Ðức Bonifacio VIII (1294-1303) mở năm Toàn xá đầu tiên (Jubilaeum) năm 1300, và ấn định cử hành cứ 100 năm một lần. Sau đó, Ðức Clemente VI (1342-1352) rút lại 50 năm. Ðức Gregorio XI (1370-1378) ghi Ðền thờ Ðức Bà Cả vào sổ các Ðền thờ được lãnh ơn toàn xá. Sau đó, Ðức Urbano VI (1378-1389) ấn định cử hành Năm Toàn xá 33 năm một lần, để kính nhớ thời gian Chúa Giêsu sống ở trần gian. Ðức Martino V (1417-1431) và Ðức Nicolo V (1447 - 1455) cũng xác nhận quyết định của Ðức Urbano VI.
Nhưng Ðức Phaolô II (1464-1471), được bầu làm Giáo Hoàng lúc 48 tuổi (có sách nói 53 tuổi) ấn định cử hành Năm Toàn xá cứ 25 năm một lần và Năm Toàn xá (Jubilaeum) được gọi là Năm Thánh (Annus Sanctus). Ngài hy vọng sẽ được mở Năm Thánh vào năm 1475, nhưng qua đời bất ưng cuối tháng 7 (27 hoặc 28) năm 1471.
Các quyết định của ngài đã được Ðức Sixto IV (1471-1484) tái xác nhận và thi hành. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngày 26 tháng 3 năm 1472, Ðức Sixto IV cho công bố Sắc chỉ "Salvator noster Dei Patris" để xác nhận lại các quyết định của Vị Tiền nhiệm đã được ghi trong Sắc chỉ "Ineffabilis Providentia" về giáo lý ơn toàn xá, về việc lãnh ơn toàn xá, với những điều kiện đã được qui định. Rồi ngài nhắc lại: Năm Thánh sẽ được cử hành năm 1475.
Ngày 29 tháng 8 năm 1473, Ðức Sixto IV cho công bố Sắc Chỉ "Quemadmodum operosi", ấn định Năm Thánh sẽ được khai mạc vào Ngày Vọng Lễ Giáng sinh năm 1474 và bế mạc vào Lễ Giáng sinh năm sau (1475). Cũng trong Sắc này, ÐTC giải thích các lý do của quyết định này: sự lo lắng mục vụ cho tất cả đoàn chiên Chúa. Trong Sắc này, ÐTC đưa ra một sự mới lạ quan trọng: đình chỉ trong Năm Thánh tất cả các ơn toàn xá, trừ những ơn toàn xá được ban trong khi kính viếng các Ðền thờ Cả và các nhà thờ ở Roma mà thôi.
Cũng trong Năm Thánh 1475, lần đầu tiên xử dụng kỹ thuật mới để in các văn kiện như: Sắc mở Năm Thánh, những chỉ dẫn cho các người hành hương, để lãnh ơn toàn xá, các kinh dùng trong Năm Thánh, các lễ nghi được cử hành, thủ bản dùng cho việc lãnh Bí tích Hòa giải v.v...
Công việc ấn loát các văn kiện Năm Thánh được trao cho Ấn quán Ðức, như Ấn quán Adam Rot, chuyên môn về các sách nói về Ân xá và các cuốn hướng dẫn hành hương (Mirabilia Urbis Romae: những điều kỳ diệu của Thành Roma).
Ðể chuẩn bị Năm Thánh, Ðức Sixto IV còn cho sửa sang và xây cất thêm các tòa nhà trong Thành phố. Vì thế, các người thời đại của ngài đã gọi ngài là "Urbis Restaurator et Urbis Renovator" (Người sửa lại Thành Roma và là người Canh tân Thành). Với sự cộng tác của Kỹ sư Leon Battista, Ðức Sixto IV cho xây cất các cầu qua sông Tevere. Thời danh hơn cả là cầu Ponte Sixto (mang tên của ngài). Cầu này và các công việc khác do sáng kiến của Ðức Sixto IV vẫn tồn tại cho tới ngày nay, như Via Sixtina, Via giữa Monte Mario và Borgo San Pietro. Ngài còn cho mở rộng bệnh viện Santo Spirito, kế bên Vatican. Ngài cũng cho sửa lại Quảng trường trước Ðền thờ Thánh Gioan Laterano và pho tượng Marco Aurelio tại Campidolio (Thị xã Roma).
Ngoài ra, Ðức Sixto IV là Vị Giáo Hoàng tôn phong Chân phước Bonaventura lên bậc Hiển Thánh và lập Lễ Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, được mừng vào ngày 8 tháng 12. Nhưng Tín điều về Ðức Maria vô nhiễm chỉ được tuyên bố ngày 8 tháng 12 năm 1854, do Ðức Pio IX mà thôi. Ðức Sixto IV cũng là Vị Giáo Hoàng dẹp bỏ những lạm dụng của Tòa Ðiều Tra Tây ban nha, hủy bỏ các văn kiện của Công đồng Costanza, xây cất Nhà nguyện Sixtina (mang tên của ngài) trong Ðền Vatican. Ðức Sixto IV là một nhà nhân bản học lỗi lạc và yêu mến nghệ thuật. Ngài cho mở rộng Thư viện Vatican, sửa lại các nhà thờ, các đường phố Roma, xây cất giếng nước Trevi (thời danh, ở trung tâm Roma, thu hút rất nhiều du khách).
Ðức Sixto IV qua đời
5 tháng 2 năm 1484, được an táng
trong Ðền thờ Thánh Phêrô.
ÐHY Giuliano Della Rovere, cháu của ngài,
cho xây cất một ngôi mộ huy hoàng
bằng đồng, để kính nhớ
vị Giáo Hoàng nổi tiếng này.