Các nhà báo công giáo
phải phản ảnh trung thực
với các giá trị của Tin Mừng

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Các nhà báo công giáo phải phản ảnh trung thực với các giá trị của Tin Mừng.

 Vatican - (UCAN AS5873.1083 5/6/2000) - Các nhà báo người công giáo không thể tách rời công việc làm của họ khỏi viễn ảnh (vision) các giá trị của tin mừng. Một nhà báo người công giáo là người biết bày tỏ đức tin kitô của mình qua công việc làm. Thách đố của họ trong thế kỷ mới này là trở nên trung thực với các giá trị phúc âm và điều này đòi buộc họ phải mạnh dạn lên tiếng dù điều này có làm nguy hiểm tới tánh mạng.

 Trên đây là nhận định của bà Theresa Ee-Choi, chủ tịch Hiệp Hội Báo Chí Công Giáo Quốc Tế, qua bài diễn văn đọc nhân dịp ngày toàn xá của các nhà truyền thông, diễn ra tại Vatican từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 6/2000. Bài diễn văn của bà Thêrêsa Ee Choi có tựa đề: "Giáo Hội vào bình minh của Kỷ Nguyên Thứ Ba: Quan điểm của một nhà báo trước những thách đố cho ngành Truyền Thông". Khoảng 7,500 các nhà báo, ký giả và phóng viên từ 54 quốc gia trên thế giới đã đến tham dự ngày toàn xá, trong số này có tham dự viên từ các nước Á Châu như: Bangladesh, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Pakistan và Philippines. Bà Thêrêsa Choi cũng là thành viên của hai Hội Ðồng Tòa Thánh, một đặc trách về giáo dân và một về truyền thông xã hội. Theo bà, trước hết, một nhà truyền thông người công giáo phải luôn luôn bảo vệ phẩm giá của con người như một giá trị của phúc âm và cũng là giá trị căn băn của con người. Các nhà truyền thông có thể ảnh hưởng tới cái nhìn về giá trị và sự phán đoán của người khác, đồng thời có thể giúp người khác ý thức về những thiếu xót của họ trong các lãnh vực công lý và nhân quyền. Bà nói như sau: "Ngày nay hơn bao giờ hết, các nhà truyền thông người công giáo cần nêu lên những vấn đề gai góc, những vấn đề có thể là phức tạp và không thể hạ giảm bằng những giải pháp đơn giản. Chúng ta cần phải trình bày những thông tin không thêm thắt, để giúp người khác suy nghĩ và tránh được việc chấp nhận một cách mù quáng những gì đến từ những người thông tin chỉ vì tư lợi riêng".

 Bà Thêrêsa Choi ghi nhận, nhiều nhà báo, ký giả và nhà truyền thông đã mất mạng sống vì đã khám phá và công bố sự thật. Một nhà truyền thông có trách nhiệm là người phải xử lý (deal) sự thật một cách trọn vẹn. Nhưng đáng tiếc là ngày nay người ta ngày càng chứng kiến một hiện tượng được gọi là "làm báo giải trí" (entertainment journalism), trong đó, các dữ kiện được trình bày không phải để công bố sự thật, nhưng chủ đích để kích thích sự tò mò, gây tranh luận và gièm pha. Tuy nhiên, cũng cần phải tôn trọng giới hạn trong việc thông truyền các tin tức (facts) bởi vì có những lúc, sự đòi hỏi của tình bác ái và công lý vẫn vượt trên quyền được thông tin của công chúng. "Sự thật không thể được dùng để phá hoại cuộc sống của người khác". Sau cùng vị giám đốc Hiệp Hội Báo Chí Công Giáo Quốc Tế cũng ghi nhận rằng, tuy là có sự phát triển nhanh chóng của ngành thông tin điện tử như truyền hình và mạng Internet, nhưng các sản phẩm ấn loát như báo chí và sách in vẫn đóng một vai trò quan trọng trong thế giới của truyền thông".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page