư tưởng bảo thủ mạnh lên và làm cho phe cải tổ bị trơ trọi. Những biện pháp trừng phạt kinh tế là một dụng cụ thiếu bén nhọn và có nhiều triển vọng làm gia tăng thiện cảm và hỗ trợ cho chế độ cộng sản. Tùy theo hình thức của biện pháp trừng phạt kinh tế được lựa chọn, người thường dân Việt-Nam sẽ bị thiệt hại đáng kể. Biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ tạo ra một trạng thái tâm lý bị kìm kẹp và hậu quả rất có thể xẩy ra là việc chà đạp nhân quyền và hạn chế tự do tôn giáo sẽ gia tăng.

 Triển vọng cải thiện tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt-Nam

 Nhìn về quá khứ khoảng 10 năm về trước, người ta nhận thấy có nhiều tiến bộ tại Việt-Nam về phương diện tôn trọng tự do tín ngưỡng. Những cải tiến này xẩy ra cùng một lúc với những tiếp diễn vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo. Trạng thái này có nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong ngắn hạn và trung hạn.

 Triển vọng là nhà cầm quyền Việt-Nam sẽ dần dần nới rộng tự do tôn giáo một khi họ cảm thấy an tâm rằng những thay đổi như vậy sẽ không làm suy yếu chế độ độc đảng. Nói một cách khác, chúng ta chỉ có thể trông đợi những thay đổi từ từ qua một tiến trình thương lượng và thỏa hiệp lâu dài giữa nhà nước và những nhà lãnh đạo các tôn giáo.

 Biện pháp đa phương

 Nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đến chính sách của nhà nước đối với vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt-Nam, đặc biệt là Liên Hiệp Âu Châu, Bắc Âu, và Úc Ðại Lợi. Nhiều nước trong những khối này đã trình bầy vấn đề với nhà cầm quyền Việt-Nam. Nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng chia sẻ những ưu tư tương tự. Cho đến nay, những cố gắng này được thực hiện trên căn bản đơn lẻ. Những cố gắng đơn lẻ này có thể được điều hợp tốt hơn qua một diễn đàn chung của những thành phần lưu tâm đến vấn đề. Một diễn đàn đơn giản như vậy sẽ là nơi để trao đổi tin tức và nhận ra những sáng kiến khả thi mới. Thí dụ, Hoa-Kỳ, cùng với một số quốc gia khác, có thể hoạch định một chiến lược để giúp Việt-Nam cải tổ luật pháp liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, quản lý hành chánh được sử dụng để đàn áp tôn giáo và hoạt động chính trị.

 Hoa Kỳ nên làm việc với những nước khác, kể cả những nước cho Việt-Nam vay nợ, để đưa vào nghị trình các vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền trong những hội nghị hàng năm do Ngân Hàng Thế Giới triệu tập. Hoa-Kỳ cũng nên thăm dò các chính phủ khác về vấn đề làm thế nào nêu những quan tâm này một cách có hiệu quả tại hội nghị hàng năm của Ủy Hội Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, thí dụ kêu gọi Việt-Nam mời ông Abdelfattah Amor, một Chuyên Viên Ðiều Nghiên Ðặc Biệt về việc thiếu khoan dung về tôn giáo, trở lại viếng thăm Việt-Nam để thẩm định những tiến bộ về việc thi hành những đề nghị của ông trong lần viếng thăm trước đây vào tháng 10, 1998.

 Ảnh hưởng của những nước láng giềng

 Những nhà cải cách của nhà cầm quyền Việt-Nam theo khuôn mẫu quốc tế trong một giới hạn nào đó. Nhưng Việt-Nam chịu ảnh hưởng của các nước hội viên trong tổ chức ASEAN nhiều hơn. Vùng này có một thành tích lẫn lộn. Malaysia và Brunei với chính sách ngăn cấm sự "biến thể của Hồi Giáo" sẽ củng cố khuynh hướng đàn áp tôn giáo của Việt-Nam. Những nhà lãnh đạo Việt-Nam coi Hồi Giáo chính thống tại Indonesia là một phong trào mang tính chất gây xáo trộn. Những thí dụ này củng cố quan điểm thế giới của Việt-Nam là những xung đột về tôn giáo và các nhóm thiểu số là những mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu tuyên bố trong bài diễn văn bế mạc đại hội lần thứ 11 vừa rồi, thí dụ: "Thế giới thứ ba không có khả năng bùng nổ trong một vài thập niên sắp tới. Hòa bình, hợp tác và phát triển là một khuynh hướng chính phản ảnh ước vọng của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chiến tranh địa phương, xung đột có võ khí, đụng độ về chủng tộc và tôn giáo, thi đua sản xuất vũ khí, những hoạt động can thiệp vào nội bộ và phá hoại, khủng bố, và khủng hoảng kinh tế và xã hội sẽ có thể xẩy ra ở nhiều nơi và ở mức độ phức tạp hơn.

 Việt-Nam và Trung Quốc chia sẻ một rằng buộc chung - ý thức hệ cộng sản, cải tổ kinh tế, và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Hành động đàn áp giáo phái Pháp Luân Công (Falun Gong) của Trung Quốc chắc chắn được Việt-Nam tán thưởng một cách kín đáo và củng cố khuynh hướng đàn áp bất cứ nhóm nào toan tính hoạt động độc lập với nhà nước. Quan điểm của Trung Quốc về nhân quyền và tự do tôn giáo tạo một sức chống lại áp lực của Tây phương và tăng cường thái độ của Việt-Nam.

 Nhận định sau cùng

 Chiến lược sáng suốt nhất để cải thiện tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt-Nam là chấp nhận một dự kiến dài hạn, giúp Việt-Nam thực hiện Thương Ước Việt-Mỹ, và theo dõi sự thi hành đúng đắn. Khi những điều khoản khác nhau của Thương Ước bắt đầu có hiệu lực, Việt-Nam chỉ có một con đường duy nhất là tuân hành luật lệ và sự minh bạch. Với những cam kết xây dựng hạ từng cơ sở về luật pháp, Việt-Nam chỉ có một con đường này. Hoa-Kỳ nên ủng hộ điều đó.

 Chúng ta cũng nên nhận biết rằng những người ủng hộ dân chủ không đồng ý về một chính sách phải theo đuổi liên quan đến sự liên hệ giữa việc chuẩn y Thương Ước Việt-Mỹ và dành cho Việt-Nam quy chế mậu dịch bình thường và chính sách của Việt-Nam về nhân quyền và tự do tôn giáo. Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Ðan Quế lý luận rằng" Mở mang đất nước về phương diện kinh tế sẽ gia tăng quyền lực của người dân để họ có thể tự làm những quyết định kinh tế của họ. Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và gia tăng tiếp xúc với các quốc gia đã mở mang sẽ làm cho dân biết rõ hơn thế nào là tân tiến. Thương Ước nên được chuẩn y càng sớm càng tốt. Mặt khác, Tiến Sĩ Ðoàn Viết Hoạt nhận định rằng: "Chúng ta đều hiểu biết ảnh hưởng tốt của tự do mậu dịch đối với việc làm cho xã hội được tự do hơn. Nhưng tôi không tin rằng tự do mậu dịch tự nó sẽ tạo ra tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Tự do mậu dịch cần phải đi song song với một xã hội cởi mở, với luật pháp phân minh và trách nhiệm của nhà nước. Tự do cạnh tranh là yếu tố chính để phát triển, nhưng yếu tố này không phải chỉ được áp dụng trong thương mại mà còn cho cả chính trị và văn hóa, nếu chúng ta muốn xây dựng một Việt-Nam có hòa bình, công bằng, và phát triển lâu dài."

 Thương Ước Việt-Mỹ sẽ không chấm dứt những vi phạm liên tục của Việt-Nam về nhân quyền và tự do tôn giáo. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được qua việc cải tổ dần dần hệ thống chính trị của Việt-Nam. Hoa-Kỳ nên tiếp tục nêu lên những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo với những nhà cầm quyền Việt-Nam. Tòa Ðại Sứ Hoa-Kỳ nên tiếp tục trình bầy với nhà cầm quyền Việt-Nam về từng trường hợp vi phạm nhân quyền và khủng bố tôn giáo. Những viên chức cao cấp của Hoa-Kỳ, kể cả nhân viên về mậu dịch và phái đoàn quốc hội cần phải làm áp lực với Việt-Nam về những vấn đề này.

 Hoa-Kỳ nên tiếp tục tài trợ những hoạt động phơi bầy những vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo. Hỗ trợ đài Phát Thanh Tự Do Á Châu nên được tiếp tục. Hoa-Kỳ nên tiếp tục cuộc đối thoại song phương với Việt-Nam (bắt đầu từ năm 1994) ở cấp Thứ Trưởng. Khuyến khích những tổ chức phi chính phủ (NGO) tham gia vào những hoạt động nhân đạo và phát triển, đặc biệt những hoạt động tại những tỉnh có những vụ đàn áp tôn giáo. Khuyến khích trao đổi và viếng thăm giữa các tổ chức tôn giáo Việt-Nam và Hoa-Kỳ.

 Sau hết, tôi muốn đề nghị là Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ nên cứu xét việc khởi xướng cuộc đối thoại song phương giữa những nhà lập pháp của hai Quốc Hội để nhận biết những lãnh vực Hoa-Kỳ có thể giúp thúc đẩy chế độ pháp trị và hệ thống hành pháp đúng đắn tại Việt-Nam. Hoa-Kỳ nên cứu xét tài trợ một chương trình bao gồm việc giảng dậy Anh ngữ, huấn luyện trong những lãnh vực như dự thảo luật, nghiên cứu, và công việc của các ủy ban.

 Những nhà lập pháp Việt-Nam, những chuyên viên nghiên cứu của Quốc Hội, những học giả trong những cơ quan nghiên cứu chính sách của nhà nước, và những nhân viên thi hành pháp luật có thể được mời để thăm viếng nhiều nơi tại Hoa-Kỳ để làm quen với chính phủ địa phương, tiểu bang và liên bang. Các dân biểu, nghị sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm với những đại biểu nhân dân về những dịch vụ liên hệ đến giới cử tri, công việc của các tiểu ban, và đỡ đầu những dự thảo luật. Những bộ khác nhau của chính phủ liên bang có thể liên hệ với những cơ quan tương tự của Việt-Nam nếu thích hợp.

 Ðể kết luận, ý chính trong phần dẫn nhập cần được lập lại: Việt-Nam đang trải qua những chuyển tiếp có ảnh hưởng tới xã hội, kinh tế, và hệ thống chính trị. Thương Ước Việt-Mỹ có nhiều triển vọng đưa Việt-Nam vào kinh tế thị trường và hội nhập vào xã hội toàn cầu mau chóng hơn. Khu vực tư sẽ phát triển và mạnh hơn lên và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tiến trình chính trị. Tầng lớp trung lưu sẽ phát hiện. Thay đổi kinh tế đã ảnh hưởng tới sự liên hệ giữa nhà nước và xã hội vì một xã hội dân sự mới đã nhen nhúm trồi lên. Thay đổi về kinh tế và xã hội cũng đã đóng góp vào việc nới rộng tiến trình chính trị, và nói một cách tổng quát, một sự cải thiện về nhân quyền và tự do tôn giáo. Tuy nhiên, các viên chức Việt-Nam tại trung ương và địa phương sẽ tiếp tục gây ra những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo.

 Hoa-Kỳ không nên quá nhấn mạnh về khả năng của mình để làm thay đổi chính sách nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt-Nam trong giai đoạn chuyển tiếp này. Áp lực không ngừng trong dài hạn sẽ có nhiều triển vọng hơn để đạt được kết quả mong muốn thay vì hành động trực tiếp và mạnh.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page