Những ngày Năm Thánh tại Roma
Chứng nhân sống động
trong các cuộc hành hương toàn xá

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Những ngày Năm Thánh tại Roma: Chứng nhân sống động trong các cuộc hành hương toàn xá.

 Năm Thánh đang mang lại những thành quả cụ thể về đàng thiêng liêng. Hằng ngày nhật báo L'Osservatore Romano thu lượm nhiều chứng tá khác nhau của các người hành hương đến Roma kính viếng các Ðền thờ, các di tích lịch sử thánh và nhất là để củng cố đức tin bên mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và sau đó trở lại nhà dấn thân mạnh mẽ hơn trong đời sống Kitô và trong việc rao giảng Tin Mừng. Ðây chính là mục đích của Năm Thánh: trở về với Thiên Chúa và dấn thân minh chứng đức tin trong đời sống hằng ngày tùy theo ơn gọi của mỗi một người.

 Muốn cải tổ và thay đổi bộ mặt của thế giới ngày nay - một thế giới mỗi ngày mỗi xa các giá trị cao quí tinh thần, chạy theo thú vui, tiền tài, danh vọng, một thế giới thiếu tình liên đới, tình huynh đệ, một thế giới chia rẽ vì ý thức hệ, vì quyền lợi vật chất, một thế giới trong đó có từng trăm triệu con người sống trong đói khổ, dốt nát và chiến tranh - mỗi người, cách riêng các tín hữu Kitô và các tín hữu của các tôn giáo khác, phải trở về các giá trị tôn giáo và phổ biến các giá trị này cho những nguời chung quanh mình. Chỉ có những giá trị tinh thần, đạo đức này mới cứu thoát được nhân loại.

 Trong Năm Thánh, nhiều tín hữu công giáo đã ý thức được bổn phận "canh tân đời sống riêng của mình", để sau đó canh tân xã hội, thay đổi thế giới, như Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã quả quyết với một nhà báo hỏi Mẹ: Phải làm gì để thay đổi thế giới và Giáo hội ngày nay? - Và Mẹ Têrêsa Calcutta đã trả lời như sau: "Phải bắt đầu từ ông và từ tôi".

 Nữ tu Mary Bush, thuộc đoàn hành hương đến từ Giáo phận Seraton (bang Pennsylvania - Hoa kỳ), nói với phóng viên Nhật báo L'Osservatore Romano rằng: Ðoàn hành hương chúng tôi gồm hầu hết người giáo dân, họ rất hăng say. Một người trong đoàn, ông James Mc Key, bác sĩ, tuyên bố: Tại đây, ở Roma này, tôi tìm đào sâu khía cạnh thiêng liêng về nghề nghiệp của tôi, để gặp gỡ các bệnh nhân mỗi ngày mỗi thêm mãi trong tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, Người Samaritano nhân hậu. Ðây là điều ÐTC đã nói lên nhiều lần trong các buổi tiếp kiến dành cho các nhân viên hoạt động trong ngành Y tế.

 Nhóm khác, trong Ðền thờ Thánh Phêrô, gồm 30 Tu sĩ Dòng Phanxicô đang học thần học tại Verona và Venezia (bắc Ý), đến hành hương Roma. Một trong các sinh viên Tu sĩ này giải thích như sau: Trong bối cảnh của con đường trở về với Thiên Chúa, đến Roma có nghĩa là đến múc kín từ nguồn mạch nguyên thủy của đức tin, bởi vì đây là trung tâm Giáo hội, múc kín từ nơi của truyền thống và của việc kế vị, từ Thánh Phêrô cho tới lúc này. Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, một Giáo hội bất diệt, vì do chính Chúa Giêsu Kitô sáng lập và trao quyền cho Phêrô và các Vị Kế nghiệp ngài: "Ta sẽ xây Giáo hội Ta trên tảng đá này. Quyền lực hỏa ngục không thể lay chuyển nổi. Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế". Lời Chúa là chân lý vĩnh cửu. Giáo hội, dù bị bách hại trong mọi thời đại, vẫn tồn tại và vẫn phát triển khắp nơi.

 Cha Diulio Testa, truyền giáo 30 năm tại Congo, (Châu phi), trở về Ý làm cha sở hơn một năm nay, tuyên bố: Phải ra đi gặp gỡ người dân, không phải ngồi chờ đợi người ta đến với mình; ra đi gặp các gia đình, các người nghèo khổ, các thanh niên: đây là cách thế duy nhất để làm cho họ biết Chúa Giêsu. Ðại Toàn xá rất quan trọng, bởi vì Toàn xá kêu gọi chúng ta lưu ý đến thực tại này, đến bổn phận trở nên những người hành hương liên lỉ tiến về Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong các Nhà Tạm của các nhà thờ, nhưng cũng hiện diện nơi anh chị em chúng ta nữa.

 Bà Costanza Ballestra, thuộc đoàn hành hương Venti-miglia- Saremo, giáo phận giáp giới Pháp, sau khi kính viếng các Ðền thờ, tuyên bố: Rất thỏa mãn về chuyến ra đi đạo đức này. Bà nói: Trong lúc lên đường, tôi rất lo lắng, vì tôi không có quan niệm rõ ràng về một cuộc hành hương. Trái lại, lúc đến Roma, tôi đã gặp được những người rất tốt lành và nốùi kết tình bạn với họ. Tôi ra đi với một nỗi buồn, nhưng lúc trở về, tôi đã được an vui hạnh phúc trong tâm hồn. Riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng biến cố lạ lùng ngày đã đạt được mục đích nơi tâm hồn tôi.

 Cha Gabriel, từ Colombia đến Roma dự lễ phong Chân Phước của Ðầy Tớ Chúa Use Hoyos (Chúa nhật 9.4.2000 vừa qua), tuyên bố: Chúng ta xin Chúa tha thứ cho chúng ta, cũng vậy chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho người khác. Chúa nhật, trong thánh lễ phong chân phước, tôi được sống những giờ phút đặc biệt cho Giáo hội tại Colombia. Hôm nay đây tôi bước qua Cửa Thánh Ðền thờ Thánh Phêrô, để lãnh Bí tích Hòa giải và để đích thân sống Ơn Toàn xá.

 Cha Gabriel từ Thánh địa trở về Roma. Cha đã cùng với các thanh niên thuộc Phong trào Tân Dự Tòng tham dự thánh lễ do ÐTC cử hành bên Núi Phúc Thật, cuối tháng ba vừa qua. Bên cạnh Cha, có cha Carlos, một linh mục trẻ tuổi, hiện đang theo học tại Học viện Redemptoris Mater (Mẹ Ðấng Cứu chuộc) ở Roma, nói tiếp theo Cha Gabriel rằng: Nếu chúng ta bảo vệ các nơi thánh với mọi phương thế có thể, điều này có nghĩa là: Kitô giáo không phải là một ý thức hệ, nhưng là một sự kiện. Chúa Kitô sống động và luôn luôn hoạt động trong Giáo hội.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page