Những ngày Năm Thánh tại Roma
Ðoàn quân tự nguyện của Năm Thánh

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Những ngày Năm Thánh tại Roma - Ðoàn quân tự nguyện của Năm Thánh.

 Tất cả các người hành hương cũng như những ai qua lại các Ðền thờ Roma, dự các thánh lễ do ÐTC cử hành, hoặc các buổi tiếp kiến chung... từ ngày khai mạc Năm Thánh (24.12.99) đến nay, đều thấy các thanh niên nam, nữ, các người lớn và cả các người cao niên... mặc chiếc áo "gilet bleu - gilet blue); trên áo này, đàng trước và đàng sau, có ghi lại lời rất ý nghĩa của Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét chung: "Ta là khách xa lạ, các người tiếp đón Ta" (Mt 25, 35).

 Các thanh niên nam nữ, các người lớn này là ai? Họ là những người tự nguyện, đến từ các nước khác nhau, nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng cùng chung đức tin, chung tước hiệu con cái Chúa, thành viên và anh chị em của đại gia đình Giáo hội... Họ tự nguyện đến Roma để phục vụ các người hành hương trong Năm Thánh. Cho tới lúc này đã có tới 12 ngàn tự nguyện viên thay đổi nhau thường trực suốt ngày từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, tại bên ngoài và bên trong các Ðền thờ cả ở Roma. Con số này sẽ lên tới 60 ngàn vào cuối Năm Thánh. Ða số là những thanh niên nam, nữ và những người lớn thuộc các giáo xứ, hoặc các Hội đoàn, Phong trào Giáo hội có tính cách quốc gia, hoặc quốc tế; đa số đến từ các miền khác nhau trong nước Ý; nhưng cũng có rất nhiều thanh niên năm nữ đến từ 60 quốc gia khác nhau trên thế giới, để giúp hướng dẫn các người hành hương nói các thứ tiếng khác nhau. Tuổi các tự nguyện viên này từ 18 đến 80, trong số này có 20% trên 60 tuổi.

 Ðạo quân tự nguyện này làm việc như thế nào? Ðược chia thành từng "nhóm" (équipe), và làm việc thay phiên nhau, từ một tuần đến 2 tuần (15 ngày). Mỗi ngày, mỗi tự nguyện viên làm việc 6 tiếng đồng hồ từ 8 đến 14 giờ, hoặc từ 14 giờ đến 20 giờ. Mỗi tự nguyện viên làm việc hai ngày tại mỗi Ðền thờ, luân chuyển từ Ðền thờ Thánh Phêrô, đến Thánh Gioan in Laterano, Ðức Bà Cả và Thánh Phaolô ngoài Thành và Ðền thờ Thánh giá Jerusalem. Các tự nguyện viên có nhiệm vụ hướng dẫn các người hành hương, giữ trật tự và thông tin, để tất cả các cuộc hành hương, các buổi cử hành phụng vụ được diễn ra trong nghiêm trang. Ngoài các thanh niên và các người lớn lành mạnh, còn có khoảng 800 thanh niên nam, nữ tàn tật , ngồi trên xe lăn cũng xin đến phục vụ các đoàn hành hương. Ðể di chuyển các tự nguyện viên tàn tật này, có những chiếc xe bus riêng dành cho họ. Mỗi ngày có 800 tự nguyện viên làm việc trong khu vực các Ðền thờ. Nhưng ngày Lễ Phục sinh vừa qua phải huy động tới 1,400 và ngày mồng một tháng 5 tới đây, ngày Toàn xá của Giới Lao động, sẽ cần đến 1,500. Thực là một đạo quân hùng mạnh, rất hiệu năng, kỷ luật, chỉ khác quân đội ở chỗ này là không mang vũ khí. Vũ khí của đạo quân này là đức tin, đức bác ái công giáo, lòng quảng đại và tinh thần xả kỷ.

 Sau đây là chứng tá của mấy tình nguyện viên được nhật báo công giáo Ý (Avvenire 28.4.2000), thuật lại. Chứng tá này nói lên đức tin, lòng quảng đại và tinh thần bác ái của những người thuộc đạo quân hòa bình này.

 Ông Eugenio Jenco, 78 tuổi, người Roma, thuộc đoàn tự nguyện Năm Thánh kể lại: Sáng sớm, tôi ra khỏi nhà, dù không cảm thấy mình khỏe mạnh; nhưng tôi không nói gì với vợ tôi cả, sợ vợ tôi không để tôi ra khỏi nhà. Sau ít phút, tôi đến quảng trường Thánh Phêrô và tôi thấy khỏe lại như không có gì xẩy ra. Xin thú thực: tôi mắc chứng ung thư - ông vừa kể cách thành thực và vui tươi như không có gì phải lo lắng cả- nhưng tôi sẵn sàng sống đức tin của tôi; tôi muốn trở nên người hữu ích cho mình và cho người khác, trong suốt Năm Thánh này, nếu Chúa để tôi sống.

 Ông Eugenio Jenco là chủ tịch Hội Thánh Vixentê của giáo xứ Thánh Pancrazio, trên đồi Gianicolo, gần Vatican. Ông là người Roma, từ ba đời. Thứ năm 27.4.2000 vừa qua, ông đã cùng với 700 tự nguyện viên tham dự Ngày Toàn xá, do Ðức TGM Crescenzo Sepe, Tổng thư ký Ủy Ban trung ương Năm Thánh cử hành cho các anh chị em tự nguyện. Tất cả tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ðoàn kiệu từ từ tiến vào Ðền thờ, qua Cửa Thánh, rồi dự thánh lễ.

 Một chứng nhân khác: Cô Eleonora Squassobia, 23 tuổi, người Verona (miền bắc Ý), một thiếu nữ rất duyên dáng và thông minh, đang học Ban Triết (Khoa Tâm lý). Cô đến Roma để tình nguyện giúp các người hành hương, từ thứ sáu Tuần Thánh, và cô trở lại Verona thứ bẩy 29.4.2000 này. Nhưng cô nói ngay với phóng viên nhật báo Avvenire rằng: Tháng 8 tôi sẽ trở lại và tôi hy vọng còn trở lại lần nữa vào Lễ Giáng sinh, luôn luôn với tư cách tự nguyện viên. - Cô thuộc đoàn hướng đạo sinh và đây cũng là một trong các lý do lựa chọn của cô: tinh thần phục vụ của hướng đạo sinh. Cô nói: Nhưng không chỉ vì lý do này. Tôi muốn sống Ðại Toàn xá một cách sống động hơn; đây là lý do chính của việc tôi phục vụ các người hành hương tại Roma.

 Cô phục vụ một ngày tại Ðền thờ Giêrusalem - một tại Ðền thờ Ðức Bà Cả, một tại Ðền thờ Thánh Gioan in Laterano và hai ngày tại Ðền thờ Thánh Phêrô. Cô ngạc nhiên về con số hành hương trong Ngày Lễ Phục sinh. Cô nói: Chúa ôi, không biết bao nhiêu người nữa, đông qúa sức, chưa bao giờ tôi thấy quang cảnh sầm uất như vậy.

 Một chứng nhân khác: Trong đoàn rước kiệu Ngày Toàn xá của các tự nguyện viên chiều thứ năm 27.4.2000 vừa qua, đứng cạnh Thánh giá dẫn đầu đoàn kiệu tiến vào Ðền thờ Thánh Phêrô, có cậu Salvatore Fiumara, 25 tuổi, thuộc tỉnh Messina (miền nam nước Ý), sinh viên đại học, dấn thân hoạt động tông đồ trong giáo xứ và đứng đầu équipe tự nguyện tại Roma. Cậu nói: Tôi đã đến đây dịp lễ Giáng sinh rồi. Chúng tôi rất đông và có nhiều lý do để tham dự vào Năm Thánh. Phục vụ các người hành hương là một dấn thân của đức tin trong Năm Thánh này và đây cũng là cách sống cụ thể Năm Toàn xá.

 Cô Maria Cristina đứng bên cạnh nói thêm: Ðể sống thực sự Năm Thánh, cần phải khiêm tốn, cần nhiều và rất nhiều sự khiêm tốn. Cần nhận mình là tội lỗi trước mặt Thiên Chúa. Có như vậy, chúng ta mới tìm canh tân đời sống. Có như vậy chúng ta mới hiểu được những gì xẩy đến cho chúng ta. Nghĩa là chúng ta sẽ hiểu được tất cả những gì xẩy đến, sự lành cũng như sự dữ; không thể chỉ giới hạn việc giữ đạo vào việc mong lãnh thưởng hay vì sợ hình phạt sau này của Thiên Chúa, nhưng phải dấn thân sống đức tin suốt cả cuộc đời, không phải chỉ trong Năm Thánh mà thôi. Năm Thánh chỉ là cơ hội thúc đẩy chúng ta tiến lên và sau đó phải tiếp tục tiến mãi. Người tín hữu Kitô là người lữ hành, không thể dừng lại, mà phải tiến đi mãi cho tới khi đạt tới đích sau cùng: Thiên Chúa của chúng ta, ngự trong vinh quang, đang chờ đợi chúng ta, con cái của Người.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page