ÐTC Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Vương Quốc Giordani, Quốc Gia Israel và Vùng Ðất Tự Trị Palestine, từ ngày 20 đến 26 tháng 3/2000 nầy. Và như thế, ÐTC thực hiện được nguyện ước Hành Hương Năm Thánh của ngài, đến kính viếng những nơi có liên hệ đến lịch sử cứu rỗi.
Như chúng ta đã biết, cuộc "hành hương năm thánh" của ÐTC đã được dự trù thực hiện trong ba giai đoạn: (1) giai đoạn thứ nhất là hành hương kính viếng thành UR miền Calđê, nằm trong lãnh thổ quốc gia Iraq, theo vết chân của tổ phụ Abraham. Nhưng, vì hoàn cảnh chính trị, ÐTC đã không thể thật sự đến thăm thành UR được, nên ngài đã thực hiện một cuộc "hành hương tinh thần" đến quê hương của tổ phụ Abraham, qua một nghi thức tưởng niệm tại Ðại Thính Ðường Phaolô VI, trong nội thành Vatican, vào sáng ngày thứ tư 23 tháng 2/2000 vừa qua. (2) Giai đoạn thứ hai là "hành hương núi Sinai", theo vết chân của Ông Môisen. ÐTC đã thực hiện chuyến viếng thăm Ai Cập và hành hương núi Sinai, từ ngày 24 cho đến ngày 26 tháng 2/2000 vừa qua. (3) Giai đoạn thứ ba là hành hương thánh địa, kính viếng những nơi có liên hệ đến Mầu Nhiệm Nhập Thể. ÐTC sẽ thực hiện bước thứ ba nầy, trong chuyến "hành hương thánh địa" viếng thăm Giordani, Israel và Vùng Tự Trị Palestine, trong những ngày từ thứ Hai 20 cho đến Chúa Nhật 26, tháng 3/2000 nầy.
Trong bài hôm nay, chúng ta hãy tìm hiểu vài chi tiết liên quan đến chuyến viếng thăm Thánh Ðịa sắp tới của ÐTC.
ÐTC Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng thứ 2 đến thăm thánh địa, sau đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI. Ðức Phaolô VI đã đến thăm Thánh Ðịa, tại hai địa điểm Amman (thủ đô của Giordani) và Giêrusalem, vào năm 1964. Liền sau khi đặt chân đến Giêrusalen, Ðức Phaolô VI đã nói như sau: "Tôi xin chào chúc Thánh Ðịa nầy, nơi mà từ đó Thánh Tông Ðồ Phêrô đã ra đi và mãi cho đến nay, chưa có Người Kế Vị Thánh Phêrô nào quay trở lại."
Trong số những địa điểm được viếng thăm trong lần hành hương nầy, người ta có thể lưu ý đến vài địa danh đặc biệt có liên hệ đến lịch sử cứu rỗi, như: NÚI NÊBÔ, nơi mà truyền thống cho rằng ông Môisen đã lên đứng nhìn Ðất Hứa trước khi ngài qua đời; sông Giordanô nhắc đến biến cố Dân Chúa đã vượt qua sông nầy để vào Ðất Hứa; biến cố nầy đã trở thành "dấu chỉ" cho cuộc Vượt Qua của mọi người lảnh nhận bí tích rửa tội bước vào trong sự sống mới. Chúa Giêsu cũng đã bắt đầu cuộc đời rao giảng của Ngài nơi sông Giordanô, và từ đây Chúa lên rao giảng ở miền Galilêa phía bắc, và sau đó tiến về Giêrusalem, ở miền Nam.
Từ ngữ "Thánh Ðịa" được dùng ở đây, trong ngôn ngữ của Giáo Hội công giáo, để chỉ các phần đất bao gồm đảo CYPRUS, Dãi Ðất Dọc Miền Tây Sông Giordanô (West Bank), Giordani, và Israel.
Từ đầu cho đến năm 1929. Phần Ðất mà chúng ta gọi là "Thánh Ðịa" được đặt dưới thẩm quyền của Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Syria, có trụ sở tại thủ đô BEIRUT của LEBANON. Tháng 3 năm 1929, Ðức Piô XI quyết định quyết định đặt phần đất "Palestine", -- lúc đó trên bình diện chính trị thuộc quyền bảo hộ của Anh Quốc -- nằm trong trách nhiệm của vị Sứ Thần Tòa Thánh tại Cairô, bên Ai cập.
Ngày 11 thánh 2 năm 1948, Ðức Piô XII thiết lập Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestine, bao gồm phần đất Israel, Jordani, và Ðảo Cyprus.
Tiếp theo sau việc thiết lập ngoại giao giữa Tòa Thánh và Giordani ngày 3 tháng 3 năm 1994, và sau đó việc thiết lập ngoại giao giữa Tòa Thánh và Israel ngày 14 tháng 6 cùng năm 1994, tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem chỉ còn có trách nhiệm trên Giêrusalem và phần Ðất Tự Trị của Người Palestine.
Ngoài Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem, Tòa Thánh hiện có Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Amman, thủ đô Giordani, và tại Tel Aviv, thủ đô của Israel.
Xin được giải thích thêm rằng: từ "Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh" được dùng để chỉ cơ quan đại diện của Tòa Thánh tại một quốc gia chưa có liên lạc ngoại giao chính thức. Và từ "Tòa Sứ Thần Tòa Thánh" để chỉ cơ quan đại diện của Tòa Thánh tại một quốc gia đã có liên lạc ngoại giao chính thức.
Trên bình diện tổ chức phẩm trật của Giáo Hội Công Giáo, thì tại Thánh Ðịa hiện có hai cơ cấu sau đây.
Cơ cấu thứ nhất được gọi là "Hội Nghị Những Thẩm Quyền Công Giáo", quy tụ 12 vùng thẩm quyền công giáo, nhưng theo nghi thức khác nhau, tại Thánh Ðịa. Ðức Hồng Y Michel Sabbah, giáo chủ Giêrusalem theo nghi thức Latinh, là vị chủ tịch đương nhiên (ex officio) của cơ cấu nầy.
Cơ cấu thứ hai được gọi là "Hội Ðồng Các Giám Mục Công Giáo theo nghi thức Latinh của Vùng ÁRập", gồm có 12 vị giám mục thành viên. Hội Ðồng Giám Mục nầy đã được Bộ Giáo Hội Ðông Phương và Bộ Truyền Giáo thiết lập ngày 31 tháng 3 năm 1967, với quy chế đã được chính thức chấp nhận ngày 23 tháng 8 năm 1986. Vị chủ tịch là Ðức Hồng Y Michel Sabbah, và vị phó chủ tịch là Ðức Tổng Giám Mục Paul DAHDAH, TGM Bagdad, Iraq.
Theo niên giám của Tòa Thánh, thì Vương Quốc Giordani rộng 88,946 cây số vuông, với 6,300,000 dân, trong số nầy có 71,000 tín hữu công giáo, được phân chia thành 2 giáo phận, được chăm sóc mục vụ bởi 2 giám mục, 75 linh mục và 260 tu sĩ.
Quốc Gia Israel rộng 20,700 cây số vuông, với số dân khoảng 6 triệu, trong số nầy có 107,000 người công giáo, được phân chia trong 9 giáo phận, được chăm sóc mục vụ bởi 11 giám mục, 371 linh mục và 1217 tu sĩ.
Theo nguồn tin của hãng
hàng không "EL AL", thì có rất nhiều
khách hành hương đã tuôn
về Thánh Ðịa, nhân dịp chuyến
viếng thăm sắp đến của ÐTC.
Từ ngày 17 tháng 3/2000, hãng hàng
không EL AL đã mở thêm 20 chuyến
bay đặc biệt, từ Italia, Tây Ban
Nha, Hoa Kỳ, để phục vụ cho số
đông khách hành hương đến
Thánh Ðịa trong dịp nầy.