Cuộc hành hương vĩ đại
của Giáo hội Slovak tại Roma
trong Năm Thánh

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc hành hương vĩ đại của Giáo hội Slovak tại Roma trong Năm Thánh.

 Vatican 15.2.2000 - Ngoài những cuộc hành hương và ngày toàn xá có tính cách quốc tế, thì cuộc hành hương Năm thánh vĩ đại hơn cả mà người dân Roma được chứng kiến trong những ngày này là cuộc hành hương quốc gia của Giáo hội Slovak, do Ðức TGM Rudolf Balaz, Chủ tịch HÐGM hướng dẫn, với sự hiện diện của Tổng thống cộng hòa Slovak, ông Rudolf Schuster và sự tham dự của hơn năm ngàn tín hữu Kitô. Chúng tôi nói: "Tín hữu Kitô", vì trong số này có nhiều anh chị em thuộc giáo hội Tin Lành cũng tham dự.

 Phái đoàn hành hương quốc gia Slovak được ÐTC tiếp trong Thính đường Phaolô VI. Ðây là một buổi gặp gỡ đầy hân hoan: cuộc gặp gỡ giữa các con cái từ nơi xa đến và Người Cha chung, người Cha đã viếng thăm nước của họ hai lần trong năm 1990 và 1995, kể từ lúc chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu sụp đổ, vào năm năm 1989. Trong cuộc gặp gỡ thân mật này, Tổng thống Schuster đã cảm ơn ÐTC, vì nhờ công ơn ngài, dân tộc Slovak được thông phần vào Năm Thánh, Năm thánh thứ nhất trong tự do và trong hân hoan.

 Linh mục Jan Majernik, trước đây đã học tại Roma, nay làm việc tại Palestine, thuộc ban tổ chức cuộc hành hương vĩ đại nầy, đã tuyên bố với Phóng viên Nhật báo Tương Lai xuất bản hôm ngày 16.2.2000, rằng: "Là một quốc gia, chúng tôi còn biết bao việc phải làm. Tàn tích của chế độ cũ chưa xóa bỏ hết được, nhưng chúng tôi ý thức rõ ràng rằng: chỉ có đức tin Kitô có khả năng đem lại sự đoàn kết cho Ðất Nước mà thôi. Sau Thánh địa, chúng tôi đến Roma, để cảm thấy niềm an vui của sự tha thứ, vì chỉ có sự tha thứ cho nhau và hòa giải giữa các con cái của một dân tộc mới giúp chúng tôi vượt được các khó khăn" - Ðược hỏi về sự hiện diện của Tổng thống, Cha Jan Majernik trả lời: "Chúng tôi có thể nói: ông mang nơi con người những khó khăn và những tương phản của Ðất nước; trước đây ông là người cộng sản, nhưng việc ông trở lại làm chúng tôi hy vọng. Ðiều gây xúc động nơi tôi là tại Thánh Ðịa, ông đã đi ra ngoài nghi thức ngoại giao của một vị tổng thống; ông đã quì gối cầu nguyện trước Mồ Thánh và trong Nhà thờ Giáng sinh".

 Cử chỉ và hành động của vị cựu cộng sản này là đáng tin, vì Cộng hòa Slovak là một quốc gia có tới hơn 70% công giáo. Một nhân vật cộng sản không thể là một vị tổng thống của một khối công giáo đông đảo và sùng đạo như vậy được, trong một chế độ dân chủ tự do. Việc trở lại của Ông không nên giải thích theo cái nhìn chính trị và coi là "xu thời". Ông không phải là người cộng sản thứ nhất trở lại. Nhà văn và ký giả André Froissard, người Pháp, qua đời cách đây hơn hai năm, cũng đã là một người vô thần, rồi trở lại. Triết gia André Frossard đã trở lại cách rất thành thực, và là bạn thân của Ðức Karol Wojtyla. Ông đã viết cuốn sách, như để tuyên xưng đức tin, với tựa đề: Thiên Chúa Hiện Hữu, Tôi đã gặp thấy Ngài" (Dieu existe, je L'ai vu). Trong Năm Thánh 2000 này, chúng ta cầu nguyện tha thiết để nhiều người được ơn trở lại như vậy. Nhiều người không trở lại hay xa Chúa, là vì thiếu lời cầu nguyện và nhất là thiếu gương sáng đời sống của chúng ta, các tín hữu công giáo. Năm Thánh là cơ hội thuận tiện, để mỗi người trong chúng ta kiểm điểm lương tâm và thay đổi đời sống. Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội, một thế giới tốt đẹp hơn. Và đây là mục tiêu chính của Năm Thánh.

 Trở lại buổi tiếp kiến ÐTC dành cho đoàn hành hương Quốc Gia Slovak. Ngỏ lời trong dịp nầy, Ðức TGM Rudolf Balaz, đã nhắc đến hai chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cộng hòa Slovak và Ðền Thánh kính Ðức Mẹ sâu bi, Quan Thầy của Quốc gia Slovak, như sau: "Kính thưa ÐTC, ngay năm 1996, Hàng Giám mục chúng con hầu như liều mất đi những lý tưởng và những hy vọng mà chúng con chứa đầy trong tâm hồn, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Nhờ ơn Chúa và lời bầu cử của Mẹ Maria, chúng con can đảm tiến trên con đường canh tân, tiến đến Mùa Xuân mới. Cuộc hành hương này là một bước tiến dài của Giáo hội Slovak chúng con trong đức tin và trong hy vọng".

 Ðáp lại lời Tổng thống và Ðức Giám mục chủ tịch HÐGM Slovak, ÐTC nói: "Phúc âm tạo nên một gia tài quí báu mà dân tộc anh chị em đã lãnh nhận từ nhiều thế kỷ. Và những năm dài của chế độ cộng sản đã không phá hủy được gia tài này. Và đây là giờ tái sinh thiêng liêng; đây là Mùa Xuân mới của hy vọng, sau mùa đông giá lạnh của chế độ vô thần". Lời của ÐTC đã được năm ngàn người hành hương vỗ tay hoan hô đón nhận và hát lên bài: "Chúc sức khỏe cho ÐTC, Vị Ðại diện Chúa Kitô" bằng tiếng Slovak, một thứ tiếng không xa lạ gì đối với ngài.

 Sau buổi tiếp kiến đoàn hành hương vĩ đại đi bộ tiến đến Ðền Thờ Ðức Bà Cả, vừa đi vừa đọc kinh và ca hát. Dân chúng Roma ngạc nhiên trước đoàn hành hương hòa bình này.

 Trên đường, Linh mục Antôn Solciansky, trong ban tổ chức cuộc hành hương, kể lại hai câu chuyện rất ý nghĩa. Chúng tôi không thể bỏ qua trong bài tường thuật này về Năm Thánh. Câu chuyện thứ nhất: Sự tích Ðền Thánh Ðức Mẹ sâu bi ở Sastin, Quan Thầy Quốc gia Slovak. Cách đây 500 năm, một người vợ bị chồng xử tàn bạo, hất ra khỏi xe té ngã xuống một đồng lầy kế bên đường, cầu nguyện xin Ðức Mẹ Sầu bi cho chồng trở lại, vì ông ta nghiện ruợu và mê dâm. Ðược Mẹ Maria nhận lời, Bà sắm một tượng kính Ðức Trinh Nữ. Lòng tôn sùng Ðức Mẹ sâu bi càng ngày càng lan rộng. Hoàng Hậu Maria Têrêsa đã xây cất Ðền Thánh kính Ðức Mẹ sầu bi tại Sastin, nơi xẩy ra sự việc. Ðền Thánh này là Ðền Thánh quốc gia và trở nên điểm hành hương của dân tộc Slovak và nhiều nước chung quanh. Câu chuyệïn khác, có tính cách cá nhân của Cha Solciansky: câu chuyện về ơn gọi làm linh mục của ngài, phát xuất năm 1982, trong thời kỳ cộng sản, trước khi thi Tiến sĩ về Khoa Lâm sản. Nhưng cha vẫn giấu kín trong nhiều năm, để cha mẹ khỏi bị sa thải khỏi việc làm và không bị tố cáo có con làm linh mục mà không khai báo và không tìm cách thuyết phục bỏ con đường này. Dù sao, thân mẫu của Cha cũng bị sa thải khỏi chức giám đốc một trường học, vì công an khám phá ra việc thân mẩu của Cha đi lễ các ngày chúa nhật tại một thành phố gần đó, dù bà đã tìm mọi cách để tránh việc tiết lộ. Cha kể tiếp: Ðậu tiến sĩ rồi, tôi dạy học trong một Học viện của Nhà Nước. Ðây là cách che đậy để tránh bị khám phá. Kỹ thuật này đã thành công, đến độ Ðại học của tôi đã có tới 45 linh mục và rất nhiểu nữ tu xuất thân, và tiếp tục cả sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.

 Trong các quốc gia Trung-Ðông Âu bị chế độ cộng sản Liên xô thống trị, thì Tiệp khắc (nay tách thành hai quốc gia Tchèque và Slovak) là quốc gia đã bách hại Giáo hội dữ dội hơn cả. Phong trào các linh mục quốc doanh, có tên gọi là "Hòa Bình trên mặt đất" (Pacem in terris), đã gây nhiều thiệt hại cho Giáo hội.

 Nhiều giáo phận trống ngôi lâu năm. Nhờ sự can đảm của ÐHY Tomasek, TGM giáo phận Praga, vị đã được gọi là "Cây sồi cổ thụ trước những cơn giông tố", nhiều người công giáo đã giữ vững dức tin, như ÐTC nói trong buổi tiếp kiến, "Ðức tin, gia tài quí báu mà anh chị em đã lãnh nhận từ nhiều thế kỷ; trong nhiều năm chế độ vô thần đã không hủy diệt được".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page