Giáo hội công giáo Nam Hàn
với việc hòa giải dân tộc
và thống nhất Ðất nước

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo hội công giáo Nam Hàn với việc hòa giải dân tộc và thống nhất Ðất nước.

 Từ mấy ngày nay, thế giới hướng nhìn về cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa hai vị lãnh đạo miền Bắc và Miền Nam Ðại Hàn, bị chia đôi, sau đại chiến 1950-1953. Tổng thống Nam Hàn hết sức ngạc nhiên trước sự tiếp đón tiếp long trọng và nồng hậu dành cho Ông và Phái đoàn tại thủ đô Bình nhưỡng. Ngoài Chủ tịch Nhà Nước Bắc Hàn, các nhân viên cao cấp trong chính phủ và quân đội, hơn sáu trăm ngàn người tuốn đến sân bay và trên các ngả đường, để chào mừng và hoan hô vị Thượng khách, như một vị cứu tinh, một người sẽ đem đến niềm hy vọng lớn lao trong tương lai cho toàn dân. Thật sự sáng kiến về cuộc gặp gỡ lịch sử này là do vị Tổng thống công giáo đầu tiên của Nam Hàn và cũng do sự cộng tác hăng say của Giáo hội công giáo từ nhiều năm nay. Cuộc gặp gỡ hòa giải, để đi đến thống nhất Ðất Nước mang một ý nghĩa rất sâu xa trong Năm Ðại Toàn xá này. Và người công giáo phải là những người tiên phong trong công việc xây dựng hòa bình, đoàn kết và tình liên đới, tình huynh đệ, theo giáo huấn và gương sáng của ÐTC trong Năm Thánh này. Vậy Giáo hội công giáo Nam Hàn đã làm những gì trong nhiều năm nay, để cổ võ và góp công tích cực vào việc hòa giải và thống nhất hai miền Nam-Bắc Ðại Hàn?

 Trong bài phỏng vấn dành cho Hãng thông tấn quốc tế công giáo Fides, Ðức Cha Nicolas Cheong, TGM giáo phận Hán Thành, thủ đô Nam Hàn, đã tuyên bố như sau: "Chúng tôi chờ đợi cuộc họp thượng đỉnh sẽ đưa đến việc thiết lập những mối quan hệ giữa Bắc-Nam, trên bình diện tôn giáo và cổ võ việc đoàn tụ các gia đình".

 Dĩ nhiên Ðức Cha Cheong, vừa là TGM Hán Thành, vừa kiêm Giám quản Tông Tòa Bình nhưỡng, không phát biểu ý kiến về các vấn đề chính trị, vì không thuộc thẩm quyền của Giáo hội. Ngài chỉ nhấn mạnh đến sự quan tâm của Giáo hội công giáo Nam Hàn đối với việc hòa giải và thống nhất quê hương và việc đoàn tụ gia đình, một vấn đề hoàn toàn nhân đạo.

 Người công giáo Nam Hàn hiện nay khoảng 3 triệu, tức 7%, trong số gần 45 triệu dân cư miền Nam. Miền Bắc có khoảng 3 ngàn, hầu hết sinh sống tại Thủ đô Bình nhưỡng. Số người công giáo Nam Hàn gia tăng rất nhanh chóng, nhất là sau hai chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II. Tháng 5 năm 1984, ngài đến đây để mừng kỷ niệm 200 năm Tin Mừng, do người giáo dân Ðại Hàn đem vào miền đất này và đồng thời để tôn phong 103 Vị Tử đạo lên bậc Hiển Thánh. Lúc đó số người công giáo chỉ có khoảng một triệu bẩy trăm ngàn. Tháng 10 năm 1989, ÐTC đến Hán Thành để chủ tọa các lễ nghi bế mạc Ðại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 44. Hai biến cố lịch sử này đã gây được ảnh hưởng và uy tín rất sâu rộng nơi Giáo hội công giáo Nam Hàn, trong nước cũng như trong Giáo hội hoàn vũ. Số người công giáo gia tăng từ một triệu bẩy trăm ngàn lên tới hơn 3 triệu. Ơn kêu gọi linh mục, tu dòng và truyền giáo rất nhiều, trong lúc mà tại các nước kỹ nghệ ơn gọi đang gặp khủng hoảng. Hàng giáo dân hăng say trong các lãnh vực: xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị... Nên nhắc lại: chính người giáo dân Ðại Hàn là những nhà truyền giáo đầu tiên đem Tin Mừng cho dân tộc mình.

 Giáo hội công giáo Nam Hàn hãnh diện, vì ông Kim Ðại Trung (Kim Dae Jung), là người công giáo đầu tiên được bầu làm Tổng thống và cũng là Vị lãnh đạo Nam Hàn đầu tiên can đảm bước một con đường mới: con đường hòa giải và thống nhất Ðất nước. Và đây chính là mục tiêu mà Giáo hội công giáo nhằm từ lâu. Việc góp phần của Giáo hội công giáo vào hòa giải và thống nhất được phát triển trên ba bình diện sau đây:

 Trước hết, chiến dịch cầu nguyện: được khởi sự từ năm 1965. Các Giám mục thành lập ngày cầu nguyện toàn quốc để cầu cho "Giáo hội thầm lặng" tại Bắc Hàn. Nhưng vào năm 1991, ngày cầu nguyện được đổi tên là "Ngày cầu nguyện cho hòa giải và đoàn kết Dân tộc Ðại Hàn". Giáo hội đề cao con đường cần thiết này: "Con đường hòa giải và đoàn kết", để tiến đến một nền hòa bình bền bỉ. Ngoài "Ngày hòa giải và đoàn kết", còn có rất nhiều chiến dịch cầu nguyện cho Giáo hội và dân tộc Ðại Hàn tại các giáo phận, giáo xứ và các cộng đồng, hội đoàn giáo hội...

 Chiến dịch chia sẻ - nhằm đến việc giúp đỡ vật chất cho dân miền Bắc. Ai cũng nhận thấy rằng: mức sống giữa hai miền khác nhau một trời một vực: tại miền bắc, lợi tức hằng năm của người dân trung bình là một ngàn Mỹ kim; trong lúc đó tại miền nam lên tới 10 ngàn Mỹ kim. Hiện nay Nam Hàn là một nước kỹ nghệ, phát triển mạnh mẽ trong nhiều lãnh vực, và được xếp vào hạng 12 hoặc 13 trên thế giới.

 Chiến dịch chia sẻ được khởi sự từ năm 1984, lúc các điều kiện cho phép thực hiện. Các sáng kiến này được gia tăng nhất là vào nửa năm 1990, lúc Bắc Hàn bị nạn lụt, nạn đói. Chiến dịch được phổ biến bằng khẩu hiệu "Tặng một đĩa bún cho người anh chị em miền Bắc" và được cụ thể hóa bằng việc xây cất một nhà máy chế tạo bún (giống hệt bún Ý, spaghetti - Nguồn gốc bún do Trung quốc, được nhập cảng vào Ý). Thực ra, đĩa bún là thức ăn rất thông thường cho cả hai miền Ðại Hàn, rẻ tiền hơn gặp và nhiều người dân miền Nam rất có khả năng tham dự vào chiến dịch cứu đói này.

 Ngoài chiến dịch "đĩa bún", các người công giáo miền Nam còn đóng góp số tiền lớn 7 triệu 800 ngàn Mỹ Kim, để xây cất một bệnh viện tại miền Kinh tế mới (Zes, giống các miền kinh tế của Trung quốc). Chính quyền miền Bắc cho xây cất bệnh viện này tại Rajin Seonbong. Ðiều rất đáng quan tâm và ý nghĩa là Chính phủ Bình nhưỡng trao công việc xây cất bệnh viện cho các Ðan sĩ Dòng Biển đức, vì các ngài có một địa điểm truyền giáo tại đây và có nhiều uy tín nơi Nhà Cầm quyền và dân chúng.

 Sau cùng, chiến dịch "nhậy cảm hóa lương tâm" người dân Nam cũng như Bắc về sự cần thiết của Hòa giải giữa hai miền. Ðây là công việc khó khăn, nhưng là nền tảng. Nhiều năm chia đôi đất nước và chiến tranh đã để lại những vết thương quá sâu rộng nơi người dân cả hai miền. Giáo hội công giáo nhấn mạnh đến sự cần thiết này: là việc thống nhất về chính trị phải đi sau việc hòa giải giữa hai miền của một dân tộc duy nhất. Ngày nay danh từ hòa giải đi sâu trong dân chúng và được ghi trong các cuốn ngữ vựng chung, bên cạnh danh từ "thống nhất". Ðây là công ơn của Giáo hội công giáo Nam Hàn.

 Nguồn tin Giáo hội giải thích thêm như sau: "Hòa giải đích thực phát xuất bởi việc tha thứ cho nhau: tha thứ và xin tha thứ (tinh thần của Năm Thánh). Chỉ có như vậy, việc thống nhất trong tương lai mới có nền tảng vững chắc". Chính trong tinh thần này, năm 1995, một trường mang tên "trường thống nhất dân tộc", được thành lập. Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng. Cho tới nay đã có 1,200 người tham dự các lớp học hỏi này.

 Trong khi chờ đợi những diễn tiến tốt đẹp của cuộc họp thượng đỉnh giữa hai vị lãnh đạo miền Bắc và miền Nam tại Bình nhưỡng, Giáo hội gia tăng cầu nguyện, vì chỉ mình Thiên Chúa có thể thay đổi tâm hồn con người, để không những dân tộc miền Bắc-Nam Ðại Hàn, nhưng tất cả các dân tộc trên thế giới được sống trong hòa giải, hòa bình và trong tình huynh đệ. Ðây cũng là một trong mục tiêu đã được ÐTC ghi trong Kinh Năm Thánh 2000.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page