Tin ÐÀI BẮC (UCAN 28-2-2000) -- Diễn đàn công khai đầu tiên về quan hệ Ðài Loan - Tòa Thánh - Trung Quốc đã kêu gọi đánh giá lại căn tính của Giáo hội Ðài Loan. Giữa những suy đoán gần đây rằng quan hệ Ðài Bắc - Tòa Thánh không ổn định, sáu tổ chức Công giáo đã tổ chức diễn đàn về quan hệ Ðài Loan - Tòa Thánh - Trung Quốc vào các ngày 18 và 19-2-2000 tại Ðài Bắc. Ðây là diễn đàn công khai đầu tiên qua đó các thành phần trong Giáo hội và giới học giả Công giáo nói lên quan điểm của họ về quan hệ Ðài Bắc-Tòa Thánh.
Linh mục Jac Kupers, giám tỉnh dòng Ngôi Lời, người giúp tổ chức diễn đàn, nói rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là một cơ hội để Giáo hội Ðài Loan tìm lại căn tính của mình. Ngài phát biểu với khoảng 100 linh mục, nữ tu và giáo dân tham dự diễn đàn rằng Giáo hội phải là một bộ phận của xã hội để đóng góp cho xã hội. Nữ tu Christine Lin, thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của giới tu sĩ nam nữ Ðài Loan và là thanh viên trong ban tổ chức diễn đàn, cho biết diễn đàn nhằm giúp người Công giáo ở đây suy nghĩ về việc biến khủng hoảng thành thời cơ. Tuyên bố của Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Angelo Sodano hồi tháng 2-1999 nói rằng Tòa Thánh sẵn sàng dời tòa sứ thần từ Ðài Bắc về Bắc Kinh nếu Bắc Kinh tán thành hành động này, đã gây quan ngại trong Giáo hội và chính phủ Ðài Loan.
Ông Paul Fan Chiang, chủ tịch Hội đồng Tông đồ Giáo dân của tổng giáo phận Ðài Bắc và là người tham gia tổ chức diễn đàn, cho rằng vấn đề quan hệ Tòa Thánh-Trung Quốc thách thức Giáo hội Ðài Loan phải biết nghĩ xa hơn vai trò thuần túy quan hệ quốc tế với Tòa Thánh và hoạt động từ thiện. Ông nhấn mạnh giờ đây Giáo hội phải trở lại với chiều kích đức tin của mình.
Ông Cheng Wen-liang, người đã viết một thư ngỏ gởi Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II hồi tháng 12 năm ngoái (1999) nhân danh một nhóm Công giáo trẻ, nhằm kêu gọi Ðức Giáo hoàng không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan, nói rằng Giáo hội Ðài Loan phải khẳng định căn tính của mình và đóng một vai trò tích cực hơn trong xã hội. Ông bày tỏ hy vọng rằng sẽ có đối thoại nhiều hơn với Giáo hội tại Trung Quốc, và các giám mục tại Ðài Loan có thể ý thức hơn về những gì mà giáo dân quan tâm liên quan tới quan hệ Ðài Loan-Tòa Thánh-Trung Quốc. Giáo hội Ðài Loan càng muốn thấy chấm dứt sự bách hại tôn giáo tại Trung Quốc bao nhiêu, thì Giáo hội này càng không muốn bị bỏ rơi trong đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh. Một số người tham dự diễn đàn nói rằng Giáo hội tại Ðài Loan nên có một vai trò tích cực hơn khi đương đầu với những thách thức hiện nay.
Ông Sun Hsiao-chih, giáo sư triết học tại Ðại học Quốc gia Ðài Loan, nói rằng vấn đề cũng liên quan tới sự tự trị của một Giáo hội địa phương và không nên chỉ giới hạn ở mối quan hệ ngoại giao. Ông ghi nhận Giáo hội Ðài Loan phải nhận ra rằng Tòa Thánh phải gần gũi với Bắc Kinh vì vai trò mục vụ của Tòa Thánh. Tuy nhiên, nếu vì lý do này mà Tòa Thánh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan thì Giáo hội địa phương phải phản đối cách mạnh mẽ.
Ông Cheng Ching-yu thuộc Cộng đoàn Sự sống Kitô giáo, một thành viên khác trong ban tổ chức diễn đàn, nói rằng Giáo hội địa phương không nên im lặng. Ông cho biết thêm lá thư ngỏ gởi Ðức Giáo hoàng là một bước quan trọng trong sự phát triển của Giáo hội.
Nữ tu dòng Nữ Tử Phục Vụ Xã Hội Theresa Tsou I-lan đã kêu gọi Giáo hội tại Ðài Loan không nên để bị tổn thương cách thụ động. Chị ghi nhận rằng các cuộc thảo luận hiện nay thường tập trung vào Vatican và Giáo hội tại Trung Quốc. Thay vào đó, phải tập trung thảo luận về đức tin, khẳng định lại chính mình và xét đoán các giá trị trần thế trong tinh thần phê phán bằng cái nhìn tiên tri.
Ku Wei-ying, giáo sư sử học của Ðại học Quốc gia Ðài Loan, đã tiên đoán chính phủ Hoa Lục sẽ tiếp tục nâng đỡ Giáo hội được chính thức công nhận và đàn áp Giáo hội "bí mật," ngay cả sau khi Trung Quốc thiết lập ngoại giao với Tòa Thánh. Ông cho rằng khi Tòa Thánh xem xét việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Tòa Thánh phải lưu tâm tới tình cảm của Giáo hội Ðài Loan và đề cao các nguyên tắc tự do tôn giáo và tính phổ quát của Giáo hội.
Những người
tham dự diễn đàn cũng nhìn
nhận tầm quan trọng của sự đồng
thuận giữa các giám mục và
giáo dân, của việc củng cố căn
tính của Giáo hội địa phương
và quan hệ giữa Giáo hội và
xã hội. Trong số các thành viên
tham gia tổ chức diễn đàn còn
có Trung tâm Mục vụ Ðài Loan,
Hiệp hội Nữ tu Ðài Bắc
và Nhóm "Sprout" (mầm cây), một tổ
chức của phụ nữ Công giáo.
Trong khi đó, hồi đầu tháng
2 Hội Sinh viên Công giáo của Ðại
học Lingnan ở Hồng Kông đã
ra bức thư bày tỏ bố về
sự quan tâm và ủng hộ đối
với lá thư của giới trẻ
Công giáo Ðài Loan gởi Ðức
Giáo hoàng.