Các phương tiện truyền thông
của Giáo hội
phải đưa sứ điệp Kitô giáo
vào trong "nền văn hóa mới"

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Các phương tiện truyền thông của Giáo hội phải đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong "nền văn hóa mới".

 Tin SAM PHRAN, Thái Lan (UCAN 25/1/2000) -- Một khóa hội thảo của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) cho rằng các phương tiện truyền thông của Giáo hội phải đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong "nền văn hóa mới" hình thành từ các phương tiện truyền thông hiện đại, chứ không chỉ loan truyền những gì mà Giáo hội dạy dỗ. Các tham dự viên của khóa hội thảo "Giáo hội và Truyền thông Xã hội ở châu Á" tại đại hội khoáng đại lần thứ bảy của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã nói trong bản đúc kết hội thảo rằng việc đưa sứ điệp Tin mừng vào trong "nền văn hóa truyền thông mới" là hết sức quan trọng. Các đại biểu đã nêu lên thách đố của văn hóa truyền thông mới mà Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng đề cập trong thông điệp năm 1991 "Về hiệu lực thường hằng của sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội" (Redemptoris Missio) và trong tông huấn "Giáo hội ở châu Á" (Ecclesia in Asia), văn kiện chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu. Trước sứ mạng truyền thông này, các đại biểu đề xuất với Giáo hội ở châu Á hãy thăm dò các khả năng sử dụng không gian điều khiển cũng như các hình thức truyền thống khác như điệu múa, bài hát và thi ca rất phong phú nơi các nền văn hóa ở châu Á. Giáo hội phải sử dụng mọi phương tiện truyền thông sẵn có, kể cả Ðài Phát thanh Chân lý Á châu và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Các đại biểu cho rằng các Giám mục, giáo sĩ và tu sĩ phải được huấn luyện về truyền thông và việc huấn luyện này phải bao gồm các khóa học về thần học, lý thuyết và thực hành truyền thông. Các Giám mục và tham dự viên đã nói thêm rằng Giáo hội phải nhìn nhận và khuyến khích các chương trình truyền thông biết đề cao các giá trị Tin mừng và phát triển nhân bản, cũng như việc Kitô hữu tham gia tích cực trong lãnh vực truyền thông của xã hội. Các đề xuất của khóa hội thảo đã được đệ trình cho các đại biểu FABC tại đại hội khoáng đại được tổ chức từ ngày 3 đến 13-1-2000 tại trung tâm huấn luyện mục vụ Baan Phu Waan của tổng giáo phận Bangkok ở Sam Phran, phía tây thủ đô Thái Lan. Các đại biểu cho rằng công nghệ kỹ thuật số như mạng Internet và các vệ tinh đang biến các phương tiện truyền thông thành những công cụ thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể tạo ra các khả năng tương tác có khả năng xây dựng các cộng đồng nhưng cũng đề cao chủ nghĩa cá nhân. Chúng có thể cung cấp tin tức và mang lại sự giải trí nhưng cũng cổ vũ một "nền văn hóa của sự chết." Các đại biểu cảnh báo rằng lãnh đạo Giáo hội không nên bỏ qua thực tế là các công nghệ truyền thông mới tạo ra những thời cơ và những thách đố vượt ra ngoài biên giới quốc gia và lục địa. Các Giám mục Á châu cũng không nên quên bỏ qua thực tế là toàn bộ đời sống của Giáo hội chính là truyền thông, và truyền thông là trung tâm của mọi thừa tác vụ của Giáo hội. Các đại biểu ghi nhận Giáo hội chỉ là thiểu số ở châu Á đang sinh hoạt trong bối cảnh nhiều tôn giáo và nhiều nền văn hóa đa dạng, và cho rằng cách Giáo hội tiếp cận truyền thông có thể phát huy đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo và các nền văn hóa. Các đại biểu đã khen ngợi Văn phòng Truyền thông Xã hội (OSC) của FABC về nỗ lực làm sáng tỏ các khái niệm và tăng cường kiến thức về "truyền thông xã hội" cho các Giám mục Á châu. Tuy nhiên, họ đề nghị OSC đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ hơn và tạo điều kiện liên kết giữa những người Công giáo làm việc chuyên môn trong lãnh vực truyền thông Công giáo và giữa những người trẻ sử dụng phương tiện truyền thông, để làm phong phú hơn nữa sự hiểu biết của Giáo hội về truyền thông xã hội nhờ chuyên môn của họ. OSC phải có sáng kiến để chứng minh các phương tiện truyền thông mới có khả năng gợi hứng và khuyến khích các Giáo hội địa phương ở châu Á phát triển các hoạt động truyền thông hữu hiệu của mình. Văn phòng truyền thông cũng nên cung cấp cho các Giáo hội địa phương các tài liệu tham khảo thực tiễn khi các Giáo hội này cố gắng phát triển các hoạt động truyền thông xã hội của mình. Khoảng 100 giám mục, 70 linh mục, nam nữ tu sĩ và 35 giáo dân đã tham dự đại hội của FABC.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page