Lý do tại sao
Tổng thống Putin không mời
ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Nga

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Lý do tại sao Tổng thống Putin không mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Nga.

 Nhiều báo chí Ý hiện còn thắc mắc: tại sao Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, trong chuyến viếng thăm vừa qua tại Vatican, không mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Mosca. Ðược báo chí hỏi tại Roma cũng như tại Milano, Tổng thống chỉ trả lời: "Giữa Giáo hội chính thống và Giáo hội công giáo còn có những bất đồng ý kiến. Cần giàn xếp trước đã." Như vậy, việc không mời ÐTC viếng thăm Mosca, không phải do ông, mà do hoàn cảnh chưa cho phép. Vì thế ông không nhắc lại lời mời trước đây của Tổng thống Mikhail Gorbaciov.

 Chúng ta thử đi tìm những lý do khác nữa, để trả lời câu hỏi: tại sao Tổng thống Putin không mời ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Mosca trong lúc này, ngoài lý do được nêu lên trên đây là: giữa Giáo hội chính thống và Giáo hội công giáo còn nhiều vấn đề cần được giàn xếp trước đã.

 Như chúng ta thấy: có rất nhiều vị cựu KGB của Liên xô, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, cũng thay đổi lập trường, bên ngoài như từ bỏ hẳn cả ý thức hệ xưa kia, để tìm chỗ đứng trong Nước Nga mới. Ông Vladimir Putin là một trong các cựu nhân viên KGB, đã chiếm được địa vị cao nhất trong Ðiện Cẩm Linh, nhờ qua lá phiếu của dân chúng trong một cuộc bầu cử dân chủ, tự do. Ông có nhiệm vụ đưa nước Nga mới đến một nền dân chủ thực sự. Ðây là một sứ vụ không dễ dàng, sau 70 năm dân Nga sống dưới chế độ cộng sản.

 Trong chuyến viếng thăm vừa qua tại Ý, những lời tuyên bố của Tân Tổng thống cho thấy rõ ràng tình hình nội bộ hiện nay của Giáo hội chính thống Nga, một giáo hội mà ông là một tín hữu, tuy không sùng đạo như cựu Tổng thống Boris Eltsin. Và thực sự Tân tổng thống muốn thi hành chính sách: "Của Cesare, hãy trả lại cho Cesare, của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa", nghĩa là chính sách tách rời giữa Nhà Nước và Giáo hội; mỗi tổ chức theo lãnh vực và sở trường riêng của mình. Giáo hội chính thống Nga từ trước đến nay vẫn liên kết với bất cứ chế độ chính trị nào. Tổng thống Putin nói: Giáo hội này bị yếu kém đi nhiều trong 70 năm dưới chế độ cộng sản và hiện nay cảm thấy mình không được chuẩn bị để đồng hành với Giáo hội công giáo, cách riêng trong lãnh vực truyền giáo và lãnh vực bác ái, xã hội, một lãnh vực mà trước đây Giáo hội chính thống không quan tâm đến. Tổng thống Putin nhắc lại những vụ bách hại các tín hữu tại Liên xô, ngay sau thời kỳ bùng nổ cách mạng năm 1917. Trong một đêm mà thôi, đã có 20 ngàn Tu sĩ bị bắt giam và bị gìm trong hồ nước giá lạnh. Ðây là một cuộc Tử đạo của Giáo hội Nga được khởi sự và kéo dài trong nhiều năm. Cuốn sách "I testimoni dell'Agnello" (những chứng nhân của Con chiên) do Ấn quán Matriona xuất bản mới đây, nói đến những cuộc bách hại kinh khủng. Nhưng chắc chắn Tổng thống Putin không lấy tin tức bởi Cuốn sách này. Trong tư cách là một cựu đại tá của KGB, con của một sĩ quan hoạt động trong cơ quan Mật vụ của Liên xô, Tổng thống là người biết rõ sự việc đã xẩy ra trong những năm dưới chế độ cộng sản.

 Theo cuốn sách trên đây, thì từ 1918 đến 1949, đã có 130 ngàn trong số 250 ngàn tu sĩ, giáo sĩ chính thống bị xử bắn. Trong số 300 giám mục, có 250 vị bị giết và 46 vị bị cầm tù. Bốn vị sống sót, đã trở thành những người cộng tác đắc lực của chế độ và những người "săn tin" cho cơ quan Mật vụ. Vì thế những gì tổng thống đã nói với giới báo chí là những nguồn tin đích xác về Giáo hội chính thông Nga. Dĩ nhiên Tổng thống hồi đó không bao giờ làm việc trong cơ quan, được gọi là "Phòng năm" của KGB, cơ quan kiểm soát mọi hoạt động của các tín hữu và của hàng giáo sĩ.

 Lời của Tổng thống phù hợp với những lời mà phóng viên của nhật báo "Tương Lai", trong số phát hành ngày 08.6.2000, thu lượm được cách đây ít tuần nơi nhân vật số hai của Giáo hội Nga, TGM Kirill. Ngài nói: Sau 70 năm dưới chế độ cộng sản, Giáo hội chúng tôi bị tê bại, như một người có cánh tay bị băng bó từ nhiều năm, không thể cử động như ý muốn được.

 Và chính đây là điểm khiến Giáo hội Nga tự ti mặc cảm trước các Giáo hội Tây phương và tự cô lập hóa mình. Tổng thống Putin đã dùng những danh từ rõ ràng và đau thương để nói lên tình trạng hiện nay của Giáo hội Nga: "Giáo hội Nga cảm thấy mình không được chuẩn bị để đồng hành với Giáo hội công giáo". Và đây là tâm tình được phổ biến nơi dân chúng; nhưng các vị lãnh đạo chính thống lại dùng kiểu nói khác để che đậy dư luận, và tố cáo Giáo hội công giáo "chiêu mộ tín hữu chính thống". Luận điệu này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chính hôm thứ Tư (07.6.2000) Ðức Giáo chủ Mosca, còn nhắc lại rằng: Chỉ khi nào giải quyết được các vấn đề liên kết với việc bành trướng của Ðạo công giáo trên các lãnh thổ thuộc quyền của Giáo hội chính thống, lúc đó mới có thể có cuộc gặp gỡ với Vị Giáo Hoàng Roma.

 Thực ra các người công giáo không dụ dỗ các tín hữu bỏ Giáo hội chính thống. Cái gây phiền rầy cho các vị lãnh đạo Giáo hội chính thống chính là sự hiện diện cụ thể của các người công giáo trong lãnh vực xã hội-bác ái, một lãnh vực, mà theo truyền thống, Giáo hội Nga vẫn vắng bóng. Ngay từ dầu thế kỷ XX, Serghei Bulgakov, vĩ nhân của Nga, đã phê bình thẳng ngặt về Giáo hội chính thống như là một Giáo hội chỉ khép kín nơi mình, không có khả năng đối thoại với thời mới.

 Cuộc gặp gỡ giữa Giáo hội công giáo và Giáo hội chính thống cũng như cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Giáo chủ Alexis đệ nhị sẽ có thể giải quyết, khi các người chính thống Nga chấp nhận công khai hóa cả những lo sợ và chính sách bất khoan dung của họ. Công đồng của Giáo hội chính thống sẽ được triệu tập vào tháng tám tới đây có thể là cơ hội thuận tiện cho việc làm nầy. Từ Công đồng này, người ta hy vọng sẽ có một bước quặt. Và đây là bước quặt mà Tổng thống Putin cầu chúc và ước mong sớm có được, như trước đây, Serghei Bulgakov cũng đã muốn có như vậy.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page