Chương trình
mục vụ và truyền giáo của ÐTC
trong tương lai

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Chương trình mục vụ và truyền giáo của ÐTC trong tương lai.

 Trong Tông thư được ký sau Thánh lễ bế mạc Ðại Toàn xá của năm 2000 (mồng 6 tháng Giêng năm 2001), ÐTC đưa ra khẩu hiệu: "Duc in altum: Hãy ra khơi". Với Tông thư này, Giới Giáo sĩ cũng như Giới báo chí đều công nhận rằng: Tuy tuổi đã cao và thể xác suy yếu, Ðức Karol Wojtyla luôn luôn nhìn về tương lai, bằng cách phác họa chương trình hoạt động cho chính mình và cho toàn Giáo hội. Nhìn vào cuốn nhật ký đầy các địa điểm cần viếng thăm trong những năm tới đây, chúng ta thấy rằng: Ðức Gioan Phaolô II đang thực hiện những gì ngài nói lên: Năm Thánh kết thúc; nhưng đây không là lúc ngừng bước; trái lại Năm Thánh đem đến cho Giáo hội một đà tiến mới và mạnh mẽ hơn nữa trong dấn thân mục vụ và truyền giáo, theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu, Ðấng sáng lập Giáo hội: "Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật, cho mọi dân tộc đến cùng cõi trái đất".

 Năm Thánh vừa kết thúc, ngàn năm mới được khởi sự, Ðức Karol Wojtyla đang chuẩn bị cầm gậy mục tử lên đường đem Tin Mừng đến cho muôn dân. Chương trình trong những năm tới đây xem ra hướng về Phương Ðông: Cận đông và Viễn đông nhiều hơn.

 Trước hết, chuyến viếng thăm tại Cộng hòa Ukraine được coi như là chắc chắn sẽ được thực hiện trong tháng sáu tới đây. Sau chuyến viếng thăm này, ÐTC ước mong thực hiện giấc mơ "viếng thăm các nơi liên hệ đến đức tin Kitô". Thực sự chuyến viếng thăm Thành phố Ur dei Caldei (bên Irak), quê hương của Tổ phụ Abraham vẫn còn được giữ và hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể thực hiện được.

 Trong những ngày này, Cha Roberto Tucci, vừa được bổ nhiệm làm Hồng Y, là người tổ chức không biết mỏi mệt các chuyến viếng thăm quốc tế của ÐTC, đang ráo riết hoàn tất chương trình viếng thăm các nước Syrie (có thể được thực hiện vào Mùa Xuân tới đây). Tại Thành phố Damas của Syrie, Thánh Phaolô đã được ơn trở lại và cũng tại đây các cộng đồng công giáo đầu tiên được thành lập và các môn đệ đầu tiên của Chúa được gọi là "người Kitô".

 Hy lạp cũng là điểm được nhằm đến trong năm này. Thứ tư vừa qua 24.01.2001, Tổng thống Constantino Stephanopoulos của Hy lạp, trong buổi viếng thăm Vatican, đã chính thức mời ÐTC đến Athènes, nơi đây Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại, đã rao giảng Thiên Chúa cho giới trí thức. ÐTC đã cảm ơn Tổng Thống về lời mời này. Như vậy, những khó khăn về phía Giáo hội chính thống Hy lạp xem ra đã được giải quyết. Sau cùng, cũng trong năm nay, Ðảo Malta cũng được ghi trong chương trình viếng thăm. Cha Roberto Tucci vừa cho biết: Công việc chuẩn bị chuyến viếng thăm hầu như đã hoàn tất.

 Ngoài các chuyến viếng thăm đã được ghi trong chương trình, lại có tin Giáo hội Brazil ước mong được ÐTC viếng thăm trong dịp mừng kỷ niệm 150 thành lập HÐGM Brazil. Brazile là quốc gia rộng mênh mông và HÐGM Brazile là một Hội đồng Giám mục đông nhất trên thế giới, gồm khoảng 400 thành viên.

 Không kể Brazil, miền Viễn Ðông được ÐTC quan tâm từ lâu. Cách đây gần hai năm (mồng 7 tháng 11 năm 1999), ÐTC viếng thăm New Delhi (thủ đô Ấn độ) để công bố Văn kiện sau Thượng Hội đồng về Á châu (diễn ra trong Nội Thành Vatican tháng tư năm 1998). Trong lúc này, Châu Ðại dương cũng đang chờ đợi chuyến viếng thăm của ÐTC để công bố Văn kiện về Thượng Hội đồng GM của Ðại Dương Châu" Ecclesia in Oceania" (Giáo hội tại Châu Ðại dương); nhưng chưa biết địa điểm được lựa chọn, có thể là Tân- Calédonie-chăng?

 Sang năm 2003, chúng ta nhìn về Manila: ÐTC sẽ đến đây để chủ tọa lễ nghi bế mạc cuộc gặp gỡ thế giới lần thứ bốn của các gia đình (lần thứ nhất tại Roma, tháng 10 năm 1994 - lần thứ hai tại Rio de Janeiro (Brazil) cũng tháng 10 năm 1999 - lần thứ ba tại Roma, cũng tháng 10, Ðại Toàn xá của năm 2000). Chúng ta còn nhớ lại tại chính Manila này tháng giêng năm 1995, trong ngày thế giới thanh niên, có khoảng 5 triệu người tụ họp để cầu nguyện và cử hành thánh lễ với ÐTC. Dân tộc Philippines hiên ngang là một dân tộc công giáo duy nhất tại Châu Á, trong lúc này cùng với tân Tổng Thống, là bà Gloria Arroyo, đang chuẩn bị cuộc gặp gỡ thế giới các gia dình và cuộc đón tiếp Vị chủ chăn toàn Giáo hội viếng thăm Manila một lần nữa.

 Trước cuộc gặp gỡ biển người tại Manila, tại Paris và Roma mới đây, chúng ta nhìn vào ngày thế giới Thanh niên thứ XVII, sẽ được tổ chức tại Toronto cuối tháng 7 năm 2002. Giới trẻ sẽ không bao giờ quên cuộc gặp gỡ tại Roma trong Năm Thánh vừa qua. Chắc chắn Giới trẻ sẽ tham dự với nhiều hăng say cuộc họp bạn tại Toronto. Toronto là một thành phố không xa Hoa kỳ và là thành phố có sự hiện diện của nhiều chủng tộc khác nhau, cách riêng của các cộng đồng Á châu: Nhật bản, Trung quốc, Việt nam, trong số này có nhiều người là tín hữu Kitô. Hơn nữa Toronto, tương đối không xa Trung quốc, có thể sẽ là cơ hội thuận tiện để giới trẻ Trung quốc, Ðại Hàn, Nhật bản, Việt nam, Ðài Loan... tham dự đông đảo Ngày thế giới Thanh niên năm 2002.

 Nhìn về Viễn Ðông, trong lúc chờ đợi được Bắc Kinh mở cửa, ÐTC có thể viếng thăm Ðài Loan. Ngày 14 tháng 7 năm ngoái (2000), trong lúc viếng thăm Vatican, Tổng thống Trần Thủy Biện (Chen Shiu-bian) đã chính thức mời ngài viếng thăm. Ngoài Ðài Loan ÐTC cũng có thể viếng thăm Bắc Hàn, căn cứ vào lời tuyên bố của Chủ tịch Nhà Nước, vào tháng sáu năm 2000, sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai vị lãnh đạo miền Bắc và miền Nam Ðại Hàn.

 Vậy chuyến viếng thăm Nga được nói đến từ lâu bị hủy bỏ sao? Hiện nay những căng thẳng giữa Giáo hội chính thống và Công giáo tại đây vẫn còn mạnh mẽ. Nhưng chuyến viếng thăm Ukraine tới đây có thể sẽ là con đường tiến về Moscowa trong tương lai. Chuyến viếng thăm của ÐTC dĩ nhiên không gặp khó khăn về mặt chính trị, nhưng về mặt tôn giáo, do phía Giáo hội chính thống. Nỗi lo lắng lớn lao của các vị lãnh đạo Giáo hội này là ảnh hưởng sâu rộng chuyến viếng thăm của ÐTC nơi các cộng đồng chính thống. Sẽ có rất nhiều người trở lại Giáo hội công giáo. Sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ, có tự do tôn giáo. Giáo hội công giáo, sau những cuộc bách hại dữ dội, trở lại hoạt động và ảnh hưởng dần dần tới người dân. Vì thế Giáo hội công giáo bị tố cáo là "chiêu mộ tín đồ của Giáo hội chính thống".

 Trong lúc này, ÐTC chưa thể viếng thăm Nga; nhưng các quốc gia khác trong miền này đang chờ đợi ngài, như Cộng hòa Arménie. (Thực sự chương trình viếng thăm đã được ấn dịnh vào Mùa hè năm 1999, nhưng bị đình lại, vì Ðức Giáo chủ các tín hữu Arménie qua đời ). ÐTC sẽ đến thăm Armenie để mừng kỷ niệm 1,700 năm Arménie được nghe giảng Tin Mừng. Bulgaria cũng đang chờ đợi đón tiếp Ðức Gioan Phaolô II. Thứ ba vừa qua (23.01.2001), Ðức TGM chính thống Galaktion đã công khai ủng hộ chuyến viếng thăm này. Và trong tương lai gần đây, ÐTC có thể viếng thăm Cộng hòa Kazakhstan, một quốc gia mênh mông, đa số dân cư theo Hồi giáo; công giáo thuộc thiểu số, nhưng là một cộng đồng rất sống động. Sau lời mời chính thức của Tổng thống lúc viếng thăm Vatican 24 tháng 9 vừa qua, các vị lãnh đạo Giáo hội công giáo Kazakhstan cũng bày tỏ ước mong được ÐTC viếng thăm dàn chiên nhỏ bé này.

 Trong danh sách dài này, cựu Yougoslavie (nay là cộng hòa Serbia) sau khi chế độ cộng sản độc tài của Milosevic mất quyền, cũng được ghi vào sổ các nước chờ đợi ÐTC viếng thăm.

 Ðọc qua chương trình hoạt động này, có người cho đây chỉ là một giấc mơ. Dĩ nhiên nhìn vào tuổi tác và giới hạn sức khỏe của ÐTC và nói theo phương diện loài người, có thể là giấc mơ. Nhưng thử hỏi, cách đây ít năm, ai có thể quả quyết trước được rằng Ðức Karol Wojtyla sẽ đưa Giáo hội vào Ngàn năm thứ ba? Ai là người dám quả quyết: Ngài sẽ khai mạc Năm Thánh và sau đó không vắng mặt một lần nào trong các lễ nghi cử hành và các buổi tiếp kiến, rất nhiều và nặng nhọc trong suốt Năm Toàn xá? "Duc in altum: Hãy ra khơi" Hãy dấn thân cho sứ mạng, cho đến ngày Chúa Quan phòng quyết định thể khác.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page