Stockholm - 11.4.2000 - Elisabeth Hesselblad, người Thụy điển, sinh trong gia đình thuộc Giáo hội Tin Lành Luther, trở lại Giáo hội công giáo lúc làm Y tá tại một bệnh viện lớn ở Hoa kỳ; sau đó, xin vào Dòng, trở thành vị tái sáng lập Dòng Thánh Nữ Brigida (cũng người Thụy điển), và được tôn phong lên Bậc Chân phước Chúa nhật 9.4.2000 vừa qua cùng với bốn Vị Ðầy Tớ Chúa: hai Linh mục và hai Nữ Tu sáng lập Dòng. Lễ nghi Phong Chân Phước của Mẹ Elisabeth Hesselblad là một biến cố lịch sử, không những cho Giáo hội công giáo nhỏ bé tại Thụy điển, (gồm khoảng 200 ngàn trong số gần 9 triệu dân, hầu hết theo Giáo hội Tin Lành Luther), nhưng còn là một vinh dự cho cả dân tộc Thụy điển nữa, không phân biệt thuộc Giáo hội hay tín ngưỡng nào.
Từ trước tới giờ, trừ chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II (tháng 6 năm 1989), các phương tiện truyền thông xã hội tại Thụy điển chưa bao giờ dành một sự chú ý đặc biệt như vậy đối với Giáo hội công giáo và đối với tất cả những gì đã xẩy ra tại Quảng trường Thánh Phêrô Chúa nhật 9.4.2000 vừa qua. Cả hai đài truyền hình Quốc gia đã tiếp vận với Roma đề truyền trực tiếp trong ba tiếng đồng hồ lễ nghi Phong Chân Phước của Mẹ Elisabeth Hesselblad, với những bài bình luận nhập lễ và kết thúc đầy hứng thú. Sau đó, tất cả lễ nghi còn được truyền lại một lần nữa vào ngày thứ hai (10.4.2000), từ 13 đến 16 giờ trên đài TV của Nhà Nước. Chưa biết rõ số thính giã là bao nhiêu, nhưng theo ước tính đầu tiên, đã có ít ra 9 triệu người dân Thụy điển theo dõi các buổi truyền hình trực tiếp ngay ngày Chúa nhật và lặp lại ngày thứ hai. Ðây là một dữ kiện hết sức ngạc nhiên tại một quốc gia đại đa số theo Giáo hội Tin Lành Luther. Phải chăng đây là dấu hiệu báo một tương lai tốt đẹp cho việc hiệp nhất giữa các tin hữu tại Thụy điển, quê hương của hai Vị Thánh Brigida và Elisabeth, cả hai là tông đồ nhiệt thành cổ võ vệc thực hiện Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tối sau cùng: "Ut sint unum" (xin cho họ được hiệp nhất với nhau).
Lễ Phong Chân phước còn được loan báo trước cách sâu rộng trong dân chúng qua các báo chí và đài phát thanh, truyền hình (do các tin của các phóng viên Thụy điển từ Roma gửi trực tiếp về Stockholm). Ðây là một mới lạ cho người dân Thụy điển, bởi vì Vị Thánh tiên khởi của Thụy điển, Thánh Nữ Brigida, được phong Hiển Thánh trong năm 1391, cách đây hơn 6 thế kỷ. Hơn nữa các Thánh người Thụy điển rất ít oi. Thánh Ansgario (801-865) truyền giáo tại miền Scandinave (Ðan mạch, Nã uy, Thụy điển), đã làm cho Vua Olaf nước Thụy điển hồi đó trở lại Ðạo công giáo, và là Thánh Quan Thầy của Thành phố Stockholm, thực ra không bao giờ được phong Chân phước, cũng không phải là người Thụy điển.
Ðiều gây xúc động nơi người dân Thụy điển hơn cả là lúc bức màn che ảnh của Chân Phước Elisabeth Hesselblad và bốn vị Chân Phước khác, treo trước Ðền thờ Thánh Phêrô, được kéo lên giữa những tràng pháo tay vang dội của hơn 60 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ. Thật là một vinh dự lớn lao cho dân tộc Thụy điển trước thế giới.
Dù đại đa số nguời dân Thụy điển theo Giáo hội Tin Lành Luther (chưa hiệp nhất và công nhận quyền tối cao của Vị Kế nghiệp Phêrô, Giám mục Roma và Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ), nhưng Phái đoàn Chính phủ Thụy điển dự thánh lễ Phong Chân phước, gồm hai đại sứ cạnh Tòa Thánh và cạnh Cộng hòa Ý, nhiều nhân vật quan trọng dân sự và quân sự, và ông thị trưởng thành phố Faaglavik, sinh quán của Chân phước Elisabeth Hesselblad, do Bà Ingela Thalen, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn. Ðây là một cử chỉ gương mẫu của một quốc gia thực sự tự do, dân chủ, của Nhà Cầm quyền biết tôn trọng các quyền căn bản của người dân, cách riêng quyền của các nhóm thiểu số, bất cứ họ thuộc tôn giáo, nền văn hóa hay chủng tộc nào.
Ngày thứ hai 10.4.2000, các báo chí Thụy điển đã đề cao biến cố Chúa nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô và dành nhiều trang đầu, vớí nhiều hình ảnh mầu, để tường thuật về lễ Phong Chân Phước và đề cao công nghiệp và dấn thân không biết mỏi mệt của Mẹ Elisabeth Hesselblad trong việc cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ðây cũng là lần đầu tiên báo chí Thụy điển nói đến thủ tục nghiêm nhặt của việc làm án phong thánh. Các báo chí thuật lại phép lạ do lời bầu cử của Chân phước. Nữ tu Martine, bị chứng đau khớp xương đầu gối; bệnh tình trở nên không thể chữa được nữa. Chị phải dùng xe lăn để chuyển vận. Nhưng sau khi Chân phước Elisabeth Hesselblad hiện ra, hai đầu gối của Chị được lành mạnh cách lạ lùng. Sự kiện này đã được khám nghiệm bằng những dụng cụ tinh vi nhất của Y khoa thời nay. Các bác sĩ đều hết sức ngạc nhiên và không thể giải thích được theo khoa học.
Chân phước Elisabeth
Hesselblad đã làm phép lạ chữa
bệnh thể xác, chắc chắn ngài
sẽ làm nhiều phép lạ thiêng
liêng, nhất là phép lạ được
ngài quan tâm và dấn thân hơn
cả là sự hiệp nhất giữa
các tín hữu Kitô, như ÐTC
đã nói trong bài giảng Phong Chân
phước Chúa nhật 09.4.2000 vừa
qua: "Tiên phong của Phong trào Ðại
kết, Chân phước Elisabeth Hesselblad
xác tín rằng: trong khi lắng nghe tiếng
Chúa Kitô đóng đanh, tất cả
các tín hữu Kitô đáng
lẽ phải hiệp nhất trong một đàn
chiên, dưới quyền hướng
dẫn của một Chủ chăn duy nhất".