Vatican - 02.6.2000 - Trong buổi tiếp kiến chung thứ tư 31.5.2000 vừa qua dành cho các đoàn hành hương đến từ nhiều nước trên thế giới, ÐTC quan tâm cách riêng đến đoàn hành hương của Tổng giáo phận Leopoli (bên Ukraine), do Ðức TGM Marino Jaworski hướng dẫn. Cùng tham dự cuộc hành hương này còn có Ðức Cha Stanislaw Padewski, giám mục phụ tá, nhiều linh mục, Tu sĩ nam nữ và đại diện các giáo xứ của Giáo phận.
Trong diễn văn vắn đọc cho đoàn hành hương đặc biệt Ukraine, ÐTC nhắc lại những năm đen tối của các cuộc bách hại Giáo hội công giáo tại đây. Ngài nói: Anh chị em đến Roma bên Mộ Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô trong Năm Ðại Toàn xá này để bày tỏ trước hết, qua trung gian các Ngài, lòng biết ơn lên Thiên Chúa về ơn cao cả đức tin đã lãnh nhận được trong BÍ tích Rửa tội và sau đó để xin ơn củng cố đức tin. Anh chị em hãy biết rõ giá trị của ơn trọng này. Trong nhiều thập niên anh chị em đã trả sự trung thành với Thiên Chúa bằng nhiều đau khổ và xỉ nhục đủ mọi cách; anh chị em bị kỳ thị và chịu nhiều cuộc bách hại đầy đau thương.
Với nhiều cảm động tôi nghĩ đến tất cả con số đông đảo về giáo dân và giáo sĩ đã có can đảm và sức mạnh kiên nhẫn đến cùng bên cạnh Chúa Kitô và Giáo hội, không kể chi tù ngục, lưu đầy tại các nhà giam và các trại tập trung với những công việc nặng nhọc. Biết bao người đã trả với giá của chính mạng sống lòng trung thành này với Thiên Chúa, với Giáo hội Công giáo và với Tòa Thánh. Hôm nay đây Giáo hội cảm ơn anh chị em và tất cả anh chị em khác thuộc lễ nghi Ðông phương về thái độ can đảm và trung này.
Tôi xin anh chị em luôn luôn ghi nhớ sâu xa chứng tá của các Vị Tử đạo này và thông truyền chứng tá đó cho các thế hệ sẽ đến sau. Thực ra các Vị Tử đạo là dấu hiệu của Tình yêu: Tình yêu không lùi bước trước bất cứ nguy hiểm nào, hy sinh nào. Như vậy các Ngài được ghi vào Gia tài lớn lao của Giáo hội tại các lãnh thổ của anh chị em. Ước gì chứùng tá này của các Ngài trở nên gương mẫu và sự khuyến khích cho anh chị em trên con đường của Ngàn Năm mới.
ÐTC nói tiếp: Anh chị em rất thân mến, sự hiện diện của anh chị em tại Kinh Thành Muôn Thuở nầy được liên kết với truyền thống đã được khởi sự bởi Vị Ðầy Tớ Chúa, TGM Jozef Bilezewski. Ngài thường đến hành hương Roma cùng với các tín hữu của Ngài để đề cao mối giây liên kết sâu xa của Leopoli với Tòa Phêrô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa uy quyền, bởi vì thói quen tốt lành này đã được tái lập và cuộc gặp gỡ hôm nay đây minh chứng điều này. Với nhiều cảm động, tôi muốn nói với anh chị em là tôi vui mừng về sự hiện diện của anh chị em tại Quảng Trường Thánh Phêrô và tôi cảm ơn tất cả những ai đã chuẩn bị cuộc hành hương này. Thực ra, chúng ta là chứng nhân của những Việc vĩ đại của Thiên Chúa và dấu hiệu lớn lao của Sự Quan Phòng của Người. Vì thế chúng ta hãy ca ngợi Chúa Ba Ngôi cực thánh.
ÐTC kết thúc bài giảng khuyên: Trong lúc này đây tôi chạy đến Ðức Bà ban ơn. Tôi phú thác cho Người tất cả Tổng giáo phận. Ước gì Người luôn luôn hiện diện trong đời sống của anh chị em. Xin Người canh phòng và bầu cử với Con của Người những ơn cần thiết. Xin Người làm cho các tâm hồn cởi mở đón nghe Chân Lý và sẵn sàng chu toàn thánh ý của Thiên Chúa.
Một lần nữa, tôi tận tình chào thăm tất cả những ai hiện diện tại đây và tôi cầu chúc rằng Ðại Toàn xá của Năm 2000 củng cố anh chị em trong đức tin; gia tăng đức cậy và linh hoạt đức mến, để anh chị em luôn luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và tất cả anh chị em khác của Tổng Giáo phận Leopoli. Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!.
Nên nhớ lại:
Giáo hội công giáo thuộc Lễ
nghi Ðông phương Bizantin tại Ukraine, cũng
như các Giáo hội công giáo khác
tại các nước thuộc khối
Liên xô, bị bách hại trong nhiều
năm, dữ dội hơn dưới
thời ông Stalin. Năm 1930, Ông ra lệnh
tịch thu các nơi phụng tự, tài
sản Giáo hội; bắt giam và xử
án nhiều giám mục, Linh mục, Tu sĩ
Nam nữ và giáo dân, cưỡng
ép Giáo hội công giáo sáp
nhập vào Giáo hội chính thống
(vì giáo hội này ủng hộ Nhà
Nước). Nhiều linh mục và giáo
dân Ukraine trốn ra các nước
ngoài, cách riêng Hoa kỳ, Canada và
Australia. Tại các nơi này Giáo hội
công giáo Ukraine có nhiều công đồng
đông đảo vẫn trung thành với
các truyền thống phụng vụ của
mình. ÐHY Jozif Slypij, hình ảnh biểu
hiệu của Giáo hội Ukraine, nhiều năm
bị giam tù, sau được trả
tự do và đầy tại Roma, do sự
can thiệp của ÐTC Gioan XXIII.