Một liên hoan phim châu Á và Iran
về trẻ em bất hạnh
đã có tiếng vang nơi giới trẻ Philippin

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Một liên hoan phim châu Á và Iran về trẻ em bất hạnh đã có tiếng vang nơi giới trẻ Philippin.

 Tin MANILA (UCAN 29-2-2000) -- Một liên hoan phim châu Á và Iran về trẻ em bất hạnh đã có tiếng vang nơi giới trẻ Philippin, kể cả trẻ em đường phố và đã nêu lên với người lớn những vấn đề nhạy cảm của trẻ em. Jojo, 11 tuổi, một trẻ em đường phố, sau khi xem phim "Trẻ em của Thiên đàng" đã nói: "Tôi rất mến Ali vì em dễ thương và em yêu thương người em rất nhiều... Cũng như Ali, em muốn tặng đứa em của em một đôi giày." Ali là một bé trai nghèo trong cuốn phim của Iran, em mang đôi giày của đứa em gái đi sửa nhưng làm mất giày trên đường về nhà. Anh em trong nhà đã dùng chung đôi giày cũ của Ali để có thể đi học, bằng cách chuyển giày cho nhau mỗi ngày trong một con hẻm. Em Sam, 19 tuổi, nói: "Khi nhìn Ali vội chạy đến trường, tôi nghĩ tới những lần tôi phải làm như thế. Tôi chỉ đi bộ hay chạy mà thôi, vì tôi không có tiền để đi xe kéo." Em giải thích: "Bố tôi thất nghiệp và mẹ tôi phải ủi thuê quần áo cho người ta để kiếm sống." "Trẻ em của Thiên đàng", cuốn phim đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, là một trong tám phim tại Liên hoan Phim Thanh niên lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 1 đến 5-2-2000 tại Trung tâm Phim của Ðại học Philippin ở thành phố Quezon, phía bắc Manila. Liên hoan phim, được bảo trợ bởi tổ chức đòi chấm dứt mại dâm, khiêu dâm và buôn bán trẻ em nhằm mục đích tình dục (ECPAT), còn trình chiếu các phim tư liệu về lao động trẻ em và trẻ em sống trong các điều kiện nghèo nàn, bị lạm dụng hay bị bóc lột và các hoàn cảnh khó khăn khác.

 Hai em Jojo và Sam thuộc số trẻ em đường phố được nuôi nấng tại Trung tâm Trẻ em Vedruna do các nữ tu Carmêlô Bác ái điều hành ở thành phố Quezon. Nữ tu Carmêlô Elma Nebreja, phụ trách trung tâm, nói: "Chúng tôi vui mừng vì liên hoan phim như lần này được tổ chức để các em có cơ hội xem những phim có chất lượng." Chị nói thêm: "Phim còn dạy người lớn phải biết nhạy cảm hơn với những vấn đề và tình cảm của trẻ em. Liên hoan phim giúp chúng ta ý thức rằng các em cũng có quyền được phát biểu và được lắng nghe." Một sinh viên 17 tuổi ở trường Miriam ở thành phố Quezon đã xem hầu hết các phim tại liên hoan cho biết: "Các bộ phim gây xúc động và phù hợp vì chúng dạy các giá trị xã hội và luân lý tốt giữa người trẻ hôm nay." Một sinh viên khác bình luận rằng các bộ phim tư liệu "rất có chất lượng, ý nghĩa và mang tính giáo dục vì chúng giới thiệu những hoàn cảnh sống thực và những nguyện vọng của trẻ em khi chúng bị buộc lao động quá sớm." Trong số các bộ phim này, có phim "Không bớt một ai " (Trung Quốc), "Chiếc lá trên gối" (Inđônêxia), "Muro Ami" (người săn đá ngầm, Philippin) và "Con sông bùn" (Nhật Bản).

 "Không bớt một ai " kể về một cô gái 13 tuổi, trở thành một giáo viên thay thế tại một làng Trung Quốc khi giáo viên chính phải lo cho người mẹ bị bệnh. "Chiếc lá trên gối" cho thấy cuộc sống trẻ em đường phố Inônêxia, còn "Muro Ami" nói về việc bóc lột trẻ em trong công nghiệp đánh cá bất hợp pháp. "Con sông bùn" là câu chuyện về hai cậu bé trở thành bạn thân khi cha mẹ các em buôn bán dọc bờ sông Aji tại Osaka, Nhật Bản. ECPAT, được thành lập năm 1991, là một mạng lưới toàn cầu tranh đấu bảo vệ trẻ em khỏi nạn khai thác tình dục.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page