Vatican - 13.6.2000 - Sáng thứ Hai, 12.6.2000, ÐTC tiếp ông Widodo Sutiyo, Tân Ðại sứ Indonesia đến trình thư ủy nhiệm. Trong diễn văn đọc trước Nhà ngoại giao Indonesia, ÐTC nhấn mạnh đến những điểm sôi bỏng sau đây: việc tôn trọng các quyền con người và tự do tín ngưỡng - một giải pháp công bình tại miền Ðông Timor và việc chấm dứt những vụ xung đột đổ máu tại quần đảo Molluque- Trong chính ngày Chúa Nhật 11.6.2000 vừa qua cũng có những vụ bạo động xẩy ra.
Trước hết, ÐTC nhắc lại những vụ sát hại dữ dội và những tàn phá hiện còn đang tiếp diễn giữa các người theo tôn giáo khác nhau tại Molluque. Ngài nói: Cộng đồng quốc tế đang chờ đợi chính phủ Indonesia đưa ra những biện pháp cần thiết để chấm dứt những căng thẳng và để bảo đảm rằng: mọi công dân phải được cư xử bình đẳng trước pháp luật. Nhắc lại những vụ tấn công về phía các người Hồi giáo chống lại các tín hữu Kitô (công giáo và tin lành), ÐTC nói thêm: Việc xử dụng bạo động nhân danh tôn giáo là một tương phản, không phù hợp với các nguyên tắc của các tôn giáo lớn trên thế giới.
Tiếc thay, ngày Chúa nhật 11.6.2000 vừa qua, các vụ bạo động vẫn tiếp tục. Sáu người (trong số này có hai nhân viên cảnh sát) đã bị thiệt mạng và khoảng 20 người khác bị thương tại Ambon, thủ đô của quần đảo Molluque. Tại Thành phố này, những vụ tấn công của các người Hồi giáo quá khích chống lại các tín hữu Kitô, được thực hiện bằng các loại vũ khí khác nhau: súng, dao, cung bắn tên. Kể từ ngày xẩy ra các vụ xung đột đến nay (tức từ tháng giêng năm 1999), đã có khoảng 2,600 người bị sát hại.
ÐTC cũng nhắc đến tình hình tại miền Ðông Tinor, nơi đây trong năm vừa qua dân chúng đã phải sống trong bách hại, tàn phá. ÐTC yêu cầu tôn trọng tự do của các người tị nạn đã phải bỏ miền Ðông Timor, trốn sang miền Tây Timor (thuộc quyền kiểm soát của Indonesia) để tìm anh ninh. Họ cần được giúp đỡ về phương diện nhân đạo và được hoàn toàn tự do trở lại bản quán, nếu họ muốn. ÐTC cũng yêu cầu Nhà Cầm quyền Jakarta trừng phạt nghiêm nhặt bất cứ người nào vi phạm nhân quyền. Ngài nói: Hy vọng của tôi là nhà Cầm quyền Dili (thủ đô miền Ðông Timor) và Jakarta hãy làm mọi cách để tái lập những mối quan hệ thân hữu và cộng tác thành thực, để mưu công ích cho người dân; các mối quan hệ này phải được xây dựng trên các nguyên tắc của công bình, tôn trọng nhau và tình liên đới.
Nhân dịp này, chúng tôi xin được nhắc lại lịch sử của những vụ xung đột dẫm máu giữa người Hồi giáo cuồng tín và tín hữu Kitô, trong thời gian qua:
Vụ xung đột bắt đầu xẩy ra tại Thủ dô Ambon ngày 19 tháng Giêng năm 1999. Nguyên nhân như sau: Một tín hữu công giáo lái xe đụng phải một thanh niên Hồi giáo. Lập tức vụ này gây nên phản ứng mạnh mẽ tại xã của thanh niên bị thương. Ðáng lẽ vụ đáng tiếc này phải giàn xếp ổn thỏa, trái lại đã gây nên một cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai phe khác nhau cả về tôn giáo, cả về nghề nghiệp: Hồi giáo phần lớn chuyên về buôn bán, tín hữu công giáo đa số chuyên về nghề nông.
Từ vụ này, sự thù ghét giữa hai phe trở nên mỗi ngày mỗi lan rộng: nhiều người thiệt mạng, nhiều nhà cửa, nhà thờ Công giáo và đền thờ Hồi giáo bị phá hủy, nhiều người dân phải bỏ nhà cửa trốn đến những miền an ninh hơn. Trong hơn một năm, những căng thẳng vẫn không giảm bớt; trong nhiều lúc, đã xẩy ra những vụ bạo động dữ dội và sát hại tàn bạo.
Nhiều người và chính Ðức Cha Petrus Canisius Mandagie, giám mục giáo phận Amboina, trụ sở tại Ambon, nghĩ rằng: sự thù ghét giữa hai cộng đồng được nuôi dưỡng bởi một số người khiêu khích, cần phải được cô lập hóa và trừng phạt.
Ðức Cha nói đến những nhà chính trị thuộc chế độ trước đây và nhất là những người thuộc quân đội Indonesia: họ chủ ý tẩy chay đường lối đổi mới được khởi sự trong lục cá nguyệt năm vừa qua và được tiếp tục, sau khi ông Abdurrahman Wahid được bầu làm Tổng thống. Ngoài ra, một số người Hồi giáo cuồng tín đã muốn liên kết với hai nhóm trên đây để ngăn cản việc thực hiện "tính cách trần thế" của Cộng hòa Indonesia. Họ chủ trương Indonesia phải là một Quốc gia Hồi giáo. Chứng cớ hiển nhiên là cảnh sát đã tịch thu được những vũ khí: lựu đạn và súng ống do Pháp chế tạo. Những loại vũ khí này rất khó lòng lọt vào tay những người gây rối loạn, nếu không có sự đồng lõa của người nào đó trong quân lực Indonesia.
Trong chuyến viếng thăm
Ambon ngày 12.12.1999, Tổng thống Wahid và
phó Tổng thống bà Megawati Sukarnoputri
đã kêu gọi các đại diện
của nhóm xã hội, tôn giáo khác
nhau trong quần đảo Molluque tái lập
cuộc chung sống hòa bình . Cũng trong
ngày này, Ủy ban Quốc hội Indonesia
phụ trách vấn đề Ambon, đã
bác bỏ chương trình của quân
dội vì vị phạm Hiến Pháp: chương
trình về di tản người dân
đến hai khu vực hoàn toàn khác
nhau: khu vực dành cho người Hồi
giáo, khu vực khác cho các tín
hữu Kitô.