Năm Vị Tân Chân phước
được ÐTC tôn phong
ngày Chúa Nhật 9/4/2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Năm Vị Tân Chân phước được ÐTC tôn phong vào ngày Chúa Nhật 9/4/2000.

 Chúa nhật 9.4.2000, lúc 10 giờ sáng, trong thánh lễ trọng thể tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong năm Vị Ðầy Tớ Chúa lên bậc Chân phước: Cha Mariano de Jesús Euse Hoyos, linh mục triều, người Colombia, qua đời năm 1926 - Cha Phanxicô Xaviê Seelos, người Ðức, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, qua đời năm 1867 và Ba Nữ Tu sáng lập Dòng: Mẹ Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan, người Ấn độ - Mẹ Maria Elisabeth Hesselblad, người Thụy điển và Mẹ Anna Rosa Gattorno, người Ý.

 Ba Nữ Chân Phước mới chứng minh điều mà ÐTC Gioan Phaolô II thường nói lên nhiều lần và gọi là "thiên tài của Nữ giới". Thiên tài này được biểu lộ nơi Mẹ Mankidiyan do các công việc từ thiện bác ái, giúp đỡ người nghèo khổ và người hèn hạ trong xã hội - nơi Mẹ Hesselblad qua sự dấn thân đối thoại nhằm tiến đến sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và nơi Mẹ Gattorno do việc phục vụ các người nghèo khổ và bị bỏ rơi ngoài lề xã hội.

 1 - Mẹ Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan, sinh tại Bang Kerala, năm 1876, qua đời năm 1926, thuộc Lễ nghi Siro-Malabarese, xét về nhiều phương diện, được gọi là "Vị Tiền hô" và "hình ảnh" của Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Mẹ là một nhà thần bí và đã đượïc in năm dấu thánh, như Cha Pio. Các người nghèo, các bệnh nhân, các trẻ em mồ côi, các phụ nữ sống ngoài đường và thuộc giới hạ lưu Ấn độ (Paria) đều là con cái thuộc gia đình của Mẹ. Mẹ đã là một người đẩy mạnh việc tông đồ mục vụ gia đình và đây cũng là "đặc sủng riêng" của Tu hội "Thánh Gia" do Mẹ sáng lập năm 1913.

 Lúc Mẹ qua đời (50 tuổi) Dòng có 55 nữ tu, 30 học sinh và 10 em mồ côi. Cha Joseph Vithayathil, vị linh hướng và đồng sáng lập, tiếp tục công việc của Mẹ, cho đến khi ngài chết năm 1964. Hiện nay, năm 2000, Dòng có 1,592 Nữ tu khấn, 119 tập viên, phục vụ tại Bang Kerala, tại các giáo xứ thuộc miền Bắc Ấn độ, tại Ðức, Ý và Ghana, rải rắc trong 172 nhà.

 2 - Mẹ Maria Elisabeth Hesselblad, người Thụy điển, sinh trong gia đình Tin Lành Luther, năm 1870, người thứ năm trong số 13 người con. Từ năm 1888 đến 1904, di cư sang Hoa kỳ làm Y tá tại Bệnh viện thời danh Roosvelt ở New York. Tại đây, năm 1902, Mẹ trở lại Giáo hội công giáo, do lời khuyên của Cha Linh hướng Dòng Tên. Nhờ tiếp xúc với đau khổ và bệnh tật, Mẹ có một sự nhậy cảm đặc biệt đối với con người và về đàng thiêng liêng, cố gắng theo gương Thánh Nữ Brigida, cũng người Thụy điển. Năm 1911, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ sáng lập, nói đúng hơn là tái lập Dòng Nữ Chúa Cứu Thế rất thánh, do chính Thánh Nữ Brigida sáng lập. Một trong các mục đích của Dòng do Thánh Nữ Brigida sáng lập và do Mẹ Hesselblad tái lập là chuyên cầu nguyện và hoạt động bằng các phương thế khác nhau, để cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Vì thế Mẹ được gọi là tông đồ của Phong trào hiệp nhất, do việc dấn thân không biết mỏi mệt, để đạt được mục đích này.

 Bề trên Tổng quyền hiện nay của Dòng Thánh Brigida , tuyên bố trong dịp lễ Phong Chân phước của Mẹ Maria Elisabeth Hesselblad như sau: "Không cái gì giúp vào việc giáo dục hiệu nghiệm hơn về niềm hy vọng tiến đến hiệp nhất, bằng việc nhìn thẳng vào bức ảnh hấp dẫn của những người nam, nữ đã sống trong cuộc đời của mình niềm hy vọng này.

 Sau cuộc đời được đánh dấu bằng đau khổ và bệnh tật, Mẹ Hesselblad qua đời tại Tu viện ở Roma, ngày 24 tháng 4 năm 1957, để lại cho các con cái trong Dòng một gương sáng chói về thánh thiện và về dấn thân trong cầu nguyện và hoạt động cho việc hiệp nhất các tín hữu Kitô. Dòng Thánh Nữ Brigida hiện nay có hơn 600 nữ tu, trong đó có một chị người Việt nam, mới khấn tạm. Các nữ tu này hoạt động tại Hoa kỳ, Ấn độ và một số quốc gia Châu Âu, trong đó có Thụy điển, quê hương của Mẹ.

 3 - Mẹ Anna Rosa Gattorno - Cuộc đời của Mẹ Gattorno cũng được đánh dấu bằng nhiều đau khổ và tình yêu đối với Chúa Kitô đóng đanh. Sinh tại Genova (miền Tây bắc nước Ý) năm 1831 trong một gia đình giầu có. Năm 21 tuổi Gattorno lập gia đình với người anh em họ tên là Gerolamo Custo. Sau đó cả hai sang Marseillle (Pháp) làm việc và được ba người con. Nhưng hạnh phúc gia đình không được bao lâu. Gặp nhiều khó khăn về kinh tế, Custo phải đưa vợ con trở về Genova. Ðức con gái đầu lòng bị bệnh rồi chết sớm. Sau đó, Custo cũng chết, sau một cơn bệnh. Cách ít tháng con trai thứ hai cũng qua đời, để lại biết bao đau đớn và khổ cực cho người vợ và người mẹ trẻ trung.

 Năm 1862, người mẹ trẻ trung này được in dấu thánh, nhưng không có gì biểu lộ bên ngoài. Năm 1867, sau khi được sự khuyến khích của Ðức Pio IX, Anna Rosa Gattorno lập Tu hội mới tại Piacenza và đặt tên là "Tu hội các Nữ tử Thánh Anna". Mục đích của Tu hội là chiến đấu chống lại mọi hình thức đau khổ và cảnh nghèo đói cùng cực, về tinh thần cũng như vật chất.

 Năm 1878, Dòng của Mẹ lan rộng tại Bolivia, Brazil, Chili, Perù (Nam Mỹ châu), Eritrea (Phi châu), Pháp và Tây ban nha (Âu châu). Lúc Mẹ Gattorno qua đời năm 1900, Dòng đã có 3,500 Nữ tu, rải rắc trong 368 nhà. Từ đó đặc sủng của Dòng được phổ biến nhanh chóng tại nhiều nước trên thế giới, nhờ vào hoạt động của các con cái và nhất là nhờ vào những hình thức mới về đời sống Phúc Âm, liên kết với con đường Tu đức do Mẹ đã để lại, con đường tu đức được nuôi dưỡng bằng tình yêu mến đối với Chúa Kitô đóng đanh, Ðấng mà Mẹ Gattorno đã hoàn toàn phú thác tất cả cuộc đời và các công việc của Tu hội, Ðấng đã dùng sự đau khổ để hướng dẫn người quả phụ trẻ trung này đến việc từ bỏ thế gian, để hiến tất cả cuộc đời cho Tình yêu và cho việc cứu rỗi các linh hồn.

 4 - Cha Phanxicô Xaviê Seelos, linh mục Dòng Chúa Cứu thế, người Ðức, sinh năm 1819, trong miền Bavière. Từ nhỏ, Seelos đã muốn làm linh mục để phục vụ tha nhân. Nghe biết Dòng Chúa Cứu Thế được sáng lập để rao giảng Tin Mừng cho các người nghèo, các người bị bỏ rơi hơn cả, nhất là tại các miền thôn quê, Seelos quyết định xin vào Dòng này, để được đi truyền giáo cho người dân Ðức di cư tại Hoa kỳ.

 Năm 1842, được nhận vào Dòng. Năm sau, thầy Seelos sang Pháp, xuống tầu từ cửa biển Le Havre, tới New York 20.4.1843. Sau những năm tập và học thần học, Thầy Seelos thụ phong linh mục ngày 22.12.1844, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Baltimore (Bang Maryland). Sau đó được sai làm phó xứ của Thánh John Neumann, cũng Dòng Chúa Cứu thế, tại Pittsburg (Pennsylvania). Rồi làm Bề trên nhà, làm cha sở, cha giáo nhà tập. Trong thời kỳ sống và làm việc với Thánh Neumann, Cha Seelos tuyên bố : Ngài giúp đỡ tôi trong đời sống hoạt động tông đồ và hướng dẫn tôi như cha linh hướng và cha giải tội".

 Năm 1854, từ Pittsburg, cha Seelos được chuyển về Baltimore, rồi Cumberlan và Annapolis. Cha thường nói: Tòa giải tội của tôi luôn luôn mở cửa đón mọi người. Tôi giải tội bằng tiếng Ðức, tiếng Anh, tiếng Pháp, người da trắng, người da đen, không trừ một ai".

 Năm 1860, cha được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Pittsburg, nhưng cha đã xin Ðức Pio IX miễn chức vụ này. Từ năm 1863 đến 1866, cha nhận trách nhiệm làm nhà truyền giáo lưu động. Cha đi giảng bằng tiếng Ðức, tiếng Anh trong các Bang Connecticut, Illinois, Michigan, Missouri, New Jersey, New York, Ohio, Pennsylvania, Rhode Island và Wisconsin. Năm 1866, cha được chuyển về làm cha sở tại New Orleans (Louisiana). Tháng 9 cũng năm 1866, bị kiệt sứ do việc thăm viếng liên tiếp các bệnh nhân, bị lây bệnh và qua đời ngày 4.10.1867, chưa dầy 49 tuổi.

 5 - Cha Mariano de Jesús Euse Hoyos, linh mục giáo phận, nguời Colombia, sinh năm 1845, con cả trong 7 người con. Lúc được hai tuổi, Hoyos dã lãnh bí tích Thêm sức (thời đó). Vì không muốn cho con theo học trường nhà nước, lúc đó hoàn toàn do Bè Nhiệm cầm quyền, ghét đạo, chống Giáo hội, cha mẹ lo cho con học riêng ở nhà. Khi Hoyos tỏ ý muốn làm linh mục, cha mẹ trao phó cho người chú cũng làm linh mục, cha Firmino Hoyos. Năm 1869, Hoys vào chủng viện Tổng giáo phận Medellin và thụ phong linh mục ngày 14.7.1872. Sau những năm phục vụ tại các giáo xứ khác nhau, cha Hoyos được bổ nhiệm làm cha sở họ Angostura và qua đời tại đây.

 Cha yêu thương các người nông thôn, vì cha luôn luôn nhớ rằng mình cũng đã sống cuộc đời vất vả như họ cho tới 16 tuổi. Cha rất lưu ý đến những nhu cầu vật chất và thiêng liêng của người dân. Cha biết tâm lý dân chúng, biết nói thẳng vào tâm hồn họ, vì bài giảng của cha rất đơn sơ, nhưng cũng rất hiệu nghiệm. Cha tìm cách phổ biến việc đọc các sách đạo tốt, giảng dạy giáo lý cho mọi người, người nghèo, người giầu, người lớn, trẻ em, nam giới, nữ giới. Cha cổ võ việc sống đạo trong giáo xứ và việc tham dự thánh lễ cách riêng các ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng, việc đọc kinh Mân côi trong các gia đình, việc tôn sùng Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, lập các hội đoàn, nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho các ơn kêu gọi linh mục và tu dòng, truyền giáo.

 Ngoài ra, cha còn lo việc xây cất các nơi phụng tự, các nhà nguyện kính Ðức Mẹ Núi Carmelo và Thánh Phanxicô và lập Ðất thánh an táng các người công giáo. Tất cả các công việc này giúp rất nhiều cho đời sống Kitô trong giáo xứ. Mọi người cảm nghiệm sự săn sóc của Giáo hội là Mẹ và là Thầy.

 Nhưng sự thành công của Cha Hoyos nhất là do việc cầu nguyện và hy sinh trong đời sống linh mục. Ngài tôn sùng Thánh Thể, nguồn mạch sự thánh thiện và sức mạnh của việc tông đồ; sùng kính Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ các linh mục. Mục tiêu của ngài: Vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

 Cha Hoyos qua đời lúc 81 tuổi, sau những năm chịu bệnh. Ngài nói trước khi chết: "Tôi đã sống lâu rồi. Ước muốn mạnh mẽ nhất của tôi là dược kết hợp với Chúa Giêsu của tôi". Ðọc qua hạnh Chân phước Euse Hoyos, chúng ta không thấy những việc lạ lùng, khác thường. Nên thánh ở tại chu toàn thánh ý Chúa và chu toàn bổn phận trong ơn gọi của mỗi người. "Làm mọi việc thường hằng ngày, nhưng với cách khác thường, nghĩa là với lòng yêu mến, như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nói: "Tôi đã tìm thấy ơn gọi và sứ vụ của tôi trong lòng Giáo hội: đó là Tình Yêu."
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page