Bài Giảng của ÐTC
trong thánh lễ nơi Mồ Thánh, tại Gierusalem,
lúc 11:30 trưa Chúa Nhật 26 tháng 3/2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài Giảng của ÐTC trong thánh lễ nơi Mồ Thánh, tại Gierusalem, lúc 11:30 trưa Chúa Nhật 26 tháng 3/2000.

 "Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô.... Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh. Chịu nạn thời quan Phonxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác..... Ngày thứ ba, bởi trong kẻ chết mà sống lại."

 1. Tiến theo con đường của lịch sử cứu rỗi, như được thuật lại trong kinh Tin Kính, cuộc hành hương năm thánh của tôi dẫn đến Thánh Ðịa. Từ Nazareth, nơi Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria do bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần, Tôi đã đến Giêrusalem, nơi Chúa "chịu nạn dưới thời quan Phonxiô Philatô, chịu đóng đinh, chết và táng xác." Nơi đây, trong Nhà Thờ của Mồ Thánh, Tôi quỳ gối trước nơi an táng Chúa: "Ðây là nơi họ an táng Ngài" (Mc 16, 6).

 Ngôi mộ trống không. Ðó là bằng chứng trong im lặng cho biến cố trung tâm của lịch sử nhân loại: biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong suốt hai ngàn năm qua, ngôi mộ trống đã làm chứng cho chiến thắng của Sự Sống trên sự chết. Cùng với các tông đồ và các thánh sử, cùng với Giáo Hội mọi nơi và mọi lúc, chúng ta cũng làm chứng và công bố rằng: "Chúa Kitô đã sống lại! Sống lại từ cỏi chết, Người không còn chết nữa; sự chết không còn quyền lực gì trên Người nữa" (x. Roma 6, 9)

 Trong ca tiếp liên lễ Phục Sinh, chúng ta công bố: "Sự chết và sự sống hai bên song đấu cách diệu kỳ; thủ lãnh sự sống chết đi, nhưng vẫn sống và cai trị." Chúa của sự sống đã chết, nhưng giờ đây Người hiển trị, chiến thắng trên sự chết; Người là nguồn mạch sự sống đời đời cho tất cả những ai tin.

 2. Tại nơi mà thánh Gioan Damascene gọi là "Mẹ của mọi giáo hội", tôi xin chào Ðức Giáo Chủ Michel Sabbah, những vị Giám Mục bản quyền của những cộng đoàn công giáo thuộc các nghi thức khác, Linh Mục Giovanni Battistelli và các tu sĩ Phanxicô của Giáo Hạt Quản Thủ Thánh Ðịa, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

 Với tâm tình mộ mến, Tôi xin chào Ðức Giáo Chủ Diodoros của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, và Ðức Giáo Chủ Torkom của Giáo Hội chính thống Armeni, những vị đại diện cho các Giáo Hội thuộc các nghi thức Copte, Syri và Ethiopi, và những vị đại diện của các cộng đoàn Anh Giáo và Tin Lành Lutêrô.

 Tại nơi đây, nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã chịu chết, để quy tụ tất cả thành một đại gia đình những con cái của Thiên Chúa đã bị tản mác (Jn 11, 52), nguyện xin Thiên Chúa nhân từ cũng cố ước muốn của chúng ta tìm về hiệp nhất và hòa bình giữa tất cả những ai đã lãnh nhận hồng ân sự sống mới, nhờ qua nước cứu rỗi của bí tích Rửa Tội.

 3. "Hãy phá hủy đền thờ nầy đi, rồi trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Jn 2, 19). Thánh Sử Gioan cho chúng ta biết rằng, sau khi Chúa Giêsu từ kẻ chết sống lại, thì các môn đệ nhớ lại những lời trên, và các ngài tin (x. Jn 2, 22). Chúa Giêsu đã nói những lời trên, ngõ hầu chúng trở nên dấu chỉ cho các môn đệ. Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến Ðền Thờ, thì Ngài đuổi những kẻ đổi tiền và những con buôn ra khỏi nơi thánh (x. Jn 2,15). Khi những kẻ hiện diện phản đối, nói rằng: "Ông có dấu chỉ nào cho chúng tôi biết là ông có quyền làm như vậy?, thì Chúa Giêsu trả lời: "Hãy phá hủy đền thờ nầy đi, rồi trong ba ngày ta sẽ xây lại". Tác giả phúc âm theo thánh Gioan ghi nhận rằng "Chúa nói về đền thờ thân thể Người" (Jn 2, 18- 21).

 Lời tiên tri tích chứa trong những lời Chúa nói, được thực hiện trong ngày lễ Vượt Qua, khi "Chúa sống lại từ trong kẻ chết vào ngày thứ ba". Việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại là dấu chỉ cho biết rằng Thiên Chúa Cha Hằng Hữu là Ðấng trung thành với Lời Ngài hứa và mang đến sự sống mới từ sự chết: tức "sự phục sinh của thân xác và sự sống đời đời". Mầu Nhiệm được phản chiếu rõ ràng tại Nhà Thờ cổ kính của Mồ Chúa nầy, nơi có Ngôi Mộ trống - dấu chỉ cho sự Phục Sinh, và đồi Golgotha, nơi đóng đinh Chúa. Tin Mừng Phục Sinh không bao giờ có thể bị tách rời ra khỏi Mầu Nhiệm Thập Giá. Thánh Phaolô nói cho chúng ta biết điều nầy trong bài đọc thứ hai của thánh lễ hôm nay: "Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh" (1 Co 1, 23). Chúa Kitô, Ðấng dâng hiến chính mình như lễ tế ban chiều trên bàn thờ Thập Giá (x. Tv 141, 2), giờ đây được biểu lộ như là "quyền năng của Thiên Chúa và như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa" (1 Co 1, 24). Và trong sự Phục Sinh của Chúa, những con cái nam nữ của Ađam được trở thành những kẻ tham dự vào sự sống thần thiêng, sự sống của Chúa Kitô từ thuở đời đời, cùng với Thiên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần.

 4. "Ta là Thiên Chúa, Chúa của các người, là Ðấng đã đưa các người ra khỏi Ai Cập, ra khỏi vòng nô lệ" (Xh 20, 2). Phụng Vụ Mùa Chay hôm nay đặt trước mắt chúng ta Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Dân Ngài trên Núi Sinai, khi Ngài trao ban Mười Giới Răn cho Môisen. Núi Sinai là giai đoạn thứ hai của cuộc hành trình cao cả của đức tin, một cuộc hành trình đã được bắt đầu từ khi Thiên Chúa nói với tổ Phụ Abraham: "Hãy ra đi khỏi quê hương con, xa khỏi bà con thân tộc và nhà cửa của tổ tiên con, để đến nơi mà Ta sẽ chỉ cho con" (Stk 12, 1).

 Lề Luật và Giao Ước là dấu ấn đóng vào lời Hứa cho Tổ Phụ Abraham. Nhờ qua Thập Giới và luật luân lý được khắc ghi trong tâm hồn con người (x. Roma 2,15), Thiên Chúa thách thức tận gốc rễ sự tự do của mọi người nam nữ. Ðáp lại tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong cỏi thâm sâu lương tâm chúng ta và quyết chọn điều tốt, đó là cách xử dụng cao cả nhất sự tự do con người. Ðó thật sự là chọn lựa giữa sống và chết (x. Ðnl 10, 15). Nhờ bước đi theo con đường của Giao Ước với Thiên Chúa toàn thánh, dân chúng trở thành kẻ mang lấy và làm chứng cho lời Hứa, lời hứa của sự giải phóng đích thật và của sự sống trọn đầy. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là dấu ấn quyết định cả tất cả mọi lời Hứa của Thiên Chúa, là nơi khai sinh nhân loại mới, nhân loại được phục sinh, là bảo chứng của một lịch sử được ghi dấu bởi những hồng ân của Ðấng Thiên Sai, hồng ân hòa bình và niềm vui thiêng liêng. Vào lúc bình minh của ngàn năm mới, những người Kitô có thể và phải nhìn đến tương lai với lòng tin tưởng vững chắc vào quyền năng vinh hiển của Ðấng Phục Sinh có thể làm cho mọi sự được đổi mới (x. Kh 21, 5). Chúa Phục Sinh là Ðấng giải phóng toàn thể tạo vật khỏi vòng nô lệ sự phù vân (x. Roma 8,20). Do bởi sự Phục Sinh của mình, Chúa Giêsu mở ra con đường dẫn đến sự nghỉ ngơi thánh của ngày Sabath, ngày thứ Tám, khi cuộc hành trình của nhân loại đi đến lúc kết thúc, và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả (1 Co 15, 28).

 Nơi đây, tại Mồ Thánh và đồi Golgotha, khi chúng ta lặp lại lời tuyên xưng Ðức Tin vào Ðấng Phục Sinh, liệu chúng ta còn có thể nghi ngờ rằng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần ban sự Sống, chúng sẽ được ban cho sức mạnh để vượt qua những chia rẽ giữa chúng ta và cộng tác làm việc chung để xây dựng một tương lai hòa giải, hiệp nhất và hòa bình, hay không? Nơi đây, và không tại nơi nào khác trên thế giới, chúng ta nghe Chúa nói một lần nữa với các môn đệ: "Chúng con đừng sợ! Ta đã thắng thế gian!" (x. Jn 16, 33)

 5. "Sự chết và sự sống hai bên song đấu rất diệu kỳ; vị thủ lảnh cả sự sống chết đi, nhưng ngài vẫn sống và cai trị". Ðược chiếu sáng trong vinh quang của Thánh Thần, Chúa Phục Sinh là thủ lãnh của Giáo Hội, Nhiệm Thể của Người. Chúa nâng đỡ Giáo Hội trong sứ mạng rao giảng Phúc Âm cứu rỗi cho những con người nam nữ thuộc mọi thế hệ, cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang!

 Từ nơi đây, nơi mà Biến Cố Phục Sinh được những người nữ biết đến đầu tiên, rồi đến các Tông Ðồ, Tôi khuyến khích mọi thành phần của Giáo Hội hãy canh tân sự vâng phục của họ đối với lệnh truyền của Chúa: đó là hãy phổ biến Phúc Âm cho đến tận cùng trái đất. Vào khởi đầu ngàn năm mới, có nhu cầu to lớn phải rao giảng từ trên máy nhà, (rao giảng) Tin Mừng rằng "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một mình, ngõ hầu ai tin vào Người, sẽ không phải chết, nhưng có sự sống đời đời" (Jn 3, 16). "Lạy Thầy, Thầy có những lời ban sự sống đời đời" (Jn 6, 68). Ngày hôm nay, như là đấng kế vị không xứng đáng của thánh Phêrô, tôi muốn lặp lại những lời trên, khi chúng ta cử hành Hy Tế Thánh Thể tại nơi đây, nơi đáng chúc tụng nhất trên mặt đất nầy. Với trọn cả nhân loại đã được cứu chuộc, Tôi nói lại những lời mà Thánh Phêrô, người lưới cá, đã nói với Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, rằng: "Lạy Chúa, chúng con sẽ đến với ai bây giờ? Chúa có lời ban sự sống đời đời".

 Chúa Giêsu Kitô đã sống lại. Ngài thật sự đã sống lại. Amen.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page