Cuộc họp báo
của Ðại sứ Do thái cạnh Tòa Thánh
về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Israel

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc họp báo của Ðại sứ Do thái cạnh Tòa Thánh về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Israel.

 Sáng ngày 03.4.2000, Ðại sứ Do thái cạnh Tòa Thánh, ông Aharon Lopez, triệu tập các phóng viên báo chí đã theo dõi chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thánh địa, để nói lên cảm tưởng của Ông, của chính phủ và của dân tộc Do thái đối với cuộc hành hương vừa kết thúc Chúa nhật 26.3.2000 vừa qua.

 Ðại sứ mở đầu cuộc họp báo bằng những lời sau đây: Chiếc máy bay của Nhà Vua Jordanie dành cho Ðức Gioan Phaolô II, mang cờ Vatican và Do thái, từ Amman thủ đô Jordanie bay qua Israel, rồi đáp xuống phi trường quốc tế Tel Aviv lúc 17:30 ngày 21.3.2000. Ðây là một biến cố lịch sử; đây là một hình ảnh biểu hiệu có lẽ mạnh mẽ hơn cả, gói ghém tất cả những gì đã xẩy ra trong những ngày vừa qua trên Ðất Israel; đồng thời cũng nói lên chuyến viếng thăm vừa kết thúc của Ðức Gioan Phaolô II tại Thánh địa là cái gì. Một chuyến viếng thăm lịch sử. Chuyến viếng thăm không có danh từ hoặc tĩnh từ nào có thể biểu diễn được hết ý nghĩa sâu rộng của nó; một chuyến viếng thăm đã chinh phục được tâm hồn nguời Dân Israel.

 Trong những tháng vừa qua, Ðại sứ Lopez là một trong các người dấn thân hăng say hơn cả trong việc tổ chức chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thánh địa. Trong cuộc họp báo, ông nhấn mạnh cách riêng đến ý nghĩa lớn lao của mối quan hệ giữa Giáo hội công giáo và Dân tộc Israel. Rồi ông thêm: Giờ đây cuộc đối thoại phải tiến thêm. Ðiểm cao chót của con đường này dĩ nhiên còn xa xăm; nhưng phải công nhận rằng: chuyến viếng thăm này đã đưa gần tới đỉnh sau cùng của nó.

 Nhà ngoại giao Do thái nêu lên ba chiều kích của chuyến viếng thăm:

 Chiều kích lịch sử: dĩ nhiên chuyến viếng thăm liên kết chặt chẽ với Ðại Toàn xá kỷ niệm 2,000 năm lịch sử cứu rỗi của Kitô Giáo. Về phương diện này, chính phủ Do thái cam đoan làm hết sức, để mọi sự diễn tiến tốt đẹp và vượt được các khó khăn có thể xẩy đến (như vấn đề an ninh), cách riêng tại Thánh Giêrusalem cũ và tại Korazim, nơi ÐTC cử hành thánh lễ ngoài trời bên Núi Phúc Thật, với sự tham dự của khoảng 100 ngàn thanh niên, đến từ nhiều nơi trên thế giới. Về khía cạnh này, chính phủ Israel rất thỏa mãn, vì mọi việc đã diễn tiến trong an bình. Chính cảnh sát đã công nhận: không có một vụ rắc rối nào, dù nhỏ mọn, đã xẩy ra.

 Về chiều kích thứ hai, Ðại sứ Lopez nhấn mạnh đến giá trị của "sứ điệp" do chuyến viếng thăm này đem đến cho Dân tộc Israel. Sứ điệp "về hòa bình, về chung sống, về đối thoại, về hòa giải" giữa các phe tranh chấp cũng như giữa các tôn giáo, các dân tộc khác nhau. Ðại sứ nhận xét ngay: Dĩ nhiên thành quả không thể thấy được trong chốc lát, hoặc trong thời gian ngắn. Nhưng tôi xác tín rằng: sứ điệp này sẽ có thể hướng dẫn các phe trong việc tiếp tục các cuộc đàm phán về hòa bình".

 Chiều kích thứ ba, theo Ðại sứ Do thái cạnh Tòa Thánh, nhằm đến việc cổ võ việc đối thoại và tiếp tục tiến trình hòa giải giũa người Do thái và Giáo hội công giáo. Ðại sứ Lopez quả quyết: Những lời Ðức Gioan Phaolô II nói lên tại Ðài Tưởng Niệm Yad Vashem, nơi kính nhớ các nạn nhân của những vụ bài trừ Do thái, và cuộc gặp gỡ đầy thân mật và cảm động tại Ðài Tưởng Niệm này giữa Ðức Karol Wojtyla và các bạn cũ Do thái-Ba lan sống sót, sau những vụ tiêu diệt: đây là những sự kiện không bao giờ có thể quên được. Rồi việc kính viếng và cử chỉ cầu nguyện bên Bức tường Than khóc, hôm Chúa nhật 26 tháng 3/2000 vừa qua và sau đó Ðức Gioan Phaolô II để lại bản kinh của ngài nơi Bức Tường, theo truyền thống Do thái, cũng không thể quên được. Cử chỉ này đã chinh phục tâm hồn người Do thái. Ðại sứ giải thích: Cho dù bản kinh cũng là bản kinh đọc lên trong ngày 12.3.2000 vừa qua trong Ðền thờ Thánh Phêrô, lời kinh thú tội "Mea culpa" (sự lầm lỗi trong dĩ vãng của Giáo hội công giáo đối với Dân Do thái); nhưng cử chỉ tiêu biểu theo đúng truyền thống Do thái của Ðức Karol Wojtyla đã làm nên sự khác biệt giữa hai lần cầu nguyện.

 Ðại sứ Lopez quả quyết: Chắc chắn chuyến viếng thăm này đã san phẳng con đường, để cuộc đối thoại tiềp tục với xác tín mạnh mẽ hơn. Tôi hy vọng rằng: Giáo hội sẽ bắc một chiếc cầu giữa lịch sử và khoa thần học. Về phía chúng tôi, chúng tôi cũng phải tìm cách thúc đẩy, để cuộc đối thoại gia tăng. Nhà ngoại giao Do thái cũng công nhận rằng: việc đối thoại tại Châu Âu dễ dàng hơn tại Israel, vì tại Israel các tín hữu Kitô thuộc thiểu số và đa số là người Ả rập, và hơn nữa vì tình hình tôn giáo và chính trị tại đây lẫn lộn.

 Trong phần kết thúc cuộc họp báo, Ðại sứ Do thái nhấn mạnh đến những cảm tình và việc đánh giá cao mà các phương tiện truyền thông xã hội, theo dõi chuyến viếng thăm, dành cho ÐTC ngay từ lúc ngài đặt chân lên Ðất Do thái. Các bài vở, các cuộc tranh luận, các buổi họp bàn tròn và cả hai cuốn phim về đời sống và về chuyến viếng thăm sau cùng của Ðức Karol Wojtyla tại Ba lan, đã được theo dõi tới mức tối đa.

 Ðại sứ tóm lại như sau : Ðây là chuyến viếng thăm quan trọng nhất, chưa bao giờ có một chuyến viếng thăm lịch sử như vậy tại Israel và không gì làm chúng tôi vui mừng hơn là được nghe ÐTC biểu lộ sự hài lòng hoàn toàn của ngài về chuyến viêng thăm đã thực hiện. Báo chí Isarel vẫn còn nói và nhắc lại nhiều chứng tá về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Thánh địa. Nhật báo lớn nhất tại Giêrusalem: "Jerusalem Post" thuật lại nhiều chứng tá khác nhau sau chuyến viếng thăm, trong đó có chứng tá thế giá của ông Michael Melchior, Bộ trưởng Phụng tự, người đã tiếp đón ÐTC lúc ngài đến kính viếng và cầu nguyện bên Bức Tường Than khóc Chúa nhật 26.3.2000, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm. Ông tuyên bố: "Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II có một công hiệu vô cùng lớn lao. Tôi tin rằng một giai đoạn mới (giai đoạn của mối quan hệ giữa người Do thái và tín hữu Kitô) đã bắt đầu; các việc khác cũng sẽ theo sau".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page