Hạt giống Tin Mừng gieo vào đất Việt cách đây đã tròn 400 năm. Bốn trăm năm hội ngộ giao duyên, cuộc tình giữa Ðức Tin và Văn Hóa Lạc Việt đã đơm bông kết trái. Cuộc tình này mang đậm nét Tình Yêu Nhập Thể - Cứu Chuộc, là tình Trời với Ðất nên cũng đi theo mô hình và quy luật phát triển như Tình Yêu Nhập Thể - Cứu Chuộc: Mô hình và quy luật ấy đã được chính Ðức Kitô trình bày qua hình ảnh hạt lúa mì: "Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt" (Ga 12, 24).
Họp mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo Phận Huế, chúng ta hãy hướng lòng trí về ngọn nguồn của Ðức Tin, để khám phá ra ở đó bước đột phá của Tình Yêu Thiên Chúa, Ðấng đã quyết định đưa cuộc tình của Trời và Ðất vào một khúc quanh lịch sử mới, cuộc tình mà Ngài đã khơi động qua Mầu Nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc, rồi không ngừng chăm sóc tô điểm bằng máu đào của các Thánh tử đạo và công lao của các bậc Tiền Nhân mà hôm nay chúng ta thừa hưởng hoa thơm trái ngọt, để đến phiên mình chúng ta ra đi mang lại hoa trái cho Thiên Chúa (Ga 15, 16).
1. Trong tiến trình hội ngộ giao duyên ấy, chính Chúa là người khởi động, là người đi bước trước, chính Ngài là Ðấng ban phát hồng ân Ðức Tin. Thế nên sau khi nghe Simon Phêrô tuyên tín ở Xêdarê Philipphê thì Chúa Giêsu phát biểu ngay: "Simon, con ông Giôna, anh có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh biết điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời" (Mt. 16, 17). Do đó, cội nguồn của mối phúc mà Simon Phêrô và các kẻ tin đã được, chính là việc Thiên Chúa tự mặc khải mình cho con người. Nói cách khác, cội nguồn của Ðức Tin, nhờ đó mà con người có thể tiếp cận mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa là Tình Yêu tự thông ban cho con người.
Ðể cảm mến niềm hạnh phúc vô biên của kẻ tin, chúng ta cần phải nhận thức rằng tiến trình mặc khải của Thiên Chúa là một tiến trình đa dạng, dai dẵng và đầy chông gai, đòi hỏi một sự kiên nhẫn phi thường mà chỉ có Tình Yêu mới vượt qua được. Mặc khải không chỉ bằng Lời: Lời của các ngôn sứ và Lời là Người Con Một, nhưng còn bằng những chuổi hành động trong lịch sử cứu rỗi. Lời và hành động giao thoa vào nhau để tạo nên một bức họa muôn màu diễn đạt tình yêu thiên linh kiên quyết kết duyên với nhân thế để đem lại cho nó hạnh phúc trường sinh. Cao điểm của tiến trình mặc khải này chính là cái chết và sự sống lại của Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa. Ðây là sự tỏ bày tình yêu quyết liệt nhất của Thiên Chúa. Vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng vì bạn hữu của mình (Ga. 15, 13). Bức họa ấy đồng thời cũng trình bày cả một lịch sử cứu rỗi được đan chéo bằng những chối từ, thất trung thất nghĩa và những hất hủi mà dụ ngôn những tá điền sát nhân đã mô tả sơ lược những nét đại cương (Mt. 21, 33, 42).
Viên đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở nên hòn đá góc tường. Sự sống đã tuôn trào từ sự chết. Nếu Thiên Chúa đã dùng sự chết và sống lại của Ðức Kitô để bày tỏ tình yêu của Ngài nhờ đó mà con người có thể tin, thì từ đây mầu nhiệm Khổ Nạn - Phục Sinh cũng sẽ là quy luật cho mọi mô hình phát triển Ðức Tin.
2. Thật vậy, nhìn lại lịch sử Giáo Hội, những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo là những thế kỷ đẩm máu của các chứng nhân đức tin, khởi đầu là cái chết của hai thánh Phêrô và Phaolô, theo sau là: "một đám đông rất lớn" theo lời ghi lại của sử gia Tacite, người thì bị phơi thây trên thập giá rồi đêm về bị đốt như những ngọn đuốc thắp sáng thành Rôma, người thì bị quăng vào hý trường làm mồi cho thú dữ để mua vui cho những kẻ khát máu. Nhưng cũng từ giòng máu tử đạo này mà số người tin Chúa càng ngày càng gia tăng. Hạt giống Ðức Tin cần phải có máu tử đạo mới đâm rể nẩy mầm và sinh hoa trái. Riêng tại Việt Nam, hơn 100,000 chứng nhân đã đổ máu đào vun tưới cho Cây Ðức Tin đâm chồi nẩy lộc, trong số đó có 117 vị đã được Giáo Hội tôn vinh lên bậc Hiển Thánh và một vị lên hàng Chân Phước: Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Giáo Phận Huế cũng được vinh dự ghi tên 15 vị anh hùng vào trong sổ bộ các Thánh.
3. Quy luật phát triển đức tin không chỉ tóm gọn nơi xương máu của các chứng nhân đức tin, nhưng còn trãi dài trãi rộng đến các mô hình chứng tá đa dạng khác, tuy âm thầm lặng lẽ nhưng vẫn không kém khí phách can trường: Ðó là công lao của các bậc Tiền Nhân: Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân đã không quản ngại khổ nhọc, đem hết nhiệt tình và vốn liếng tinh thần cũng như vật chất để tài bồi cho Cây Ðức Tin lớn mạnh, vươn tỏa cành lá ra bốn phương trời, cho bông hoa nở nhụy sây trái.
Trong suốt gần hai thế kỷ (1659-1844), lúc Ðịa Phận Huế còn thuộc về Ðịa Phận Ðàng Trong, chạy dài từ Sông Gianh, Quảng Bình, đến tận Sài Sòn Nam Vang, Thừa Sai Paris mà Ðức Cha Lambert de la Motte là vị Giám Mục Tông Tòa đầu tiên. Các Ngài đã làm việc trong những hoàn cảnh rất mực khó khăn, thiếu thốn mọi bề, lại thêm quân gia nghiêm cấm, truy nả lùng bắt. Tòa Giám Mục lúc thì ở Thợ Ðúc, lúc thì dời qua Kim Long, lúc thì ẩn mình tại Di Loan, Cổ Vưu, sau hết mới định vị ở địa điểm như hôm nay. Cho đến năm 1844, Tòa Thánh chia Ðịa Phận Ðàng Trong làm hai: Ðông Ðàng Trong và Tây Ðàng Trong. Huế thuộc về Ðông Ðàng Trong do Ðức Cha Cuénot cai quản. Năm 1850, Tòa Thánh lại chia Ðàng Trong thành bốn Ðịa Phận:
* Ðông Ðàng
Trong (Quy Nhơn) vẫn do Ðức Cha Cuénot
coi sóc.
* Tây Ðàng Trong (Sài
Gòn) do Ðức Cha Lefebvre điều
hành.
*Nam Ðàng Trong (Nam Vang) do
Ðức Cha Miche điều hành.
* Bắc Ðàng Trong (Huế)
do Ðức Cha Pellerin cai quản.
Với sắc chỉ "Postulat Apostolici" năm 1850, Ðức Thánh Cha Pio IX thiết lập Ðịa Phận Bắc Ðàng Trong bao gồm Tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và một phần Tỉnh Quảng Bình, từ nam sông Gianh đến đèo Hải Vân. Mãi cho đến năm 1924, Ðịa Phận Bắc Ðàng Trong mới đổi tên thành Ðịa Phận Huế.
Từ năm 1850, cột mốc lịch sử quan trọng đánh dấu một khúc quanh mới trong việc thành lập và phát triển Giáo Phận Huế. Thiên Chúa quan phòng cũng đã gởi đến 8 vị Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa. Vị Giám Mục cuối cùng của giai đoạn này là Ðức Cha Gioan Baotixita Urrutia (Thi) mà những người lớn tuổi hôm nay còn nhớ.
Ðến năm 1960, với Tông Thư "Venerabilium Nostrorum" Ðức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam với 3 Giáo Tỉnh: Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Ðịa Phận Huế được nâng lên hàng Tổng Giáo Phận với vị Tổng Giám Mục Chính Tòa. Từ đó đến nay, đã có 3 vị Tổng Giám Mục cai quản Tổng Giáo Phận.
Kể từ năm 1850, cột mốc lịch sử mà chúng ta mừng kỷ niệm hôm nay, hạt giống Ðức Tin được âm thầm gieo vải từ 3 thế kỷ trước đã đâm chồi nẩy lộc. Giòng máu tử đạo cùng với mồ hôi nước mắt của các vị tiền nhân đã vun tưới cho hạt giống Ðức Tin sinh hoa kết trái. Các giáo xứ được thành lập, các Dòng Tu lần lượt chào đời, các trường học và bệnh viện cũng được khai sinh, các hoạt động xã hội thăng tiến con người được phát triển nhịp nhàng.
4. Anh chị em thân
mến!
Hồng ân Ðức
Tin đã đến với chúng
ta qua một cuộc hành trình gian lao vất
vả như thế đấy! Hãy trân
trọng đón nhận không phải để
cất giữ, nhưng là để thông
truyền. Lệnh truyền của Ðức
Kitô Phục Sinh: "Anh em sẽ lãnh nhận
Chúa Thánh Thần và anh em sẽ làm
chứng cho Thầy ở Giêrusalem, trong
khắp cả miền Giuđêa và Samaria,
và cho đến tận cùng trái đất".
(Cv. 1,8) vẫn còn vang vọng với một
âm sắc đặc biệt giữa cộng
đoàn dân Chúa đang họp mừng
150 năm thành lập Tổng Giáo Phận
Huế, đánh dấu một sự chuyển
mình quan trọng trong đời sống
Ðức Tin.
Hồng Ân cao trọng này phải được đón nhận trong tâm tình cảm tạ tri ân nhưng đồng thời cũng phải được nhìn nhận như một trách nhiệm, một sứ mạng. Ðức Tin được trao ban cho chúng ta như nhúm men trong bột, như ngọn nến phải đặt lên giá đèn, như nén bạc phải sinh lợi gấp đôi và như mãnh đất tốt tiếp nhận hạt giống để trổ sinh 30, 60, 100 hạt khác. (Mt. 13, 18-23; 5, 15; 13, 33; 25, 14-23).
Ðây là sứ mạng làm chứng cho Ðức Kitô theo vết chân của các Thánh tử đạo và các vị Tiền Nhân, sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Sứ mạng này hôm nay không chỉ dừng lại nơi việc đi từ miền đất này đến miền đất khác, nhưng còn phải xâm nhập vào các lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học, kỷ thuật, công nghệ môi trường và mạng lưới thông tin toàn cầu. Ðức Tin là một Hồng Ân kéo theo một trách nhiệm nặng nề. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chất vấn nước Pháp khi Ngài viếng thăm mục vụ nước này vào năm 1980: "Hởi nước Pháp, người đã làm gì với Ðức Tin của ngươi?" Hôm nay, cũng một câu hỏi ấy được đặt ra để chất vấn chúng ta: "Hởi Tổng Giáo Phận Huế, ngươi đã và sẽ làm gì với Ðức Tin mà ngươi đã lãnh nhận như một Hồng Ân cao trọng phát xuất từ mầu nhiệm Phục Sinh của Ðức Kitô xuyên qua chứng tá hào hùng của các vị Thánh tử đạo và công lao trời bể của các vị Tiền Nhân đáng kính? Ðức Tin của ngươi có đủ chiều sâu để có thể bám trụ, giữa thử thách tư bề vây kín không? Ðức Tin của ngươi có đủ sức mạnh để dấn thân vào việc yêu thương phục vụ không?"
"Ðức Tin không việc làm là Ðức Tin chết" (Gc.2,17). Vì thế để cho Ðức Tin được mạnh, được sáng và có chiều sâu, anh chị em phải dấn thân vào việc truyền giáo, vì truyền giáo là bản chất, là lẽ sống của Giáo Hội. Hãy noi gương các bậc Tiền Nhân để lấy lại sức năng động của thuở ban đầu và để tiến bước về tương lai với một niềm tin vững vàng hơn.
Và trong Ðức Tin không chỉ là món hàng trang sức bên ngoài, mà chủ yếu là sức sống bên trong, nên cần phải tiếp xúc thân tình với Ðức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Phải năng lui tới đó để đào sâu Ðức Tin, để Ðức Tin trở thành một xác tín cá nhân: "Các con bảo Thầy là ai?" Chính khi chúng ta có thể trả lời một cách chân thành và đầy xác tín cho câu hỏi quan trọng ấy, mà Ðức Tin của chúng ta sẽ đủ sâu, đủ sáng, đủ mạnh, để dấn thân yêu thương phục vụ theo gương Ðức Kitô.
Anh chị em thân mến!
Tôi xin mượn lời
Thánh Vịnh 77 để nói lên ý
nghĩa của ngày Ðại Lễ hôm
nay:
"Lạy Chúa, con tưởng
nhớ bao việc Ngài làm,
tưởng nhớ
những kỳ công thuở trước.
Mọi hành động
của Ngài, con nhẫm đi nhắc lại.
Sự nghiệp Ngài con
sẽ gẫm suy" (Tv. 77, 12-13).
Gẫm suy tình thương của Chúa muôn đời không đổi thay. Vì thế hồi tưởng về quá khứ sẽ giúp vững tin hơn về tương lai. Thiên Chúa hoàn toàn tín nhiệm chúng ta, khi giao nén bạc Ðức Tin cho chúng ta. "Thầy chọn các con, để các con ra đi mang lại hoa trái và hoa trái các con tồn tại". (Ga. 15, 16)
Chúng ta hãy bước theo Mẹ Maria là người có phúc vì đã tin (Lc. 1, 45), hãy luôn yêu thương và phục vụ như Ðức Mẹ là người nữ tỳ khiêm hạ. Hãy ra đi thắp sáng tin yêu như Ðức Mẹ La Vang, Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, ngày ngày hằng đem đến tin tưởng cậy trông cho bao người.
Sự ra đi của đức tin bao giờ cũng xuất phát từ nguồn mạch là Thiên Chúa Cha, Ðấng đã trao mọi quyền trên trời dưới đất cho Ðức Kitô để loan báo Tin Mừng cho muôn dân (Mt. 28, 16-20). Chính Ngài là đền thờ của Thiên Chúa (Ga. 2,19). Ðền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và nơi thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Qua phép Thánh Tẩy, người Kitô hữu cũng trở nên đền thờ của Thiên Chúa (1Co 3, 16-17). Cộng đoàn các tín hữu được xây dựng trên nền các Tông Ðồ, với tảng đá móng là Ðức Kitô, hiệp nhất với nhau làm thành đền thờ của Thiên Chúa (Ep. 2, 20-21). Ðền thờ Thiên Chúa là Thánh (1Co. 3, 17), cho nên cần phải được cung hiến nghĩa là dành riêng cho Thiên Chúa.
Việc cung hiến Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam hôm nay mang ý nghĩa đặc biệt ấy: nó tiêu biểu cho một sự cung hiến thiêng liêng các đền thờ sống động của Thiên Chúa, để làm điểm xuất phát ra đi của đức tin.
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi
thánh hiến Nhà Thờ Chính Tòa
của chúng ta. Amen.