Vài bình luận của báo chí
về việc tiết lộ hai vị Hồng Y
được bổ nhiệm và giữ kín "in pectore" từ năm 1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài bình luận của báo chí về việc tiết lộ hai vị Hồng Y được bổ nhiệm và giữ kín "in pectore" từ năm 1998, và về việc bổ nhiệm thêm 5 vị mới nữa.

 Báo chí xuất bản tại Roma và tại Italia đều ngạc nhiên về việc tiết lộâ hai vị Hồng Y được ÐTC bổ nhiệm và giữ kín "in pectore" từ năm 1998. Dư luận ngạc nhiên vì tất cả những dự đoán của báo chí từ trước tới giờ đều sai cả, vì chỉ nghĩ đến các vị chủ chăn tại Trung quốc, mà không khi nào nghĩ đến các vị miền Baltique, dưới chế độ cộng sản Liên xô; Dư luận báo chí ngạc nhiên nhất là việc bổ nhiệm thêm 5 vị khác nữa, chỉ sau một một tuần lễ công bố danh sách 37 Hồng Y mới. Báo chí cố tìm hiểu tại sao lại có việc bổ nhiệm "thêm" này?

 Nhật báo có tên là "Roma Thời Báo", số phát hành ngày thứ hai 29.01.2001, đã dành tất cả trang 4 với tít đề lớn chiếm trọn trang như sau: "ÐTC bổ nhiệm bất ngờ 7 vị Hồng y khác nữa". Cùng với tựa đề lớn nằy, có ghi thêm câu giải thích như sau: "Hôm qua (tức Chúa nhật 28 tháng 1/2001) tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Giáo Hoàng đã loan báo danh sách các vị Hồng Y mới. "Bản đồ địa dư" của Mật viện Hồng Y được vẽ lại. Mũ đỏ cũng được trao cho Ðức Giám mục Karl Lemann, người Ðức, vị giám mục vào năm ngoái đã "dám mời" Ðức Gioan Phaolô II từ chức".

 Giữa trang, nhật báo Roma để hình Ðức Giám mục Karl Lemann trong lễ phục, với hàng chữ như sau: "Ðức Cha Karl Lemann, chủ tịch HÐGM Ðức, người được coi như "thuộc phe cấp tiến".

 Trong bài, ký giả Massimo Giraldi viết: "Hôm qua (Chúa nhật 28/1/2001), Ðức Gioan Phaolô II đã chính thức loan báo các Ðức Cha Lubomyr Husar, tân TGM Lvov (Leopoli) bên Ukraine, cho các tín hữu thuộc lễ nghi Bizantin, Ðức Cha Johannes Joachim Degenhart, TGM Paderborn (Ðức) - Ðức Cha Julio Terrazas Sandoval, TGM Santa Cruz de la Sierra, bên Bolivia - Ðức Cha Wilfrid Fox Napier, TGM Durban (Nam Phi) và Ðức Cha Karl Lemann, Giám mục Mainz (Ðức) và đồng thời tiết lộ hai vị đã được bổ nhiệm và giữ kín từ năm 1998; đó là Ðức Cha Marian Jaworski, TGM Lviv (Ukraine) giám mục các tín hữu công giáo thuộc Lễ nghi Latinh và Ðức Cha Janis Pujats, TGM Riga (Lettonie). Tác giả viết thêm: "Tất cả 7 vị đều là những đại cử tri", vì dưới 80 tuổi. Với 7 vị được bổ nhiệm, Hồng Y Ðoàn gồm cố 185 thành viên, trong đó có 50 vị quá 80 tuổi.

 Bình luận về việc bổ nhiệm Ðức Karl Lemann, người Ðức, giám mục Mainz, tuy không phải là Tòa Tổng Giám mục, nhưng theo truyền thống vẫn là Tòa Hồng Y, trong nhiều năm giữ chức chủ tịch HÐGM Ðức, tác giả bài báo viết như sau: "Năm nay 64 tuổi, vị số một của Hàng Giám mục Ðức, bị loại trừ trong ba lần triệu tập Hội nghị Hồng y để bổ nhiệm các vị mới, và bị coi là "thuộc phe cấp tiến", "không theo một đường lối", "một vị bất phục tùng" đối với những lựa chọn quan trọng của Tòa Thánh.

 Tác giả kể lại những xung khắc và những giàn xếp giữa Tòa Thánh và HÐGM Ðức trong thời gian từ năm 1998 đến 1999. Tháng 11 năm 1999, việc giàn xếp đi đến một bước quặt quyết định. Trong buổi tiếp kiến các giám mục Ðức, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại việc ngài yêu cầu tất cả các vị chủ chăn Ðức biểu lộ công khai và đồng nhất lập trường của Giáo hội công giáo về việc bênh vực sự sống. Sau nhiều tháng thảo luận, Giáo hội Ðức đã quyết định tuân theo ý Tòa Thánh.

 Bình luận một sự kiện khác cũng liên hệ đến Ðức Cha Lehmann, tác giả bài báo gọi sự kiện này như là "một trái bom nổ" trong tháng Giêng năm 2000. Ðó là lời Ðức Cha Lehmann tuyên bố rằng: "Nếu không còn có thể hướng dẫn Giáo hội một cách trách nhiệm nữa, thì ÐTC sẽ có can đảm quyết định đúng lúc." Và câu nói "can đảm quyết định đúng lúc" được nhiều người hiểu như là "quyết định từ chức". Do đó có nhiều phản đối tức khắc và mãnh liệt, những bình luận đây đó... rồi những cải chính công khai về phía Ðức Cha Lehmann. Trong một bản tuyên ngôn được loan trên đài phát thanh Ðức, Ðức Cha Lehmann lúc đò cho rằng có người nào đó đã muốn đặt ngài vào một góc tường, gây chia rẽ giữa Giáo hội Ðức và Vatican. Nhưng sau cùng, vụ này cũng qua đi và hòa bình đã trở lại.

 Sau khi loan báo về việc bổ nhiệm làm Hồng Y , Ðức Cha Karl Lemann tuyên bố: "Tôi hài lòng về việc bổ nhiệm, bởi vì việc bổ nhiệm này công nhận việc làm của tôi và của Giáo hội Ðức."

 Tờ báo "Người Ðưa Tin" (Il Messaggero), tờ báo lớn khác cũng xuất bản ở Roma dành nhiều bài bình luận nơi trang 4, về việc bổ nhiệm thêm 5 Hồng Y mới và tiết lộ hai vị đã được bổ nhiệm từ năm 1998.

 Bài bình luận chính có tựa đề lớn chiếm trọn bề ngang của trang báo, như sau: "Ðức Wojtyla bổ nhiệm "vị giám mục không muốn "làm Hồng Y". Cùng với lời tựa như trên, có ghi thêm lời giải thích như sau: "Trong dịp đọc kinh Truyền tin, việc loan tin bất ngờ của Ðức Gioan Phaolô II. Ðây là lần thứ nhất trong lịch sử, có một việc loan báo triệu tập Hội nghị Hồng Y được làm trong hai giai đoạn". Danh sách của 7 vị HY mới: hai vị người Ðức, một vị cấp tiến Ðức Cha Lehmann, nhưng cũng có một vị ôn hòa Ðức Cha Degenhart".

 Bài thứ hai của nhật báo "Người Ðưa Tin" có tựa đề như sau: "Mới vài ngày qua đi, lại có việc điều chỉnh lại lối đi - Có thể vì có những áp lực của mấy vị đại sứ: mỗi quốc gia muốn có đại diện của mình làm Hồng Y?". Có thể tác giả muốn nói đến trường hợp của Nam Phi và Bolivia: Nam Phi, Ðức Cha Napier, TGM Durban, và Ðức Cha Terrazas Sandoval, TGM Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, cả hai được bổ nhiệm và công bố vào đợt hai.

 Nhật báo còn đăng ba bức hình: Hình Ðức Cha Karl Lehmann, với những chú thích như sau: Sinh tại Sigmaringa năm 1936, giáo sư phụ tá nhà thần học Karl Rahner và được coi là một trong các nhà thần học công giáo Ðức, được bầu làm Giám mục Mainz năm 1983 và từ 14 năm nay chủ tịch HÐGM Ðức. Cách đây một năm, ngài đặt vấn đề có thể có sự từ chức của ÐTC".

 Hình thứ hai của Ðức Cha Lubomir Husar, với chú thích: sinh tại Lviv (Leopoli) năm 1933, đã phải chạy trốn cùng với gia đình lúc quân đội Liên xô đến Ukraine. Ngài là một đan sĩ. Năm 1977 được ÐHY Josif Slipyj phong chức Giám mục "lén lút". Năm 1996, Tòa Thánh công nhận việc phong chức này, nhưng không chấp nhận là người kế vị Ðức Cố Hồng Y Slipyj. Sau khi ÐHY Lubachivsky qua dời, Tòa Thánh chấp nhận việc lựa chọn Ðức Cha Lubomir Husar làm TGM theo đề nghị của Hội nghị Giám mục thuộc lễ nghi Bizantin và bổ nhiệm ngài làm Hồng Y, vì ngài là người bảo đảm con đường đại kết hơn với các tín hữu chính thống Ukraine và Nga.

 Hình thứ ba là của Ðức Cha Marian Jaworski: ngài sinh tại Lviv (Leopoli) năm 1926, sống tại Cracovia trong nhiều năm bên cạnh Ðức Karol Wojtyla và được tôn trọng như một linh mục và nhà thần học. Năm 1986, được bổ nhiệm làm Giám mục của các tín hữu công giáo thuộc lễ nghi Latinh tại Ukraine. Thăng TGM năm 1991 (sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ); ngài luôn luôn hoạt động để vượt qua những căng thẳng với các tín hữu Công giáo thuộc lễ nghi Bizantin tại Ukraine. Ngài được bổ nhiệm làm Hồng Y và được giữ kín "in pectore" năm 1998.

 Khi nhắc đến Ðức Cha Janis Pujats, TGM Riga, bên Lettonie, vị thứ hai được bổ nhiệm làm Hồng Y và được giữ kín "in pectore" năm 1998, báo "Người Ðưa Tin" viết như sau: "Ngài là một chứng nhân đức tin, nhưng rất bảo thủ trong lãnh vực phụng vụ; muốn cử hành thánh lễ quay lưng về phía dân chúng, như xưa. Vatican chọn ngài hơn là Ðức Cha Kakuls, vị bị coi là người có sự cộng tác phần nào với chế độ cộng sản.

 Ðể giải quyết các thắc mắc về việc bổ nhiệm thêm 5 vị Hồng Y và việc tiết lộ hai vị đã được bổ nhiệm từ năm 1998, Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh, Chúa nhật, (28. 01.2001), đã tuyên bố với Hãng thông tấn ANSA như sau: "Dĩ nhiên việc loan báo về một Hội nghị Hồng Y để bổ nhiệm các Hồng Y mới trong hai giai đoạn là một thủ tục "độc đáo", nhưng ÐTC đã quyết định từ trước rồi tên của các vị được bổ nhiệm từ Chúa nhật 21.01.2001". Tiến sĩ giải thích thêm như sau: "Mọi sự xoay chung quanh việc bổ nhiệm Ðức Cha Husar. Chỉ vài ngày trước đây (tức vào thứ năm 25.01.2001) Ðức Cha Husar mới được các Giám mục Ukraine chọn làm TGM Lviv (Leopoli). ÐTC đã chấp nhận tức khắc vào ngày thứ sáu 26.01.2001 việc lựa chọn này. Nhưng chỉ sau việc lựa chọn này mà thôi, ÐTC mới có thể bổ nhiệm Ðức TGM Husar làm Hồng Y được". Phát ngôn viên nói thêm: "Vì thế, để không loan tin một mình ngài trong giai đoạn hai này, Ðức Gioan Phaolô II đã dành lại danh sách bốn vị khác nữa (tức các Ðức Cha Degenhart, Terrazas Sandoval, Napier, Lehmann, và hai vị "in pectore". Tiến sĩ Navarro Valls kết thúc: "Nhưng, tên của tất cả các vị này đã được quyết định ngay từ Chúa nhật 21.01.2001, và làm thành phần của một chương trình tổng quát".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page