Sáng thứ Sáu, ngày 17 tháng 3/2000, Tiến Sĩ Navarro-Valls, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, đã mở cuộc họp báo về chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC tại Thánh Ðịa. Tiến sĩ Navarro-Valls đã lưu ý các ký giả về một vài thay đổi trong chương trình viếng thăm, vừa đồng thời nhấn mạnh đến những yếu tố cần thiết để hiểu chuyến viếng thăm mục vụ quốc tế lần thứ 91 của ÐTC.
Một trong những thay đổi là vào ngày thứ Năm 23 tháng 3/2000, ÐTC sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với 12 giám mục và hồng y tại Nhà Nguyện của Phòng Tiệc Ly tại Giêrusalem. Sau thánh lễ, ÐTC sẽ ký gởi bức thơ cho Các Linh Mục nhân ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 2000.
Về những yếu tố cần thiết để hiểu chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của ÐTC, trước hết Tiến sĩ Navarro-Valls lưu ý đến danh gọi của chuyến viếng thăm. Ông muốn gọi (và hiểu) chuyến viếng thăm nầy là một cuộc "hành hương" của ÐTC đến Thánh Ðịa, giống như chuyến "hành hương" trước đến Núi Sinai, bên Ai Cập.
Vì thế, ý nghĩa của chuyến viếng thăm sắp đến là ý nghĩa của một cuộc hành hương, như ÐTC đã từng mong ước được đến kính viếng những nơi thánh, những địa điểm có liên hệ đến các biến cố trong lịch sử cứu rỗi, nhất là những biến cố có liên hệ đến Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Ðây là một cuộc hành hương để "trở về với cội nguồn Ðức Tin", là một cuộc hành trình đi tìm lại sự hiệp nhất kitô và thực hiện việc đối thoại liên tôn; và cuối cùng là một bước tiến thêm nữa trên con đường đi tìm nền Hòa Bình cho vùng Trung Ðông.
Như thế, chúng ta có thể ghi nhận bốn ý nghĩa của cuộc hành hương của ÐTC tại Thánh Ðịa: (1) kính viếng và cầu nguyện tại những nơi thánh, (2) trở về với cội nguồn Ðức Tin, (3) tìm lại sự hiệp nhất kitô và đối thoại liên tôn, (4) tiến bước thêm nữa trên con đường tìm kiếm Hòa Bình cho vùng Trung Ðông.
Vì đây là một cuộc hành hương, nên chương trình viếng thăm dành nhiều ưu tiên cho những giây phút viếng thăm riêng tư và cá nhân tại những nơi thánh, để "ÐTC có nhiều thời gian cầu nguyện riêng tại những địa điểm nầy" và đưa Giáo Hội vào Ngàn Năm Thứ Ba, thể theo con đường Chúa Giêsu đã đi qua.
Tiến Sĩ Navarro-Valls cho biết thêm rằng "ÐTC đến Israel, như là người bạn của người Do thái". ÐTC Gioan Phaolô II luôn luôn là người bạn của người Do Thái, đến độ Ngài xem "chủ nghĩa bài Do Thái và mọi hình thức ký thị chủng tộc khác là tội lỗi". Chính trong triều giáo hoàng của ngài, mà Tòa Thánh và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ðàng khác, ÐTC đến thăm Phần Ðất Tự Trị của Người Palestine, như một người bạn của dân tộc Palestine. ÐTC đã nhiều lần nhấn mạnh đến quyền của người Palestine được có một quê hương riêng. Trong bài giảng của ÐTC dịp lễ Giáng Sinh đầu tiên trong đời giáo hoàng của ngài, tức lễ Giáng Sinh năm 1978, Ðức Gioan Phaolô II đã nói lên ước nguyện đến kính viếng Bethlêem.
Nhắc đến khía cạnh đại kết của cuộc hành hương, tiến sĩ Navarro-Valls ghi nhận rằng Giáo Hội đã được thiết lập tại Palestine, nhưng sự hiệp nhất trọn vẹn mà Chúa Kitô mong muốn cho những đồ đệ của Người, thì lại chưa có. ÐTC hy vọng có thể tiếp tục con đường đối thoại đại kết, cả trong chuyến hành hương nầy, khi Ngài đến thăm Ðức Giáo Chủ Chính Thống Giêrusalem, cũng như gặp gỡ với những vị lảnh đạo các Cộng Ðoàn Kitô khác. Chúa Nhật ngày 26 tháng 3/2000, trước khi kết thúc cuộc hành hương trở về lại Roma, ÐTC đến thăm Ðức Giáo Chủ của Giáo Hội Armêni.
Trên bình diện đối thoại liên tôn, Tiến sĩ Navarro-Valls nhắc các ký giả hiện diện trong cuộc họp báo rằng Thành Giêrusalem là thành thánh đối với các tín đồ của ba tôn giáo độc thần: Do Thái Giáo,Kitô giáo và Hồi Giáo. Tiến sĩ Navarro-Valls cho biết rằng ÐTC Gioan Phaolô II xem ba tôn giáo nói trên như có một vai trò quyết định trong những cố gắng nhằm thiết lập một nền Hòa Bình công bằng và bền vững cho vùng Trung Ðông. Chương trình viếng thăm của ÐTC có dành một cuộc gặp gỡ đại kết, trong đó một Vị Rabbi của do thái giáo và mộtvị lãnh đạo Hồi giáo đã nhận lời mời đến gặp ÐTC.
Kết thúc cuộc họp báo, Tiến Sĩ Navarro-Valls lưu ý rằng: dù là một cuộc hành hương của ÐTC đến các địa điểm thánh, với những gặp gỡ đại kết và liên tôn, nhưng chuyến viếng thăm không bỏ quên cộng đồng công giáo địa phương. Chương trình viếng thăm dành Thánh Lễ mà ÐTC sẽ cử hành tại NÚI TÁM PHÚC, vào ngày thứ Bảy 25 tháng 3/2000, như là một biến cố đặc biệt dành cho các tín hữu công giáo.
Nhắc đến kết
quả của cuộc điều tra do Viện
Thăm Dò Dư Luận Gallup thực hiện
mới đây, Tiến Sĩ Navarro-Valls
cho biết rằng Ða Số người
Do Thái cho rằng cuộc hành hương
của ÐTC tại Thánh Ðịa có
ảnh hưởng tích cực trên
diễn tiến Hòa Bình tại Trung Ðông
và góp phần phổ biến sứ
điệp Ðối Thoại và Hòa
Bình.