Như chúng tôi đã có dịp loan tin: Từ ngày mồng 1 đến 4 tháng 6/2000, giới truyền thông xã hội cử hành ngày Toàn xá tại Roma. Theo tin của Văn phòng tổ chức, có 6,800 nhân viên thuộc giới truyền thông xã hội từ 54 quốc gia thế giới ghi tên tham dự. Dĩ nhiên, vì phương diện địa dư, nhóm Ý chiếm đại đa số. Sau nhóm Ý, đến nhóm Tây ban nha, gồm 205 người.
Sau đây là chương trình của những ngày Toàn xá của Giới truyền thông xã hội.
Lúc 15:30 thứ Năm 01.6.2000, tại Thính đường Thánh Nữ Cecilia trên đại lộ Hòa Giải, sau diễn văn chào mừng của Ðức TGM John Foley, chủ tịch Hội dồng Tòa Thánh về Truyền thông xã hội, Bà Theresa Eo-Chon, chủ tịch Hiệp hội quốc tế báo chí, thuyết trình hướng dẫn suy tư,
Chiều thứ Sáu 02.6.2000, lúc 17 giờ, khắp nơi trên thế giới có thể theo dõi qua đài truyền hình từ Thính đường Phaolô VI chương trình về cuộc gặp gỡ giữa ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh với giới truyền thông xã hội. Sau ÐHY, là cuộc gặp gỡ giữa Ðức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình và Ðức Giám mục Diarmuid Martin, thư ký của Hội đồng.
Trong những ngày Toàn xá, giới truyền thông xã hội cũng có cơ hội tham dự Buổi cử hành Lời Chúa có tính cách đại kết tại Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, vào ngày thứ Bẩy 03.6.2000, do ÐHY Edward Cassidy, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, chủ tọa.
Những ngày Toàn xá của giới truyền thông kết thúc sáng Chúa Nhật 04.6.2000, trong Thính đường Phaolô VI, bằng thánh lễ do ÐHY Roger Etchegaray, chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh, chủ tế. Sau thánh lễ, cũng tại Thính đường, lúc 12:15, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp chung và đối thoại với giới truyền thông xã hội, căn cứ vào sứ điệp của ngài dành cho năm 2000, về đề tài: Rao giảng Chúa Kitô qua các phương tiện truyền thông xã hội trong Ngàn Năm mới.
Ðể chuẩn bị và giúp giới truyền thông xã hội thi hành đứng đắn và với tinh thần trách nhiệm, sáng thứ Tư 30:5 vừa qua, Ðức TGM Foley, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, Ðức Cha Franco Pastore, thư ký và Tiến sĩ Angelo Scelzo, phó thư ký Hội đồng, dã trình bày với giới báo chí văn kiện mới do Hội đồng soạn thảo, nói về "Luân lý trong truyền thông xã hội". Ðây là một văn kiện vắn, ngoài phần dẫn nhập và kết luận, gồm có ba phần, trình bày về ba đề tài sau đây: (1) Truyền thông xã hội phục vụ con người - (2) Truyền thông xã hội vi phạm ích lợi con người - (3) Vài nguyên tắc luân lý.
Trong cuộc họp báo, Ðức TGM Foley nói: Chúng ta, những người chuyên về truyền thông xã hội, sống trong một môi trường, trong một nền văn hóa của truyền thông. Chúng ta tham dự vào nền văn hóa này không phải chỉ như những người chuyên nghiệp; chúng ta còn cần đến một khung cảnh luân lý, trong đó chúng ta sống và hoạt động.
Sau khi nêu lên những thành quả tích cực của văn kiện "Luân lý trong việc quảng cáo" cũng do Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, công bố cách đây ít năm, và được cổ võ bởi những thành quả đã thu lượm được do văn kiện về quảng cáo, Hội đồng cho phổ biến văn kiện mới nói về: "Luân lý trong truyền thông xã hội". Văn kiện được phát cho cho các người tham dự cuộc họp báo.
Chủ tịch Hội đồng Truyền thông xã hội nhắc lại rằng: Trong văn kiện này, ngay trong những trang đầu, việc xích lại gần, việc tiếp xúc của Giáo hội với giới truyền thông xã hội là một sự kiện nền tảng, tích cực và là một khuyến khích (số 4). Giáo hội không sợ các phương tiện truyền thông xã hội, miễn là trung thành với sứ vụ trong tinh thần trách nhiệm, trong tôn trọng chân lý, phẩm giá con người và tính cách khánh quan của sự việc. Giáo hội biết rõ ràng rằng: các phương tiện truyền thông xã hội là dụng cụ rất cần thiết và hiệu nghiệm cho công việc rao giảng Tin Mừng.
Văn kiện "Luân lý trong truyền thông xã hội" trước hết nói đến những khía cạnh tích cực của truyền thông xã hội, phục vụ ích lợi cho con người - sau đó đến những khía cạnh tiêu cực, nghĩa là những vi phạm công ích, những lạm dụng; do đó cần phải có những nguyên tắc nền tảng hướng dẫn và các nguyên tắc này phải dược mọi nguời tôn trọng và áp dụng.
Văn kiện không phải là một lời dứt khoát gửi cho giới truyền thông xã hội, mà là một lời mời gọi và một thúc đẩy cần thiết cho việc suy tư cá nhân và cho từng nhóm về những thách đố phải đối phó: việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội không phải chỉ có tính cách thực tại, cụ thể, nhưng có cả tính cách luân lý và trách nhiệm của các phương tiện thế lực này, mà Thiên Chúa cho chúng ta khám phá và phát triển để mưu ích cho toàn thể nhân loại.
Văn kiện nêu lên vắn tắt những lợi ích và những lạm dụng về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và tôn giáo của truyền thông xã hội. Và sau đây là nguyên tắc nền tảng bất di dịch: con người và cộng đồng nhân loại là mục đích và thước đo của việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Việc truyền thông phải do con người thực hiện để mưu ích cho việc phát triển toàn diện các người khác (số 21).
Nguyên tắc thứ hai bổ túc cho nguyên tắc thứ nhất trên đây: Ðó là công ích của con người không thể thực hiện tách biệt khỏi công ích của cộng đồng mà con người là thành phần. Nói thể khác, lợi ích cá nhân không được đặt trên công ích của tập thể, lợi ích nhóm thiểu số này không được lấn át lợi ích của nhóm khác, hoặc tệ hơn nữa gây nên kỳ thị, tranh chấp giữa nhau.
Trong bối cảnh và trong thời đại riêng biệt này, một châm ngôn rất ý nghĩa cần được áp dụng: Các quyết định về nội dung và về khuynh hướng của các phương tiện truyền thông không được chỉ nhằm đến thị trường (có tích cách buôn bán trục lợi) hoặc có tính cách kinh tế, bất cứ với giá nào. Vì thế, cho dù các tư nhân được quyền đầu tư vào các ngành truyền thông xã hội để sinh lợi, để tạo công ăn việc làm cho mình và cho người khác, nhưng trong trường hợp này, dù thuộc tư nhân, các phương tiện phải phục vụ công ích.
Trong phần kết thúc, Văn kiện khuyên nhủ riêng các nhân viên công giáo phục vụ trong ngành truyền thông như sau: Là những người truyền thông công giáo, chúng ta có nhiệm vụ rao giảng, có một tiếng nói: nói lên để chống lại những vị thần giả dối thời nay, chống lại thuyết duy vật, hưởng lạc thú, tiêu thụ, tinh thần quốc gia quá khích... bằng cách bênh vực chân lý, dựa trên phẩm giá con người và trên các quyền bất khả xâm phạm của con người, dựa trên việc lựa chọn ưu tiên đối với các người nghèo khổ, dựa trên việc phân phát đồng đều tài sản trên trái đất này, dựa trên tình yêu thương đối với cả các người thù dịch và dựa trên việc tôn trọng không điều kiện sự sống con người tù lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên - bằng việc theo đuổi mục đích sau cùng của việc thực hiện hoàn toàn hơn cả của Nước Chúa trên thế gian này - vừa ý thức rõ ràng rằng, đến ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ lấy lại mọi sự và đem đến cho Chúa Cha.
Văn kiện viết thêm:
Những suy tư trên đây cũng
được gởi đến tất
cả những người thiện chí
trên cả thế giới. Vì thế,
trong phần kết, văn kiên nhắc đến
Chúa Kitô là gương mẫu cho tất
cả các nguời hoạt động
trong ngành truyền thông xã hội: "Trong
những ngày này, Chúa Cha đã
nói với chúng ta qua trung gian của
Chúa Con. Người Con này thông
cho chúng ta, giờ đây và mãi
mãi, tình yêu thương của Chúa
Cha và ý nghĩa sau cùng của đời
sống chúng ta. Chúa Giêsu là gương
mẫu của công việc truyền thông
của chúng ta. Vì thế chúng ta phải
loại bỏ mọi gian dối, hãy nói
lên sự thật cho tha nhân... đừng
bao giờ thốt ra những lời
độc địa, nhưng, nếu cần,
hãy nói lên những lời
tốt lành, xây dựng, có ích
cho những người nghe" (Eph 4, 25-27).